Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

CN TN 1B Chúa Giêsu chịu phép rửa. Ngày 11. 1. 2015




CN TN 1B Chúa Giêsu chịu phép rửa.  Ngày 11. 1. 2015
Is 55,1-11; 1Ga 5,1-9; Mc 1, 7-11

CON YÊU DẤU CỦA CHA
Bài suy niệm

Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa chấm dứt mùa Giáng Sinh, bước vào Mùa Thường Niên phần I. Mùa Thường Niên là thời kỳ kính mầu nhiệm Chúa Giêsu ở trần gian.  Mùa Thường Niên gồm có 34 Chúa nhật, chia làm hai phần, phần I trước Mùa Chay và phần II sau Mùa Phục Sinh.  Sau chu kỳ lễ Giáng Sinh, Chúa Giêsu công khai đi vào đời sống họat động rao giảng tin mừng.  Để lời Người rao giảng được thiên hạ chấp nhận, Đức Giêsu  được Chúa Cha giới thiệu về thân thế và sự nghiệp.  Lời giới thiệu này đánh dấu khởi đầu Nước Trời đã khai mở.  Khung cảnh ra mắt Đức Giêsu là sông Giođan.  Chúng ta tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp của Người.

Khung cảnh được chọn để giới thiệu Con Thiên Chúa là thiên nhiên hùng vỹ có núi đồi bao la có con sông duy nhất chảy từ Bắc xuống Nam.   Hiện tượng xảy ra vắn gọn, sau cuộc trao đổi ngắn giữa Vị tiền hô và Đức Giêsu, Gioan Tẩy Giả thi hành sứ mệnh làm phép rửa cho Đức Giêsu nơi sông Giođan, và nầy điều kỳ diệu xảy ra: “Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên Người.  Lại có tiếng từ trời phán: ‘Con là Con yêu dấu của Cha.  Cha hài lòng về Con’” (x. Bài Tin Mừng. Mc 1, 7-11) .  Những lời nói nầy rất cô đọng, súc tích, đượm suy tư thần học Cựu Ước.  Các nhân vật chính trong buổi lễ ra mắt đó : Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh thần, trước sự chứng kiến của đông đảo nhân chứng và Vị tiền hô, nơi thiên nhiên hoang vắng trời cao, sông dài, núi đồi hùng vỹ, tất cả cho thấy sự hoà điệu giữa thiên, địa, nhân hòa hợp.  Chúng ta ta lưu ý đến cụm từ :

 Trời xé ra”, theo người Do thái thì trời là nơi Thiên Chúa ngự, đã khép lại vì tiên tri không còn nữa, không còn sự liên hệ giữa trời và đất nữa, nhịp cầu đã gãy giữa Thiên Chúa và lòai người.  Nay thì trời mở ra, sự liên lạc giữa Thiên Chúa và con người được nối lại nơi bản thân của Đức Giêsu, việc này đáp lại lời cầu xin của Isaia trong thời lưu đày, ông cảm thấy Đức Chúa xa cách con người, nên ông lên tiếng nói : “Ước gì Đức Chúa xé trời và ngự xuống”.  Chúng ta nhớ lại sự kiện khi Chúa chết : “Màn trong đền thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới” (Mc 15, 38).  Một sự khai mở thông lưu giữa Thiên Chúa và nhân loại.  Con Thiên Chúa đến với trần gian và chính Ngài mở một lối đi cho hết mọi người thành tâm đến với Thiên Chúa.  Sự kiện này được tiên báo nơi sông Giođan : “Trời xé ra”, Thiên Chúa ngự xuống với con người.  Nhịp cầu gãy vì tội nguyên tổ được nối lại.  Đức Giêsu là trung gian duy nhất mang ý nghĩa tròn đầy.

Thần khí như chim bồ câu ngự xuống trên người ”.  Thần Khí ngự xuống trên ai thì người đó được chọn làm người của Thiên Chúa.  Ngôn sứ sống dưới tác động của Thần Khí.  Ở đây Đức Giêsu được chỉ định làm Ngôn Sứ cho thời đại mới mà truyền thống Do thái hằng mong đợi.

Lại có tiếng từ trời phán: ‘Con là Con yêu dấu của Cha.  Cha hài lòng về Con’”.  Tiếng từ trời là tiếng của Thiên Chúa, nghĩa là Thiên Chúa chứng thực sứ mạng cứu độ của Đức Giêsu.  Một câu nói tương tự trong Thánh vịnh 2, 7: “Con là Con của Cha, hôm nay Cha đã sinh ra Con”, câu này được được hiểu về Đấng Mêsia, tức là Đấng Cứu tinh.  “Con yêu dấu” là cách gọi của ông Ápraham đối với con mình là Ixaác, khi ông định sát tế con để hiến dâng cho Thiên Chúa, Thiên Chúa đã tha mạng cho Ixaác.  Danh xưng này được dùng cho Đức Giêsu, như là Ixaác Mới sẽ bị sát tế sau này trên thập giá. 

Thân thế và sự nghiệp của Đức Giêsu được ám tàng nói đến trong lời giới thiệu ngày Chúa chịu phép rửa nơi sông Giođan, một tấn kịch đang được khai mở và dần dần sẽ được thực hiện trong năm phụng vụ.  Về thân thế, Đức Giêsu là Con yêu dấu của Thiên Chúa, được Cha tuyển chọn dưới tác động của Thần Khí để trở thành Ixaác-Mới; và sự nghiệp của Người là cứu độ trần gian bằng chịu sát tế trên thập giá, làm lễ vật hy sinh dâng cho Thiên Chúa, nối lại nhịp cầu gãy đổ do tội lỗi của nhân lọai gây ra.  Lời giới thiệu trân trọng này của Chúa Cha dưới sự chứng giám của Thánh Thần giúp chúng ta xác tín mạnh mẽ những lời Chúa nói và những việc Chúa làm,  được Giáo Hội tuyên dương trong suốt Mùa Thường Niên.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã mặc lấy thân phận tội lỗi của nhân lọai để cứu độ nhân lọai, chúng con tri ân cảm tạ Chúa.  Xin cho con biết giới thiệu Chúa cho tha nhân qua cuộc sống của chúng con. Amen

Lm Luy Nguyễn Quang Vinh - Gx Phương Hòa, Kontum


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét