Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

Lược sử Giáo xứ Chợ Đồn




Giáo xứ Chợ Đồn

image002
 NHÀ THỜ GIÁO XỨ CHỢ ĐỒN

1. Khai sinh trong âm thầm

Năm 1879, Đức Cha Gallibert là Giám Mục Giám Quản Tông Tòa địa phận Đông Đàng Trong (nay là địa phận Qui Nhơn), đặt cha Bossard (1879-1880)[2]  và một vị linh mục bản xứ cùng một số thầy giảng tại An Sơn để thiết lập họ đạo công giáo (tiền thân của giáo xứ Chợ Đồn ngày nay)[3]. Những công việc của các ngài làm, cũng như những vất vả các ngài gặp phải trong công việc xây dựng họ Chợ Đồn qua bản báo cáo 1880 trang 62-63 như  sau:

“ Bahnar- nhiệm sở này cách xa đất Annam nhiều ngày đàng, cho đến nay cực kỳ khó khăn để nói lên lời .Vậy, chúng tôi nghĩ: hữu ích thiết  lập nhiều trạm trung gian như những đoạn nối vùng người Bahnar với Trung Tâm truyền giáo. Dự án nầy bắt đầu được thực hiện.

Từ sáu tháng nay, Cha Bossard cùng với một linh mục bản xứ và nhiều thầy giảng đến An Khê trên bờ sông Ba, con sông làm ranh giới giữa Việt Nam và miền thượng du. Vị linh mục đồng hương của chúng tôi nhờ kinh nghiệm: biết người, biết việc đã vượt qua bao khó khăn mà ngài đã gặp phải. Các quan lại luôn gây khó khăn nơi cư trú của chúng tôi, khích động rất nhiều để cản trở; nhưng với tài tháo vát luôn am hạp đường lối với chúng tôi, cha Bossard đã đi hàng đầu bẻ gãy bằng cách thay đổi được các trở ngại, theo sự khôn ngoan dẫn dắt ngài. Ngài đã mua được một  đám đất rộng và ngài dựng lên một ngôi nhà lớn ở giữa mảnh đất nầy. Trong khi chờ đợi một ngôi nhà khác rộng rãi hơn, ngôi nhà này được dùng làm nhà thờ và nhà xứ.

Dù bận rộn mọi vấn đề vật chất, cha Bossard cũng đã có thể lo lắng cho anh em bên lương ở quanh Ngài và nhìn chung, họ sẵn sàng nghe lời giảng dạy đạo giáo chúng ta. Bằng cách đó, trong khi ngài hoàn thành ngôi nhà thờ của  Ngài, ngài được an ủi rửa tội khoảng 40 người dự tòng. Niềm hy vọng đối với tương lai thật tốt dẹp và nếu người ta không quá can thiệp vào công việc của vị thừa sai, thì An Khê đã trở nên một cộng đoàn giáo xứ to lớn tính đến hàng ngàn tín hữu rồi”[4] .

2 Lớn lên trong thử thách

Tháng 8 năm 1885, Văn Thân tàn sát các tín hữu miền Trung Châu, nên một số tín hữu chạy lên Chợ Đồn[5]. Trong thời gian nầy, số giáo dân ở đây tăng nhanh, ước tính 7500 người[6]. Nhưng sau đó việc đốt phá chém giết nổi lên tại Chợ Đồn: một số tín hữu bị giết, chôn tập thể trong những cái giếng, số khác sợ chạy lên Kon Tum theo ngã Kon Từng gặp cha Guerlach Cảnh đón, dẫn họ về  sở của Ngài là Kon-Trang Mơnei[7] .

“Cha Cảnh  khi nghe tin về cuộc tàn sát  giáo dân tại Chợ Đồn đã qui tụ những người gan dạ để đi đón đường, vì sợ nhóm Văn Thân đến vùng Bahnar nầy, nhưng  ngài đi mà  không  gặp vì họ không dám đến nữa. Nhưng ngài gặp rất nhiều người công giáo kinh từ Trung Châu bị Văn Thân tìm bắt giết, chạy trốn lên Tây  Nguyên. Ngài đón tiếp họ, cho họ  tá túc nhà ngài và săn sóc nuôi nấng họ mạnh khỏe, tìm quần áo cho họ mặc. Mười bảy tháng trôi qua  không có ai dám về Trung châu, vì họ còn sợ bị Văn Thân bắt giết, nên Ngài  phân phối đồ dùng và lo lắng  đời sống Đạo cho họ (…) ”[8] .

Những giếng tả đạo đã nằm trên vùng đất này, nay đã bị lấp đi để trồng mía

Sau một thời gian bị nhóm Văn Thân bắt hại và tàn sát, vùng Chợ Đồn không còn linh mục trực tiếp đảm trách, nhưng do cha sở Đồng Phó kiêm nhiệm. Với đức tin sâu sắc và sự tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa, một số giáo dân trở về Chợ Đồn, rồi họ xây dựng lại nhà thờ (cách nhà thờ bây giờ về hướng đông khoảng 300 mét). Vào những năm 1910, nhà thờ Chợ Đồn thuộc làng Tân An, tổng Tân Phong, huyện Tây An , đạo Gia Lai.

3. Phát triển trong gian nan
Năm 1923, Đức Cha  địa phận gởi cha Demeure Ngự về xây dựng lại họ đạo Chợ Đồn và coi luôn họ Ayound (vùng Mang-Giang, gần cầu Ayun  gia đình thầy Hiền, một thầy đã  giúp  xây dựng họ Ban-mê-thuột vào thập niên 20 và vùng Châu Khê, Plei Bông Mor ). Cha Demeure Ngự đã mua một số ruộng đất tại Chợ Đồn, An-Lợi (nay là Tân Lương), Đồng Găng (nay là vùng dười nhà thờ An-Khê một  ít. Tại vùng nầy còn có địa danh Ao Ông Cố) và An-Tập (nay là vùng An Quí, đi bộ vào độ 4 cây số). Ngài củng cố họ đạo, tu sửa nhà thờ. Ngài lâm bệnh nặng. Cộng đoàn báo tin cho  cha Bề Trên Kemlin Văn và Đức Cha Grangeon gởi lên An-Khê cha Labiausse, cha Cha Demeure được chuyển về Tòa Giám Mục (Quinhơn). Ngài qua đời đêm 20 tháng 12 năm 1928, chôn cất tại Làng Sông[1] .
Họ Chợ Đồn một lần nữa không có cha sở. Mười năm sau, ngày 28 tháng 10 năm 1938, Cha Nguyễn Đắc Cẩn được chính thức bổ nhiệm làm chánh xứ, đã đến họ Chợ Đồn trong niềm phần khởi hân hoan của cả đoàn chiên[2]. Cha sở đã xây thêm một trường học cho con em giáo dân[3]. Trong thời gian này ông câu Phêrô Văn Cửu và ông biện Nicôla Đoàn Dưỡng phục vụ họ đạo cách đắc lực.
Năm 1941, Cha Phêrô Nguyễn Đắc Cẩn đổi đi nhiệm sở khác; họ đạo lại côi cút, thiếu vắng linh mục, cha sở  Phú Thọ là cha Phêrô  Ban kiêm nhiệm.
Năm 1944, cha Marty Tý được gởi về làm cha sở. Ngài đã xây dựng một nhà xứ (chỗ này cách nhà thờ hiện tại chừng 400 mét). Nhưng chiến tranh Pháp-Nhật bùng nổ, cha Tý phải trở về Pháp. Trong suốt thời gian này, giáo dân đã xây cất tạm một ngôi nhà thờ bằng tranh (ở chỗ ngôi nhà thờ hiện tại). Mãi đến năm 1951, cha JB. Trần Khánh  Lê mới được đổi về làm cha sở. Năm 1952, cha xây lại nhà thờ và làm một trường học ngay bên cạnh nhà thờ. Nhưng đến năm 1954 trong khi cha sở vắng mặt, và chiến tranh lại bùng nổ, cha Bửu (Dujon) đến giúp họ đạo đưa giáo dân vào Nha Trang. Sau năm 1954, giáo dân lại dần  trở về và năm 1955, cha Anrê Phan Thanh Văn được đổi đến. Ngài đã xây thêm một nhà xứ (hiện vẫn còn tồn tại đến ngày nay).
Năm 1956, cha Văn đổi đi nơi khác và cha Lãng (Landrade) được đổi đến. Trong thời gian này, ngài đã tổ chức mạnh mẽ công cuộc truyền giáo, đem lời Chúa đến với lương dân ở vùng lân cận như An Khê, An Qúy, An Phong và Đồng Găng. Ít lâu sau, nhận thấy tại An Khê (vùng nhà thờ An Khê ngày nay) giáo dân đã bắt đầu đông, ngài xin  một linh mục khác đến ở Chợ Đồn, còn ngài đi An-Khê.
Năm 1958, Cha Bắc (Demourioux) về làm cha sở, được ít lâu bị bệnh, ngài xin về Pháp chữa bệnh và cha Đôminicô Nguyễn Ngọc Thung đến thay thế Ngài trong thời gian nói trên. Sau một năm cha Bắc trở về, ngài đã mở rộng ngôi thánh đường với hình dáng ngày nay. Đồng thời ngài cũng cho xây dựng ngôi trường học với sáu lớp học được đặt tên là Trường tiểu học tư thục công giáo.
Năm 1975, thống nhất đất nước cha Bắc về Pháp và cha Giuse Nguyễn Hữu Quyền, cha sở An-Sơn kiêm nhiệm Chợ Đồn. Đồng thời. có ba nữ tu Dòng Thánh Phaolô thành Chartre (tình Dòng Đànẵng) lên ở Chợ-Đồn và phục vụ đến nay.
Năm 1982, cha Giuse Đoàn Đức Thiệp được đổi về làm cha sở An Khê và Chợ Đồn. Trông coi giáo xứ được ba năm, ngài lâm bệnh nặng và qua đời tại An Khê. Sau ba năm trông coi giáo xứ, cha Thiệp  qua đời, họ đạo lại vắng bóng chủ chăn và trong thời gian  đó, cha Antôn Vương Đình Tài Dòng Chúa Cứu Thế  ở Trung tâm truyền giáo Plei Chuet  xuống để giúp đỡ giáo dân. Trong thời gian vắng bóng cha chánh xứ, nhờ sự cộng tác nhiệt tình của soeur Thảo và sự trợ giúp của Đức Cha Alesis Phạm Văn Lộc, giáo xứ đã trùng tu lại ngôi thánh đường.
 Tháng 9 năm 1987, cha Antôn Trần Ưng Tường được về làm cha sở An-Khê, Chợ Đồn. Ngài củng cố lại ban chức việc và gây được ý thức tinh thần thần trách nhiệm của mỗi giáo dân. Năm 1998, cha Tường bị bệnh và ngài rời bỏ giáo xứ. Lúc bấy giờ, Đức cha Phêrô Trần Thanh Chung đã ủy nhiệm cha Phêrô Hoàng Văn Quy chánh xứ An Sơn coi sóc thêm giáo xứ Chợ Đồn. Năm 2001, ngài lâm bệnh và qua đời năm 2003 tại Pleiku. Trong thời gian cha Quy lâm bệnh, hai cha Micae Hoàng Đức Oanh và cha Phêrô Nguyễn Vân Đông đã đến dâng thánh lễ và ban các bí tích cho giáo xứ.
Năm 2001, Đức cha Phêrô đã bổ nhiệm cha Tôma Vũ Khắc Minh về làm chánh xứ An Khê và Chợ Đồn. Đầu năm 2004, cha đã kêu gọi giáo dân ủng hộ tinh thần và vật chất để sửa lại ngôi nhà thờ đồng thời nhận được sự giúp đỡ của Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh nên công việc tu sửa đã được tiến hành nhanh chóng và được hoàn thành vào dịp lễ Chúa Ba Ngôi năm 2004. Trong dịp này, cộng đoàn tín hữu đã dâng thánh lễ tạ ơn mừng giáo xứ tròn 125 tuổi. Năm 2006, Giáo xứ đã tu sửa lại đài Đức Mẹ nhờ sự giúp đỡ của các ân nhân và cộng đoàn giáo xứ.
Ngày 05 tháng 02 năm 2009, Đức Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh đã bổ nhiệm linh mục Giuse Phạm Minh Công về quản hai xứ An Khê và Chợ Đồn. Ngài đã kiện toàn mọi hoạt động của giáo xứ từ mục vụ, ban chức việc và đưa vào nề nếp sinh hoạt ổn định và cùng với cộng đoàn tín hữu sống chứng nhân giữa lòng thế giới và ra đi loan báo Tin Mừng cho những anh em trong vùng.
Đến ngày 25 tháng 08 năm 2009, cha sở về làm lễ và nhận thấy nhà xứ còn thiếu phần chuẩn bị cho việc có cha sở ở lại nên cha cho ban chức việc rút tiền tiết kiệm về lo trùng tu lại cho đầy đủ, sửa lại công trình phụ và đã hoàn tất vào ngày 13 tháng 09 năm 2009.
Giáo xứ tiếp tục xây dựng tường rào để ngăn cách giữa nhà thờ, trường học và nhà giáo dân; đồng thời giáo xứ cũng xây dựng nhà giáo lý để có nơi cho các em học nhất là vào mùa mưa.
            Ngày 01 tháng 07 vừa qua, cha Giuse Nguyễn Duy Tài được bổ nhiệm coi sóc giáo xứ Chợ Đồn thay linh mục Giuse Phạm Minh Công.
            4. Hướng về tương lai
            Vì sống chung với anh em lương dân, nên có nhiều đôi vợ chồng sống trong tình trạng “rối”. Do đó, khi cha Giuse Nguyễn Duy Tài được bổ nhiệm về coi sóc giáo xứ thì một trong những dự phóng đầu tiên của ngài là giải quyết các đôi hôn nhân rối này.
            Đời sống đức tin của giáo dân trong giáo xứ hiện nay xuống rất thấp vì thế ngài đã sắp xếp lại giờ lễ (7h tối) để giáo dân trong xứ có thể dễ dàng tham dự từ đó múc lấy nguồn ơn thánh từ Chúa Giêsu Thánh Thể.
            Nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng cũng được cha Giuse hướng đến sau khi đã củng cố vững chắc đời sống đức tin của giáo xứ. 
image004
Đài Đức Mẹ giáo xứ Chợ Đồn
__________________________________
[2] Có chỗ viết Beausard.

[3] Trong bản viết tay ghi trong Compte rendu năm 1880, được  lưu trữ tại TGM. Kontum, chúng tôi gặp được tên linh mục bản xứ và thày giảng như sau: cha Vinh, thầy Năm Cẩm, thầy  Tư Đoan, thầy Nhứt. So chiếu lịch sử họ Đồng Hâu, thầy Đoan bị giết vào năm 1885  trong vụ Văn Thân. Có phải cùng một thầy không ?

[4] “Giếng tả đạo” hiện nay nằm ở xã Cửu An, thị xã An Khê

[5] Về địa danh Chợ Đồn, trong  Văn Hóa Toàn Thư, về  “ Đại Nam Nhất  Thống Chí” tỉnh Bình Bình, Nhà Văn Hóa, Bộ  Quốc Gia Giáo Dục  xb. xuất bản , nam 1964 tr. 86 có ghi về Chợ Tân An, tục danh chợ Đồn, ở huyện Bình Khê. Ngày 16-10-1893, Khâm Sứ Trung Kỳ là Boullloche đề nghị  lên Cơ mật viện nhiều  điểm, trong đó có  xin để cho Pháp trực tiếp phụ trách an ninh tại vùng Thượng. Từ đó  Pháp lập nhiều đồn lính trên Tây  Nguyên trong đó có  đồn tại An Khê, (vào năm 1904 ). Năm 1905, chế độ Sơn Phòng bị chính thức bãi bỏ (xem Cửu Long Giang Toan Anh, “Việt nam Chí lược , Miền Thượng Cao nguyên”,  XB. 1974, tr. 132.

[6] Xem  Nguyệt  san “Chức việc Thư tín” của địa phận Kotum số 47, tháng 3 năm  1937, tr.597.

[7] Kon Từng là thị trấn của huyện Mang Yang.  Từ thành phố Pleiku, đến Kon Từng ( Kon-Tong), rồi tới đèo Mang Giang, đến An-Khê. Theo Compte rendu nắm 1880 tr. 63 có ghi lại: “ Một ngày đàng cách An-Khê có một làng lớn người dân tộc được gọi là Kon-Tong, ở đó các vị thừa sai đã được mọi người quen biết và quí trọng. Cha Dourisboure và cha Vialleton đã thực hiện bước đầu việc truyền giáo để gởi một linh mục đến làng nầy. Những vận động nầy đã thành đạt cách dễ dàng.Các cư dân vui sướng đón nhận vị thừa sai và theo phong tục địa phương mỗi người tự do tòng giáo như lòng  họ mong ước. Trong một vài tháng khi các linhmục mới đến trong năm nầy đủ hiểu biết tiếng Việt, tôi ( Đức Cha Gallibet) cho đến vùng dân tộc và khi đó cha Soubeyre sẽ đến ở với những người trong làng Kon-Tong”.

[8] X. Hlabar  Tơbang 1912 tr. 14-15

1 nhận xét:

  1. Ghi chú footnote 5 đề nghị sửa là 16-10-1898 (không phải 1893) vì nhiệm kỳ của Léon Jules Pol Boulloche làm Khâm sứ Trung kỳ là 3-1898 đến 1900. Và tất cả các tài liệu đều ghi ngày quan trọng này là 16-10-1898 vì kể từ đó Pháp nắm toàn quyền kể cả tại vùng thượng du (miền núi, hinterland)

    Trả lờiXóa