Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2015

CN TN 3 B . Ngày 25. 1. 2015


CN TN 3 B .  Ngày 25. 1. 2015
Gn 3,1-5.10; 1cr 7,29-31; Mc 1,14-20

TRUYỀN GIÁO

Bài suy niệm

         Hôm nay Giáo Hội kết thúc tuần lễ cầu nguyện cho Hiệp Nhất các Kitô hữu.  Giáo hội mà Chúa Giêsu thiết lập như chiếc áo không có đường khâu, chiếc áo đó bị chia ra làm bốn mảnh lớn, Giáo Hội Công Giáo, Giáo Hội Chính Thống, Giáo Hội Anh Giáo và Giáo Hội Tin Lành.  Hai ngàn năm qua tội lỗi đã len lỏi và chia rẽ Giáo Hội, sự chia rẽ này là phản chứng cho việc rao giảng Tin Mừng. Ý thức sâu xa về đau xót này hằng năm Giáo Hội Công Giáo dành một tuần lễ để cầu nguyện cho Hiệp Nhất Các Kitô Hữu (Từ 18 tháng 1 đến 25 tháng 1: lễ thánh Phaolô trở lại).  Đây là việc làm dài hơi mà Giáo Hội Công Giáo khẩn thiết kiên trì cầu nguyện cho các Kitô hữu theo ý nguyện của Đức Giê-su “xin cho chúng nên một” , “ut sinh unum”.

 

       Mở đầu phụng vụ hôm nay, Sách Giôna là sách thánh của người Do thái được viết vào thế kỷ 5 trước kỷ nguyên Thiên Chúa giáng sinh, mang tính ngụ ngôn và ý nhị, nói đến ơn cứu độ không biên giới dành cho mọi dân tộc. “Hãy đứng dậy, đi đến Ninivê và hô cho dân thành biết lời tuyên cáo Ta sẽ truyền cho ngươi”.  Đức Chúa kêu gọi tiên tri Giôna rao giảng cho thành Ninivê ngọai giáo, nhà tiên tri lo sợ và chạy trốn trước lời mời gọi khó khăn nầy vì ông không tin tưởng sự hoán cải nơi dân ngọai.  Chạy trời không khỏi nắng, cuối cùng ông bị ép rao giảng cho thành Ninivê, sau khi trải qua 3 ngày đêm trong bụng kình ngư.   Tiên tri Giôna bắt đầu rao giảng kêu gọi sám hối.  Lạ lùng thay, cả thành phố rộng lớn từ lòai vật cho đến loài người đều sám hối theo lời tiên tri Giôna, vì vậy Đức Chúa tha cho họ tội chết: “Đức Chúa hối tiếc về tai họa Người đã tuyên bố sẽ giáng xuống trên họ, và đã không giáng xuống nữa”(x. Bài Đọc 1. Gn 3, 1-5.10).  

             Năm trăm năm sau đó một việc làm khác xảy ra tại đất dân ngoại, Đức Giêsu đến miền Galilê khai trương rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa.  “Galilê là vùng đất dân ngọai”, “Ngã tư đường của lương dân”.  Galilê là vùng xôi đậu giữa Do thái và dân ngọai, được chọn làm trung tâm truyền giáo. Tin Mừng thánh Máccô nhắc đến địa danh này 12 lần, Chúa Giêsu đặt địa bàn hoạt động tại đây cho dù người Giêrusalem miệt thị xứ sở này.  Galilê được coi là Ninivê Mới, cần được rao giảng ơn sám hối. Điều Chúa Giêsu làm, ứng với lời sấm của Isaia : “Dân đi trong tăm tối đã thấy một ánh sáng huy hòang.  Trên những kẻ ở xứ âm u, một nguồn sáng đã rạng ngời” (Is 8, 23tt).  Ý định truyền giáo của Chúa Giêsu thật rõ ràng khi bắt đầu sứ vụ tại vùng đất dân ngọai.  Rao giảng cho dân ngoại là ưu tư hàng đầu của Đức Giêsu cũng là ưu tư hàng đầu của các đấng kế vị, điển hình như Đức đương kim Giáo Hoàng Phanxicô, ngài không ngớt nhắc đi nhắc mục vụ truyền giáo trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng (số 111-134), và đó là bản chất của Giáo hội (CĐ Vaticanô II).

           Việc loan báo ơn cứu độ cần đến sự cộng tác của con người.  Chúa Giêsu đã kêu gọi hai cặp anh em, đó là những môn đệ đầu tiên : “ Simôn với người anh là ông Anrê… Ông Giacôbê và người em là Gioan”.  “Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá” (x. Bài Tin Mừng.  Mc 1, 14-20).  Việc rao giảng khẩn thiết, xem ra Đức Giêsu không xét kỹ lý lịch và không tuyển chọn nhân sự khắt khe theo tiêu chuẩn trí thức, Người nắm bắt những gì có sẵn gặp được nơi biển hồ Galilê, đó là các thanh niên thuyền chài ít học.

          Việc làm này của Chúa Giêsu xảy ra sau khi Gioan Tẩy Giả bị nộp, loáng thóang cho thấy Chúa Giêsu cũng sẽ có cùng một số phận như vị Tiền Hô của mình, bị tù ngục và bị tắm máu.  Cho đến hôm nay cách hành xử của Đức Chúa vẫn như vậy, Người vẫn cần những cộng tác viên, Người tiếp tục kêu gọi các thanh niên nam nữ quảng đại dâng mình cho công việc truyền giáo vốn rất bao la, cụ thể nơi quê hương đất Việt mới chỉ ngót nghét 7% dân số tin theo Đức Giêsu Kitô, và chỉ 2% nơi lục địa mênh mong Á Châu.

       Lạy Chúa Giêsu, Chúa luôn cần đến con người để đem ơn cứu độ đến cho nhân lọai, xin cho con biết cầu nguyện và tích cực đóng góp vào công việc đào tạo các thừa sai cho việc truyền giáo. Amen

Lm. Luy Nguyễn Quang Vinh, gx Phương Hòa, Kon Tum

CN 5B MC. Ngày 22. 3. 2015


Gr 31,31-34; Dt 5,7-9;  Ga 12, 20-33

 

GIỜ – GIAO ƯỚC

Bài suy niệm

         Điều lạ và khó tin đã xảy ra nhiều lần trong Kinh thánh, đó là việc ký kết Giao ước giữa Thiên Chúa và con người.  Lập Giao ước là ý hướng căn bản trong Kinh thánh.  Trong thời Cựu Ước nhiều lần Kinh thánh nói đến việc Thiên Chúa đã ký giao ước với con người: Giao ước với Ápraham, Giao ước với Môsê, Giao ước với Nôê, Giao ước với nhà Đavít …  Giao ước được thực hiện nhiều lần khác nhau trong đa dạng bối cảnh.  Mỗi Giao ước có lịch sử và nội dung riêng của nó, Thiên Chúa luôn đồng hành với dân Ítraen và dẫn dắt họ qua những thăng trầm lịch sử bằng những giao ước nhất thời, luôn hướng họ tới một Giao ước mới, dứt khóat và trọn vẹn.  Lời hứa này được Giêrêmia khẳng định: “Này sẽ đến những ngày, ta sẽ lập với nhà Ítraen và nhà Giuđa một Giao Ước Mới … Ta sẽ ghi khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. …  Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa” (x. Bài Đọc 1. Gr 31,31-34). 

 

          Giao Ước Mới này được Đức Giêsu ký kết bằng máu của Người khi chịu đóng đinh chết trên thập giá, để ban ơn cứu chuộc cho nhân lọai. Thánh Phaolô tóm gọn sự việc trong thư Do thái: “Dẫu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; … Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (x. Bài Đọc 2. Dt 5, 7-9).  Ơn cứu độ được thiết lập không chỉ dành riêng cho người Do thái mà thôi, nhưng cho tất cả.  Ngay trước khi bước đi trên con đường chịu nạn vào dịp lễ Vượt qua năm ấy, đã có mấy người Hy-lạp đến xin gặp Đức Giêsu, qua trung gian môn đệ Philípphê và Anrê, họ đã được mãn nguyện.  Trong cuộc gặp gỡ đó Đức Giêsu nói một cách ám tàng về con đường tử nạn và phục sinh của mình.  Người ví mình như hạt lúa gieo vào lòng đất, phải mục nát rồi mới đơm bông kết trái.   Người bộc lộ tâm sự của mình.  Người chiêm niệm và hình dung con đường cam go Người phải kinh qua.  Là thân phận phàm nhân, Người lo lắng, “tâm hồn xao xuyến”, và xin Cha cứu khỏi giờ này.  Vì đó là giờ đáng sợ: Giờ bị học trò bán đứng, bị bạn hữu phản bội, bị bỏ vạ cáo gian, bị kết án tù ngục và đóng đinh chết ô nhục trên thập giá.  Tuy nhiên Người phải đi đến cùng vì đó là ý hướng căn bản chỉ đạo cuộc đời của Người : “Vì giờ này mà Con đã đến” (x. Bài Tin Mừng. Ga 12, 20-33).

          Với những người Hy-lạp muốn gặp Đức Giêsu, Người nói: “ Đã đến giờ, Con Người được tôn vinh!” (c.23).  Đối với những người Hy-lạp hôm đó, họ là những người đi tìm kiếm Thiên Chúa, lời nói trên hàm ý nội dung sâu xa, họ cảm nhận một điều gì đó quan trọng sắp xảy ra.  Họ đến không phải chỉ gặp Đức Giêsu mà thôi, việc này họ có thể làm mà không cần qua trung gian các môn đệ, nhưng họ muốn tiếp xúc với Chúa Giêsu để tâm sự, để trao đổi, để đi sâu vào tâm tình tôn giáo, do đó họ mới cần được môn đệ giới thiệu.  Tâm hồn họ được lấp đầy khi nghe từ miệng Đức Giêsu nói những lời này, họ hiểu lờ mờ về lời sấm đó: chính vì giờ này mà Đức Giêsu đã đến thế gian, giờ của tội lỗi dẫn Đức Giêsu đến Thập giá, nhưng cũng là giờ mà thập giá trở thành ngai vinh quang, chiến thắng sự chết. 

          Ngày xưa các Hiền sĩ cảm nhận được sự lạ lùng khi ngắm nhìn Hài Nhi sơ sinh được bọc trong khăn, đặt nằm trong máng cỏ và nhận ra đó là Vua dân Do thái, là Chúa cả trời đất; hôm nay những người Hy-lạp cảm nhận sự lạ lùng đó khi nghe nói : “Một khi được giương cao lên khỏi đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (c.32).  Họ nhận ra Đức Giê-su là đấng Cứu độ bởi vì lên với Thầy là gặp được sự sống đời đời, nhưng với điều kiện là phải từ bỏ chính mạng sống mình như điều kiện tất yếu phải có, đó là con đường mục nát tự hủy của hạt giống gieo vào lòng đất.  Thầy đã kinh qua con đường thập giá và đã đặt tới vinh quang, trò cũng dấn bước trên đó để chung phần chiến thắng với Thầy.

        Lạy Chúa Giêsu, với ý thức chết để cứu chuộc trần gian, Chúa đã uống cạn chén đắng, đi đến cùng đích thập giá, xin cho con can đảm thi hành vuông tròn bổn phận của mình như của lễ hiến tế, hiệp thông vào việc cứu độ nhân lọai. Amen

Lm.Luy Nguyễn Quang Vinh, gx Phương Hòa, Gp Kon Tum

CN3B MC. Ngày 8. 3. 2015


Xh 20,1-7; 1Cr 1,22-25;  Ga 2,13-25

XÂY LẠI ĐỀN THỜ

Bài suy niệm

        Khi hành trình đi lên Giêrusalem, Chúa Giêsu đã nhìn thấy cảnh tượng chướng tai gai mắt nơi đền thánh, người ta đã biến đền thờ thành trung tâm thương mại.  Thật ra đây là sự tha hóa của ý hướng ban đầu nhằm cung cấp lễ vật cho khách hành hương để họ hoàn tất các nghi lễ theo đạo Do thái.  Theo truyền thống Do thái hằng năm những nam nhi từ 12 tuổi trở lên phải trẩy hội đền thờ Giêrusalem 3 lần để tôn kính Thiên Chúa.  Đền thờ Giêrusalem ở miền Nam, xứ Giuđa.  Lễ vật dâng tiến là bò, chiên, cừu, bồ câu.  Những lễ vật này cồng kềnh, không tiện cho khách hành hương phải mang theo từ Bắc xuống Nam 150Km, họ chỉ việc bán đi cầm tiền tới đền thờ mua lại con vật khác làm của lễ.  Đồng tiền được sử dụng trong phụng tự nơi đền thờ không mang hình tượng ký hiệu của hòang đế Rôma, buộc phải dùng một lọai tiền khác.  Khách hành hương hàng năm đổ về đền thờ cần đổi tiền, cần mua súc vật làm lễ tế.  Được anh em đồng đạo giúp đỡ tạo điều kiện mua sắm lễ phẩm là điều quý hóa, tuy nhiên dần dần mối ưu tư kinh tế xâm chiếm lòng con người.  Việc thờ phượng trở nên thương mại !

         Người ta đánh mất tinh thần phục vụ tôn giáo, thay vào đó là lợi nhuận, đua tranh kinh tế, kình cãi nhau, biến thành thánh Giêrusalem thành nơi phố chợ.  Trong bối cảnh đó, chúng ta hiểu cơn nóng giận thánh thiện của Đức Giêsu khi lấy dây thừng làm roi, xua đuổi chiên bò, xô ngã bàn đổi tiền, và gào lên : “Đem tất cả những thứ này ra ngòai, ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán” (x. BàiTin Mừng. Ga 2, 13-25).  Khi bị chất vấn dựa vào quyền nào mà làm như vậy.  Đức Giêsu đáp: “Các ông cứ phá hủy đền thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại”.  Họ không hiểu lời đó của Người.  Thật ra Người nói về cái chết và sự phục sinh của thân xác Người.  Thánh Gioan đã đặt bài tường thuật thanh tẩy đền thờ ngay từ đầu, khác với các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm, đặt vào cuối đời của Đức Giêsu.  Tác giả cho thấy có sự xung đột giữa Người và dân Do thái, con đường cứu chuộc của Người là chuỗi dài xung đột, ơn cứu độ được thực hiện bằng sự thất bại như Đền Thờ bị phá hủy nhưng được phục hồi vào ngày thứ ba.  Xung đột đưa Người tới cái chết thập giá.

         Bóng dáng tử nạn phục sinh đã lãng vãng xuất hiện ngay buổi đầu rao giảng, mãi về sau các môn đệ mới hiểu ra lời tiên tri ám tàng này :“Khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó” (c. 22).  Phá đổ và dựng lại như một tái thiết sự tôn thờ Thiên Chúa mà sách Xuất hành đã tuyên cáo : “Ngươi không được có thần nào đối nghịch với ta” (x. Bài Đọc 1. Xh 20, 1-17).  Dân chúng đã đặt vào đền thờ ngẫu tượng Mammon (thần tiền tài), nay bị xua đuổi ra khỏi Đền Thờ, vì Đền thờ chỉ dành ưu tiên cho việc thờ phượng Thiên Chúa mà thôi.  Đức Giêsu thanh tẩy đền thờ, Người trả lại việc tôn thờ cho Thiên Chúa.  Thanh tẩy đền thờ, lập lại trật tự nơi thờ phượng theo đúng nghĩa cho nhà Chúa. 

         Qua hành động quyết liệt nầy Đức Giêsu chỉ cho nhân loại biết cách phải tôn thờ Thiên Chúa thế nào cho cân xứng.  Đức Giêsu đã ám chỉ đến một đền thờ khác, đó là chính thân thể của Người, nơi xứng đáng nhất cho việc tôn thờ Thiên Chúa.  Thân thể của Đức Giêsu Kitô là bản ký kết Giao Ước Mới giữa Thiên Chúa và con người.  Nơi đền thờ hòan hảo này, của lễ hòan hảo nhất đã được Tư tế tuyệt đối hòan hảo dâng lên cho Thiên Chúa làm giá cứu chuộc nhân lọai.  Của Lễ, Bàn Thờ, Tư Tế là một hội tụ nơi bản thân Đức Giêsu Kitô, cả ba trong một, cả ba nên một.  Cả bộ ba hòan hảo hội tụ lại nơi bản thân Đức Giêsu Kitô tuyệt đối hoàn hảo.  Như vậy một nghi lễ tế tự mới, một tôn giáo mới, được thành lập do tư tế mới là Đức Giêsu khi đổ máu chính mình trên thập giá ở đồi Canvê vào ngày Thứ Sáu Thánh.  Thánh lễ hay bí tích Thánh thể hằng ngày được dâng trên bàn thờ là hiện tại hóa và hồi niệm việc đổ máu trên núi Sọ, tức là hiện-hồi-niệm (anamnèse) cách bí tích những gì xảy ra trên núi Sọ có hiệu năng cứu chuộc.

         Lạy Chúa Giêsu, xin cho con can đảm xua đuổi khỏi tâm hồn mình những ngổn ngang, những thần tượng đủ lọai, chỉ để tôn thờ một Thiên Chúa mà thôi, vì “Thiên Chúa là một vị thần hay ghen tương” (c.5. Bài Đọc 1), và vì Ngài đã chết cho con. Amen

Lm.Luy Nguyễn Quang Vinh, gx Phương Hòa, Kon Tum

CN4B MC. Ngày 15. 3. 2015


2Sb 36,14-16.19-23; Ep 2,4-10; Ga 3, 14-21

RẮN ĐỒNG CỨU ĐỘ

    Bài suy niệm

      Trong cả ba bài đọc phụng vụ hôm nay đều nói đến hai nhịp: bất trung và trừng phạt, triệt hạ và tái thiết, lưu đày và hồi hương; lên án và cứu độ, chết và sống.  Các tình huống thăng trầm này thường xảy ra trong lịch sử dân Do thái.  Chúng tiêu biểu cho nhịp sống tôn giáo của một dân tộc và cũng là của mỗi chúng ta, khi bất trung khi nhiệt thành.  “Tư tế và dân chúng bất trung bất nghĩa … khiến Đức Chúa bừng bừng nổi giận mà trừng phạt dân Người đến vô phương cứu chữa” (x. Bài Đọc 1. 2Sb 36,14-16.19-23). 

         Một kinh nghiệm khác, trong hành trình sa mạc tiến về đất Hứa, có lúc người Do thái đã thiếu tin tưởng vào Thiên Chúa nên than trách, thay vì tri ân thì ca thán Môsê đã đưa họ vào sa mạc; hình phạt được dựng nên tức khắc để trừng trị kẻ vô ơn: rắn độc tràn ra cắn chết những kẻ than van.  Không có thuốc chữa, họ ngước nhìn Thiên Chúa và kêu cầu Người; Môsê được lệnh đúc tượng rắn bằng đồng rồi giương cao nơi hoang địa để những ai bị rắn độc cắn, nhìn lên rắn đồng, tức thì được cứu sống (x. Ds 21,4-9).  Phương thuốc chữa trị này không phải là ma thuật bùa chú gì cả, nhưng là hành vi cứu độ do đức tin đem lại, quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện nơi lòng tin.  Một phương thế cứu độ nhất thời của Thiên Chúa đối với dân của Người, tỏ cho dân biết Thiên Chúa quyền năng đáng kính sợ, Người cứ độ và thưởng phạt theo tội phúc mỗi người.

 

          Hình ảnh rắn đồng được giương cao trong hoang địa được chính Đức Giêsu lấy làm biểu tượng và áp dụng cho chính mình: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn đồng trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (x. Bài Tin Mừng. Ga 3, 14-21).  Con Người được giương cao trên thập giá, hình ảnh con rắn đồng được thay thế bằng thực tại xảy ra, Đức Giêsu được ví như Môsê Mới giương cao mình trên đồi Canvê vào Thứ Sáu Thánh để mang lại ơn cứu độ cho muôn dân, như một phương pháp dĩ độc trị độc.  Con đường từ cõi chết bước sang sự sống vươn cao trong mầu nhiệm Vượt qua nơi bản thân Đức Giêsu thành Nadarét, đó là mầu nhiệm tử nạn và phục sinh  mà Giáo Hội cử hành hằng ngày trên bàn thờ : “Chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho đến khi Chúa lại đến”.    Mỗi Chúa nhật, Lời Chúa và Thánh Thể làm cho chúng ta sống một cách bí tích hai nhịp “chết đi và sống lại” này, làm cho chúng ta nên giống Chúa Kitô.  “Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Kitô trên trời” (x. Bài Đọc 2. Ep 2,4-10). 

            Kinh thánh ghi lại những bất trung, phản trắc của dân Do thái, những tai ương đi kèm theo họ mỗi khi họ vấp ngã phản bội, như để sửa trị và gíao dục họ, nhưng mục đích chính là cốt để làm nổi bật lên lòng yêu thương của Thiên Chúa đối với dân Người.  Thật vậy lòng yêu thương của Thiên Chúa luôn dẫy tràn trên họ đến nỗi Tin Mừng thánh Gioan ca tụng tình yêu đó : “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (c.16).  Thật là tội hồng phúc (felix culpa), tội đáng ca tụng vì đã mang lại cho chúng ta Đấng Cứu Chuộc, như bài Hoan Ca Phục Sinh (exultet) được cất lên trong đêm Chúa sống lại.  Thật tuyệt vời ! Thiên Chúa không ngừng sai những sứ giả của Người đến giữa dân Người để kêu gọi họ trở về với Thiên Chúa.  Nếu như dân đã bất trung với Giao Ước nên đã bị lưu đày, Thiên Chúa đã nhờ bàn tay ngọai giáo vua Ky-rô xứ Ba Tư để mở cho họ con đường trở về.  Trong mọi hoàn cảnh cho dù bế tắc đến đâu Thiên Chúa cũng có cách hành xử hợp lý, Người luôn tỏ ra là Ông chủ lịch sử.  Thật kỳ diệu, lòng Chúa xót thương!  Thánh Phaolô dâng lời ca tụng: “Thưa anh em , Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dẫu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng cho chúng ta được cùng sống lại với Đức Kitô” ( c. 2 . Bài Đọc 2).  Tin tưởng và tín thác vào tình yêu Thiên Chúa, người Ki-tô hữu không có chỗ cho tuyệt vọng, họ không có bất cứ lý do nào để đánh mất niềm hy vọng được Thiên Chúa cứu độ.

          Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dùng sự chết và sống lại của Chúa để cứu độ con, con tri ân cảm tạ và cung kính thờ lạy Chúa.  Xin cho con biết trở nên dấu chỉ tình thương của Chúa đối với  anh em con. Amen

Lm.Luy Nguyễn Quang Vinh, gx Phương Hòa – Kon Tum

CN PS 1B. Ngày 5. 4. 2015


Cv 10, 34.37-43; Cl 3, 1-4; Ga 20,1-9.

Allêluia ! Allêluia !

XÉ TAN ĐÊM TỐI


Bài suy niệm

          Nến Phục Sinh, biểu tượng Chúa Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại, chiếu sáng trần gian.  Ánh sáng phục sinh xé tan màn đêm sự chết.  Chiến thắng thần chết chỉ có thể là Chúa Giêsu Kitô duy nhất.  Giáo Hội ca tụng Ánh Sáng Phục Sinh, tức ca tụng chiến thắng của Chúa Giêsu Kitô trên sự chết qua bài Hoan Ca Phục Sinh (Exultet: Mừng vui lên).  Cây nến được long trọng đặt nơi cung thánh đền thờ cho tất cả mọi người chiêm ngưỡng.  Nơi cây nến này gói trọn tất cả giáo lý thâm sâu và cao cả của Kitô giáo.  Chúa Giêsu là tất cả, đầu hết và cuối hết (α và Ω : An-pha và Ô –mê- ga) của vũ trụ và của mỗi người.  Năm tháng tuổi tác thời gian thuộc về Người.  Chúa Kitô là một hôm qua cũng như hôm nay và mãi mãi, nghĩa là Chúa Kitô luôn đồng thời với con người ở mọi khỏanh khắc.  Trên thân cây nến phục sinh có vẽ hình Thập giá, tức là tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô chết và phục sinh, nghĩa là Chúa Giêsu của Thứ Sáu Thánh bị đánh bầm dập tan nát và Chúa Giêsu Kitô sáng láng vinh hiển của ngày Phục Sinh là một, con người lịch sử tử nạn và con người phục sinh là một.  Các lần hiện ra và các dấu tích nơi tay và cạnh sườn khẳng định điều này. Trong cùng một cử chỉ  ghi khắc thập giá trên nến phục sinh, Giáo Hội loan truyền Chúa chết và tuyên xưng Chúa sống lại.

 

         Mầu nhiệm phục sinh không tách rời khỏi mầu nhiệm tử nạn, đây là nguyên lý sinh ơn cứu chuộc, cuộc thương khó của Chúa Giêsu là nguyên nhân sinh ơn cứu chuộc cho nhân loại.  Con đường tử nạn dẫn đến vinh quang phục sinh.  Thập giá và vinh quang đan quyện lấy nhau làm nên mầu nhiệm cứu chuộc mà Chúa Giêsu Kitô đem lại.  Khi suy niệm mầu nhiệm tử nạn và phục sinh chúng ta đi vào tâm điểm của đức tin công giáo.  Thánh Phaolô suy niệm mầu nhiệm này trong Thư Philípphê: “Vốn dĩ là Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ … Người còn hạ mình vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá.  Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (x. Pl 2, 6-11).  Đi từ tử nạn sang phục sinh là điều xa lạ với trí óc con người, kể cả các môn đệ, họ không hiểu kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, đến giờ Thầy sắp đi chịu tử nạn mà họ vẫn tranh cãi nhau về chỗ ngồi cao thấp, về ai lớn ai nhỏ.  Ngay cả khi Chúa chết và sống lại Ngài  còn phải nhắc nhớ các môn đệ Emmau: “Chẳng phải Đấng Mêsia phải chịu đau khổ trước khi đi đến vinh quang sao?”.  Chất đắng khó nuốt trong Ki-tô giáo làm nhiều người từ chối bí quyết hạt lúa mì gieo xuống đất có thối nát đi mới sinh nhiều bông hạt.

           Vì không nhận ra mối liên hệ đó, nên hai môn đệ Emmau đã thất vọng bỏ cộng đòan ra đi, và không nhận ra người khách lạ đồng hành với họ trên quảng đường dài hôm đó là chính Thầy Giêsu.  Nhưng một khi hiểu được mối liên hệ chết-sống đó, thì dù chỉ thấy mồ trống mà thôi, thánh Gioan cũng đã tin là Chúa sống lại thật rồi.  “Bấy giờ người môn đệ kia (tức Gioan), kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào.  Ông đã thấy và đã tin.  Thật vậy, trước đó hai ông chưa hiểu rằng theo Kinh Thánh  Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết”(x.Bài Tin Mừng. Ga 20,1-9).  Thánh Gioan thấy mồ trống, băng liệm và khăn che mặt nhưng lại tin vào Đấng phục sinh mà ông không thấy, ông thấy cái vật chất, tin điều siêu hình. Đức tin là nơi gặp gỡ giữa biến cố xảy ra và Kinh thánh.  Cần phải có biến cố để hiểu Kinh thánh và cần có Kinh thánh để am tường biến cố, lời nói cắt nghĩa việc làm và việc làm xác nhận lời nói.  Việc Chúa chịu chết và sống lại được Kinh thánh loan báo, lời loan báo này được thành tựu nơi bản thân Chúa Giêsu.  Chính nơi Ngài Kinh thánh được hoàn tất, Ngài là sự mặc khải toàn vẹn về Thiên Chúa.

         Vượt qua sự chết đi đến sự sống, đi từ thập giá đến vinh quang là nhịp tiếp nối thường xảy ra trong đời mỗi người.  Bài học này đúng trong mọi lãnh vực cuộc sống, điều lạ là ít khi chúng ta chấp nhận bí quyết này, vì thường chúng ta muốn đi tắt đón đầu, muốn mau chóng thành công, không muốn đi con đường “hạt lúa mì gieo xuống đất”.  Lễ phục sinh hướng chúng ta vào niềm hy vọng sống lại, mang lại ý nghĩa cho đau khổ mà có khi chúng ta cảm thấy vô lý.  Thật ra đau khổ chỉ tìm được câu giải đáp trong cái nhìn của Ki-tô giáo, ngoài ra đau khổ mãi mãi là tiêu cực, là mất mát khó hiểu.

        Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin cho con bước đi theo Ngài, chấp nhận bóng tối và ánh sáng cuộc đời, để cùng Ngài chung hưởng phúc vinh quang. Amen.  Alleluia.

Lm.Luy Nguyễn Quang Vinh, gx Phương Hòa, Kon Tum

CN PS 2B. Ngày 12. 4. 2015

Kính lòng thương xót của Thiên Chúa
Cv 4, 32-35; 1Ga 5, 1-6; Ga 20,19-31

 

CHÚA PHỤC SINH

BAN BÌNH AN

Bài suy niệm

        Như một người từ nơi xa trở về, Chúa Giêsu từ trong cõi chết sống lại, sau khi phục sinh, ra khỏi mồ, Người liền đến viếng thăm và ủy lạo các môn đệ “Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần”.  Ngài biết các ông đang ở trong tình trạng bấn loạn, hoang mang và khủng hoảng vì cái chết của Ngài.  Mất đi thế dựa lưng, bị đối phương đe dọa, kẻ thù đã đóng đinh Thầy thì rất có thể giết luôn cả đồ đệ.  Co rúm lại vì sợ hãi, đóng kín cửa không dám xuất đầu lộ diện, đó là trải nghiệm của các tông đồ sau ngày Chúa chết.  Bất ngờ, Chúa Giêsu xuất hiện, đứng giữa họ và phân phát quà tặng phục sinh, đó là sự bình an: “Bình an cho anh em”(x. Bài Tin Mừng. Ga 20,19-31).  Ba lần Chúa lặp lại lời ban bình an. 

 

       Bình an đặc biệt này không phải là sản phẩm của việc chấm dứt chiến tranh hay hưu chiếm, không phải là kết quả của chủ nghĩa “muốn hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh”, của hòang đế Xêda, La-mã, cũng không phải là tổng kết của bàn hội nghị quốc tế, nhưng là chiến lợi phẩm của cuộc vượt qua từ cõi chết sang sự sống của Chúa Ki-tô Phục Sinh, Bình An đó là Ơn Cứu Độ.  “Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng” (Ga 14, 27).  Thế gian chỉ ban tặng những gì là vật chất, còn bình an của Chúa phục sinh là sự sống đời đời.  Bình an là sự giao hòa giữa con người với Thiên Chúa nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô.  Cánh cửa giữa trời và đất được mở ra và không bao giờ bị đóng lại.  Sự bình an một khi đã được đón nhận, cho người Kitô hữu khả thể thẩm định vật chất, đánh giá nhẹ của cải, sống thành cộng đòan, đặt mọi sự làm của chung dưới sự hướng dẫn của các tông đồ (x. Bài Đọc 1. Cv 4, 32-35).  Người Ki-tô hữu một khi tin vào Chúa Ki-tô phục sinh, mắt họ hướng về trời cao, họ có cái nhìn vượt lên trên vật chất, định vị vật chất theo giá trị giới hạn của nó, đồng thời họ vun trồng đời sống cộng đoàn yêu thương và bình an, họ như bước vào một đời sống mới nơi bình an và Thánh thần ngự trị.

 

         Sự bình an được trao ban cùng với ơn Thánh thần, ở đâu có Thần khí ở đó có sự bình an, sự bình an là ân huệ, là hiệu năng của Thánh Thần, mà cử chỉ trao ban là thổi hơi trên các môn đệ.  Một cử chỉ quen thuộc kinh điển nhắc lại việc Thiên Chúa tạo dựng (x. Sách Sáng Thế 2, 7). Lễ Phục sinh đúng là cuộc Tạo Dựng Mới.  Chắc chắn có một số người trong nhóm môn đệ còn vương vấn hòai nghi: không biết Đấng hiện ra có phải là Đấng đã chịu chết trên thập giá chiều Thứ Sáu Thánh không?  Hai đấng là một nhân vật hay hai vị khác nhau ?  Các lỗ đinh ở tay và vết đâm ở cạnh sườn được trình ra, xác nhận tính duy nhất của con người phục sinh và con người bị đánh bầm dập hôm Thứ Sáu trên đồi Can-vê là Một,  Chúa Kitô lịch sử và Chúa Kitô phục sinh là Một.  Như vậy cho thấy có tính liên tục giữa Chúa của Thứ Sáu Thánh và Chúa của ngày Phục sinh, yếu tố quan trọng nầy giúp xác định Chúa Giêsu Kitô đã sống lại thật!

          Được cứu độ, tức được lãnh nhận ơn bình an, được lãnh nhận Thần khí và quyền tha tội, các môn đệ được Chúa Phục sinh sai đi thi hành sứ mệnh truyền giáo như sứ mệnh của chính Ngài: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (c. 21), hai cuộc sai đi có cùng một nền tảng sâu xa là Chúa Cha.  Sứ mệnh của môn đệ là tiếp nối sứ mệnh của Chúa Kitô, một sứ mệnh cao cả.  Vấn đề của Tôma cứng tin, ông không chấp nhận lời chứng của cộng đòan, ông nại đến trực quan khoa học cho rằng cái không thấy được thì không đáng tin, ông chỉ tin những gì thấy được.  Việc này được chính Chúa Phục sinh hạ cố giải quyết, Ngài cho ông xem dấu đinh, và Tôma cuối cùng đã tuyên xưng: “Lạy Chúa tôi và là Thiên Chúa tôi” (c. 28).  Nhân đó Chúa Phục sinh mở rộng tầm nhìn về mối phúc cho mọi người: “Phúc thay những người không thấy mà tin”, trong số đó có chúng ta.

         Lạy Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh, con tin thật Chúa là duy nhất trên trần gian đã từ cõi chết sống lại để ban cho nhân lọai sự sống đời đời.  Xin hãy củng cố đức tin yếu đuối của con. Amen Allêluia.

Lm.Luy Nguyễn Quang Vinh, gx Phương Hòa, Kon Tum

HỌC HỎI TÔNG HUẤN "NIỀM VUI TIN MỪNG" - Lm Ant.M.Z. Phan Tự Cường O.P.


HỌC HỎI TÔNG HUẤN "NIỀM VUI TIN MỪNG" CỦA ĐGH PHANXICÔ - 
Lm Ant.M.Z. Phan Tự Cường O.P.












Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015

ĐỊA SỞ PƠLEI TƠWER


Lược Sử Địa Sở Pơlei Tơwer – Giáo Phận Kontum
_________________________________

THÁNH LỄ NHẬM CHỨC CHA SỞ PƠLEI TƠWER

Để thực hiện lời dặn dò của Chúa Giêsu trước khi về trời, Thánh Tông đồ Phêrô đã ra sức chăm lo cho đoàn chiên là Giáo hội mà chính Người đã trao phó cho Tông đồ đoàn (Ga 21, 15-17). Đàn chiên ngày một thêm đồng và các Tông đồ đã trao trách nhiệm trông coi các cộng đoàn cho các kỳ mục, như là những người thay mặt các ngài trong nhiệm vụ chăm sóc chính Chúa trao phó. Ngày nay trách nhiệm chăm sóc cộng đoàn được trao cho các Giám mục là những người kế nhiệm các Tông đồ, và để giúp các ngài cho toàn trách nhiệm đó, các Linh mục là người cộng tác, thay mặt Đức Giám mục trông coi cộng đoàn tại các Giáo xứ. Để việc chăm sóc cộng đoàn ngày càng phong phú và vững tiến, việc thuyên chuyển các Linh mục trở thành nhu cầu bình thường trong Giáo phận, với mục đích là vì lợi ích đàn chiên, nhất là trong việc giữ vững và đào sâu đức tin Công giáo.

Sáng hôm nay, ngày 11/03/2015 Giáo xứ Pơlei Tơwer hân hoan đón chào Cha sở mới với nghi thức nhậm chức. Đức Cha Micae chủ sự thánh lễ nhậm chức, trong bài giảng Đức Cha đề cập đến hai vấn đề:

1. Xin Chúa cho chúng ta ý thức rằng mình có phúc vì được biết Chúa và sống trong hội thánh của Chúa. Trong bài đọc 1, Môse nói với dân chúng, có Chúa nào gần gũi như Chúa của chúng ta không. Chúng ta có phúc vì gọi Thiên Chúa là cha, và Ngài thương chúng ta từng người một không trừ một ai. Đây là điều chúng ta cần nhớ kỹ. Trong bài Tin mừng chúng ta thấy chúng ta theo Chúa chúng ta không mất gì nhưng được tất cả, đó chính là Chúa. Chúa đến Chúa không bãi bỏ lề luật nhưng kiện toàn lề luật. Chúng ta theo Chúa chúng ta phải kiện toàn hơn, hoàn hảo hơn, trọn vẹn hơn, hạnh phúc hơn. Khi chúng ta chưa biết Chúa chưa theo Chúa chúng ta thương người ta theo kiểu của con người thương thì ở dở thì bỏ, nhưng khi chúng ta mang danh Chúa Kitô trong mình chúng ta yêu Chúa như Chúa yêu chúng ta và yêu người như yêu Chúa.

2. Điểm thứ hai là anh chị em có nhiệm vụ đem niềm tin của mình truyền đạt cho người khác,làm cho nhiều người biết Chúa và tôn thờ Chúa, đây là bản chất của đạo là điểm chính yếu mà mọi Kitô hữu phải làm. Thánh Phalô bảo: Khốn thân tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng. Chúng ta truyền đạt niềm tin của chúng ta cho người khác khi ấy chúng ta mới hạnh phúc thật và cách truyền giáo đơn giản nhất bằng việc cầu nguyện, bằng đời sống yêu thương, đời sống phục vụ và sống đúng bản chất Kitô của chúng ta. Vài hình ảnh Đức Cha Micae đưa ra mình chứng cho việc phản truyền giáo, phản lại bản chất của người Kitô hữu là việc uống rượu của một số người làm cho gia đình bê bết, xóm làng ngán ngẩm…Để khắc phục các khuyết điểm, tốt nhất là sống theo lời Chúa dạy, Lời Chúa được giảng dạy qua Linh mục. Sống tốt và hãnh diện với niềm tin Kitô giáo mà ta đã lãnh nhận.

Chúng ta hãy tạ ơn Chúa đã ban muôn vàn hồng ân cho Giáo xứ Pơlei Tơwer từ khi thành cho đến nay và chúng ta cũng nài xin Chúa cho giáo phận có thêm nhiều mục tử như lòng Chúa mong ước để tiếp tục công cuộc loan báo tin mừng cho muôn dân.


Dưới đây là một vài hình ảnh trong thánh lễ nhậm chức cha sở Pơlei Tơwer:











Nguồn: giaophankontum.com (13/03/2015)

Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

Đức hồng y Fernando Filoni gặp gỡ các Đức giám mục thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam và các linh mục của Giáo tỉnh Hà Nội



WTGPHN  Vào lúc 8g30 sáng thứ Ba 20 tháng 01 năm 2015, Đức hồng y Fernando Filoni, Bộ trưởng Bộ Loan báo Tin mừng cho các Dân tộc đã gặp gỡ các Đức giám mục thuộc HĐGMVN tại Toà Tổng giám mục Hà Nội, cùng với sự hiện diện của Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, vị Đại diện Toà Thánh không thường trú tại Việt Nam.
Mở đầu buổi gặp gỡ là lời giới thiệu của Đức hồng y Phêrô, ngài nói: Đức hồng y Fernando Filoni, Bộ trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc, nói một cách khác, chính là bề trên trực tiếp của chúng ta. Giờ đây, chúng ta thấy ngài hiện diện giữa chúng ta như một người bạn, người anh và người thầy...
Sau đó, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm giới thiệu với Đức hồng y Fernando Filoni các Đức giám mục của từng giáo phận.
Sau những tràng pháo tay giòn giã là phần diễn văn chào mừng của Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc - Chủ tịch HĐGMVN. Ngài nói: “Chúng con biết rằng, cuối năm 2015, toàn thể Giáo hội sẽ vui mừng k niệm 50 năm Sắclệnh Đến Với Muôn Dân (Ad Gentes) của Công đồng Vatican II, Bộ Truyền giáo sẽ long trọng tổ chức sự kiện này. Quý Bộ đã gửi những tài liệu cần thiết để chúng con nghiên cứu và học hỏi, nhằm đào sâu và sống sứ điệp của Côngđồng. Trong bầu khí tưởng niệm và tinh thần hăng say Phúc Âm hóa và Tân Phúc Âm hóa, dưới sự hướng dẫn của Đức Thánh Cha Phanxicô, Giáo hội tại Việt Nam đang nỗ lực tối đa. Trong đó, việc kính mời Đức hồng y Bộ trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc đến viếng thăm để củng cố và khích lệ chúng con trong sứ mạng loan báo TinMừng, là một phương thế hết sức quan trọng. Giúp chúng con ý thức và hăng say dấn thân hơn, đáp lại mệnh lệnh mà Chúa Kitô Phục Sinh đã trao phó cho Giáo hội, đó là Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho hết mọi loài thụ tạo. Trước sự hiện diện của Đức hồng y, chúng con muốn bày tỏ lòng tri ân đối với Mẹ Giáo Hội đã sinh ra chúng con trong Đức tin nhờ Phép Rửa, đồng thời chúng con cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với các nhà truyền giáo của Dòng Tên, và cách đặc biệt đối với những nhà truyền giáo mà Bộ đã sai đến quê hương đất nước Việt Nam của chúng con...
Sau phần chào mừngĐức Tổng giám mục Phaolô đã trình bày những thăng trầm của lịch sử và sự phát triển của đạo Công giáo trên đất nước Việt Nam.
Trước khi kết thúc giờ trao đổi, các Đức giám mục trong HĐGMVN đã cùng với Đức hồng Fernando Filoni, Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli chúc mừng Đức Tân hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn. Cùng với những lời cầu chúc tốt đẹp, các ngài đã trao tặng Đức Tân hồng y lẵng hoa tươi để bày tỏ tình huynh đệ và lòng quý mến.
Sau khoảng một giờ đồng hồ gặp gỡ các Đức giám mục thuộc HĐGMVN, Đức hồng y Filoni và quý Đức cha đã chụp hình lưu niệm tại khuôn viên Toà Tổng Giám Mục Hà Nội.



***
Tiếp tục chương trình thăm viếng mục vụ Giáo hội Việt Namvào hồi 9g45 buổi sáng cùng ngày, tại Hội trường phân khoa Triết học của Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội, Đức hồng y Fernando Filoni, Bộ trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc, đã gặp gỡ khoảng 350 linh mục đại diện cho các linh mục trong 10 giáo phận của Giáo tỉnh Hà Nội.
Tham dự buổi gặp gỡ cùng với Đức hồng y còn có sự hiện diện của Đức hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, Đức cha Lôrensô Chu Văn Minh và Đức ông Barnabê Nguyễn Văn Phương.
Chào đón Đức hồng y và quý Đức cha từ Toà Tổng Giám mục tiến sang khuôn viên Đại chủng viện có hàng trăm chủng sinh. Với sự gần gũi và thân thiện, Đức hồng y vui mừng chào thăm mọi người hiện diện. Sau đó, ngài tiến vào Hội trường, nơi các linh mục đã tề tựu sẵn sàng cho buổi gặp gỡ đặc biệt này.
Cha Tổng Đại diện giáo phận Bắc Ninh thay mặt toàn thể quý cha tham dự nói lên tâm tình tri ân Đức hồng y Bộtrưởng vì sự hiện diện đầy khích lệ của ngài trong cuộc gặp gỡ hôm nay. Đồng thời, cha cũng trình bày sơ lược về hiện tình đời sống mục vụ cũng như những ước nguyện, thao thức của các linh mục trong cánh đồng truyền giáo tại Việt Nam, cách riêng của Giáo tỉnh Hà Nội. Ngài nguyện chúc Đức hồng y luôn mạnh khỏe và tràn đầy ơn Chúa để chu toàn sứ vụ mà Chúa và Giáo hội đã uỷ thác.
Sau đó là bài huấn từ của Đức hồng y Fernando Filoni. Trước hết, ngài cảm ơn những tâm tình mà Đức cha Lôrensô và vị đại diện các linh mục tham dự đã bày tỏ. Ngài nói lên niềm vui khi đến thăm mục vụ tại Việt Nam cũng như hiện diện trong buổi gặp gỡ thân tình hôm nay. Ngài nhắc lại tâm tình trao gửi của Đức Thánh Cha Phanxicô tới mọi thành phần Dân Chúa, cách riêng các linh mục tại Việt Nam.
Đức Hồng y Bộ trưởng nhấn mạnh tới một số điểm trong giáo huấn của Đức Thánh Cha về đời sống và sứ vụ của linh mục. Linh mục cũng như chủng sinh phải là muối và ánh sáng cho trần gian. Linh mục phải có đời sống nội tâm sâu xa và luôn gặp Chúa Kitô trong cầu nguyện, trong đời sống độc thân vì Nước Trời. Ngài nhấn mạnh tới niềm vui trong sứ vụ rao giảng của linh mục. Niềm vui đời linh mục phải bắt nguồn từ chính Chúa Kitô và Lời của Người, từ đó thấm nhuần vào cuộc sống và loan truyền Chúa Kitô và niềm vui của Phúc Âm cho mọi người. Đức hồng y mời gọi các linh mục trong bối cảnh cánh đồng truyền giáo tại Việt Nam hãy tăng thêm lòng nhiệt thành, yêu mến Lời Chúa, nêu gương sáng bằng chính đời sống của mình, chú tâm hơn tới những người đau khổ và khó khăn.
Sau bài huấn từ, Đức hồng y đã trả lời một số câu hỏi của quý cha về đời sống truyền giáo trong Hội Thánh, về kinh nghiệm từ các Giáo hội địa phương mà ngài đã phục vụ.
Cuộc gặp gỡ kết thúc lúc 10g35.




(Nguồn: tonggiaophanhanoi.org)

Lm. Gioan Đình Sơn & BTT K.14 ĐCV Hà Nội