Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2015

CN3B MC. Ngày 8. 3. 2015


Xh 20,1-7; 1Cr 1,22-25;  Ga 2,13-25

XÂY LẠI ĐỀN THỜ

Bài suy niệm

        Khi hành trình đi lên Giêrusalem, Chúa Giêsu đã nhìn thấy cảnh tượng chướng tai gai mắt nơi đền thánh, người ta đã biến đền thờ thành trung tâm thương mại.  Thật ra đây là sự tha hóa của ý hướng ban đầu nhằm cung cấp lễ vật cho khách hành hương để họ hoàn tất các nghi lễ theo đạo Do thái.  Theo truyền thống Do thái hằng năm những nam nhi từ 12 tuổi trở lên phải trẩy hội đền thờ Giêrusalem 3 lần để tôn kính Thiên Chúa.  Đền thờ Giêrusalem ở miền Nam, xứ Giuđa.  Lễ vật dâng tiến là bò, chiên, cừu, bồ câu.  Những lễ vật này cồng kềnh, không tiện cho khách hành hương phải mang theo từ Bắc xuống Nam 150Km, họ chỉ việc bán đi cầm tiền tới đền thờ mua lại con vật khác làm của lễ.  Đồng tiền được sử dụng trong phụng tự nơi đền thờ không mang hình tượng ký hiệu của hòang đế Rôma, buộc phải dùng một lọai tiền khác.  Khách hành hương hàng năm đổ về đền thờ cần đổi tiền, cần mua súc vật làm lễ tế.  Được anh em đồng đạo giúp đỡ tạo điều kiện mua sắm lễ phẩm là điều quý hóa, tuy nhiên dần dần mối ưu tư kinh tế xâm chiếm lòng con người.  Việc thờ phượng trở nên thương mại !

         Người ta đánh mất tinh thần phục vụ tôn giáo, thay vào đó là lợi nhuận, đua tranh kinh tế, kình cãi nhau, biến thành thánh Giêrusalem thành nơi phố chợ.  Trong bối cảnh đó, chúng ta hiểu cơn nóng giận thánh thiện của Đức Giêsu khi lấy dây thừng làm roi, xua đuổi chiên bò, xô ngã bàn đổi tiền, và gào lên : “Đem tất cả những thứ này ra ngòai, ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán” (x. BàiTin Mừng. Ga 2, 13-25).  Khi bị chất vấn dựa vào quyền nào mà làm như vậy.  Đức Giêsu đáp: “Các ông cứ phá hủy đền thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại”.  Họ không hiểu lời đó của Người.  Thật ra Người nói về cái chết và sự phục sinh của thân xác Người.  Thánh Gioan đã đặt bài tường thuật thanh tẩy đền thờ ngay từ đầu, khác với các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm, đặt vào cuối đời của Đức Giêsu.  Tác giả cho thấy có sự xung đột giữa Người và dân Do thái, con đường cứu chuộc của Người là chuỗi dài xung đột, ơn cứu độ được thực hiện bằng sự thất bại như Đền Thờ bị phá hủy nhưng được phục hồi vào ngày thứ ba.  Xung đột đưa Người tới cái chết thập giá.

         Bóng dáng tử nạn phục sinh đã lãng vãng xuất hiện ngay buổi đầu rao giảng, mãi về sau các môn đệ mới hiểu ra lời tiên tri ám tàng này :“Khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó” (c. 22).  Phá đổ và dựng lại như một tái thiết sự tôn thờ Thiên Chúa mà sách Xuất hành đã tuyên cáo : “Ngươi không được có thần nào đối nghịch với ta” (x. Bài Đọc 1. Xh 20, 1-17).  Dân chúng đã đặt vào đền thờ ngẫu tượng Mammon (thần tiền tài), nay bị xua đuổi ra khỏi Đền Thờ, vì Đền thờ chỉ dành ưu tiên cho việc thờ phượng Thiên Chúa mà thôi.  Đức Giêsu thanh tẩy đền thờ, Người trả lại việc tôn thờ cho Thiên Chúa.  Thanh tẩy đền thờ, lập lại trật tự nơi thờ phượng theo đúng nghĩa cho nhà Chúa. 

         Qua hành động quyết liệt nầy Đức Giêsu chỉ cho nhân loại biết cách phải tôn thờ Thiên Chúa thế nào cho cân xứng.  Đức Giêsu đã ám chỉ đến một đền thờ khác, đó là chính thân thể của Người, nơi xứng đáng nhất cho việc tôn thờ Thiên Chúa.  Thân thể của Đức Giêsu Kitô là bản ký kết Giao Ước Mới giữa Thiên Chúa và con người.  Nơi đền thờ hòan hảo này, của lễ hòan hảo nhất đã được Tư tế tuyệt đối hòan hảo dâng lên cho Thiên Chúa làm giá cứu chuộc nhân lọai.  Của Lễ, Bàn Thờ, Tư Tế là một hội tụ nơi bản thân Đức Giêsu Kitô, cả ba trong một, cả ba nên một.  Cả bộ ba hòan hảo hội tụ lại nơi bản thân Đức Giêsu Kitô tuyệt đối hoàn hảo.  Như vậy một nghi lễ tế tự mới, một tôn giáo mới, được thành lập do tư tế mới là Đức Giêsu khi đổ máu chính mình trên thập giá ở đồi Canvê vào ngày Thứ Sáu Thánh.  Thánh lễ hay bí tích Thánh thể hằng ngày được dâng trên bàn thờ là hiện tại hóa và hồi niệm việc đổ máu trên núi Sọ, tức là hiện-hồi-niệm (anamnèse) cách bí tích những gì xảy ra trên núi Sọ có hiệu năng cứu chuộc.

         Lạy Chúa Giêsu, xin cho con can đảm xua đuổi khỏi tâm hồn mình những ngổn ngang, những thần tượng đủ lọai, chỉ để tôn thờ một Thiên Chúa mà thôi, vì “Thiên Chúa là một vị thần hay ghen tương” (c.5. Bài Đọc 1), và vì Ngài đã chết cho con. Amen

Lm.Luy Nguyễn Quang Vinh, gx Phương Hòa, Kon Tum

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét