Thứ Ba, 8 tháng 7, 2014
Ngày Yao Phu tại Plei Rơhai giáo phận Kontum
Ngày Yao Phu tại Plei Rơhai giáo phận Kontum
Tòa GM Kontum15/11/2008
Theo Vietcatholic
KONTUM - Ngày thứ I (12.11.2008): Vào những ngày trung tuần tháng 11 khí trời Cao Nguyên, cách riêng vùng Tây Nguyên Gialai – Kontum được coi là thời điểm đẹp nhất: cái lạnh đầu Đông nhẹ nhàng đến, bầu trời thanh thoát như ôm trọn lấy bao tâm tình muốn được sớt chia, cây cối nhẹ rung như mời goị và báo hiệu cho mọi người hãy chuẩn bị đón lấy sức sống mới. Đây cũng là những ngày tuyệt đẹp của Giáo Phận Kontum, những ngày Kết Thúc Năm Thánh Yao Phu với những niềm vui, rạo rực cho hành trình truyền giáo trong những tháng ngày tiếp nối.
Dù không dõi theo từng bước trong Năm Thánh, nhưng ai đến với Giáo Phận trong những ngày này, hẳn cũng cảm nghiệm phần nào niềm vui của toàn Giáo Phận: những chú Yao Phu từ khắp nơi đổ về, các Linh mục, Tu sĩ chạy đây, chạy kia. Ngay từ sáng sớm ngày 12.11, khi mặt trời vừa ló rạng, hằng ngàn Yao Phu lần lượt tuôn về nhà thờ Plei Rơhai, Kontum, điểm đến đầu tiên trong những ngày Kỷ Niệm đáng nhớ này. Sau khi đến đây, các chú Yao phu làm thủ tục nhận thẻ, học nội quy cho ngày sinh hoạt. Đến trưa, theo ban tổ chức cho biết con số các chú Yao Phu đã về dự là 1.471 người. Cùng đi với các chú Yao Phu là sự đồng hành của những người thân, tính ra phải đến hơn 2.000 người có mặt tại nhà thờ Plei Rơhai.
Chiều ngày 12.11, các chú Yao phu lần lượt lên chia sẻ cho đồng đạo về những chứng từ Chúa đã làm cho mình tại những nơi mình sống. Họ đã chia sẻ, chứ không phải giảng cho nhau. Họ nói lên nỗi lòng của mình khi được gặp Chúa qua những sự kiện, những biến cố tại các thôn làng của mình. Cái tựu trung ở đây, họ cùng gặp nhau ở một điểm là Chúa đã làm nơi họ bao điều kỳ diệu, cái thần chung chung trong không gian văn hoá của họ nay là Thiên Chúa độc nhất vô nhị, một Thiên Chúa nghiêm minh nhưng rất nhân từ; Và họ nhận ra Vị Thiên Chúa này là có thật, Vị Thiên Chúa làm chủ đời họ, làm chủ lịch sử. Qua những chia sẻ, ai nấy cảm thấy như gần nhau hơn trong việc sống niềm tin nhiều thách thức, nhưng là một kinh nghiệm gặp gỡ nhau, gặp gỡ Chúa để tiếp sức cho sức sống mới, hành trình niềm tin nối tiếp niềm tin.
Tối ngày 12.11, các Chú Yao Phu mỗi vùng, từ Krông Pa điểm cuối của tỉnh Gialai đến Đăk Glei, huyện đầu của tỉnh Kontum, cách xa nhau hàng trăm km lên trình bày văn hoá cồng chiêng của mình cho anh chị em đồng đạo, người xem có thể nhìn thấy nơi đây một không gian văn hoá đa dạng, nhưng hài hoà trong cách diễn đạt niềm tin của mình vào một Thiên Chúa duy nhất. Mỗi sắc dân: Bahnar hay Jarai, Sêđang hay Rơngao, Jé hay Stiêng… đều có những âm trầm, âm bổng khác nhau, khi nghe, nếu không phân biệt tưởng chừng chỉ là một loại ching chiêng, nhưng biết nhận thức về âm nhạc Tây Nguyên, người xem đọc được nơi đó hồn thiêng văn hoá cồng chiêng đậm nét bản sắc này đa dạng và phong phú. Cái hồn thiêng văn hoá đa dạng phi vật thể của vùng rừng núi Tây Nguyên giờ đây như đã được thanh tẩy và hoà tan, hoà nhập tinh thần kitô giáo; cái hoang sơ nhưng đầy nét nhân ái trong cung cách làm người, làm con Chúa thể hiện trong từng tiếng cồng, tiếng chiêng… Đêm càng về khuya tiếng ching chiêng lại vang xa hơn, cao hơn, cao mãi như đã đụng đến hồn thiêng sông núi của Thiên Chúa tối cao. Nhưng cuộc vui nào cũng tàn, gần giữa đêm, các Chú Yao Phu “gác kiếm” nghỉ ngơi, chuẩn bị cho ngày hôm sau có một ngày sống mãnh liệt hơn, tình thân hơn. Kết thúc một ngày gặp gỡ giao lưu văn hoá đầy ý nghĩa, đậm sắc Tây Nguyên và tình thân ái đồng đạo Kitô.
Ngày thứ II (13.11.2008): NGÀY YAO PHU tại PLEI RƠHAI
Sáng hôm nay, các Yao Phu bắt đầu ngày mới với những sinh hoạt nhóm, tập hát và cầu nguyện chung với nhau.
Vào lúc 10g00, Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Giáo phận đã chủ sự thánh lễ, cùng đồng tế có đông đảo linh mục và tu sĩ tham dự. Thánh lễ cầu nguyện cách đặc biệt cho các Yao phu đã qua đời.
Khởi đầu thánh lễ, Đức Cha Micae nói: “Anh chị em Yao Phu thân mến, Hôm nay chúng ta gặp nhau ở đây để chuẩn bị cho ngày đại lễ bế mạc Năm Thánh Yao Phu ngày mai. Tạ ơn Chúa, suốt năm qua, anh chị em đã có dịp nhìn lại cuộc đời sống phục vụ của mình và chuẩn bị cho những ngày phục vụ sắp tới. Tất cả chúng ta đều thấy quyền năng Chúa đã thể hiện nơi con người mỏng dòn của chúng ta. Xin Chúa thương ban cho chúng ta sự khôn ngoan, lòng cản đảm và tinh thần phục vụ hết tình cho cộng đoàn, cho cộng việc truyền bá Tin Mừng khắp mọi nơi.”
Sau bài Tin Mừng, Đức Cha Micae đã chia sẻ (*) Lời Chúa dựa trên đoạn Tin Mừng Mt 10,28, Đức Cha Micae giải thích từ ngữ “Đừng Sợ”, đừng sợ thế gian, thế lực ma quỷ, thế lực đen tối…. Nó vừa mang ý nghĩa “đừng sợ” về tinh thần lẫn thể xác, những đau đớn chóng qua ở thế gian này chẳng là gì… mà là sợ mất phần rỗi đời đời. Có sợ là kính sợ Thiên Chúa. Chỉ có kính sợ Thiên Chúa mới đem lại bình an và phần rỗi cho con người. Kế đến, Đức Cha mời gọi các Yao Phu hãy sống tinh thần của các kitô hữu tiên khởi, một cuộc sống hài hoà giữa đời sống vật chất và tinh thần, đặc biệt là chuyên cần lắng nghe Lời Chúa, hiệp thông cầu nguyện và siêng năng bẻ bánh. Điểm cuối cùng, Đức Cha nói về cái cụ thể nhất mà người Yao Phu luôn thao thức và sống là Loan báo Tin Mừng; cho dù khó khăn thử thách, nhưng đó phải là “ưu tiên tuyệt đối”, ưu tiên số một. Và ngài mời gọi các Yao Phu hãy chú tâm giáo dục đào tạo ơn gọi linh mục, tu sĩ trong cộng đoàn địa phương của mình.
Sau thánh lễ, các Yao phu nghỉ ngơi và ăn trưa. Buổi chiều, anh chị em hành hương về nhà thờ chính toà, chặng đường từ nhà thờ Plei Rơhai sang nhà thờ chính toà hơn 5 km, là dịp anh em vừa đi vừa lần chuỗi lòng thương xót, vừa đi lại chặng đường Thánh Giá mà Thầy Giêsu Chí Thánh đã đi; vừa đi vừa nhìn lại hành trình đức tin theo Chúa của mình, là dịp để tạ ơn Chúa và biết ơn Cha Anh đã đi trước, để lại một kho tàng vô giá về lòng tin, về giá trị đạo đức hôm nay và cũng là dịp để nhìn lại chặng đường lịch sử đã đi qua, với nhiều khó khăn, nhiều mất mát. Nhưng cái được là lòng tin, là sự rèn luyện trong đức tin và Chúa vẫn là Thiên Chúa tốt lành, Thiên Chúa tình thương vẫn hiện diện trong lòng mỗi người và lòng Giáo Hội.
Sau khi đến nhà thờ chính toà, anh em Yao Phu chầu Thánh Thể và nhận phép lành đại xá.
Sau cơm chiều và nghỉ ngơi, anh em Yao Phu bước vào chương trình diễn nguyện thánh ca đậm nét văn hoá Tây Nguyên. Chương trình diễn nguyện theo diễn tiến lịch sử việc hình thành Giáo phận, những tiết mục văn nghệ hát múa, kịch… như lồng vào lịch sử hình thành Giáo phận hơn gần 160 năm qua, từ lời sai đi của Đức Cha Cuenot Thể, đến những thừa sai đã hy sinh tại mảnh đất này… như dệt lên một bản anh hùng ca Tử Đạo Tây Nguyên. Những sắc áo thổ cẩm, những mặt nạ quỷ thần rừng rú, những lời thần chú bi ai đã nhường lại cho bộ mặt nhân từ của Thầy Giêsu chí thánh, với những tấm lòng nhân ái đến với con người tại xứ sở này. Phải nói đến nét chính của đêm diễn nguyện này là đã làm nổi bật nét văn hoá cồng chiêng phi vật thể đa dạng và phong phú của các sắc dân Tây Nguyên; hiếm khi có một lễ hội diễn tả được như thế, nó không đơn lẻ, đơn điệu, nhưng đã hoà nhập vào nhau trong tinh thần Kitô giáo; một tinh thần hiệp nhất, hiệp thông và chia sẻ.
Đêm diễn nguyện khép lại trong ân thánh. Đức Cha Micae, Cha Tổng Đại Diện, Các Cha hạt trưởng, các Cha Bề Trên, các Nữ Tu Bề Trên, nam nữ tu sĩ linh mục và hàng ngàn người xem đọng lại trong lòng nhiều ký ức và ấn tượng về miền rừng núi Tây Nguyên này.
Dòng người đến giờ này vẫn còn quy tụ về Nhà thờ Chính Toà càng đông, cho dù phải ngủ ngoài trời, họ vẫn vui vẻ, thời tiết hôm qua thì se se lạnh, hôm nay ấm hơn. Hình như lòng trời lại ấm hơn khi thấy lòng người hiệp nhất, đông đảo tuôn về trung tâm thờ tự của mình.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét