Ban mục vụ truyền thông giáo phận xin giới thiệu “Trung Tâm Truyền Giấo Phú Yên – H’ ra Hạt Mang Yang - Giáo Phận Kontum’, nhân Mừng 165 năm Truyền giáo Vùng Tây Nguyên dân tộc. Các vị thừa sai tìm đường đi sâu vào vùng dân tộc Tây nguyên, nhất là từ năm 1885 đều qua vùng đất hẻo lánh nầy.
Hiện nay Trung Tâm Truyền giáo Phú Yên – H’ ra mang nhiều Dấu Ân Đức tin.
GPKONTUM (26.10.2013) KONTUM
XIN KÍNH MỜI
TRUNG TÂM TRUYỀN GIÁO PHÚ YÊN – H’RA
Hạt giống Tin Mừng đã được gieo vào vùng đất của người Bahnar Alakông từ rất lâu. Những hạt giống này vẫn từng ngày từng ngày mục nát trong lòng đất để chờ ngày nảy sinh, phát triển và sinh nhiều bông hạt. Thật vậy, từ những năm 40 của thập kỷ trước, những vị tiên phong đã đến giảng đạo tại vùng đất Phú Yên này nhưng những hạt giống vẫn chưa nảy mầm. Đến năm 1989, trở về sau, anh em Bahnar trở lại đạo rất đông và điều này chỉ có thể được giải thích theo lời thánh Phaolô tông đồ “Tôi trồng, anh Apôlô tưới nhưng Thiên Chúa mới cho mọc lên” (1Cr 3,16). Chính Thiên Chúa đã gởi Thần Khí của Ngài đến để đổi mới hoàn toàn vùng đất này và công việc này vẫn còn tiếp tục và Thiên Chúa mong muốn chúng ta cùng cộng tác với Ngài trong việc mang hạt giống Tin Mừng đem gieo vãi khắp vùng đất này. Để chiêm ngắm công trình của Thiên Chúa trên vùng đất này, chúng ta cùng nhìn lại Phú Yên hôm qua, đồng thời cũng xem xét về hiện tình của Phú Yên hôm nay để đưa ra những dự phóng cho tương lai.
1. PHÚ YÊN HÔM QUA
Bắt đầu từ năm 1940, có ông Imark người Pháp đến làm cà phê ở khu vực Mang Yang ngay bên suối Kơ Yu tức là khu vực nghĩa trang liệt sĩ bây giờ với diện tích là 100ha. Dân trong vùng đến đồn điền của ông Imark làm mướn. Đàn ông được trả một ngày năm xu, đàn bà 3 xu. Khi đó, ông Imark đắp đập lấy nước tưới cà phê và ông làm một cái nhà hai tầng để ở giữ cà phê.
Đến năm 1954, có ông Keng Kơ Na mở đường từ nhà ông Imark đến làng De Kông bây giờ để trồng cây ký ninh với diện tích là 25 hecta. Dân chung quanh cũng đến làm mướn cho ông.
Sang năm sau 1955, đám cà phê và đám ký ninh được sang nhượng lại cho cha André Marty (cố Tý). Trong thời gian này, cố Tý thường xuyên qua lại làng Pơ Chăk (Kơ Dung 1 bây giờ). Dân làng Pơ Chăk nghe lời cố Tý. Ngài là một linh mục đến giảng đạo. Ngài dạy rằng nếu theo đạo không mất gà, heo, trâu, bò để cúng. Sau đó, làng Pơ Chăk xin theo đạo. Như vậy, cố Tý là người đầu tiên đến giảng đạo tại vùng này và làng Pơ Chăk là làng đầu tiên theo đạo. Đồng thời, ngài cũng chọn những người có uy tín nhất làm ông câu: ông Bưi, ông Yơih, ông Tưh. Lúc đó, cũng có đưa những Yao Phu từ Kontum xuống là chú Phyuh, chú Hnher và chú Nheng để dạy giáo lý và ngài cũng làm ba nhà: một nhà nguyện dài 12m rộng 8m, một nhà bếp dài 6m rộng 4m và một nhà dạy giáo lý dài 8m rộng 5m. Cố Tý cũng có gởi các em lên trường Cuénot. Đó là các ông Bem, ông Bon, ông Nger, ông Hueng.
Đến năm 1956, cố Tý vào làng Kret Krot để giảng đạo nhưng làng không nhận, các già làng bàn bạc với nhau: “Chúng ta phải làm thế nào khi cố Tý rủ ta theo đạo, ngài không muốn chúng ta tin vào các thần của cha ông chúng ta”. Lúc đó, có một người ở vùng chân đèo Mang Yang nay thuộc huyện K’Bang lên lập gia đình tại làng Kret Krot tên là Nech lên tiếng: “Các ông có muốn tôi giết cố Tý không?”. Già làng trả lời: “Tùy ông, nếu ông dám làm thì chúng tôi sẽ giúp ông”. Ngay lúc đó, ông lấy dao đi đến nhà cố Tý ở làng Pơ Chăk. Ông hỏi cố Tý: “Có phải ông dạy đạo phải không? Theo đạo không phải cúng thần tổ tiên phải không? Được ăn thịt chó phải không?”. Ông Neck nói tiếp: “Chúng tôi cấm không được ăn thịt chó vì thì chó làm ô uế con người bởi vậy chúng tôi không theo đạo và ông cũng cấm chúng tôi không được cúng tổ tiên. Vậy chúng tôi không muốn theo đạo”. Sau đó, cố Tý trả lời: “Chúng ta theo đạo, tức là Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Dựng trời đất và muôn vật muôn loài.Vì thế, chúng ta tin vào một Đấng đó mà thôi. Còn vấn đề ăn thịt chó thì tùy ý ai ăn cũng được mà không ăn cũng không sao không ai ép buộc”. Sau đó, ông Neck hạ mình, rút dao thả xuống đất và trở về làng Kret Krot ngay. Trong năm đó, có một số người chạy vào núi, người ta không còn giữ đạo nữa. Thời gian đó, chỉ còn làng Pơ Chăk ở lại giữ đạo với số lượng khoảng 30 hộ. Cũng trong thời gian đó vì chiến tranh ác liệt nên một số theo cách mạng lên núi và một số ở lại.
Từ năm 1965, cuộc chiến càng ngày càng leo thang vì lính Mỹ đổ bộ vào Việt Nam. Bà con dân làng không làm gì được, dẫn đến cuộc sống rất khó khăn. Sau một thời gian, một số người trên núi ra trình diện quân Mỹ tại làng Kon Chrah.
Vào năm 1968, dân làng từ núi về lại trong ấp chiến lược và xây dựng hai xã mới là xã Kon Chrah và xã Phú Yên. Tất cả bốn làng: Kret Krot, Pơ Chăk, De Dak và Jơ Long sống chung tại xã Kon Chrah. Khi sống chung với nhau, làng Pơ Chăk và làng Kret Krot nhớ lại rằng mình là người có đạo nên đã lên Kon Tum xin Đức Cha cho linh mục xuống để giúp dân làng. Đức cha Paul Seitz trực tiếp xuống làng với 2 cha (Renoux và Léoni) và một số Yă dòng ảnh phép lạ để thăm viếng và giúp đỡ dân làng. Cũng năm đó, Đức Cha đưa về Kon Tum ông Hnhơih để các Yă chữa trị tại làng Hơ Kiă (trại cùi gần giáo xứ Phương Hòa hiện nay), Đức Cha cũng đưa 5 em về Kon Tum để học tại Foyer của các Yă Dòng Ảnh Phép Lạ (Vinh Sơn 1 ngày nay). Cũng năm đó, Đức cha sai cha Gioakim Chế Nguyên Khoa về làm cha sở Kret Krot. Ngài sống trong nhà xứ bây giờ là trưởng tiểu học xã Hra ngày nay. Người dân làng Kret Krot lập ấp ở bên kia quốc lộ 19 lúc bấy giờ gọi là Dak Lak (Hắc lào). Vào năm đó, cha Gioakim Chế Nguyên Khoa xây một nhà thờ 10m và chiều rộng 6m.
Đến năm 1970, chiến tranh lại bùng nổ trở lại: một số chạy vào núi, một số chạy lên Kon Tum và được Đức Cha cho đồ ăn thức uống, làm nhà và cho đất canh tác tại làng Kon Tum Kơ Pơng. Năm đó, cha Gioakim về Kon Tum và bị ám sát.
Nhà thờ Phú Yên do cha Chế Nguyên Khoa xây dựng năm 1968,
nay là trường tiểu học xã H’ra
Vào năm 1971, cha André Rannou được sai đến để tiếp quản các cơ sở của cha Gioakim xây dựng. Sau một tháng, vì chiến tranh quá ác liệt nên cha Rannou đã rời nhà thờ xuống ấp Kon Chrah (bên hông nhà xứ Phú Yên bây giờ). Tại đây, cha Rannou làm một nhà nguyện dài 16m rộng 8m bằng sắt lợp tôn, tường bằng tôn nhựa màu xanh. Cũng năm đó, Đức Cha cử các chú Yao Phu: Nhil, Nheng, Joanh, Jươt xuống dạy giáo lý.
Cuối năm 1971, cha Rannou rửa tội cho năm người: chú Byưk, Jânh, Chưm, Dri, Preng. Khoảng một năm sau, cha rửa tội cho tất cả mọi người trong làng Kret Krot. Cũng năm này, vì chiến tranh nên làng Kret-Krot di dời chỗ khác, nhà thờ bị bỏ hoang. Một số người kinh lấy tôn về dựng một nhà thờ sát bên quốc lộ dài 10m rộng 5m.
Nhà thờ do giáo dân người kinh Phú Yên xây dựng 1971
Cuối năm 1972, ngài về Sài Gòn. Đức cha Paul Seitz cử cha Phêrô Trần Thanh Chung đến dâng lễ hàng tháng cho tới 1975.
Năm 1976, cha Phêrô Trần Thanh Chung xuống thăm làng Pơ Chăk bị công an xã bắt và từ đó ngài không xuống nữa và ngài căn dặn con chiên “ai muốn xưng tội thì lên Đức An”.
Từ năm 1976 đến năm 1986: không có bóng dáng linh mục, không được tập trung, ai giữ đạo thì bị bắt, ai treo thánh giá trong nhà bị bắt. Mười năm này như những năm “lưu đày” ở Babylon.
Cũng năm 1986, chú Breng và chú Byiuh lên nhà thờ Đức An gặp Đức Cha Phêrô Trần Thanh Chung để xưng tội và xin Đức Cha giúp đỡ. Đức Cha nói: “Ngày 13 tháng 06, chúng con đến gặp cha Antôn Đinh Bạt Huỳnh, ngài sẽ giúp đỡ chúng con”. Từ đó, ngài trực tiếp chăm sóc dân làng. Kể từ đó, hàng tháng cha Antôn xuống dâng lễ và ban phép bí tích tại nhà thờ Phú Yên.
Kể từ sau ngày thống nhất đất nước cho tới ngày 01 tháng 10 năm 1989 chỉ có 11 người làng Kơ Dung 2 chịu phép rửa tại nhà thờ Phú Thọ. Kể từ thời điểm này trở đi, dân chúng trở lại đạo rất đông nhưng phải lên nhà thờ Phú Thọ để lãnh nhận phép rửa vì nhà nước cấm Cha Antôn xuống ban bí tích rửa tội cho dân làng.
Đến năm 2003, Cha Antôn được Tòa Giám Mục bổ nhiệm về làm Cha sở Giáo Xứ An Sơn. Giáo xứ Phú Thọ đón mừng Cha sở mới: Cha Giuse Phạm Minh Công, Cha sở Phú Thọ kiêm nhiêm Phú Yên. Cha Giuse cũng thường xuyên về Nhà thờ Phú Yên dâng Thánh Lễ. Sau đó có cha Phaolô Nguyễn Văn Công, DCCT được bổ nhiệm làm phó xứ Phú Thọ. Hai Cha thay nhau tới Phú Yên làm mục vụ thường xuyên.
Nhà thờ hiện nay
Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống năm 2009, cha Phaolô Nguyễn Đình Thi xuống ở làng Kret Krot và cư ngụ trong nhà ông Ôl. Một năm sau, vì nhà nước không công nhận đồi Kret Krot nên cha Thi di dời về đất Phú Yên hiện nay. Đến tháng 12 năm 2010, cha Thi về Phú Nhơn và cha Công về Phú Yên.
Vì nhà thờ vách đất đã xuống cấp trầm trọng nên cha Phaolô Nguyễn Văn Công đã quyết định dựng tạm một ngôi nhà thờ như hiện nay dài 20m rộng 12m.
2. GIÁO XỨ PHÚ YÊN NGÀY NAY
Giáo xứ Phú Yên ngày nay gồm 13 làng. Làng xa nhất cách 13km, làng gần nhất cách 100m và một làng người kinh là làng Phú Yên.
TT
|
Tên làng
|
Tổng số hộ
|
Số hộ công giáo
|
Nhân khẩu
|
Tín hữu
|
1
| De Kông |
33
|
16
|
130
|
41
|
2
| Kret Krot |
122
|
112
|
751
|
679
|
3
| Pơ Chăk |
42
|
37
|
267
|
224
|
4
| Kon Chrah |
229
|
62
|
1088
|
146
|
5
| Kon Hoa |
33
|
23
|
163
|
65
|
6
| De Kop |
37
|
23
|
234
|
120
|
7
| Chơ Rơng |
111
|
35
|
500
|
162
|
8
| Dak Dơ Ve (làng cùi) |
27
|
6
|
108
|
16
|
9
| Yơ Lơng |
137
|
63
|
768
|
305
|
10
| Kơ Dung I |
56
|
48
|
330
|
297
|
11
| Kơ Dung II |
85
|
82
|
581
|
566
|
12
| De Dak |
55
|
32
|
269
|
153
|
13
| Phú Yên |
299
|
53
|
1301
|
300
|
Tổng cộng
|
1266
|
602
|
6490
|
3074
|
Phú Yên cách thành phố Pleiku khoảng 50 km về hướng đông, nếu đi khoảng 45km nữa thì sẽ tới An Khê. Phú Yên nằm trên quốc lộ 19. Chung quanh Phú Yên có 13 làng đã có đạo nhưng chưa toàn tòng. Ngoài ra, trường cấp 1 cách nhà thờ Phú Yên 1km, trường cấp 2 cách 1,5km. Vì thế, Phú Yên nằm ở giữa An Khê và Pleiku.
Ngày Chúa Nhật, các làng quy tụ về nhà thờ trung tâm. Số có thể đến nhà thờ trung tâm không nhiều, vì đường xá xa xôi, người già và trẻ em không thể đến được. Tại các làng đều có một nhà nguyện là nhà của chú Yao Phu. Hàng tối, dân làng tụ họp để đọc kinh. Thỉnh thoảng hàng tháng, cha xứ đến dâng thánh lễ. Những nhà nguyện thời cha Antôn Đinh Bạt Huỳnh được làm và bị nhà nước phá ngay. Hiện nay, những nơi ấy vẫn là chỗ để quy tụ tín hữu trong làng, và là nơi gìn giữ lòng tin của họ.
Nhân sự truyền giáo và dạy giáo lý chủ yếu là các Yao Phu. Các Yao Phu cũ (học trường Cuenot) chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Đa số còn lại là Yao Phu mới (Yao Phu plei). Họ không được đào tạo đến nơi đến chốn mà chỉ có lòng nhiệt thành. Đây là một thách đố cho việc dạy giáo lý.
Một số hình ảnh nhà nguyện của các làng hiện nay
Nhà nguyện làng Kon Chrah nay đã bị phá
Nhà nguyện làng Kret Krot
Nơi thờ phượng của làng De Dak
Nhà nguyện làng De Kông
Nhà nguyện làng De Kyeng
Nơi thờ phượng của làng Kơ Dung 1
Nơi thờ phượng của làng Kơ Dung 2
Nhà nguyện làng Kon Hoa
Hình ảnh nhà thờ, nhà xứ và các sinh hoạt giáo xứ
Nhà thờ Phú Yên cũ
Giáo dân tham dự lễ ngoài trời khi nhà thờ cũ xuống cấp
Nhà nội trú nam
Nhà bếp của các em nội trú
Nhà thờ hiện nay
Hệ thống cung cấp nước uống
Tháp chuông nhà thờ
Mừng bổn mạng giáo xứ
Lớp học hè giúp các em củng cố kiến thức
và rèn luyện con người nhân bản do các sinh viên Sài Gòn lên giúp
Các em cùng sinh hoạt với nhau dưới sự hướng dẫn của các hoạt náo viên
Cha sở và yao phu các làng
Cha sở và quý thầy cô giúp giáo xứ nhân dịp hành hương Măng Đen
3. HƯỚNG VỀ TƯƠNG LAI
3.1. Cái nhìn tổng quát
3.1.1. Giáo dục
Trong năm năm qua, vì nhu cầu chỗ ở cho các em Bahnar ở các làng xa (20 cây số) đi học cấp III, nên các em xin tạm trú ở nhà thờ Châu Khê để đi học. Hai năm trở lại đây, con số các em nội trú tại nhà thờ Châu Khê lên 30 em. Dự trù năm học 2011-2012 có 40 em. Trong bối cảnh chưa có trường tư công giáo như trước năm 1975 thì nội trú là giải pháp hữu hiệu nhất để giúp cho con em trong giáo xứ được ăn học và được giáo dục đúng cách. Trên vùng Kontum nhờ hai nhà nội trú lớn: Tòa Giám Mục và Nhà Thờ Chính Tòa nên có nhiều bạn trẻ của các sắc tộc học lên tới đại học. Về phần huyện Mang Yang, con cái của giáo xứ tính đến thời điểm này mới có hai em học đại học (một em đã tốt nghiệp và một em đang học năm cuối). Cả hai em đều ở làng Plei Bông Môr. Và em Y Duyên đang ở nhà tập Dòng Đức Bà Truyền Giáo (em sẽ khấn lần đầu vào ngày 12 tháng 8 tới). Trong ba em thì hai em nhờ ở nội trú mới theo học tới đại học. Cả vùng Mang Yang cũng chỉ có ba em đã tốt nghiệp trung cấp. Tất cả đều ở nội trú. Nói tóm lại, nhà nội trú mới “cứu vãn” được con em của giáo xứ và giúp các em tới trường trong lúc này.
3.1.2. Về niềm tin
Vốn dĩ, người sắc tộc có tính cộng đồng nên việc đi đạo này hay đi đạo khác như một “phong trào”. Một khi họ đã tin thì lòng tin của họ sẽ thật sốt sắng.
Vì trình độ tri thức thấp nên họ rất dễ theo những lời quyến rũ khác. Ví dụ như: hiện nay có làng Kret Krot bỏ đạo vì theo lời dụ dỗ của nhóm Hà Mòng. Vẫn biết rằng, một số người không muốn bỏ đạo nhưng phải bỏ đạo để được sống trong làng không bị loại trừ. Chúng ta hãy đọc biến cố này trong lòng tin: “Thiên Chúa viết chữ thẳng bằng những đường cong”.
3.2. Từ thực tiễn đến hành động
Thực tế 1: Sách Tân Ước bán không chạy
Năm 2007, được sự hỗ trợ của Tòa Giám Mục, quyển Tân Ước bằng tiếng Bahnar chỉ có 10.000đ một quyển (nếu đúng giá phải 30.000đ). Giáo xứ mua về 2.700 quyển nhưng chỉ bán được 1.000 quyển còn lại phải trả về Toà Giám Mục. Còn bộ tượng Chúa Hài Đồng giá 30.000đ một bộ. Đem về 700 bộ thì không đủ cho họ mua. Người ta không thể mua Kinh Thánh, tuy Kinh Thánh rất rẻ, là vì họ không biết chữ. Còn tượng Hài Đồng tuy đắt nhưng người ta vẫn mua.
Thực tế 2: Nạn bỏ học
Tại các làng dân tộc trẻ em đông lắm. Vào làng trong 10 phút, ta có thể quy tụ được 20 em bé ngay lập tức. Đó là các em ở tuổi từ 3-12, các em đang học cấp một. Các em ở tuổi này, một là đến trường làng, hai là ở nhà chơi, không thể đi làm được vì còn quá nhỏ.
Từ lớp 6-9: đây là tuổi các em bỏ học vì các em tự đi bắt cá, bắn chim, mót mì… và làm việc giúp gia đình được. Vả lại, đối với người Bahnar, cha mẹ không bao giờ bắt ép con cái làm việc gì. Con cái muốn gì thường là được nấy. Cha mẹ cũng không ép con cái đến trường được.
Cha chánh xứ họp cha mẹ và hỏi họ muốn cho con họ đến trường hay ở nhà. Họ trả lời: muốn con đến trường nhưng nó không muốn. Đành chịu!
Khi có 10 em trong làng mà đã tới 9 em bỏ học thì còn 1 em khó mà tự em đến trường được. Vậy làm thế nào để các em không bỏ học ở “tuổi đầy cám dỗ” này?
Không hiểu tiếng Kinh: Đối với các em Bahnar, tiếng Kinh là một ngoại ngữ. Tại các trường, các thầy cô nói tiếng Kinh và sách giáo khoa cũng chưa có tiếng Bahnar nên các em không thể hiểu nội dung bài giảng của thầy cô tại lớp. Khi học chung với người kinh, các em không thể theo kịp, vì từ ngữ không hiểu, vốn dĩ các em nhát sợ, không dám hỏi, nên không hiểu bài và cứ thế các em “bơi” và làm bài kiểm tra không được. Rồi bỏ học.
Vì vậy, để khắc phục hai nguyên nhân trên, nội trú là giải pháp tối ưu cho lúc này. Thứ nhất để cách ly môi trường gia đình (làng), vốn dĩ không muốn đến trường. Thứ hai giúp các em nói, viết và hiểu tiếng Kinh.
Khi họp và hỏi ý kiến, cha mẹ các em đều đồng ý giải pháp: nội trú cho các em cấp II. Năm nay, giáo xứ sẽ bắt đầu chương trình nội trú cho các em cấp II, bắt đầu từ lớp 6.
3.3. Dự án nội trú cấp II
Đối tượng: các em sắc tộc Bahnar và các em Kinh gia đình nghèo.
Nhân sự: các cha, các thầy Dòng Chúa Cứu Thế cùng quý Sơ Dòng Đa-Minh Thánh Tâm lo cho các em.
Hình thức: Ngoài giờ học ở trường, các em sẽ được học thêm tại nhà nội trú. Mỗi em đóng góp 20kg gạo. Tiền mua thức ăn tự xoay: cậy nhờ vào Caritas của Giáo Phận, những ân nhân và nhất là tự sản xuất rau quả để tăng chất lượng bữa ăn cho các em. Như vậy, giáo xứ có “đường dây” giáo dục và đào tạo từ tiểu học đến đại học như sau:
Cấp I: Tại làng
Cấp II: Nội trú Trung Tâm truyền giáo Phú Yên-H’ra.
Cấp III: Nội trú ở nhà thờ Châu Khê.
Cấp Đại Học: Vào các trường do Giáo Phận tổ chức (Bà Rịa, Sài Gòn), hay trung học, đại học tại tỉnh Gia lai.
3.4. Dự án xây dựng
Đã được 2 mẫu đất sẽ qui hoạch như sau:
- Khu để xe: 2.000m2, phía bên trái đi từ cổng vào.
- Khu nội trú: 5.000m2, nằm ở phía Tây, gần nước giọt. Nhà ở cho các học sinh là các nhà sàn theo kiểu Bahnar. Mỗi nhà từ 7 đến 10 em tự quản theo tinh thần gia thất.
- Nhà Thờ: theo kiểu nhà sàn, dài 20m, rộng 12m, nằm chính diện từ cổng vào.
- Nhà Xứ: Phía sau nhà thờ, cũng làm theo kiểu nhà sàn.
- Nhà học: Ở phía Đông, sẽ xây một nhà (nhà đa năng) một lầu, gồm 10 phòng để làm nơi học hành cho các em. Tại đây cũng là nơi đào tạo Yao Phu theo mô hình trường Cuenot trước 1975 ở Kontum . Ta sẽ gọi chỗ này là “trường Cuenot Mang Yang”, để tưởng nhớ Đấng sáng lập Giáo Phận Kontum: thánh Cuenot Thể.
- Khu nông trại: Dự trù sẽ mua thêm đất liền thổ phía sau để làm khu sản xuất và chăn nuôi.Chủ đất đã thỏa thuận bán (ba sào cà phê với giá 150 triệu). Nếu mua được miếng này thì miếng đất bên cạnh sẽ thuộc trung tâm. Chúng ta sẽ có 3ha để xây dựng và phát triển cho công cuộc loan báo Tin Mừng.
3.5. Nhu cầu nhân sự
Về giáo dục: Cần người coi sóc các em nội trú: Hạt Mang Yang và Hạt An Khê có đa là người sắc Bahnar sinh sống. Vì thế, nhà Thừa Sai hoạt động trong vùng này phải biết ngôn ngữ của sắc tộc Bahnar.
Về truyền giáo: Cần người đào tạo Yao Phu: biết ngôn ngữ của sắc tộc, am hiểu văn hóa của sắc tộc. cũng cần thiết về mặt chuyên môn. Cần người quản lý và giám học cho “trường Cuénot Mang Yang” .
Nhìn lại những biến cố đã qua của giáo xứ Phú Yên, chúng ta nhận thấy rằng Thiên Chúa đang điều khiển con thuyền của giáo xứ. Dù qua bao sóng gió hiểm nguy, Ngài vẫn có đó để giữ gìn, chở che con thuyền này. Đến hôm nay, con thuyền có vẻ như đã vượt qua những cơn bão khủng khiếp nhất nhưng vẫn còn đó những cơn giông tố đang tiếp tục hoành hành. Dẫu vậy, sức sống mới đã hiện diện tại vùng đất này và trong tương lai tại giáo xứ Phú Yên này sẽ trở thành một trung tâm truyền giáo cho anh em sắc tộc Bahnar vùng Mang Yang. Nguyện xin Thiên Chúa thực hiện những điều tốt đẹp mà Ngài đã khởi sự.
Viết tại giáo xứ Phú Yên
Giáo hạt Mang Yang
Giáo Phận Kontum
Ngày 01 tháng 08 năm 2011
Ban Truyền Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét