Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014

Đôi dòng tiểu sử đia sở Đăk Rôgia (Tea Rơxá), Giáo phận Kontum (nằm trong địa bàn 2 huyện: huyện Đăk Tô và huyện Tu mô rông)


Đôi dòng tiểu sử đia sở Đăk Rôgia (Tea Rơxá), Giáo phận Kontum (nằm trong địa bàn 2 huyện: huyện Đăk Tô và huyện Tu mô rông).


Nhà thờ Tea Rơxá

Để bổ túc chuyến viếng thăm của Đức Tổng Giám mục đến những điểm tôn giáo, Ban Truyền thông chúng tôi xin ghi lại đây lịch sử của địa sở Đăk Rôgia (Tea Rơxá). Địa sở này nằm trong địa bàn thuộc 2 huyện: huyện Đăk Tô và huyện Tu mô rông. Dòng sông Đăk Tơkan nối từ phía bắc huyện Tu-mô-rông chảy xuống huyện Đăk Tô ngang qua nhà thờ Đăk Rôgia (Tea Rơxá). Khi Đức Giám mục Phê rô Trần Thanh Chung còn là linh mục đến đảm trách chánh xứ một cộng đoàn tín hữu nhỏ tại thị tứ thuộc huyện Đăk Tô vào năm 1957, đã đặt tên nơi ngài phụ trách họ TÂN CẢNH. Từ đó về sau, vùng này được gọi là TÂN CẢNH do tên sông TƠKAN mà ra.
Địa sở Đăk Rôgia (Tea Rơxá) có một bề dày lịch sử đức tin và tôn giáo lâu đời. Nhưng vì chiến cuộc, nhà thờ  cũng như cộng đoàn tín hữu chạy tránh chiến cuộc phải di dời nhiều nơi. Nhưng cũng xuyên qua đó, nhiều làng mới tòng giáo nhờ một số người dân tộc được biết Chúa trong khi chạy loạn và khi trở về làng mới, lập cư đã trở thành người loan báo Tin Mừng anh em địa phương của mình và xây dựng cộng đoàn tín hữu như ngày hôm nay. Phải chăng đó là kế hoạch cứu độ mà Chúa đã an định cho Giáo hội sơ khai xưa kia, nay được lặp lại trong vùng cực bắc Giáo phận Kontum ?.
Chúng tôi cũng xin thưa trước với Quí gia đình Truyền thông giáo phận là vì bản văn viết tiếng địa phương không có font tương thích để vào trang Web quốc tế, nên khi chuyển qua font unicode có một số chữ địa phương trong văn bản này không đúng như tác giả mong muốn. Xin chân thành hiểu cho.
Chúng tôi xin nhường lại chính linh mục phụ trách trình bày sơ lược hình thành giáo xứ  với Đức Tổng Giám mục trong dịp Ngài đến thăm nhà thờ Đăk Rôgia sau đây:
KONTUM (5.12.2012) KONTUM
XIN KÍNH MỜI
Trọng kính – Đức Tổng Giám Mục Léopoldo Girelli,
đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam,
- Đức Cha Micae, Giám mục Giáo phận Kontum,
- Cha Tổng Đại diện Phêrô, quý cha quản hạt, quý cha
- Quý Tu sĩ nam nữ và tòan thể tín hữu
Con, linh mục Giuse Võ Văn Dũng, cha sở Tea Rơxá, xin được phép giới thiệu về địa sở Tea Rơxá. Gồm 4 phần: [1] Địa bàn, [2] Đôi nét về Lịch sử [3]. Hiện tình (hiện tại), [4] Dự phóng cho tương lai.
1. ĐỊA BÀN:
Tea Rơxá là một địa sở mới thành lập, có thánh đường chính đặt tại làng Đak Rôgia, xã Đak Trăm, huyện Đak Tô, gồm có 40 làng có tín hữu, trải dài trong 7 xã và 2 huỵên Đak Tô và Tu Mơ Rông,
Trên bản đồ tỉnh Kontum,  Địa sở Tea Rơxá nằm về phía bắc của tỉnh Kontum, có địa giới như sau: – Phía Bắc giáp dãy núi Ngọc Linh huyện Đak Glei và tỉnh Quảng Nam;
- Phía Nam giáp 3 xã của Đak Tô : Đak Rơnga, Ngọc Tụ và Kon Đào, và xã Đak Pxi của huyện Đak Hà;
- Phía Tây giáp xã Đak Ang của huyện Ngọc Hồi;
- Phía Đông giáp xã Măng Búk của huyện Kon Plông.
2. ĐÔI NÉT VỀ LỊCH SỬ:
Địa sở Tea Rơxá hiện nay có liên hệ đến 3 Địa sở có trước năm 1972 là Đak Chô,  Kon Hơnong và Kon Du:
Cụ thể: – 1 làng nguyên thuộc giáo xứ Đăk ChôTea Rơxá.
- 4 làng nguyên thuộc giáo xứ Kon DuKon Pia, Ty Tu, Kon Ling, Đak PơTrang
- 35 làng nguyên thuộc giáo xứ Kon HơnongĐak Dring, Tea Phea, Tea Rong, Tea Pen, Đak Tram, Kuxia, Đak Mong, Đak Hơdro, Đak Hà. Đak Xanh, Tea Hơ-ô, Tea Dro, Tea Pen, Kon Hơnong, Đak Prong, Đak Nông, Đak Hnăng, Đak Trang, Tea Xô 2 Măng Lỗ, Ngọc Năng 1, Ngọc Năng 2, La Giong, Đak Plò, Kon Hía 1, Kon Hía 2, Kon Hía 3, Mô Pành. Đak Ré 1, Kon Sang, Đak Hà, Đak Xiêng, Ngọc Leang Văn Sang, Đak Neang.
Địa bàn của địa sở Tea Rơxá hiện nay nguyên là địa bàn của giáo xứ Kon Hnong trước năm 1965. Các làng có đạo trong Địa sở được định hình theo dòng chảy lịch sử của Tây Nguyên:
-Vào năm 1942, Kon Hơnong tòng giáo. Sau hơn 10 năm, các làng dọc theo con sông Tea Tơken (nay Đak Tơkan) cho đến thượng nguồn, lần lượt trở lại. Nên năm 1953, giáo xứ Kon Hơnong được thiết lập, với cha sở tiên khởi là Lm Marcel Arnould (MEP).
- Chiến cuộc 1964-65 xảy ra ngay tại miền Tu M’rông, khiến dân Sê-đăng phần lớn chạy về lánh nạn tại quận lỵ Đăk Tô (nay Kon Đào), phía dưới đèo Ngọc Tụ. Trong hòan cảnh phải bị bứng khỏi rừng núi, các làng sêđăng lương dân tị nạn lại xin tòng giáo. Ngày 14-07-1964[1]: tại nhà thờ Đak Tô các cố tây: cha Dujon, Chastanet, Léoni, Rơnaud, Arnould đã rửa tội cho 26 người thuộc làng Đak Kơnong (nay là Đăk Nông) và 47 người Đak Treang (nay là Đăk Trang).
-Năm 1972, Đăk Tô trở thành “mùa Hè đỏ lửa”, các Cố Tây tiếp tục dẫn đòan chiên lánh nạn, chạy về Kon Tum (Chư Pao do cha Gabriel Brice), đi Pleiku (Biển Hồ), đi Phú Bổn (Plei Măng 1 do cha Léo Dujon, Plei Măng 2 do cha Marcel Arnould, cha sở Kon Hnong-Đăk Chô), đi Đak Lak (Buôn Cha Pam do cha Irênê Nguyễn Bình Tĩnh, Buôn Hằng do cha Christian Léoni và cha Paul Beysselance, Km 8 do cha Pierre Chastanet,…)[2]. Tại Pleiku, vào ngày 29-10-1972[3]: Cha GB Trần Khánh Lê đã rửa tội cho anh em Sêđăng luơng dân làng Đak Kơneang, Tea Xiă, Wăng-Săng.
-Năm 1975, chiến cuộc chấm dứt. Các Cố Tây được lệnh rời khỏi Việt Nam. Đàn chiên bỗng trở nên bơ vơ giữa đất khách quê người. Anh em Sê-đăng phần lớn quyết định quay về rừng thiêng làng cũ của tổ tiên. Tất cả phải bước vào thời kỳ mới: lao động tập thể, sống tập thể, dọc theo sông Đăk Tơken, với lịch tuần 10 ngày! 
-Sau vài năm, mô hình “sản xuất tập thể” bị hủy bỏ, mỗi làng chọn cho mình một mảnh đất mới. Dân 4 làng Tea Rơxá kan, Tea Rơxá kue, Tea Kơmo, Tea Xue, trước 1972 thuộc địa sở Đăk Chô, tòng giáo vào năm 1937, thời cha Paul Rơnaud, đã chọn mảnh đất của làng Tea Phea, bãi đỗ cây của Lâm Trường Đăk Tô, dựng một làng mới, với tên gọi hành chính là Đăk Rôgia. Và Một số anh em  khác quay về chỗ xưa phục hồi làng mình như Tea Pen, Tea Dro, Tea Kơxán, Tea Hơ-ô.
-Vào những năm của thập niên 90, đất nước bước sang cơ chế thị trường. Các làng ở dọc con sông Tea Pơxái (nay gọi là Đak Pxy) được lệnh dời làng lên vùng đất cao, hoặc chọn miền đất mới. Các chú Yao phu: Jêrôm A Hiong, Phanxicô Xaviê A Nhim,.. dẫn một số gia đình tiến về phía bắc của xã Đak Pxy, dựng làng mới Kon Pia, Ty Tu, Kon Ling, Đak Pơtrang.
Trong suốt thời gian dài: 1975-2006: Sống trong hòan cảnh vắng bóng linh mục, không nhà thờ, nhưng công việc truyền giáo lại tiến triển lạ thường. Anh em các làng vùng Đăk Rơ-ông, Đăk Na,… như làng Ngọc Năng, La Giong, Kon Hía 1, Kon Hía 2, Kon Hía 3,.. lần lượt đón nhận Tin Mừng và chịu Phép Rửa. Can đảm về Kontum, gặp các cha sở Giuse Nguyễn Thanh Liên tại nhà thờ Chính Tòa (1975-1996), cha Simon Phan Văn Bình tại nhà nguyện Kuê-not Kontum (1996-2003), cha Callistô Bá Năng Lý tại nhà nguyện Chủng Viện Kontum (2003-2006) để nhận lãnh các Bí Tích. Mãi đến Tuần Thánh năm 2006, chính quyền mới chấp thuận cho cha Calistô Bá Năng Lý đến Kon Hơnong cử hành lễ Phục Sinh.
Nhưng từ ngày 22-12-2006, Lm Giuse Võ Văn Dũng bắt đầu hiện diện giữa anh em Sê-đăng. Tiếp đến đầu năm 2011, có thêm cha Gioakim Nguyễn Hữu Tuyến đến phụ giúp.
3. HIỆN TÌNH:
Hôm nay, Địa sở hiện có :
- 40 làng có tín hữu công giáo, trải dài trong 7 xã và 2 huỵên Đak Tô và Tu Mơ Rông,
- Với 12.291 tín hữu công giáo, trong đó : Sêđăng là 12.100 ; Ha Lâng: 125, Kinh : 38
- 93 Yao phu: trong đó: 78 nam và 15 nữ, 4 chú Kuênót.
- 2 Nữ tu Anh Phép Lạ: Kêpha Y Wút, Louise de Marillac Y Thưk
- 2 Linh mục
4. DỰ PHÓNG CHO TƯƠNG LAI:
Sau hơn 5 năm mục vụ cho anh em Sêđăng, với địa bàn quá rộng lớn, con đã xin Đức Giám mục Gp:
Thiết lập 5 giáo xứ mới : Tea Rơxá(3083)[4], Tea Dro (1391), Măng Klôh (2404), Ngọc Leang (867) và Kon Pia(1547)
Tái lập 1 giáo xứ cũ : Kon Hơnong (2434)
Tòa Giám Mục đã gửi văn thư cho UBND tỉnh Kontum về việc xin  thành lập các giáo xứ, cho tới nay chính quyền chưa trả lời.

PHẦN KẾT: Trên đây là đôi nét về miền đất anh em Sê-đăng Tea Rơxá. Con xin chân thành cám ơn Đức Tổng Léopoldo Girelli, Đức Cha Micae đã lắng nghe. Xin Đức Tổng, Đức Cha cầu nguyện và nâng đỡ anh em Sê-đăng chúng con.
  

[1] Theo Sổ Rửa Tội Địa Sở Kon Hơnong 1953-1973
[2] Lịch Địa Phận Kontum 1975
[3] Theo Sổ Rửa Tội Địa Sở Kon Hơnong 1953-1973
[4] Số liệu năm 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét