Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

Lễ Thánh Gia Thất ngày 28.12.2014



CN trong tuần bát nhật Giáng Sinh. Ngày 28.12.2014 . Lễ Thánh Gia Thất
 St 15,1-6. 21,1-3; Dt 11,8.11-12.17-19; Lc 2, 22-40

TỔ ẤM GIA ĐÌNH
Bài suy niệm

Cứ sự thường ai trong chúng ta cũng đều sinh ra trong một gia đình, từ chiếc nôi êm ấm của gia đình đã xuất hiện biết bao danh nhân thế giới.  Gia đình đóng vai trò then chốt trong việc trồng người, kinh nghiệm của biết bao vĩ nhân cho thấy sự thành công của cá nhân hệ tại những năm tháng lớn lên trong gia đình.  Ngay cả con Thiên Chúa xuống thế làm người cũng đã kinh qua chiếc nôi thân thương bình dị này.  Gia đình Nadarét, một gia đình gương mẫu cho tất cả mọi gia đình nhân lọai.  Gia đình này có mối liên hệ mật thiết với Thiên Chúa, từ người cha pháp lý là thánh Giuse công chính biết lắng nghe, đón nhận ý Thiên Chúa qua giấc chiêm bao rồi đem ra thực hành, đến người mẹ đồng trinh Maria minh nhiên tuyên xưng lòng tùng phục thánh ý Thiên Chúa qua câu trả lời kinh điển: “Này tôi là tôi tớ của Thiên Chúa.  Xin hãy thành sự nơi tôi như lời thiên thần truyền”; và Người con tuyệt vời là Đức Giêsu lấy ý Thiên Chúa làm của nuôi thân: “Lương thực của tôi là làm theo ý muốn của Cha tôi”.  Gia đình nầy đã trình diện Thiên Chúa trong ngày thanh tẩy theo luật Môsê dạy: “Bà Maria và ông Giuse đem Con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Thiên Chúa” (x. Bài Tin Mừng. Lc 2,22-40). 

Chương trình cứu độ được thực hiện qua gia đình.  Phụng vụ hôm nay trình bày cho chúng ta hai đôi vợ chồng ngọai thường.  Đôi thứ nhất được sách Sáng thế nói đến sống trước kỷ nguyên Thiên Chúa giáng sinh 2.000 năm: ông Ápraham và bà Xara, hai ông bà già nua ngòai tuổi sinh nở, được Chúa hứa ban dòng dõi: “Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không … Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó!  Ông tin Đức Chúa và vì thế, Đức Chúa kể ông là người công chính” (Bài Đọc 1. St 15,1-6;21,1-3).  Người công chính là người sống phù hợp với ý Thiên Chúa.  Tuổi đã cao mà vẫn chưa có con nối dõi tông đường, ông Apraham âu lo và cứ tưởng người ngòai dòng tộc sẽ kế nghiệp ông.  Ý của Đức Chúa khác với dự tính của ông. Ông bước đi trong tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa.  Và cuối cùng Ixaác con ông chào đời nối dòng cho ông.  Lời hứa của Thiên Chúa đã được thực hiện.

Đôi thứ hai, ông Giuse và bà Maria, còn rất trẻ, ở tuổi mười tám.  Do lời hứa và quyền năng của Thiên Chúa, người mẹ thụ thai trước khi hai người về chung sống, họ chờ đợi người con chào đời là Đức Giêsu.  Và theo luật dạy, hai ông bà dâng con cho Thiên Chúa trong đền thờ và làm lễ tẩy uế 40 ngày sau khi sinh nở, như vậy sự kiện xảy ra 2.000 năm sau tổ phụ Ápraham, trong đền thờ Giêrusalem cụ già  Simêôn chờ đợi Đức Giêsu, được cha mẹ bồng ẳm tới dâng cho Thiên Chúa, được Thánh thần soi sáng, ông đã ẳm lấy đưa bé để mặc khải cho mọi người biết, đứa trẻ nầy đến để thực hiện lời hứa từ ngàn xưa, để thực hiện công trình cứu chuộc được chuẩn bị cho tòan thể nhân lọai: “Vì chính mắt tôi nhìn thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngọai, là vinh quang của Ítraen Dân Ngài” (c. 32).  Ông còn nói về khủng hỏang mà gia đình sẽ gặp phải, Hài Nhi sẽ là duyên cớ gây vấp phạm cho Dân Ítraen và tâm hồn người mẹ sẽ bị gươm đâm thâu.

Ở trần gian hầu như gia đình nào cũng gặp những khủng hỏang.  Gia đình của Ápraham bị đòi hỏi sát tế con trai duy nhất dâng cho Thiên Chúa. Gia đình Thánh Gia thì quá nhiều thăng trầm để nói từ sinh trong chuồng bò chết đến chết trên thập giá.  Cuộc đời lao đao lận đận!  Qua những biến cố thăng trầm đó Thiên Chúa hướng dẫn lịch sử và thực hiện ơn cứu độ.  Nhưng điều đáng suy niệm về hai gia đình này là bậc làm cha mẹ, đã hòan tòan sống theo ý Thiên Chúa, giáo dục con cái theo đức tin truyền thống. 

Đừng tưởng rằng gia đình thánh gia luôn an lành, đi con đường bằng phẳng.  Không ! Gia đình thánh gia cũng như bao nhiêu gia đình khác, gặp nhiều khủng hoảng : - khúc mắc ban đầu lúc chưa cưới - chưa ổ định thì lên đường thi hành lệnh kiểm tra dân số - cùng cực lúc sinh con nơi chuồng trại súc vật -  hành trình di tản sang Ai-cập trốn tránh bạo chúa Hê-rô-đê -  rồi hồi hương về Nadarét -  lạc mất con trong đền thờ.  Khủng hoảng nặng nề nhất có lẽ là lánh nạn sang Ai-cập, ngày nay người hành hương đất thánh được chiêm ngắm sự tích đó nơi “Hang Sữa”, ở đó có bức họa Đức Mẹ vén áo cho Chúa Giê-su bú trước khi đi tỵ nạn, có lẽ muốn giữ sự công hạnh bước ảnh nầy ít được xuất hiện.  Gia đình là tổ ấm, nhưng lắm khi còn là tổ lo, miễn sao trong mọi hoàn cảnh thánh ý Chúa được thể hiện.

Lạy Thánh Gia Thất, xin cho gia đình con biết luôn lắng nghe và sống theo ý muốn của Thiên Chúa theo gương sámg của thánh gia. Amen





CN TN 1B Chúa Giêsu chịu phép rửa. Ngày 11. 1. 2015




CN TN 1B Chúa Giêsu chịu phép rửa.  Ngày 11. 1. 2015
Is 55,1-11; 1Ga 5,1-9; Mc 1, 7-11

CON YÊU DẤU CỦA CHA
Bài suy niệm

Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa chấm dứt mùa Giáng Sinh, bước vào Mùa Thường Niên phần I. Mùa Thường Niên là thời kỳ kính mầu nhiệm Chúa Giêsu ở trần gian.  Mùa Thường Niên gồm có 34 Chúa nhật, chia làm hai phần, phần I trước Mùa Chay và phần II sau Mùa Phục Sinh.  Sau chu kỳ lễ Giáng Sinh, Chúa Giêsu công khai đi vào đời sống họat động rao giảng tin mừng.  Để lời Người rao giảng được thiên hạ chấp nhận, Đức Giêsu  được Chúa Cha giới thiệu về thân thế và sự nghiệp.  Lời giới thiệu này đánh dấu khởi đầu Nước Trời đã khai mở.  Khung cảnh ra mắt Đức Giêsu là sông Giođan.  Chúng ta tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp của Người.

Khung cảnh được chọn để giới thiệu Con Thiên Chúa là thiên nhiên hùng vỹ có núi đồi bao la có con sông duy nhất chảy từ Bắc xuống Nam.   Hiện tượng xảy ra vắn gọn, sau cuộc trao đổi ngắn giữa Vị tiền hô và Đức Giêsu, Gioan Tẩy Giả thi hành sứ mệnh làm phép rửa cho Đức Giêsu nơi sông Giođan, và nầy điều kỳ diệu xảy ra: “Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên Người.  Lại có tiếng từ trời phán: ‘Con là Con yêu dấu của Cha.  Cha hài lòng về Con’” (x. Bài Tin Mừng. Mc 1, 7-11) .  Những lời nói nầy rất cô đọng, súc tích, đượm suy tư thần học Cựu Ước.  Các nhân vật chính trong buổi lễ ra mắt đó : Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh thần, trước sự chứng kiến của đông đảo nhân chứng và Vị tiền hô, nơi thiên nhiên hoang vắng trời cao, sông dài, núi đồi hùng vỹ, tất cả cho thấy sự hoà điệu giữa thiên, địa, nhân hòa hợp.  Chúng ta ta lưu ý đến cụm từ :

 Trời xé ra”, theo người Do thái thì trời là nơi Thiên Chúa ngự, đã khép lại vì tiên tri không còn nữa, không còn sự liên hệ giữa trời và đất nữa, nhịp cầu đã gãy giữa Thiên Chúa và lòai người.  Nay thì trời mở ra, sự liên lạc giữa Thiên Chúa và con người được nối lại nơi bản thân của Đức Giêsu, việc này đáp lại lời cầu xin của Isaia trong thời lưu đày, ông cảm thấy Đức Chúa xa cách con người, nên ông lên tiếng nói : “Ước gì Đức Chúa xé trời và ngự xuống”.  Chúng ta nhớ lại sự kiện khi Chúa chết : “Màn trong đền thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới” (Mc 15, 38).  Một sự khai mở thông lưu giữa Thiên Chúa và nhân loại.  Con Thiên Chúa đến với trần gian và chính Ngài mở một lối đi cho hết mọi người thành tâm đến với Thiên Chúa.  Sự kiện này được tiên báo nơi sông Giođan : “Trời xé ra”, Thiên Chúa ngự xuống với con người.  Nhịp cầu gãy vì tội nguyên tổ được nối lại.  Đức Giêsu là trung gian duy nhất mang ý nghĩa tròn đầy.

Thần khí như chim bồ câu ngự xuống trên người ”.  Thần Khí ngự xuống trên ai thì người đó được chọn làm người của Thiên Chúa.  Ngôn sứ sống dưới tác động của Thần Khí.  Ở đây Đức Giêsu được chỉ định làm Ngôn Sứ cho thời đại mới mà truyền thống Do thái hằng mong đợi.

Lại có tiếng từ trời phán: ‘Con là Con yêu dấu của Cha.  Cha hài lòng về Con’”.  Tiếng từ trời là tiếng của Thiên Chúa, nghĩa là Thiên Chúa chứng thực sứ mạng cứu độ của Đức Giêsu.  Một câu nói tương tự trong Thánh vịnh 2, 7: “Con là Con của Cha, hôm nay Cha đã sinh ra Con”, câu này được được hiểu về Đấng Mêsia, tức là Đấng Cứu tinh.  “Con yêu dấu” là cách gọi của ông Ápraham đối với con mình là Ixaác, khi ông định sát tế con để hiến dâng cho Thiên Chúa, Thiên Chúa đã tha mạng cho Ixaác.  Danh xưng này được dùng cho Đức Giêsu, như là Ixaác Mới sẽ bị sát tế sau này trên thập giá. 

Thân thế và sự nghiệp của Đức Giêsu được ám tàng nói đến trong lời giới thiệu ngày Chúa chịu phép rửa nơi sông Giođan, một tấn kịch đang được khai mở và dần dần sẽ được thực hiện trong năm phụng vụ.  Về thân thế, Đức Giêsu là Con yêu dấu của Thiên Chúa, được Cha tuyển chọn dưới tác động của Thần Khí để trở thành Ixaác-Mới; và sự nghiệp của Người là cứu độ trần gian bằng chịu sát tế trên thập giá, làm lễ vật hy sinh dâng cho Thiên Chúa, nối lại nhịp cầu gãy đổ do tội lỗi của nhân lọai gây ra.  Lời giới thiệu trân trọng này của Chúa Cha dưới sự chứng giám của Thánh Thần giúp chúng ta xác tín mạnh mẽ những lời Chúa nói và những việc Chúa làm,  được Giáo Hội tuyên dương trong suốt Mùa Thường Niên.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã mặc lấy thân phận tội lỗi của nhân lọai để cứu độ nhân lọai, chúng con tri ân cảm tạ Chúa.  Xin cho con biết giới thiệu Chúa cho tha nhân qua cuộc sống của chúng con. Amen

Lm Luy Nguyễn Quang Vinh - Gx Phương Hòa, Kontum


CN CHÚA HIỂN LINH ngày 04.01.2015



CN Chúa Hiển Linh. Ngày 4. 1. 2015
Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12

CHÚNG TÔI ĐẾN BÁI LẠY NGƯờI
Bài suy niệm

Ngôi Lời làm người luôn luôn là một mầu nhiệm cho nhân loại, đối với nhà thần học cũng như đối với giới bình dân. Ngôi Lời làm người còn có tên gọi là Đức Giêsu Kitô, ngài là một thực tại khó hiểu, là mầu nhiệm, mầu nhiệm nầy không khác với mầu nhiệm Thiên Chúa.  Đức Giêsu Kitô là sự xuất hiện ra bên ngoài của Thiên Chúa.  Thiên Chúa thì không ai thấy bao giờ, Ngài hiện thân nơi con người Đức Giêsu.  “Hiển linh” có nghĩa Thiên Chúa tỏ mình ra.  Đức Giêsu là Lời Thiên Chúa nói về Thiên Chúa.

Qua mầu nhiệm nhập thể Thiên Chúa tỏ mình ra trong Đức Giêsu Kitô, chính nơi bản thân Đức Giêsu Kitô Thiên Chúa bộc lộ chính mình qua những việc Ngài làm và các lời Ngài giảng dạy, tất cả con người của Ngài là lời nói về Thiên Chúa.  Đức Giêsu Kitô là nhân vật trung tâm của lịch sử Do thái được các tiên tri nói đến dưới nhiều hình ảnh khác nhau: đấng cứu tinh dân tộc, nhà giải phóng đất nước, người chăn chiên tốt lành, vị ngôn sứ cao cả, là hoàng tử hòa bình … Nhưng Ngài cũng là người con sinh ra từ chi họ Giuđa, thuộc dân tộc Do thái, dòng dõi vua Đavít.  Điều gây vấp phạm cho đức tin Kitô giáo, đó là Thiên Chúa đến với chúng ta qua con đường phàm trần.  Đức Giêsu Kitô là mầu nhiệm khó hiểu, vì bản thân của Người mang hai bản tính, bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại.  Ngài không phải một nửa là ‘thần’ một nửa là ‘nhân’ như trong các sách huyền thoại thường nói đến, mà Ngài trọn vẹn là Thiên Chúa và trọn vẹn là người.  Đó là điều khó chấp nhận đối với người đương thời cũng như đối với cả chúng ta hôm nay, bởi vì không có hữu thể nào trên trần gian nầy mang hai bản tính cả.  Nhân loại không có kinh nghiệm về điều nầy.  Đây là biến cố độc nhất vô nhị.  Cái khó nằm ở chỗ đó.

Việc Chúa hiển linh được thể hiện nhiều lần chứ không phải chỉ một mà thôi, điển hình hôm nay hiển linh được thực hiện trong ba sự kiện: trong tiệc cưới Cana, trong lời giới thiệu của Chúa Cha khi Đức Giêsu vừa nhận phép rửa tại sông Giođan. Và trong việc “Chúa đã khiến ngôi sao chỉ đường mà mặc khải cho muôn dân nhận biết Con Một Chúa” (Lời nguyện nhập lễ Hiển Linh).  Nghĩa là chính Thiên Chúa bày tỏ mình ra cho dân ngoại.  Ơn cứu chuộc không dành cho riêng ai, chính Thiên Chúa đi bước trước mở lối cho con người tìm về với Thiên Chúa, để tất cả những ai chấp nhận tin Đức Giêsu Kitô là Chúa đều được ở : “Trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Bài đọc 2. Ep 3, 6).

Ở mọi thời Thiên Chúa đều có cách mời gọi con người đến với Người, bằng những ‘hiển linh’ khác nhau, tuy nhiên muốn gặp Người trước hết cần phải lên đường, tức là từ bỏ sự yên thân, chấp nhận cuộc sống bị xáo trộn.  Đây là cách hành xử của người đi tìm kiếm Thiên Chúa : Dựa vào lời Kinh thánh cùng với sự chỉ dẫn của bậc cao minh, nhìn trời theo dấu sao lạ, các đạo sĩ Phương Đông đã lên đường truy tìm ấu Chúa để bái lạy “Đức Vua Do thái”.  Từ chân trời góc biển các ngài vất vả lên đường tìm đến hang Bêlem, đối lại, người ở thành Giêrusalem như Hêrôđê lại bối rối âm mưu đen tối tính kế thanh toán ấu chúa mới chào đời.  Khi đạt được mục đích, các đạo sĩ đã phủ phục thờ lạy Hài Nhi Giêsu nơi hang lừa máng cỏ, rồi dâng lên Ngài vàng, nhủ hương và mộc dược những lễ phẩm quý giá của Phương Đông (x. Mt 2, 10.11) để tỏ lòng kính trọng, thần phục, suy tôn; ngược lại vua Hêrôđê cũng tìm kiếm ấu Chúa nhưng với ý hướng hoàn toàn khác, để sát hại chứ không để thờ lạy. 

Kinh thánh vẫn còn đó, ánh sao lạ vẫn chưa tắt nơi tâm hồn mỗi người chúng ta, khi chúng ta lắng nghe sự thật, cố sống theo lương tâm ngay thẳng, chính lúc đó chúng ta đã lên đường tìm về sự thật và đến gần với Chân Lý.  Ánh sáng chân lý đó không bao giờ thiếu cho từng người trong chúng ta, có điều là chúng ta đủ can đảm hay không, trở thành đạo sĩ truy tìm chân lý hay bóp nghẹt sự thật như Hêrôđê.

Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, con cảm tạ Chúa đã hành trình xuống trần gian bằng con đường máng cỏ để tỏ cho con biết đường về trời, xin cho con biết yêu mến sự thật và có can đảm trở nên ánh sao lạ dẫn đường người khác về với Chúa. Amen

 Lm Luy Nguyễn Quang Vinh - Gx Phương Hòa





SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ CHÚA GIÁNG SINH NĂM B - LỄ ĐÊM 24.12.2014



Lễ Chúa Giáng Sinh Năm B. Lễ Đêm 24. 12. 2014.
Is 9, 1-6; Tt 2,11-14;Lc 2,1-14

Giáng Sinh Mầu Nhiệm Sâu Thẳm
Bài suy niệm
Lễ Giáng sinh vui tươi xuyên suốt lịch sử nhân loại luôn luôn mang lại sự mới mẽ được tân trang hằng năm hướng về niềm hy vọng cứu độ.  Tuy nhiên càng nhìn ngắm mầu nhiệm Con Chúa xuống thế làm người, chúng ta càng khám phá thấy mầu nhiệm thương khó ẩn tàng và phảng phất nơi thể hiện nhập thể. Và thật khó để quán triệt hết ý nghĩa thánh lễ nầy vì có sự chen lẫn vui buồn, thêm vào đó là sự yếu đuối phàm nhân có phần bị xâm lấn bởi khuynh hướng ngoại giáo và vụ lợi kinh tế, tất cả bầu khí như có nguy cơ làm giảm nhẹ sự chua cay đắng xót của việc Thiên Chúa xuống thế làm người. Tưng bừng ánh sáng và âm nhạc, tiệc tùng và quà bánh vào dịp đại lễ nối liền với ngày nghỉ cuối năm như khỏa lấp đi việc tự hủy của Con Thiên Chúa, trút bỏ thiên cung cao sang chấp nhận đi vào đêm tối trần gian đầy bấp bênh.  Trần gian lãnh nhận niềm vui chảy từ lột bỏ thân phận vương vị của Con Thiên Chúa.  Niềm vui đượm đắng chất bồ hòn.

Khuynh hướng coi lễ Giáng Sinh là lễ hội trẻ em thuần túy xã hội vui chơi náo nức bề ngoài, tuy nhiên bao hàm trong thánh lễ nầy là những vấn đề nghèo khó, công bằng và hòa bình đòi con người dấn thân giải quyết. Con đường giáng thế Chúa dùng được chuẩn bị từ ngàn năm trước mà tiên tri Isaia diễn tả như niềm vui vỡ bờ: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng …  Họ mừng vui trước nhan Ngài vì cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp, Ngài đều bẻ gãy …  Vì mọi giầy lính nện xuống rần rần và mọi áo choàng đẫm máu sẽ bị đem thiêu, làm mồi cho lửa . . . Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta . . . Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hoà bình vô tận trên nền tảng chính trực công minh” (x. Bài Đọc 1. Is 9, 1-6).  Nhân loại vui mừng vì được giải thoát cảnh nô lệ tội lỗi, được tha thứ và được cứu chuộc, mừng vui vì Thiên Chúa nhập tịch trần gian để cứu độ nhân loại.

Thánh Phao-lô xác nhận đại hồng ân nầy qua Thư gửi Ti-tô : “Quả thế, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người”, đồng thời đòi hỏi chúng ta đáp trả tình yêu Thiên Chúa bằng : “ từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này” (x. Bài Đọc 2. Tt 2,11-14).  Lời đáp trả nầy mở cho chúng ta con đường làm con Thiên Chúa.

Hoạt cảnh Giáng Sinh được Luca trình bày có phảng phất chất đắng chết chóc, đây là những điểm chính: Chúa giáng sinh vào dịp kiểm tra đầu tiên thời ông Qui-ri-ni-ô; một trẻ thơ quấn trong tã; đặt nằm trong máng cỏ.  - Đức Giê-su thật sự công khai đi vào lịch sử nhân loại, cũng như cái chết của Người do bản án của vị tổng trấn Phi-la-tô. Ngày sinh và ngày tử là  điểm khởi đầu và kết thúc một cuộc đời, chúng thường được ghi trên các ngôi mộ.  Thánh Luca chắc hẳn ám chỉ điều nầy khi ghi lịch sử thế tục vào ngày sinh của Chúa Giê-su, để rồi sẽ ghi Chúa chết vào thời Phong-xi-ô Phi-la-tô (x. Lc 23, 24) -  Được vấn trong khăn làm chúng ta nhớ đến khăn che mặt, băng liệm và vải liệm được phát giác trong ngôi mộ trống ngày mất xác Chúa, nói lên sự vượt qua. Thật hơi quá sớm để suy nghĩ như vậy tuy nhiên sự kiện và từ ngữ cho phép chúng ta đọc được thâm ý của Luca, Ki-tô học nhập thể đi chung đường với Ki-tô học tự hủy vươn đến phục sinh. – Được đặt nằm trong máng cỏ, ấu Chúa như trở nên lương thực dưỡng nuôi con người.  Không biết thánh Luca vô tình hay hữu ý khi viết Chúa được đặt trong máng cỏ.   Máng cỏ chứa đựng thức ăn, ấu Chúa là thức ăn nuôi sống nhân loại, mà thật sự là như thế vì chính Chúa đã khẳng định khi nói về thịt và máu của Người.

Mầu nhiệm nhập thể làm chói tai nhà hiền triết Hy-lạp vì họ cho rằng khẳng định như thế là hạ nhục Thiên Chúa.  Thật vậy chỉ có Thiên Chúa mới có sáng kiến thần thiêng nầy, chỉ có Thiên Chúa mới hành động hoàn toàn tự do theo cách Thiên Chúa mà thôi. 

Lạy Chúa Giê-su Hài đồng con cung kính thờ lạy Chúa, con xin cảm tạ đội ơn Chúa đã bỏ cõi trời cao sinh xuống trần gian để chỉ cho con đường làm Con Thiên Chúa. Amen

Lm Luy Nguyễn Quang Vinh - Gx Phương Hòa, Kontum

BÀI GIẢNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH 2014





                                                                                                        
Lễ đêm Giáng Sinh 2014

CON ĐƯỜNG GIA ĐÌNH
Bài giảng

Anh chị em thân mến,
Đêm nay chúng ta hân hoan mừng kỷ niệm giáng sinh 2014 của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa xuống thế làm người.  Đối với một số anh chị em còn xa lạ với Kitô giáo, thì đây là điều khó hiểu và cũng khó chấp nhận, bởi lẽ làm gì có chuyện Thiên Chúa làm người như chúng ta.  Đối với dân Hy-lạp vốn nặng suy tư triết học, họ cho rằng nói đến việc Thiên Chúa làm người là hạ bệ Thiên Chúa, là xúc phạm thần linh, là cớ gây vấp phạm cho con người.  Đối với họ đây là điều không thể chấp nhận được.  Thần thánh có quê hương riêng của họ là núi Ôlempia.  Họa hoằn lắm mới có một vị thần bị sa thải vì vi phạm kỷ luật, bị đày ải xuống trần gian thọ phạt, chờ ngày phục chức.

Thế nhưng trong lịch sử nhân lọai đã có một lần Thiên Chúa giáng trần để cứu độ trần gian, câu chuyện Thiên Chúa nhập tịch gia đình nhân lọai được cả thế giới biết đến, và nhân lọai nhớ ơn lần thăm viếng đó nên đã chuẩn bị tổ chức hằng năm rất long trọng ngày này 25. 12 .  Câu chuyện Thiên Chúa xuống thế làm người, được Mẹ Maria sinh ra trong hang lừa máng cỏ, có các mục đồng đến thờ lạy và sao lạ xuất hiện trên bầu trời trong đêm đông giá rét dẫn đường cho các đạo sĩ đông phương đến kính viếng, trở thành kinh điển trong văn hóa nhân lọai, mấy ai mà không biết đến biến cố này (x. Tin Mừng Lc 2,1-14).  Hôm nay chúng ta nhìn lại con đường Ngài đi qua đến với trần gian.

Gia đình là con đường dẫn Chúa Giêsu đến với nhân lọai.  Là Thiên Chúa, Đức Giêsu đủ quyền năng hành động theo tầm vóc thần thiêng của mình.  Ngài có thể chọn cách xuất hiện hòanh tráng và uy nghi phù hợp với quyền năng của Thiên Chúa.  Ngài đã không làm như thế, Ngài chọn cách thế nhân loại, sinh ra bởi một phụ nữ, trong một gia đình lao động bình dân, có người cha pháp lý là thánh Giuse, sống đời lao động và lớn lên như bất cứ trẻ em Do thái nào.  Gia đình là con đường bình dị và thiết yếu để nhập tịch cuộc sống nhân lọai.  Bất cứ ai làm người cũng đều đi qua con đường đó, nơi xuất thân mọi con người.  Con Thiên Chúa sinh ra rất  ‘người’ như bao nhiêu trẻ em khác, nhưng lại rất kỳ bí và mầu nhiệm, vì mẹ ngài thụ thai ngài bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần.  Cái bình dị đan xen với quyền năng của thần thánh.

Trong lịch sử cứu độ thời Cựu Ước, cũng đã có những cuộc sinh hạ lạ lùng như thế, những nhân vật lừng danh tô đậm lịch sử cứu độ, đều ngang qua con đường gia đình.  Gia đình ông Ápraham và bà Xara sinh con đầu lòng là Ixaác khi cả hai đều đã cao niên. Lớn lên Ixaác đã vâng lời cha, để mình bị trói hiến tế cho Thiên Chúa nhưng được Thiên Chúa tha mạng vì lòng tin son sắt của ông Ápraham (x. St 21-22).  Lòng tin của người cha gia đình đã cứu dòng tộc Ápraham.

Con trẻ Samuen chào đời do lời cầu nguyện tha thiết đêm ngày của bà mẹ già nua đạo đức, bà Anna đã gặp tiên tri Êli và ông đã chúc phúc cho bà để bà được sinh con.  Lớn lên Samuen được dâng  cho Chúa, em trở thành tư tế của Chúa (1Sm 1, 24-28).  Ông bà Manôác son sẻ, cao niên, đã được thần sứ của Thiên Chúa báo tin là sẽ sinh con trai.  “Này, bà là người son sẻ và không sinh con, nhưng bà sẽ có thai và sinh một con trai” (x.Tl 13, 2-3).  Đó là Thủ lãnh Samsôn sẽ giải cứu dân tộc Ítraen khỏi quân Philitinh (x.Tl 15,15). Bà Êlisabét mẹ của Gioan Tẩy Giả, cũng đã thụ thai con trong lúc tuổi già.  Lời sấm phán với tư tế Dacaria lúc ông dâng hương trong đền thờ : “Êlisabét vợ ông sẽ thụ thai và sinh cho ông một đứa con trai và ông phải đặt tên cho con là Gioan” (Lc 1, 6-13).  Gioan lớn lên làm Tiền hô cho Chúa Cứu thế.

Những câu chuyện trên đây, chuẩn bị chúng ta đón nhận mầu nhiệm Ngôi Lời làm người và cư ngụ giữa chúng ta.  Thiên Chúa quyền năng hoàn toàn tự do trong hành động: “Không có gì mà Thiên Chúa không làm được”, như lời thiên sứ Gabirie nói với Đức Trinh Nữ Maria vào ngày truyền tin.  Thật vậy Đấng Sáng tạo không lệ thuộc luật sinh vật học.

Các câu chuyện nầy cho thấy:  1- Lòng tin bất khuất của cha mẹ đối với Thiên Chúa là nền tảng sinh phúc cho con cái. Gia đình của Ápraham, của Manôác, của Dacaria, của Giuse, tuyệt đối tin tưởng và phó thác cho Thiên Chúa.  Thiên Chúa gia ân cho gia đình nhờ phúc đức của cha mẹ.

2- Thứ đến là bài học về Sự sống.  Thiên Chúa giáng trần như là món quà  sự sống trao ban cho nhân lọai.  Quà tặng là một Hài Nhi.  Con cái là hồng ân của Thiên Chúa.  Cha mẹ cộng tác với Thiên Chúa trong việc chuyển thông sự sống, chứ không phải tạo dựng sự sống, sự sống thuộc về Thiên Chúa, và chỉ có Thiên Chúa mới có sự sống mà thôi.  Nhân loại phải tôn trọng sự sống, không được cướp quyền của đấng Tạo hóa.   Gia đình là tổ ấm, là chiếc nôi chuyển giao và ươm mầm sự sống.  Cho nên gia đình là môi trường phát sinh sự sống và đức tin, phát sinh tình yêu thương và  đức hạnh, do đó cần phải tránh xa việc khai tử thai nhi, vì tội này đi ngược lại luật tự nhiên và ý muốn của Thiên Chúa.  Hãy đứng về phía văn minh sự sống, và bảo vệ sự sống ngay khi còn trứng nước.  Đừng bao giờ biến gia đình thành nghĩa trang chôn vùi con của mình.  Đây là thứ tội quái ác của thế kỷ chúng ta.  Hãy lọai bỏ văn minh sự chết. Bảo vệ hạnh phúc gia đình.

3- Bậc làm cha mẹ có trách nhiệm nuôi dạy và giáo dục con cái theo sự thật và lẽ công bình, tuân theo những nguyên tắc luân lý căn bản là : làm lành lánh dữ mà Thiên Chúa ghi khắc trong tâm hồn của mỗi người.

Thiên Chúa nhập thể dạy cho nhân lọai biết giá trị tuyệt đối về con người, nghĩa là mỗi con người đều là giá trị tuyệt đối trước mặt Thiên Chúa, tức là không ai thay thế cho ai được. Ngài dạy chúng ta biết tôn trọng sự sống, tôn trọng lẫn nhau, biết sống theo sự thật và lẽ công bình.  Gia đình đạo đức tất yếu dẫn đến xã hội lành mạnh, bởi lẽ người ta không thể nào quan niệm được một xã hội lành mạnh lại vắng bóng sự đóng góp của gia đình đức hạnh.  Gia đình của Hài Đồng Giêsu là mô mẫu cho mọi gia đình nhân lọai.  Hãy chiêm ngưỡng và bắt chước cuộc sống của gia đình Nadarét.  Hãy dùng con đường gia đình để đi đến với Thiên Chúa.

Con trẻ Hài đồng Giêsu mang đến cho nhân lọai một món quà vĩ đại đó là Thiên Chúa, món quà mà nhân lọai không thể cung cấp hay trao tặng cho nhau.  Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban tặng Thiên Chúa.  Việc Thiên Chúa xuống thế làm người cho chúng ta am hiểu Thiên Chúa là tình yêu, đồng thời mời gọi chúng ta nhận ra nhân phẩm của mình “Hỡi con người hãy nhận biết phẩm giá cao quý của mình” (Thánh Irênêô).  Thiên Chúa đã sinh ra trong gia đình nhân lọai để dạy chúng ta biết thánh hóa gia đình, và dùng con đường gia đình mà đi tới với Thiên Chúa.

 Cầu chúc gia đình anh chị em lễ Giáng Sinh đầy ân sủng và  bình an. Amen

Lm Luy Nguyễn Quang Vinh - Gx Phương Hòa, Kontum



SUY NIỆM TIN MỪNG CN IV MÙA VỌNG B





CN MV 4B. Ngày 21. 12. 2014
2Sm 7,1-5.8b-12.14a.16; Rm 16, 25-27; Lc 1, 26-38

ĐỨC CHÚA Ở VỚI NGƯƠI
Bài suy niệm
Một lời sấm cho hai nhân vật sống cách xa nhau mười thế kỷ giữa Đavít và Đức Maria được phụng vụ hôm nay liên kết lại trong một mầu nhiệm.  Cả hai nhân vật này tiến lên trong cùng một con đường đức hạnh, cùng hy vọng một ơn Cứu độ, và cùng lãnh nhận một lời sấm giống nhau được phán ra cho nhà Đavít và Đức Maria.  Lời sấm phán thế nầy: “Đức Chúa ở cùng ngươi”.  Câu 3 trong Bài Đọc 1 ( 2S 7, 1-5.8b-12.14.16) và câu 28 trong Bài Tin Mừng (Lc 1, 26-38).  Trong Bài Đọc 1, tiên tri Nathan mặc khải cho Đavít kế họach của Thiên Chúa xuyên qua các thế hệ con cháu, khẳng định Ngài là Chúa của lịch sử : “Chính Ta cất nhắc ngươi, từ một kẻ lùa chiên ngòai đồng cỏ, lên làm người lãnh đạo dân Ta, là Ítraen.  Ngươi đi đâu, Ta cũng đã ở với người” (câu 8b). 

Là phụ nữ Do thái sùng đạo chắc chắn Đức Maria biết đọan Kinh thánh này và ngài đã sống nội tâm đọan Kinh thánh đó trong đức tin và đức cậy trông.  Đức Maria thấm nhuần Lời Chúa, đầy tràn ân sủng, trước khi đầy tràn Thiên Chúa “Mừng vui lên, hỡi đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (câu 28).  Thật vậy Đức Maria xác tín lời hứa ban Đấng cứu độ, Mẹ đã suy niệm và sống niềm cậy trông nầy trong tâm tưởng, chính vì thế Mẹ đã cưu mang Chúa trong tâm hồn trước khi cứu mang Chúa nơi cung lòng Mẹ.  Mẹ là tín nữ lắng nghe, cầu nguyện và sống lời Chúa (x.Tông Thư Marialis cultus 2.2. 1974).

Thánh vương Đavít mơ ước có ngôi nhà xứng đáng để đặt Hòm Bia, hầu có thể đảm bảo cho sự bền lâu của vương quốc, ông muốn xây cho Thiên Chúa một ngôi nhà xứng đáng (x. Bài Đọc 1).  Hòm Bia nầy  chứa đựng hai phiến đá ghi khắc Mười giới răn mà Chúa đã ban cho ông Môsê. Hòm Bia là báu vật mang lại phúc ấm cho toàn dân, cho nên đi đâu dân Do thái cũng mang theo mình ngay cả khi xung trận.  Hòm bia là biểu tượng sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Người.  Vua Đavít có ý tưởng xây nhà cho Thiên Chúa là một lối suy nghĩ tốt lành và đạo đức, nhưng cũng là một cám dỗ muốn quản lý Thiên Chúa theo ý mình, nếu không nói đó là muốn định cư Thiên Chúa hay độc quyền Thiên Chúa.  Qua miệng ngôn sứ Nathan, Đavít biết được rằng Thiên Chúa sẽ tạo lập cho ông một dân tộc, “một nhà”, tức là một triều đại, ý tưởng nầy khác xa với suy nghĩ của ông.  Tư tưởng của Thiên Chúa cách xa suy nghĩ của phàm nhân như trời cao hơn đất là thế đó.

Khi sứ thần Gáprien vào nhà trinh nữ Maria, sứ thần đã dùng chính lời của Nathan đã nói với Đavít mà chào Đức Maria: “Đức Chúa ở cùng bà” (câu 28), dĩ nhiên lời chào này có hiệu năng và hiện thực hơn nhiều so với lời sấm phán ra với nhà Đavít, vì Thiên Chúa khởi sự thực hiện việc nhập thể nơi bản thân của Đức Maria.   Đức Mẹ được ví như là Hòm bia Giao Ước Mới, một Hòm bia nhân loại di động cưu mang Chúa cứu thế, nơi Mẹ sẽ ký kết bản hiệp ước giữa Thiên Chúa và Nhân lọai, tức là thiên tính kết hợp với nhân tính, và nhân tính được nâng cấp tham dự vào sự sống của Thiên Chúa.  Thiên Chúa làm người và ở với nhân loại.   Khi nhận lời truyền tin của tiên thần Đức Maria cũng có phần lo âu giống như Đavít, là muốn định cư Thiên Chúa theo quan niệm nhân lọai:  “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng ? ” (câu 34).  “Đừng sợ, Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà”.  Câu trả lời cho thấy Thiên Chúa không nằm trong quy luật sinh vật học, con người không thể cầm tù Thiên Chúa.

Thánh Thần Sáng Tạo. Thánh Thần của buổi đầu tạo dựng.  Thánh Thần của mọi khởi đầu.  Cũng như đối với Đavít và hôm nay đối với Đức Maria, Thiên Chúa cho biết chính Người có sáng kiến cứu độ và Người hành động theo cách thế quyền năng của Người.  Người hành động theo tầm vóc Thiên Chúa và theo tầm vóc nhân lọai: Đức Mẹ thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần.  Ôi thật nhiệm mầu!  Cách hành động của Thiên Chúa chỉ mình Người biết mà thôi:  Một bà già son sẻ như bà Isave đã thụ thai theo lẽ thường, và một thiếu nữ trẻ trung thụ thai bởi phép Chúa ThánhThần.  Phải nói được rằng cả hai đều thụ thai nhiệm lạ do tác động của Thánh Thần, cho chúng ta thấy sự nhưng không của Thiên Chúa trong thi hành ơn cứu chuộc.  Cả hai đều là dấu chỉ của sự sáng tạo mới.  Đó là bí mật mà thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma viết: “Bí mật được giữ kín tự ngàn xưa và nay được tỏ hiện ra nơi Đức Giêsu Kitô”, là ‘Đức Chúa ở với  ngươi’(x. Bài Đọc 2. Rm 16, 25-27).


Lạy Chúa Giêsu, Chúa muốn ở với con người mà không cần lầu son gác tía, không cần nhà nào, cũng không cần cung điện nào ngòai tâm hồn con người.  Xin cho con ý thức điều đó để dọn lòng đón Chúa đến thăm trần gian lần 2014. Amen

Lm Luy Nguyễn Quang Vinh - Gx. Phương Hòa, Kontum

SUY NIỆM TIN MỪNG CN III MÙA VỌNG B




CN MV 3B . Ngày 14. 12. 2014
Is 61,1-2a.10-11; 1Tx5,16-24; Ga 1,6-8.19-28

NIỀM VUI ĐANG ĐẾN
Bài suy niệm
Phụng vụ Chúa nhật thứ ba mùa Vọng ghi đậm nét vui tươi. Tiên tri Isaia sống trước Chúa Cứu Thế sáu trăm năm, loan báo tin mừng hồi hương cho dân đang bị lưu đày ở Babylon: “Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa … Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa.  Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ cứu độ” (x. Bài Đọc 1. Is 61, 1-2a.10-11).  Đây là niềm vui giải phóng, niềm vui hồi hương.

Tin vui cứu độ được Đức Maria cảm nghiệm cụ thể khi lời sấm của ngôn sứ Isaia trở thành hiện thực nơi cung lòng Mẹ, khi Mẹ thưa với sứ thần truyền tin “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”(Lc 1,38) và Mẹ diễn tả niềm vui sung mãn đó trong Kinh Linh Hồn Tôi Ngợi Khen Chúa (Kinh Magnificat). Mẹ lên tiếng ca tụng Thiên Chúa đã đoái thương thân phận mọn hèn của Mẹ, niềm vui cá nhân của riêng Mẹ được tuyển chọn làm mẹ Thiên Chúa; và niềm vui của cộng đồng Do thái được cứu độ theo như Lời Chúa đã hứa từ ngàn xưa.  Niềm vui hoàn vũ nầy này vọng lại trong thư thánh Phaolô gửi cho tín hữu Thêxalônica đang chờ mong Chúa Cứu Thế trở lại: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng” (x. Bài Đọc 2. 1Tx 5, 16-24).  “Vì đã có một người được Thiên Chúa sai đến tên là Gioan.  Ông đến để làm chứng về ánh sáng” (x. Bài Tin Mừng. Ga 1, 6-8.19-28), làm chứng cho niềm vui cứu độ đã xuất hiện trên trần gian, đó là Chúa Giêsu. Đây là khởi đầu niềm vui Chúa Cứu Thế thực hiện bằng con đường nhập thể và nhập thế đi vào giữa nhân loại.  Niềm vui Thiên Chúa làm người, định cư giữa nhân loại, để nhân loại biết đường về trời.

Niềm vui cảm nghiệm mình được Thiên Chúa cứu chuộc được tiên báo qua nụ cười của bà Sara, vợ ông Ápraham, khi được báo tin con đầu lòng Ixáac sẽ ra đời, cho đến sự nhảy mừng của thánh Gioan khi còn trong lòng bà Isave.  Tất cả cho thấy niềm vui của buổi phụng vụ hôm nay như tô đậm nét sự hân hoan mà bà Isave cảm nghiệm khi đứa con thân yêu nhảy lên trong dạ mẹ, niềm sung sướng tràn trề của vị tiên tri cuối cùng Cựu Ước gặp được Chúa Cứu Thế thời Tân Ước.  Niềm vui vỡ bờ hoành tráng hoàn vũ.

Niềm vui vĩ đại đòi cung cách diễn tả hòanh tráng.  Tiền hô hậu ủng là phong cách nhân lọai của bất cứ đại vương nào khi hạ cố thăm thần dân của mình.  Sự long trọng của người tiền hô càng làm sáng tỏ uy quyền cao cả của nhân vật chính yếu đến sau.  Đây là cung cách của vị tiền hô: Lối sống tu rừng khắc khổ và đơn sơ, cách ăn mặc kỳ dị và mộc mạc, lời rao giảng nghiêm khắc và cứng rắn của vị tiền hô Gioan gây thắc mắc cho những người thời bấy giờ đến phỏng vấn ông.  Tuy nhiên đứng trước niềm vui to lớn này vị tiền hô xóa mình đi.  Ông khiêm hạ thẳng thắn khẳng định mình không phải là Đấng Kitô, không phải là Êlia, không phải là ngôn sứ mà truyền thống Do thái mong đợi.  Ông khẳng định mình là tiếng kêu trong sa mạc, có sứ mạng dọn đường tâm linh, chỉnh đốn tâm đạo cho ngay thẳng để đón tiếp một nhân vật cao trọng âm thầm đang đến một cách bí bí ẩn: “ Có một Vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết.  Người đến sau tôi, tôi không đáng cởi quai dép cho người” (x. Bài Tin Mừng). 

Con người bí ẩn đó là Chúa Giêsu, mà cho đến hôm nay, đối với các Kitô hữu, Người vẫn còn y nguyên là một mầu nhiệm cực lớn, đòi liên tục khám phá trong đời sống.  Tất cả những gì diễn tả về Người đều là mầu nhiệm đòi khám phá, sự hiện hữu của Người, quyền năng vô biên của Người, tình yêu cứu chuộc của Người đối với nhân loại, sự đồng hóa của Người nơi anh em hèn mọn, cả đến sự chết và sự phục sinh vinh hiển của Người đều là bí ẩn đòi khám phá không ngừng trong cuộc sống.

Thật vậy mỗi ngày người Kitô phải liên tục khám phá niềm vui trong gặp gỡ tha nhân để phát hiện con người bí ẩn đó, vì “Ngài ở giữa các ông mà các ông không biết”.  Không những khám phá niềm vui mà thôi, người Kitô hữu còn phải là tiền hô cho Chúa Cứu Thế nữa, sống vui tươi xây dựng xã hội trần thế, bởi vì Kitô hữu là người mang tin vui đến cho mọi người.  Tuy nhiên Người mang tin vui mà chính mình không vui là phi lý, là phản tác dụng, là phản bội sứ điệp loan báo Tin mừng.


Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết khám phá con người bí ẩn mà thánh Gioan nói đến: “Ngài ở giữa anh em mà anh em không biết”, con người đó có thể là láng giềng khó tánh, là người đồng nghiệp gặp họan  nạn, là bệnh nhân cần giúp đỡ, là người xa Chúa lâu ngày cần trở lại. Amen

Lm Luy Nguyễn Quang Vinh - Gx. Phương Hòa Kontum

SUY NIỆM TIN MỪNG CN II MÙA VỌNG B




CN MV 2B. Ngày 7.12.2014.
Is 40,1-5.9-11; 2Pr 3,8-14; Mc 1, 1-8

HÀNH TRÌNH SA MẠC
Bài suy niệm
Chúa đến là đối tượng kép của Mùa Vọng, Chúa đến như một kỷ niệm lịch sử và Chúa đến như chấm câu kết thúc vũ trụ.  Lần thứ hai này, Chúa sẽ đến trong ánh sáng, biến cố quang lâm (quang:sáng ; lâm:đến) theo như lời Chúa hứa, lần đến này quyết liệt liên hệ đến số phận mỗi người.  Bốn sự kiện xảy ra thời cánh chung: thế mạt, Chúa quang lâm, phán xét người lành kẻ dữ, thưởng phạt tùy theo tội-phúc cá nhân, sách Bổn ngày xưa gọi là tứ chung, tức là bốn điều sau hết.  Tuy nhiên cần phân biệt về ý niệm thế mạt, tức biến cố vũ trụ bị hủy diệt theo ý muốn Thiên Chúa, khác với sự tận thế của vũ trụ theo tính tóan khoa học.  Sách thánh nói : “Ngày đó, các tầng trời sẽ ầm ầm sụp đổ, ngũ hành bốc cháy tiêu tan, mặt đất và các công trình trên đó sẽ bị thiêu hủy” (x. Bài Đọc 2. 2Pr 3, 8-14). 

Phụng vụ Chúa nhật hôm nay cho thấy bầu khí chuẩn bị nội tâm: con đường trở về, con đường sám hối liên hệ tới sa mạc, một nơi cô quạnh và vắng lặng.  Nhưng sa mạc lại là nơi thuận tiện cho tâm linh gặp gỡ chính mình bằng phản tỉnh, nơi không bị xáo trộn bởi phồn vinh thế tục, cho linh hồn gặp gỡ Thiên Chúa bằng sám hối, cầu nguyện, ăn chay, đây là dịp tốt tái lập giao hảo với Thiên Chúa và tha nhân: “Trong sa mạc hãy mở con đường cho Đức Chúa … Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy … Bấy giờ vinh quang của Thiên Chúa sẽ tỏ hiện” (x. Bài Đọc 1. Is 40, 1-5.9-11).

Hoang địa miền Giuđê được thánh Mác-cô chọn để long trọng giới thiệu gương mặt Gioan Tẩy giả cùng với sứ điệp và lời kêu gọi sám hối của vị Tiền hô Chúa Cứu thế.  Trong sa mạc này dân Giuđê và dân thành Giêrusalem chứng kiến và lắng nghe sứ điệp long trời lở đất của Gioan Tiền hô: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người.  Tôi thì tôi đã làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần” (x. Bài Tin Mừng Mc 1,1-8). Bài Tin Mừng xác nhận lời sấm của tiên tri Isaia được thực hiện nơi Chúa Giêsu chính là “vinh quang của Thiên Chúa sẽ tỏ hiện”, đang đến sau Gioan. Phép rửa của Gioan chỉ là phép rửa thống hối, có hiệu năng chuẩn bị tội nhân lãnh nhận một phép rửa khác bởi nước và Thánh thần, tức phép Rửa tội do Chúa Kitô thiết lập.  Một cách nào đó có thể thấy Ơn cứu độ khởi đi âm thầm từ Thiên Chúa trong sa mạc : “Chúa không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải” (x. Bài Đọc 2. 2Pr 3, 8-14).  Sa mạc là thời thuận tiện cho sám hối.

Chính trong hoang địa này Chúa Giêsu gặp gỡ vị Tiền hô của mình là thánh Gioan Tẩy Giả, đánh dấu một khúc quanh trong lịch sử ơn Cứu độ, một sự chuyển tiếp từ Giao ước cũ sang Giao ước mới.  Cũng trong hoang địa Chúa Giêsu được Thánh Thần dẫn đưa vào sa mạc để bị Xatan cám dỗ, nơi đây Người lắng đọng tâm hồn gia tăng sức mạnh tâm linh, suy nghĩ và cưu mang kế họach cứu độ, trước khi xuất đầu lộ diện công khai rao giảng Nước Trời.  Ngày nay, từ ngữ ‘sa mạc’ ám chỉ môi trường tu luyện thiêng liêng dành cho sự gặp gỡ Thiên Chúa, cho những quyết định lựa chọn căn bản, cho những từ bỏ và hóan cải đổi đời. 

Nơi hoang vắng này vang vọng Lời của Thiên Chúa, Lời có khả năng soi sáng con người tìm gặp chân lý về chính mình là thân phận lữ hành tìm kiếm Thiên Chúa.  Nơi trời cao đất rộng nầy, con người như dễ dàng tiếp xúc với Thiên Chúa, học được bài học phù du vật chất, và hào nhoáng trần thế mau qua, đồng thời nhận ra thân phận con người là lữ khách liên tục lên đường tìm kiếm Nước Trời vĩnh cửu.  Người lữ hành dẹp bỏ những hành trang nặng nề cồng kềnh vô ích để cho mình được nhẹ nhàng và tự do đi đến với Thiên Chúa trong tuyệt đối thinh lặng đầy tin tưởng.  Điều kỳ lạ là thời gian sa mạc lại thuận lợi dọn đường cho Chúa Giêsu ngự đến.  Đây cũng là kinh nghiệm của các thánh trước khi gặp gỡ Chúa Ki-tô.

Bệnh thời đại chúng ta là thích định vị “an cư lạc nghiệp”, ôm đồm thật nhiều, làm cho việc gặp gỡ Thiên Chúa và tha nhân trở nên khó thực hiện, căn bệnh trầm kha nầy có nguy cơ khép kín con người trong tự mãn.  Tuy nhiên sa mạc là môi trường tuyệt hảo để hóan cải tâm hồn.  Hóan cải bằng chiêm niệm, lắng nghe Lời, khám phá ra thân phận mọn hèn của con người trước Thiên Chúa bao la vĩ đại.

Lạy Chúa Giêsu, “Chúa không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải” xin cho con biết biến sa mạc bất đắc dĩ thành cơ hội thuận lợi đi về với Chúa. Amen


Lm Luy Nguyễn Quang Vinh - Gx. Phương Hòa, Kontum

Chủ Nhật, 7 tháng 12, 2014

Địa Sở Thanh Bình Và Địa Sở Đức Hưng Thanh An


Địa Sở Thanh Bình Và Địa Sở Đức Hưng Thanh An


Nhân dịp Địa sở Thanh Bình đặt viên đá đầu tiên xây dựng Ngôi Thánh Đường (vào ngày 09/12/2014):




Chúng tôi xin giới thiệu bài nghiên cứu sơ lược tiểu sử “Vùng Truyền Giáo Tây-Tây Nam Thành Phố Pleiku” của Ban mục vụ Truyền thông Giáo phận Kontum, trong đó ghi đậm dấu ấn hình thành Địa sở THANH BÌNH và Địa sở ĐỨC HƯNG THANH AN.


XIN KÍNH MỜI
.
XIN CLICK VÀO

.
                                                                           (Nguồn : https://gpkontum.wordpress.com/)