Lược sử Giáo xứ Phaolô H'Neng
Nhà thờ Giáo xứ Phaolô H’Neng
1. Phaolô H’Neng ở đâu?
Nếu bạn xuất phát từ thành phố Pleiku – Gialai, theo quốc lộ 19 đi về hướng Quy Nhơn khoảng 15 Km, bạn sẽ tới thị trấn ĐăkĐoa và rẽ trái vào khoảng 1.000m, bạn sẽ gặp nhà thờ Phaolô H’Neng.
2. Lược sử Phaolô H’Neng:
Năm 1967, cha Vinh Sơn Nguyễn Viết Nam, chánh xứ giáo xứ Phú Thọ, đã lập giáo họ H’Neng, lúc ấy có 90 giáo dân với ngôi nhà thờ tạm, diện tích 80 m2.
Năm 1975, cha Đa Minh Đinh Hữu Lộc về nhà thờ An Mỹ, ngài kiêm nhiệm H’Neng đến năm 1991.
Năm 1991, cha An Tôn Đinh Bạt Huỳnh, chánh xứ Phú Thọ tiếp tục chăm sóc họ đạo, và năm 2003 ngài cho xây dựng một ngôi thánh đường mới khang trang hơn, chiều rộng 13 m và chiều dài 26 m.
Từ năm 2003 đến năm 2009, cha Giuse Phạm Minh Công về giáo xứ Phú Thọ và cũng kiêm mục vụ giáo họ H’Neng.
Ngày 4-3-2009, cha Giuse Trần Văn Bảy về Phú Thọ, đương nhiên ngài cũng phải gánh thêm giáo họ H’Neng như các vị tiền nhiệm đã làm.
Ngày 1-11-2010, Đức Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh, giáo phận Kontum, đã bổ nhiệm linh mục Micae Yathu Dòng Phanxicô chính thức làm cha xứ H’Neng.
3. Giáo dân hiện nay:
Theo thống kê mới nhất, năm 2010 tổng số giáo dân 1.850 người, trong đó người Kinh 698 tín hữu, sống tại xã H’Neng và thị trấn ĐăkĐoa; người Bahnar 993 tín hữu, tại các làng: Plei Piơm 1, 2, plei K’lock 1, 2 và plei Krun; người Giarai 159 tín hữu ở plei Ngol.
4. Các Dòng Tu trên địa bàn:
Giáo xứ H’Neng hiện nay có các Dòng Tu đang hiện diện: Dòng Ảnh Đức Mẹ Phép Lạ đến từ những năm 1988, Sư Huynh Lasan (2004), Dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc (2008). Ba Hội Dòng đã kết hợp rất nhịp nhàng trong việc giáo dục, bác ái từ thiện và truyền giáo. Ngoài ra, có Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, thuộc giáo xứ An Mỹ cũng đã hiện diện trên địa bàn từ sau 1975; quý Dì đã góp phần tích cực trong công tác xã hội, từ thiện và đem nhiều anh chị em Bahnar, Giarai trở nên con cái Thiên Chúa.
5. Hướng mở trong tương lai:
Từ thị trấn ĐăkĐoa về hướng Đông Nam có các xã: Glar, Adơk, Trang và xã H’Nol giáp giới với KonThup. Hiện trạng tại các xã này chưa có tín hữu công giáo, chỉ có một nhóm nhỏ khoảng hơn 400 tín hữu tại plei Groi xã Glar; còn lại hàng chục làng người Bahnar tại các xã trên đã theo Tin Lành hoặc chưa theo đạo. Đây cũng là một thách thức lớn cho sứ vụ truyền giáo tại vùng này.
Cũng xin nói thêm rằng, từ ĐăkĐoa đến KonThup – Konchiên huyện MangYang (một điểm truyền giáo mới của quý cha Dòng Chúa Cứu Thế) xa trên dưới 60 Km; nếu đi tắt từ ĐakĐoa qua các xã: Glar, Trang và H’Nol chỉ bằng nữa đoạn đường nói trên. Nhưng, rất tiếc chưa có con đường nào thông suốt theo lối tắt này.
6. Mục vụ và truyền giáo hôm qua, hôm nay:
Sau 1975, cha cố Đa Minh Đinh Hữu Lộc về giáo xứ An Mỹ, nhưng ngài không có sự dễ dàng nào từ phía chính quyền đễ dâng lễ cho họ đạo H’Neng. Vì được biết rằng địa bàn này có nhiều dân “chiêu hồi” (ngày xưa gọi như thế), nên rất khó cho việc sinh hoạt tôn giáo.
Từ những năm 1991, cha cố An Tôn Đinh Bạt Huỳnh cố gắng liên lạc với những giáo dân thiện chí, tái thiết lập một cộng đoàn có tổ chức và tiếp tục sinh hoạt tôn giáo. Tuy nhiên, không được thường xuyên, có một vài giáo dân nói rằng: Họ vẫn đi lễ tại Phú Thọ, hay An Mỹ nhiều hơn là tại H’Neng, vì mỗi tháng chỉ có 1 hoặc 2 thánh lễ.
Giáo dân ở đây đa số đến từ Quảng Nam Đà Nẵng và Bình Định; hơn mười năm trở lại đây, có nhiều anh chị em giáo dân từ Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tỉnh và Đồng Nai xin gia nhập họ đạo và đã tạo nên một xứ đạo hổn hợp, hay gọi là dân góp theo cách gọi của nhiều người.
Riêng anh chị em Bahnar học giáo lý dự tòng đầu tiên với Yă Uôt từ năm 1988 tại giáo xứ An Mỹ. Sau đó, cha Đa Minh Đinh Hữu Lộc rửa tội cho họ năm 1990 và sinh hoạt tại An Mỹ; nhưng để tiện cho việc đi lại, năm 2003 họ được chuyển sinh hoạt về H’Neng.
Hiện nay, mỗi Chúa Nhật có hai thánh lễ, lễ nhất tiếng Kinh, lễ hai tiếng Bahnar; những ngày lễ đặc biệt thì dùng hai ngôn ngữ Kinh và Bahnar.
Giáo xứ Phaolô H’Neng tuy là dân góp: Bắc, Trung, Nam, Kinh có, Thượng có, nhưng hầu hết mọi người sống yêu thương nhau, hòa hợp, tôn trọng sự khác biệt của nhau và giúp nhau sống Tin Mừng.
Đôi nét xin giới thiệu xứ đạo H’Neng nhân ngày bổn mạng 29-6.
Kính chúc quý vị luôn an mạnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét