Kính lòng thương xót của Thiên Chúa
Cv 4, 32-35; 1Ga 5, 1-6; Ga 20,19-31
CHÚA PHỤC SINH
BAN BÌNH AN
Bài suy niệm
Như một người từ nơi xa trở về, Chúa Giêsu từ trong cõi chết sống lại, sau khi phục sinh, ra khỏi mồ, Người liền đến viếng thăm và ủy lạo các môn đệ “Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần”. Ngài biết các ông đang ở trong tình trạng bấn loạn, hoang mang và khủng hoảng vì cái chết của Ngài. Mất đi thế dựa lưng, bị đối phương đe dọa, kẻ thù đã đóng đinh Thầy thì rất có thể giết luôn cả đồ đệ. Co rúm lại vì sợ hãi, đóng kín cửa không dám xuất đầu lộ diện, đó là trải nghiệm của các tông đồ sau ngày Chúa chết. Bất ngờ, Chúa Giêsu xuất hiện, đứng giữa họ và phân phát quà tặng phục sinh, đó là sự bình an: “Bình an cho anh em”(x. Bài Tin Mừng. Ga 20,19-31). Ba lần Chúa lặp lại lời ban bình an.
Bình an đặc biệt này không phải là sản phẩm của việc chấm dứt chiến tranh hay hưu chiếm, không phải là kết quả của chủ nghĩa “muốn hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh”, của hòang đế Xêda, La-mã, cũng không phải là tổng kết của bàn hội nghị quốc tế, nhưng là chiến lợi phẩm của cuộc vượt qua từ cõi chết sang sự sống của Chúa Ki-tô Phục Sinh, Bình An đó là Ơn Cứu Độ. “Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng” (Ga 14, 27). Thế gian chỉ ban tặng những gì là vật chất, còn bình an của Chúa phục sinh là sự sống đời đời. Bình an là sự giao hòa giữa con người với Thiên Chúa nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Cánh cửa giữa trời và đất được mở ra và không bao giờ bị đóng lại. Sự bình an một khi đã được đón nhận, cho người Kitô hữu khả thể thẩm định vật chất, đánh giá nhẹ của cải, sống thành cộng đòan, đặt mọi sự làm của chung dưới sự hướng dẫn của các tông đồ (x. Bài Đọc 1. Cv 4, 32-35). Người Ki-tô hữu một khi tin vào Chúa Ki-tô phục sinh, mắt họ hướng về trời cao, họ có cái nhìn vượt lên trên vật chất, định vị vật chất theo giá trị giới hạn của nó, đồng thời họ vun trồng đời sống cộng đoàn yêu thương và bình an, họ như bước vào một đời sống mới nơi bình an và Thánh thần ngự trị.
Sự bình an được trao ban cùng với ơn Thánh thần, ở đâu có Thần khí ở đó có sự bình an, sự bình an là ân huệ, là hiệu năng của Thánh Thần, mà cử chỉ trao ban là thổi hơi trên các môn đệ. Một cử chỉ quen thuộc kinh điển nhắc lại việc Thiên Chúa tạo dựng (x. Sách Sáng Thế 2, 7). Lễ Phục sinh đúng là cuộc Tạo Dựng Mới. Chắc chắn có một số người trong nhóm môn đệ còn vương vấn hòai nghi: không biết Đấng hiện ra có phải là Đấng đã chịu chết trên thập giá chiều Thứ Sáu Thánh không? Hai đấng là một nhân vật hay hai vị khác nhau ? Các lỗ đinh ở tay và vết đâm ở cạnh sườn được trình ra, xác nhận tính duy nhất của con người phục sinh và con người bị đánh bầm dập hôm Thứ Sáu trên đồi Can-vê là Một, Chúa Kitô lịch sử và Chúa Kitô phục sinh là Một. Như vậy cho thấy có tính liên tục giữa Chúa của Thứ Sáu Thánh và Chúa của ngày Phục sinh, yếu tố quan trọng nầy giúp xác định Chúa Giêsu Kitô đã sống lại thật!
Được cứu độ, tức được lãnh nhận ơn bình an, được lãnh nhận Thần khí và quyền tha tội, các môn đệ được Chúa Phục sinh sai đi thi hành sứ mệnh truyền giáo như sứ mệnh của chính Ngài: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (c. 21), hai cuộc sai đi có cùng một nền tảng sâu xa là Chúa Cha. Sứ mệnh của môn đệ là tiếp nối sứ mệnh của Chúa Kitô, một sứ mệnh cao cả. Vấn đề của Tôma cứng tin, ông không chấp nhận lời chứng của cộng đòan, ông nại đến trực quan khoa học cho rằng cái không thấy được thì không đáng tin, ông chỉ tin những gì thấy được. Việc này được chính Chúa Phục sinh hạ cố giải quyết, Ngài cho ông xem dấu đinh, và Tôma cuối cùng đã tuyên xưng: “Lạy Chúa tôi và là Thiên Chúa tôi” (c. 28). Nhân đó Chúa Phục sinh mở rộng tầm nhìn về mối phúc cho mọi người: “Phúc thay những người không thấy mà tin”, trong số đó có chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh, con tin thật Chúa là duy nhất trên trần gian đã từ cõi chết sống lại để ban cho nhân lọai sự sống đời đời. Xin hãy củng cố đức tin yếu đuối của con. Amen Allêluia.
Lm.Luy Nguyễn Quang Vinh, gx Phương Hòa, Kon Tum
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét