Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014

GIÁO XỨ KONTRANG MƠNÂY



Thánh lễ Tạ ơn mừng SR. Rosa Lê Hoàng Diễm khấn trọn

VÕ ĐỊNH thôn làng đầu tiên có mặt trên Trung tâm Truyền giáo Xêđăng KONTRANG MƠNEI vào năm 1937. Về sau trở thành Giáo xứ VÕ ĐịNH. Nhiều con em trở thành nữ tu Dòng NỮ VƯỢNG HOÀ BÌNH BMT và Dòng MTG Qui Nhơn. Vào 9g30 ngày 24.8.2019 ĐGM. ALoixio Nguyễn Hùng Vị dâng lễ Tạ ơn mừng SR. Rosa Lê Hoàng Diễm khấn trọn tại Nhà thờ Dak Rơtieng thuộc Giáo xứ KONTRANG.



















VÕ ĐỊNH thôn làng đầu tiên có mặt trên Trung tâm Truyền giáo Xêđăng KONTRANG MƠNEI vào năm 1937. Về sau trở thành Giáo xứ VÕ ĐịNH. Nhiều con em trở thành nữ tu Dòng NỮ VƯỢNG HOÀ BÌNH BMT và Dòng MTG Qui Nhơn. Vào 9g30 ngày 24.8.2019 ĐGM. ALoixio Nguyễn Hùng Vị dâng lễ Tạ ơn mừng SR. Rosa Lê Hoàng Diễm khấn trọn tại Nhà thờ Dak Rơtieng thuộc Giáo xứ KONTRANG.

Tin và Ảnh: Lm. Simon Phan Văn Bình, sinh năm 1937,
TGM Kontum.
Nguồn: facebook.com/ Phan Văn Bình

_____________________________

Truyện xưa về hai làng Kontrang Mơnây và Kontrang Long Loi
______________________________________________

TRUNG TÂM TRUYỀN GIÁO  KONTRANG
CHO NGƯỜI SƠĐANG.

KONTUM (18/02/2011) KONTUM. KONTRANG[1], cửa ngõ vào vùng cư dân Sơđang nằm về phía bắc thị xã KONTUM ngày nay[2]. Vào đầu năm 1852, Đức Cha STÊPHANÔ CUENOT THỂ, ĐẠI DIỆN TÔNG TÒA, cai quản Địa phận Đông Đàng Trong (đổi thành địa phận Quinhơn vào năm 1924) đã chỉ thị cho cha Dourisboure ÂN, một linh mục thừa sai trẻ tuổi, hăng say, đạo đức đang khám phá vùng Truyền giáo Tây Nguyên dân tộc, xây dựng nền tảng vững chắc cho công cuộc truyen giáo nơi cư dân  thiểu số vùng cực bắc Tây Nguyên. Vùng Truyền giáo này cực kỳ khó khăn, nguy hiểm và phức tạp.
Rao giảng Tin Mừng nơi một vùng rừng núi hoang dã, càng về phía bắc, mặt bằng càng cao, sừng sững những dãy núi với đỉnh chót vót như Quần Sơn Ngọc Linh (cao 2593 mét), Ngọc Ang (2750 mét), Ngọc Bun … Giữa các dãy núi này, nhiều vùng do hiện tượng địa chấn sụt đất đã tạo nên  các bình nguyên nhỏ với những sông suối theo cánh rẽ quạt, tụ lại thành sông PƠKÔ và phụ lưu PƠXI, chảy theo hướng bắc nam, đến PLEI KRONG hợp lưu với dòng song DAK-BLA từ đông bắc chảy xuống.
Đôi dòng sông PƠKÔ và DAK-BLA hợp lưu và tiếp tục chảy về hướng nam đổ vào sông SESAN và hòa dòng vào sông MÊKÔNG nằm phía tây các cư dân Tây Nguyên của Việt-nam.
Vùng Truyền giáo cho cư dân bắc Tây Nguyên rộng chừng 5-6 ngàn cây số vuông, cây cối rậm rạp như một tấm thảm xanh, nhấp nhô gợn sóng. Sông suối ngoằn ngèo, khi ẩn khi hiện từ bắc xuống nam, tựa như những đường chỉ trắng trải dài trên khung thảm xanh mênh mong như vô tận ngút ngàn. Thỉnh thoảng một khóm nhà sàn lợp bằng lá rừng, như những chiếc lá tre nghiêng nghiêng, chênh vênh trên sườn đồi hay mất hút dưới tàn cổ thụ. Cuộc đời ở đây, có người  tưởng như êm đềm, bất động và câm lặng trôi qua, nhường cho tiềng chim hót hoặc tiếng xào xạc của  cành lá, nhưng kỳ thực là một nơi biến động và phức tạp.
Nhiều dã thú như: cọp beo, trâu rừng, voi, cá sấu, rắn rít … tự do tranh sống một mất một còn trong vương quốc của chúng. Vùng đất giáp tam biên, còn mập mờ, phức tạp, cũng là nơi tranh chấp, giành  giật của các thế lực ngoại bang. Công cuộc truyền giáo cũng bị quay cuồng trong cơn lốc tham vọng của các nước mạnh. Chưa kể, đây cũng là nơi hội tụ của  những con buôn  quốc tế mua bán nô lệ, xào xáo giữa các buôn làng…
Tuy nhiên, với đức tin kiên vững của một dân tộc chân tình chất phác và trung thành, đã từng tôi luyện trong cuộc sống giữa cảnh vật thiên nhiên hùng vĩ, chống chọi với dã thú, với thời tiết cay nghiệt và cả những sức ép chung quanh, người Kitô hữu Sơđang luôn sống anh hùng trong lòng tin vào ĐỨC KITÔ.
KONTRANG là điểm đầu tuyến cho công cuộc truyền giáo vùng Sơđang đầy khó khăn. Khởi nguồn từ một linh mục thừa sai  trẻ tuổi, như hạt cải gieo vào lòng đất, mục nát và từ từ vươn cao thành một cây to lớn, đến nỗi “CHIM TRỜI” đến đậu được (Mt. 13, 31), hoặc tựa  như  nắm men làm cho dậy cả vùng  truyền giáo (Mt. 13, 33).
Chúng tôi xin lần lược trình bày:
I-   Các chi người Sơđang – Bối cảnh lịch sử vào thế kỷ thứ XIX.
II-  KONTRANG – Điểm truyền giáo
vào thời  sơ kỳ (1852-1857).
Con người linh mục tiên khởi : Cha DOURISBOURE ÂN.
III-  KONTRANG -  Thời kỳ thử thách (1857-1884)
IV- KONTRANG – Trung Tâm Truyền giáo với thời kỳ
triển vọng  (1884-1905).
Chuẩn bị thành lập các địa sở.
V-  Hình thành – Phát triển các địa sở (1905-1975) :
A- KONTRANG MƠNEI.
B- KON-HƠRING.
C- DAK- KƠNA và các địa sở khác.
VI- Thời kỳ quá độ (1975-1997).





CHƯƠNG NHẤT
CÁC CHI NGƯỜI  SƠĐANG
BỐI CẢNH LỊCH  SỬ VÀO THẾ KỶ XIX

Các chi người Sơđang cũng không thay đổi nhiều từ thế kỷ XIX đến nay. Tuy nhiên, bối cảnh lịch sử của vùng này rất phức tạp, ảnh hưởng không ít đến nơi cư trú, đơn vị buôn làng nay có lúc tách nhỏ ra, chen lẫn  những buôn làng khác, hay dồn lại thành một buôn làng mới, nhất là do ảnh hưởng mặt an ninh, xã hội và đời sống tôn giáo.
I – CÁC CHI NGƯỜI SƠĐANG.
1- Dân tộc người Sơđang có nhiều chi chính sau đây :
* Chi MƠNAM (có người gọi Bơnam), TƠDRA: cư trú  ở những  vùng cao chung quanh núi NGỌC-LINH, từ Dak-Tô qua Dak-Glây, bắc thị xã Kontum đến Kon Plong.
*  Chi CADONG bị phân tán mạnh mẽ nhất: có thể ban đầu nhóm này ở quanh núi NGỌC LINH, chạy từ huyện TRÀ MY (Quảng Ngãi) đến Bắc Kon-Plong qua SƠN HÀ (Quảng-Ngãi ). Sau đó, vì  sức ép của người HRÉ và người CHÀM, một phần chạy sang cư trú ở huyện SA-THẦY và Dak- Glây ngày nay.
*  Chi  SƠTENG và HÀLĂNG: một điểm xa nhất, tận phía tây cùng với  chi BRÂU bên HẠ-LÀO. Trong những thế kỷ XVIII-XIX do bị  người LÀO, nhất là  người XIÊM uy hiếp, nên có một bộ phận người SƠTENG lùi về phía đông chiếm vùng cao. Bộ phận lưu lại là tổ tiên người HÀLĂNG hiện nay. Lúc đầu, họ cam chịu thần phục người LÀO, nhưng sau không chịu nổi, người XIÊM phải chạy sang địa phận Việt-nam ở SA-THẦY, DAK-GLÂY bên này dãy núi MANG-DRAI, ngày nay họ còn cư trú. Từ đó, một bộ phận tới vùng thị xã KONTUM ở [3].

2 – Năm chi này có những nét chung: Họ thuộc chủng loại Anđônêdiêng[4], cùng ngôn ngữ văn hóa gọi là MÔN-KHƠME. Số dân người SƠĐANG khoảng trên dưới 100.000 người. Tuy nhiên, chúng ta chưa  có con số tương đối chính xác do Nhà nước đưa ra [5].
Người Sơđang cao lớn, khỏe mạnh, nóng nảy, hiếu chiến, nhưng thật thà. Sống trong những đồi núi cao, hiểm trở, con người Sơđang có một sức tranh đấu dẻo dai. Những gian nan đó làm cho họ khắc khổ, giỏi chịu đựng. Bề ngoài họ có vẻ lạnh nhạt, nhưng họ rất có tình sâu sắc và chân thật. Vì được tôi luyện trong hoàn cảnh xã hội xáo trộn, lại nổi tiếng  cương ngạnh, nhưng  khi đã được thu phục, họ rất trung thành và kiên vững.

3- Chúng ta có một số tài liệu của các vị thừa sai tiên khởi như của cha DOURISBOURE ÂN  và cha COMBES BÊ để lại, nói về nơi cư trú, tâm tính cũng như sinh hoạt thường nhật của người Sơđang vào hậu bán thế kỷ XIX. Nhìn chung, tâm tính của họ vẫn giữ nguyên đặc thù, công ăn việc làm cũng vậy.
“ Người dân tộc Sơđang là một cư dân chuyên làm lò rèn. Nơi họ cư trú là dãy rừng núi do vùng đất nguyên sơ tạo  nên, giàu quặng sắt. Hơn 70  làng, khi xong công việc đồng áng, họ lo khai thác quặng sắt, luyện đúc rèn và đem đi bán dưới dạng rìu, cuốc, dao quắm, lao mác … Dù họ cung cấp  rất nhiều cho các vùng lân cận, họ cũng còn có thể khai thác với khối lượng lớn sắt, nếu họ đủ phương tiện và phương  pháp “ [6].
Người Sơđang dùng hệ thống ống bễ hơi bằng hai ống nén hơi như người kinh, dùng tảng đá granít làm đe và búa để rèn từ quặng sắt ra các dụng cụ. Họ không dệt vải, nhưng dùng công việc rèn dụng cụ sắt để đem đổi lấy các nhu yếu phẩm khác cho gia đình. Người Sơđang buôn bán nô lệ, ghè ché. Có loại đáng giá bằng nhiều con trâu hoặc bằng nhiều người nô lệ [7].
Đặc thù về đời sống, sinh hoạt lao động, làm rẫy nơi người Sơđang cơ bản cũng không thay đổi suốt thế kỷ XIX. Tuy nhiên, những hoàn cảnh chính trị toàn vùng ảnh hưởng rất nhiều đến tiến trình thay đổi con người của họ vào hậu  bán thế kỷ XIX và nhất là thế kỷ XX này.

II – BỐI CẢNH LỊCH SỬ CHÍNH TRỊ VÀO THẾ KỶ XIX.
1- Để gọi người Sơđang, thời vua Gia-Long, vua Minh Mạng gọi họ là người ĐÁ-VÁCH[8]. Người Đá-Vách hay quầy nhiễu, Lê Văn Duyệt một mặt cho người tìm hiểu nguyên do, biết được chỉ vì Lê Quốc Huy gây tội ác cho họ. Ông cho chặt đầu Huy để phủ dụ người Đá-Vách[9]. Mặt  khác vào năm 1810, ông cho đắp tường lũy dọc ranh giới phía tây Trấn Man để ngăn chặn những cuộc đột nhập của người thượng[10].
Năm 1863, Nguyễn Tần trực tiếp tổ chức và góp phần định ra chính sách của triều đình đối với các dân tộc[11] .  Chính sách này có phần thành công, trừ một số bộ lạc ở cực tây AN-LÃO (Bình Định); nhưng đến  năm 1869, mỗi bộ tộc được coi như “tạm ổn”[12]. Trong thực tế còn có nhiều cuộc  cướp bóc giữa các bộ lạc với nhau[13] và không thần phục triều đình Huế như đã thần phục Tây Sơn trước kia.

2- Ngoài những sức ép của LÀO, giữa thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, chúng tiến về phía nam, đến bờ hữu ngạn sông BLA, gần KONTUM hay đến Bản Đôn. Người Xiêm-La (Thái) tràn vào chiếm Tây Nguyên đầu thế kỷ XIX, đặt ra nhiều loại thuế, nuôn bán nô lệ cướp bóc[14]. Người Xiêm tranh chấp vùng đất Tây Nguyên nói chung, vùng Sơđang nói riêng với quân lính Pháp, ngay cả khi quân Pháp đã hoàn toàn chiếm Đông Dương vào hậu bán thế kỷ XIX[15]. Đầu thế kỷ XX, việc phân ranh ba nước vùng Đông Dương được Pháp ấn định dựa vào dữ kiện lịch sử, bắt Xiêm phải nhả vùng đất này cho Việt-Nam[16].

3 – Chính sách của  Pháp và vùng Bắc Tây nguyên.
- Chính sách toàn vùng của Pháp.
Nhiệm kỳ Thủ tướng GUIZOT (1840-1848) của Pháp đánh dấu bước đầu một chính sách tăng cường nền mậu dịch của Pháp qua việc mở rộng vòng cung, bằng sức mạnh của Hải-Quân và bằng đòn bẩy ngoại giao qua Đông Á từ Ấn Độ Dương đến Trung Quốc và Thái Bình Dương.
Ông không ham muốn đất đai, mà quan tâm đặc biệt đến mức độ lớn mạnh của nền mậu dịch Pháp. Nhưng vì Pháp còn yếu kém, ông quan tâm mối quan hệ với Anh Quốc cũng như tìm cách đặt ảnh hưởng để buôn bán với Trung Quốc, theo mô hình hiệp ước Nam-Kinh (1842) với Anh.
Trong  khi đó, giới Hải quân Pháp lại bị thu hút đặc biệt vào Việt-nam trong đầu thập niên 1840. Guizot vẫn tiếp tục tránh né các bàn đạp trong nội địa có thể dẫn đến sự dính líu quá nhiều vào chính trị tại địa phương[17].
Sự ngược đãi của các quốc gia như Trung Quốc và triều đình Huế đối với công giáo: tàn sát các thừa sai và giáo dân dưới triều đại Minh Mạng, Thiệu Trị, nhất là Tự Đức đã trở nên một duyên cớ chính đáng để Hải quân Pháp thực hiện ý đồ thực dân của họ. Đồng thời sau này, các nhà ngoại dân  sự cũng đồng tình ủng hộ họ về chiến thuật chiếm đất đai của Hải quân Pháp chủ trương. Vì sự vụng về với chính sách bế quan tỏa cảng cộng thêm quan niệm “vua là con Trời” của học thuyết Khổng giáo của Triều đình Huế, người Pháp  được kích  thích và được biện minh việc tiến hành  thực hiện ý đồ xâm lược tại Việt nam như một bàn đạp và hậu cứ tiến vào Trung Hoa. Cuộc chiến tranh xâm lược bị sức chống đối của người Việt và bị tổn hại về nhân sự vật lực của quân đội viễn chinh Pháp rất nhiều.
Những động lực thúc bách để thực hiện chương trình chiếm  đóng vùng Đông Mê-Kông.
Từ năm 1875, chính quyền thuộc địa ở Sàigòn bực bội về những thiếu sót trong bàn Hiệp Ước của Đề Đốc Dupré và của bản thỏa ước thương mại tiếp theo đó vào tháng 8 năm 1875. Việc buôn bán trên sông Cái không được tốt đẹp, vì nạn giặc cướp liên tục ở thượng du Bắc Việt, nên việc buôn bán với Vân Nam rất giới hạn.
Năm 1878, tình hình nghiêm trọng hơn. Có tin nói là người Anh đang mở một đường vào Vân Nam từ phía nam MIẾN ĐIỆN qua BHAMO[18]. Vào khoảng năm 1880,  hai vương quốc bắc Miến Diện và Xiêm ngăn cách các lãnh thổ của Anh, có ảnh hưởng trên vương quốc này. Vì hai vương quốc này giáp với Việt-nam và Campuchia ở đồng bằng sông Mê-Kông, nhưng lại không có làn biên giới rõ rệt. Mối đe dọa phức tạp cho người Pháp. Trong khi đó, con đường vào Trung Quốc qua IRRAWADAY qua BHAMO tới TALIFU khó khăn, nước Anh đề nghị một con đường thiết lộ đi qua LÀO ở phía bắc XIÊM, bên kia sông Mê-Kông và vào Vân Nam. Đây là con đường mà người Pháp quan tâm nhất. Nếu người Anh tìm một đường thiết lộ tiếp xúc buôn bán với Tây nam Trung Quốc, việc chiếm Bắc kỳ của Pháp mất giá trị. Nói cách khác, thế đứng của vùng Đông sông Mê-Kông rất quan trọng trong toàn chính sách thực dân của Pháp.
Vai trò quan trọng vùng Đông Mê-Kông.
Ảnh hưởng của người Anh đối với Bắc Miến Điện và Xiêm làm cho Pháp sợ về mặt an ninh những vùng phụ cận của sông Mê-Kông. Đặc biệt, người Xiêm đã từng lấn chiếm vùng Tây Nguyên Trung phần, nên người Pháp tìm mọi cách ngăn ngừa một nước vẫn triều cống của Bắc Miến và Xiêm trong đồng bằng sông Mê-Kông, để không rơi vào ảnh hưởng của nước khác. Người Pháp có một viễn tượng dùng đường sông Mê-Kông đi từ Nam-Kỳ đến Vân Nam. Hơn nữa, từ cửa Mê-Kông còn có một vài con đường để dẫn nhập đến Huế, Nam-Vang và Sàigòn. Sau hết, người Pháp hy vọng biến chính con sông thành một biên giới để xác định ở phía Đông[19].
Cách thức Pháp  thực hiện kế hoạch chiếm vùng Tây Nguyên.
Người Pháp  dùng nhiều biện pháp tìm hiểu sự kiện lịch sử các dân tộc Tây Nguyên, vùng tả ngạn sông Mê-Kông, đồng thời tìm bằng chứng lịch sử các cư dân này từng liên kết với người Việt Nam và Triều đình Huế từ xa xưa. Nhiều nhà thám hiểm, nhiều nhà vẽ bản đồ và tìm dữ kiện lịch sử đã đến Kontum vào hậu bán thế kỷ XIX như ông Auguste Pavie (sinh 1847 chết 1925), ông Odend’ Hal (bị giết chết năm 1904)[20]. Họ  nhờ sự hiểu biết và tận tình giúp đỡ của các vị thừa sai trong cuộc tìm kiếm này, mà người Pháp phần nào thành công hất cẳng quân Xiêm ra khỏi vùng Tây Nguyên.
Với chính sách trên, vùng đất Bắc Tây Nguyên đã được sát nhập vào Hạ Lào, đến đầu thế kỷ này mới hoàn trả lại cho Việt-Nam. Điều đó nói lên tầm mức quan trọng về mặt chính trị, an ninh như thế nào của vùng Tây Nguyên nói chung, bắc Tây Nguyên nói riêng. Chúng tôi sẽ trình bày bối cảnh lịch sử này tác hại trên sinh hoạt truyền giáo như thế nào tại vùng Sơđang trong những chương sau.

CHƯƠNG  HAI
KONTRANG, ĐIỂM TRUYỀN GIÁO
VÀO  THỜI SƠ KỲ (1852-1857)-
CON NGƯỜI LINH MỤC TIÊN KHỞI – THÀNH QUẢ.

Công cuộc truyền giáo trên vùng Tây Nguyên trong thời điểm cực kỳ phức tạp. Do đó, tinh thần truyền giáo của các linh mục ngoại quốc cũng như bản xứ tinh tế và vững chắc. Tinh thần truyền giáo của các Ngài như thế nào ?.
Vào thập niên 40-50 của thế kỷ XIX, Giáo Hội Việt-nam bị bắt bớ dưới triều đại họ Nguyễn. Đức Cha CUENOT Thể không thể lựa chọn con đường nào khác để thực thi lệnh truyền truyền giáo của Đức Kitô, Thầy chí thánh của mình và bước theo truyền thống của các vị thừa sai đã cố gắng truyền giáo cho các dân tộc Đá-Vách, Kha từ thế kỷ XVII. Ngài quyết tâm cho người tìm đường lên Tây Nguyên loan báo Tin Mừng, đồng thời để tín hữu ẩn núp trốn tránh những cuộc bách đạo tại Trung Châu. Nên, bất chấp thất bại nhiều lần, vào năm 1848, Người gởi Thầy Sáu DO khai phá con đường lên vùng các dân tộc Tây nguyên. Sau những lần mạo hiểm và cố gắng đến mức anh hùng, đoàn truyền giáo đã đến KON-KƠXÂM  vào năm 1851. Đoàn truyền giáo báo cáo cho Đức Cha biết rõ các sắc tộc và điểm truyền giáo có thể xây dựng được vào cuối năm 1851. Đức Cha phân bổ nhân sự vào  bốn điểm truyền giáo như sau :
+ Cha COMBES BÊ, Bề Trên, phụ trách vùng người Jơlơng ,
ở KON-KƠXÂM.
+ Cha DOURISBOURE ÂN phụ trách cư dân Sơđang,
ở KONTRANG.
+ Cha DESGOUTS ĐỀ và thầy sáu DO phụ trách
cư dân Bahnar-Rơngao, ở PLEI RƠHAI.
+ Cha FONTAINE PHẨM ở PLEI CHƯ, lo cho người Jrai.
Xuyên suốt cuộc hành trình và cực nhọc, nguy hiểm, cũng như sau này, trong các điểm truyền giáo, tinh thần truyền giáo của các Ngài trong sáng, chính thống , khôn ngoan và thức thời.
Việc truyền giáo nhằm phục vụ “CON NGƯỜI” như họ là đối tượng yêu thương và được Chúa đã cứu chuộc bằng đem Ánh Sáng Tin Mừng của Đức Kitô hướng dẫn, nâng cao phẩm giá của họ. Các vị truyền giáo gắng sức theo con đường Chúa Kitô đã đi.
Thật vậy, Chúa Giêsu đã dứt khoát trả lời cho Philatô :
“Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga.18, 36).
Đối tượng truyền giáo là hết mọi người, trong mọi chính thể.
Nội dung là SỰ THẬT của Đức Kitô. Chúa Giêsu trả lời cho Philatô :
“Tôi sinh ra và đã xuống trần gian để làm chứng cho Chân lý. Hễ ai ưa Chân Lý sẽ nghe tiếng tôi“ (18, 37). Sự bùng nổ hay chao đảo của các thể chế nào đó, chính là  Chân lý của Đức Kitô “có sức nội tại  đòi hỏi thay đổi” cung cách sống của con người, của xã hội. “Sự Thật có tính cách giải phóng” (Ga. 3, 19-20).
Tận cùng của con đường truyền giáo không phải là vinh quang Thập giá của Đức Kitô đó sao? Tinh thần của Đức Cha Cuénot là Thập giá, là hy sinh, để loan báo Tin Mừng. Cuối cùng, các vị thừa sai của Ngài cũng đã vượt mọi khó khăn cản trở để xây dựng các điểm truyền giáo của mình[21] tại Tây nguyên.
I- CON NGƯỜI LINH MỤC ĐẦU TIÊN TRÊN VÙNG
SƠĐANG [22]
1- Một vài nét  tiểu sử của vị thừa sai  tiên khởi tại KONTRANG.
Cha Dourisboure, tên Việt là ÂN, linh mục thừa sai Pháp, sinh ngày 19 tháng 9 năm 1825 tại BRISCOURS miền Tây Nam nước Pháp, gần biên giới Tây Ban Nha.
Năm 1846, vừa 21 tuổi, Ngài xin gia nhập Hội Thừa sai Paris, sau khi học xong tiểu chủng viện và đại chủng viện tại quê nhà.
Năm 1849, ngài thụ phong linh mục đúng 24 tuổi.
Tháng 10 năm 1849, Ngài rời cảng Nantes, đến Gò-Thị, địa phận Đông Đàng Trong, lúc gà gáy ngày 23 – 6 – 1850,  áp lễ Gioan Tẩy giả.
Sau ba tháng học tiếng Việt, ngài cùng cha DESGOUTS ĐỆ ra đi lên vùng dân tộc. Từ Gò-Thị khởi hành ngày 11-11-1850, các ngài nằm trong khoang ghe, mất hai ngày đàng sông tới BẾN (nay là Định Quang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Từ điểm BẾN, đoàn truyền giáo phải bò leo qua núi DÓC VÁN, giữa hai chỏm núi cao (núi ông Bình, núi ông Nhạc) mới đến TRẠM GÒ lúc gày gáy (nay thuộc vùng xã Cửu An, An-Khê), trú chân tại đây suốt ngày hôm đó. Mặt trời vừa lặn, đoàn truyền giáo gồm 15 người, em thầy Sáu DO là thầy THÁM mở đường, băng qua núi vượt sông BA (bến Cai Gang hoặc bến suối Gấm, hữu ngạn sông Ba, nay thuộc xã Cửu An, thôn ba An-Khê)[23] gặp thầy Sáu DO từ  KON KƠLANG xuống đón. Tay bắt mặt mừng, rồi đoàn trực chỉ phía tây mười cây số, rồi hướng về phía bắc. Đoàn đến làng Baham và ở lại  tại đó vài ngày, rồi vượt qua Kon GO, đến làng BƠLU, vào ngày lễ Giáng Sinh mưa tuyết đổ xuống nhiều. Cha Desgouts mệt hầu như kiệt sức.
Ngày 01 tháng 01 năm 1851, sau khi chúc mừng năm mới, đoàn khởi hành trực chỉ hướng tây. Thầy Sáu Do bị đạp chông tre đâm sâu vào bàn chân, băng bó và phải nghỉ lại, còn đoàn truyền lên đường đến Kon-Phar vào tối hôm đó. Từ Kon-Phar đến KON KƠLANG mất gần một ngày đàng nữa (2-1-1851). Đó là những ngày đầu năm 1851: Gặp gỡ  giữa bốn vị thừa sai: cha Combes Bê, cha Fontaine Phẩm, cha Dourisboure Ân và cha Desgouts Đệ trong vui buồn lẫn lộn và các Ngài hướng về tương lai cho công việc khám phá vùng truyền giáo để  “hạ trại”.
Sau khi ở Kon Kơlang một thời gian, nhờ ông Hmur, con người tốt, trung thực, ở KON-KƠXÂM tạo điều kiện, đoàn truyền giáo đến tá túc tại đây, bên tả ngạn sông BLA. Vất vả, thiếu thốn vật chất không làm cho các vị thừa sai lo âu bằng vùng đất truyền giáo chưa có nơi để xây dựng các  điểm truyền giáo.
2 – KONTRANG, cửa ngõ vào vùng cư dân SƠĐANG.
Trong bàn tay Chúa an bài, đầu năm 1852, khi ông HMUR, chủ làng  KON-KƠXÂM giúp mua gạo cho các vị thừa sai tại làng KON-RƠBANG cũng thuật lại sự hiện diện, phẩm chất các vị thừa sai cho họ nghe.Vì tọc mạch hay vì lý do gì đó, một số người làng Kon-Rơbang đến Kon-Kơxâm tận mắt  nhìn xem những con người lạ lùng này. Lúc họ tiếp xúc với các vị thừa sai, họ hết lo sợ, hết ngăn cấm ông HMUR dẫn các vị thừa sai đến thăm vùng đất của họ. Ngược lại họ cũng bằng lòng hướng dẫn các ngài đi thám sát vùng đất phía tây này: đất rộng, bằng phẳng.. Các ngài quyết định mua nhà và xây dựng điểm truyền giáo tại RƠHAI (nay là giáo xứ Tân Hương, thị xã KONTUM).
Đến RƠHAI ở được mấy hôm, cha COMBES BÊ, thầy Sáu DO, cha DOURISBOURE ÂN theo dòng sông BLA mở cuộc thám hiểm các buôn làng hai bên bờ sông đến tận Plei-Krong. Sau đó không lâu, các ngài dùng đường sông đến khám phá những bộ lạc khác nhau nằm phía bắc và phía nam. Phía bắc  là bộ lạc SƠĐANG, phía tây là cư dân Jrai. Các ngài trình tất cả công cuộc khám phá vùng đất hữu ngạn sông BLA cho Đức Cha. Người quyết định cho các vị thừa sai hạ trại và phân bổ bốn điểm truyền giáo như đã trình bày ở trên.
KONTRANG, ĐIỂM TRUYỀN GIÁO đầu tiên cho người  SƠĐANG.
Một ngày nọ, đầu năm 1852 vào dịp cha Bề Trên COMBES BÊ từ Kon-Kơxâm đến Rơhai, có một người dân làng KONTRANG, một trong những người thế giá nhất ở đó đến thăm nhà các vị thừa sai tại RƠHAI.
KONTRANG là một làng lớn ở phái bắc xứ Rơngao, cửa ngõ vào lãnh thổ do người Sơđang cư trú. Làng Kontrang cũng thuộc bộ tộc này, cũng nói tiếng Sơđang. Ông tên là BANĂNG. Kontrang là một trung tâm mua bán giữa người Rơngao và dân Sơđang. Người LÀO đôi khi cũng đến đó để bán trâu và mua nô lệ hoặc vàng vụn. Dân làng KONTRANG quen thấy người Lào nên ít hoảng sợ khi thấy người ngoại quốc hơn các dân tộc khác. Cha COMBES đề nghị ông BANĂNG đem cha DOURISBOURE đến Kontrang. Ông đồng ý, ở lại hai ngày đợi cha Dourisboure Ân. Cùng với một thầy giảng người kinh, có cha Bề trên đưa đi, ông Banăng dẫn ngài đến Kontrang. Cha Bề Trên ở lại một đêm, sáng hôm sau ra về nhiệm sở của mình, để cha Dourisboure ở lại Kontrang[24].

II-  CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO TẠI KONTRANG
THỜI  SƠ KỲ (1852-1857)
Gặp nhiều khó khăn vì thiếu thốn, bệnh tật, giao thông không có, sống giữa anh em dân tộc không cùng ngôn ngữ và tập quán, Cha Dourisboure cần một năng lực siêu nhiên. Cha Bề trên Combes đã nói lên niềm tin của đoàn truyền giáo trong là thư viết tại Kon-Kơxâm vào ngày 29 – 9 – 1853, gởi cho các Bề trên chủng viện thừa sai Paris[25]: “niềm tin vào Đức Kitô”. Cuộc đời truyền giáo của cha Dourisboure trong những ngày đầu tiên KONTRANG đen tối, cô độc. Trong những giây phút đó, Ngài biệt tin vào ai.
1- Những ngày đầu tiên cư trú tại Kontrang[26]
NỖI BUỒN.
Cha Bề trên Combes rời khỏi Kontrang để lại một mình cha Dourisboure ở giữa một gia đình đông đảo ồn ào, xa lạ, cách biệt với anh em linh mục đã từng vui buồn trên những chặng đường rừng núi: “nỗi buồn da diết!” Ngài không thể cầm lòng cầm trí để cầu nguyện. Không có thánh lễ. Tiếng cười nói của thanh niên nam nữ, tiếng khóc của trẻ thơ, đàn ông, đàn bà tụ tập hỗn độn. Bầu khí, lối sống quá khác biệt cùng những tiếng nói xa lạ. Mọi quan hệ hầu như bị cắt đứt. Tương lai đen tối, trống rỗng. Mặt trời đã lặng sau núi, lúc bóng tối bao phủ vạn vật, cơn gió rét tháng đầu năm: CÔ ĐỘC ! Nhưng, hình ảnh của Chúa càng rõ nét. Ngài thốt lên:
“Ô không! không phải tôi có một mình thôi đâu. Ôi! Chúc tụng Chúa là Đấng mà chén đắng của mình thì Người uống cạn, chén đắng của Người trao cho chúng ta thì Người trộn vào đó một thứ ngọt ngào nào đó”.
NIỀM VUI BẤT NGỜ.
Một chiều nọ, cha đang nằm trên chiếc chiếu rách, lòng buồn não nuột, càng thấm thía khi thấy một số đông anh em dân tộc vào cuối gian nhà đối  diện nơi Ngài nằm, với nét mặt lo lắng, buồn bã. Ngài hỏi bằng tiếng Bahnar, có một bà cho biết: một người sắp chết. Ngài chổi dậy, theo họ vào gian đối diện, thấy em bé thoi thóp sắp chết. Ngài chụp lấp bầu nước, làm phép rửa tội cho em bé. Ngài rung động được an ủi, thầm bảo:
“Hãy đi bằng an, hỡi thiên thần nhỏ bé, nhưng ít nữa là trên đó, hãy nhớ đến tôi với”.
Ngài trở lại với chiếc chiếu cố  hữu, lòng tràn ngập an vui. Những buồn chán vụt bay để lại một tâm  hồn bình thản, tự nói với lòng mình:
“ Tất cả  những buồn khổ của tôi được trả công xứng đáng; tôi đã cứu được một linh hồn. Ôi Thiên Chúa của con. Người hãy  được chúc tụng đến muôn  đời”.
CÔNG VIỆC HẰNG NGÀY.
Năm ấy mất mùa, dân làng Kontrang không còn thóc gạo. Họ không quan tâm. Rừng núi là kho lương thực vô tận: măng le, củ rừng, con chuột, con sóc…. đổi món trong năm. Trên sông Pơkô, làng Hamong năm nay được mùa. Cha thường lui tới mua lương thực, gùi gạo về. Một bà già dân tộc, đói không có gì ăn, giúp nấu nướng cho cha. Bà cùng chia sẻ phần cơm. Sau này bà là tín hữu đạo đức.
Tiếng nói là phương tiện giao tiếp, trao đổi và rao giảng Tin Mừng. Ngài bắt đầu học tiếng Sơđang. Loại tiếng này khác hẳn tiếng Bahnar. buổi sáng và buổi tối, cha lên nhà rông gặp gỡ số anh em dân làng, học thêm vài từ mới. Gặp khó khăn học thứ tiếng nói này hơn, vì có một mình, ngài cố gắng tối đa.
Trong ngày ngài bơ vơ, lắm lúc như đi lang thang vòng quanh Kontrang: những đám mây chập chờn trong  cuộc đời. Ngài cũng gặp lại anh em tại Rơhai mỗi tháng một lần để vui vẻ trao đổi, an ủi và dâng Thánh Lễ. Đó là sức mạnh cho chuỗi ngày ảm đạm ở Kontrang. Ngài đã khóc:
“Ôi lạy Chúa, xin tha thứ cho con. Tuy nhiên, con buồn phiền không bao giờ kéo dài lâu và khóc bao giờ cũng được an ủi (…)”.
Ông chủ ngôi nhà sàn, nơi cha tạm trú – Ông Lam – một người dân tộc thông minh nhất mà ngài đã từng gặp. Thường đêm, cha và ông Lam mỗi người nằm trên một chiếc chiếu đặt hai bên bếp lửa. Ông dạy cha học tiếng. Nhiều khi cha đang đọc kinh, bắt gặp ông nhìn cha một cách kính trọng. Lúc đó, ngài đặc biệt cầu nguyện cho ông, cho hai con ông, nhất là NGUI đứa út của ông.
Sau khi bập bẹ tiếng Sơđang, ông LAM thường tìm hiểu về quê hương, về gia cảnh và lý do tại sao cha sống nơi rừng sâu nước độc như thế này? Ông LAM chưa hiểu lý tưởng của Ngài, vì ông chưa hiểu rõ Thiên Chúa là Đấng nào, thương yêu mọi người và đâu là sứ mệnh của các vị thừa sai.
2- Người bạn đồng hành: Cha ARNOUX  A (1852-1853).
Cha Arnoux đến xứ truyền giáo năm 1852 và được cha Bề trên Combes gởi lên Kontrang học tiếng và phụ giúp cha Dourisboure An. Cha Dourisboure vui sướng biết bao vì  gặp được người bạn cũ cùng học chung với nhau: cả hai cùng vào Hội Thừa  sai năm 1846 và học ở đó ba năm. Cả hai tay bắt mặt mừng, cùng chung một chiếu tại nhà ông LAM, cùng một lý tưởng chia sẻ vui buồn, vơi đi những ngày tháng đơn độc.
Cả hai cùng đi thăm các làng lên phía bắc. Có lúc cả hai vào rừng tham quan cảnh hùng vĩ của núi sông. Cha Arnoux rất thông thạo thực vật, động vật. Sức khỏe của cha xem ra khá vững, nhưng dần dần tì vị cha ăn khó tiêu vì không quen thức ăn, sức khỏe giàm sút trông thấy. Ngài ăn một tí gì, thấy khó tiêu, thường nôn mửa ngay. Ngài còn bị kiết lị kéo dài nhiều tháng, đưa ngài đến tình trạng thật bi đát.
Cha muốn lưu lại trên vùng đất truyền giáo thân  thương với người bạn cố tri, cùng đồng hành  trên các nẻo đường truyền giáo cho người Sơđang, nhưng bệnh tình tái phát, buộc lòng cha Bề trên nhờ thầy Bảo đưa cha về Trung Châu năm 1853. Ngài ra đi, đó là lần vĩnh biệt với các vị thừa sai heo hút trên rừng sâu. Vĩnh biệt một người bạn, cha Dourisboure ngậm ngùi chào vĩnh biệt. Cha Arnoux không bao giờ gặp cha trên trần gian này nữa từ ngày đó.
Cha Arnoux rời khỏi Việt-nam, đến Tân-Gia-Ba chữa trị. Sau đó, Ngài trở lại Nam-Bộ, thành lập  cô nhi viện lớn, nuôi trẻ  người thượng của địa phận này trong mười năm. Bệnh tái phát, Ngài qua Hồng-Kông và qua đời tại đó (1864).

III- NHỮNG THÀNH QUẢ VÀ THỬ THÁCH [27]

Một đóa hoa đầu mùa dâng lên Thiên Chúa: em bé hấp hối đã được rửa tội, tắt thở. Niềm an ủi, phấn khởi cũng như ân huệ cho công cuộc truyền giáo được đâm chồi nảy lộc sau này.
1- NGUI và PAT, hai tân tòng người Sơđang đầu tiên.
NGUI :
Là con út của ông LAM, chủ ngôi nhà lớn, nơi cha Dourisboure tạm trú thời gian. NGUI lúc đó khoảng 12 tuổi, luôn quanh quẩn bên cha. Đó là đứa bé rất thông minh, hay nhận xét, luôn để ý đến các giờ kinh nguyện cũng như cử chỉ của cha. NGUI thường hay trầm ngâm, nhìn cha vài phút rồi bỏ đi. Bản tính em cũng nóng nảy, nhưng có lòng tốt và dễ cảm xúc.
Bản chất em chân thật và có một nhạy cảm về đời sau, sợ yang phạt. Thế nhưng, khi em biết được Thiên Chúa đã yêu thương em, dân tộc em, em không còn nỗi lo âu đến yang nữa. Em mong mỏi đến ngày lãnh Bí tích rửa tội ,để tình yêu được trọn vẹn cho Chúa.
Các kinh nguyện thường ngày được cha dịch sang tiếng Sơđang giúp cho em hướng tâm hồn trẻ thơ liên kết với Chúa. Em có thói quen đọc kinh.
Trong suốt hai tháng, ngày nào em cũng đến gặp cha nơi nhà mới. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần tác động, em đã vững tin. Em còn có một tâm hồn truyền giáo cho bạn mình: PAT.
PAT :
Lại thêm một bông hoa nữa dâng cho Chúa, tên em là PAT. Gia đình PAT ở gần vùng KON-KƠXÔN.
Dân làng HƠ-JOL được sự  yểm trợ của  người Sơđang tấn công làng Kon- Kơxôn. Mọi người trong làng đi làm việc hết, trừ gia đình em. Cha của PAT buộc thằng bé PAT trên lưng, lúc đó PAT mới biết đi. Người cha  xông vào giữa quân địch, tay cầm lao; nhưng không lâu, ông đã ngã qụy, mình đầy máu me. Những kẻ thắng trận đã đem PAT đi, nuôi nó trong vài năm để bán được giá hơn, rồi bán nó tại Kontrang.
Cha chuộc bé PAT và nuôi nó. Nó rất quí người bạn. Qua đời sống tất lành của cha, Ngui đã hấp thụ được một lòng đạo đức, thương người. Nhờ vậy, NGUI đã gây được nhiều ấn tượng thánh thiện cho PAT. PAT có trí khôn. Nhờ trao đổi với bạn thân tình là NGUI, nên PAT đã hiểu được giáo lý, có lòng tin sâu sắc và hội đủ điều kiện để lãnh nhận Bí tích Rửa tội.
NGÀY DIỄM PHÚC.
Ngày diễm phúc  cho hai em : PAT và NGUI cũng là niềm hạnh phúc hằng mong ước của cha Dourisboure. Đây là thành quả của những năm tháng hy sinh của cha, là những đóa hoa rừng đầu tiên dâng cho Chúa. Ngày đáng  ghi nhớ 16-10-1853 : hai trẻ lãnh nhận Bí tích Rửa tội với sự chứng kiến và cầu nguyện, tâm tình tạ ơn của cha Bề trên Combes.
Em NGUI nhận tên  thánh  Bổn mạng là GIUSE và PAT là GIOAN.
Nét mặt hai em sáng ngời, vui tươi, phát lộ tâm tình trong trắng, hồn nhiên, tỏa hương thơm những HOA RỪNG cho  ĐIỂM TRUYỀN GIÁO KONTRANG.
2- Cha VERDIER XUÂN đến miền Tây Nguyên (10-8-1857).
Thay thế cha Dourisboure[28]
Chính vào giữa thời gian cha Arnoux xuống Trung Châu dưỡng bệnh (1854), cơn bắt đạo bùng nổ dữ dội tại tình Bình Đinh. Tổng Đốc ra lệnh bắt bớ giáo dân, linh mục, tu sĩ, phá hủy các cơ sở tôn giáo như ba cơ sở truyền giáo: Trạm Gò. An-Sơn và Bến cũng nằm trong danh sách lệnh này.
Đức Cha đang ẩn nấu tại Gò-Thị cùng với hai linh mục thừa sai: Cha Arnoux và cha Verdier. Cha Arnoux phải chuyển gấp về Tân-gia-Ba; cha Verdier vội vã lên miền thượng. Thầy Năm Bảo vất vả vừa mới dẫn cha Arnoux băng rừng nguy hiểm, trốn tránh lặn lội về Gò-Thị, chưa nghỉ lại sức, vâng lời Đức Cha vội vã hướng dẫn cha Verdier lên Tây Nguyên..
Cha Verdier thuộc giáo phận Montaubar.
Cuộc hành trình trốn thoát nguy hiểm. Đêm thứ hai lúc gà gáy, họ đã đến cơ sở BẾN, hy vọng nghỉ chân. Nhưng chính lúc đó có người giáo dân báo cho thầy Năm Bảo biết lệnh quan sắp bình địa cơ sở này. Họ vội vã chạy trốn trên chiếc ghe nhỏ đang đậu trên sông. Cha Verdier chứng kiến cảnh đập phá tàn bạo tài sản của Giáo Hội. Khi họ đến TRẠM GÒ, cơ sở này cũng đã ra tro. Họ đành trú trong bụi rậm, nhịn đói trong ba ngày, không một hạt cơm trong bụng, Cuối cùng, với cố gắng và với sức mạnh của Chúa, các ngài đã đến Kon-Kơxâm ngày 10 tháng 3 năm 1854.
Cơn bắt đạo tại Bình Định ngày càng dữ dội, ảnh hưởng đến miền  truyền giáo. Các cơ sở giao liên giữa vùng truyền giáo và Trung Châu bị đốt phá, không có người hướng dẫn. Các vị thừa sai tìm cách sơ tán khỏi Kon-Kơxâm. Cha Verdier Xuân được cha Bề trên cho đến Kontrang học tiếng Sơđang và giúp cha Dourisboure (1854). Cha bù đắp lại phần nào sự ra đi đột ngột của cha Arnoux và an ủi, giúp đỡ cha Doursiboure những công việc cần thiết.
3- Cộng đoàn tín hữu đầu tiên tại KONTRANG [29]
Tinh thần truyền giáo nhiệt thành của NGUI đã thúc đẩy người cha và người anh cả là NGAM tìm hiểu đạo và xin tòng giáo. Sau một thời gian phân vân, lưỡng lự, thử thách, người cha và ông anh của em được ơn Chúa, xin học đạo và xin tòng giáo. Nhờ sự hy sinh, nhờ sức thuyết phục, nhất là lời cầu nguyện chân thành của em, Chúa đã soi sáng  cho hai người thân của em được lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Cha Bề Trên Combes dự lễ và đỡ đầu cho ông LAM. Niềm hân hoan trào dâng nơi các cha, và cho cả cộng đoàn, nhất là cho NGUI.
Trong năm 1855, tại KONTRANG có độ 10 người trẻ tuổi noi theo  ông LAM, anh NGAM xin tòng giáo. Đoàn chiên nhỏ đã gia tăng ngày càng nhiều.
4- Những thử thách cho cộng đoàn nhỏ bé [30]
Điểm truyền giáo KONTRANG gặp nhiều thử thách ngay lúc mà ai cũng nghĩ là đạt được thành công: đi trong đêm tới đức tin như Abraham. Nếu không có đức tin, Abraham đã chùn bước, các vị thừa sai rơi vào tình trạng lo âu, buông xuôi, chán ngán. Nhưng, chương trình Thiên Chúa không ai lường  được.
POI một người làng RƠBANG thuộc dân RƠNGAO, âm mưu với 4 làng khác để ám hại, cướp của các điểm truyền giáo. Ông đã lên Kontrang rủ rê ông LAM để cùng nhau thực hiện ý đồ đen tối đó. Nhờ lòng trung thực, kiên quyết từ chối của ông LAM, kế hoạch này bi thất bại từ trong trứng nước. Ông LAM cho cha biết nôi vụ này sau khi mưu đồ đó đổ vở vài tháng.
+ Một thử thách da diết làm tổn hại đến công cuộc truyền giáo xảy ra cuối năm 1855.
Cuối năm này, có độ 25 tân tòng và một số dự tòng. Tám người tân tòng đã chết, cách chết khác thường: một cô gái chết vì ra máu nhiều; một cô gái khác chết vì rắn cắn; bốn anh thanh niên chết sau 48 tiếng do bệnh cấp kỳ; anh Gioakim AM chết vì đi tả; GIUSE NGUI ngã quị vì bệnh màng óc. Không một ai bên lương chết cả. Do mê tín dị đoan, dân làng coi cách thức chết – chết bất đắc kỳ tử – chết xấu do yang phạt  đã gây hoang mang trong dân làng. May thay, đức tin của các tân tòng vẫn đứng vững.
Một số anh em dự tòng bắt đầu học giáo lý, đức tin còn yếu đã bỏ cuộc hết. Cha tâm sự :
“Cái năm buồn biết bao! Và tâm hồn tôi đau đớn là dường nào! Tôi thấy bao hy vọng của tôi tan ra mây khói; tôi thấy tòa nhà xây dựng với biết bao nhiêu công sức bị sụp đổ tan hoang; hỏa ngục đang tái chiếm phần đất đã mất!”
+ Năm 1857, một thử thách khác xảy ra trong nhà  của cha.
Một cô gái  trong gia đình  người dân tộc có thế giá tại Kon-Hơring đến Kontrang dự đám cưới về. Đến nhà, cô lâm bệnh nặng. Bơjâu (phù thủy) cho người cha của cô gái biết nguyên nhân gây ra tai họa này là do một người con gái  trong hộ của cha. Dân làng Kon-Hơring đòi cha phải nộp cô gái đó cho họ. Cha Doursiboure khôn ngoan, thông minh đã khám phá ra âm mưu quỉ quyệt về cách thức bóp trứng gà của ông phù thủy. Do đó, cha đã vạch mặt xảo trá của ông ta. Dân làng kính trọng cha và người con gái bị tố cáo gây ra tai họa đã thoát nạn.
+ Một biến cố đau buồn cho cả vùng truyền giáo là cái chết của cha Bề trên Combes, ngày 14-9-1857 tại Kon-Kơxâm. Cha Doursiboure buộc lòng phải rời khỏi Kontrang để đến đảm trách Kon-Kơxâm, điểm truyền giáo vừa trống chủ chăn. Thay vào đó, cha Verdier Xuân phụ trách điểm truyền giáo Kontrang thay cha Dourisboure.
Khi cha Dourisboure rời nhiệm sở cũ, số giáo dân có 26 tân tòng người lớn, không  kể một số trẻ em và dự tòng[31].



CHƯƠNG BA.
KONTRANG – THỜI KỲ THỬ THÁCH (1857-1884).

Năm 1857, cha Dourisboure rời khỏi nhiệm sở Kontrang vào năm 1884, cha  Irigoyen HƯƠNG đến  nhiệm sở này chuẩn bị cho một thời kỳ triển vọng. Thời gian 27 năm này nhiều biến động về mọi mặt, nhất là thời cuộc đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động truyền giáo vùng Tây nguyên. Đây là giai đoạn “dẫm chân tại chỗ” trong việc truyền giáo.
I- NHỮNG BIẾN ĐỘNG CHÍNH TRỊ.
1- Chính sách đối ngoại của Triều đình Huế là bế quan tỏa cảng; đối nội là trấn áp, sát hại đạo công giáo. Đây là chính sách sai lầm, tạo nên cớ cho thế lực ngoại bang xâm chiếm đất nước ta.
Thật vậy, tháng 3 năm 1847, Lapierre và Rigault de Genouilly đem hai chiến thuyền thị uy Cửa Hàn. Chính phủ Pháp sai ông Leheur de Ville-sur-Ars đem chiến thuyền “Catinat” vào cửa Đànẵng, rồi cho người đem thơ đến trách Triều đình Huế về việc giết đạo[32]. Quân Pháp thấy quan quân ta lôi thôi, nên bắn phá đồn lũy ở Đànẵng rồi bỏ đi (1856).
Vua Tự Đức sau một thời gian bách hại đạo gắt gao, đã phát hiện lệnh mình chưa thực thi đồng loạt, ngay trong hàng ngũ lãnh đạo có những người theo đạo công giáo. Ngày 15-12-1859, nhà Vua ban hành một chiếu chỉ nữa nhằm vào các  cấp quan lại ở Trung ương và các tỉnh[33].
2- Sau mỗi lần bị quân Pháp lấy cớ Triều đình Huế bắt đạo, đem quân đánh chiếm nước ta, nhà vua gia tăng cấm đạo tàn bạo hơn. Chiếu chỉ của Tự Đức ngày 5-8-1861 đưa cuộc bách đạo đến chỗ man rợ, được gọi là chiếu chỉ “phân sáp”[34]. Trong chiếu chỉ này, người ta thấy thâm ý của Triều đình là tiêu diệt tận gốc các cơ sở tôn giáo địa phương. Đây là chính sách “tát nước bắt cá”, kiểm soát và bắt các linh mục. Biết bao cảnh tù tội, lục soát, bắt bớ mọi nơi để tàn sát người dân có đạo.
Đức Cha CUENOT, Đại Diện Tông Tòa, Giám quản địa phận Đông Đàng Trong bị bắt và chết rũ tù trong dịp này vào ngày 14 tháng 11 năm 1861.
II – THỬ THÁCH TẠI VÙNG SƠĐANG.
Cục diện đất nước Việt-Nam hậu bán thế kỷ XIX như một cái “guồng máy gia tốc tội ác”: đánh chiếm – bắt đạo, cướp đất – chết chóc – tù đày mà  người công giáo là nạn nhân.
1- Hậu quả lớn lao của cục diện đó có ảnh hưởng rất tai hại cho việc truyền giáo vùng Tây Nguyên nói chung, cho vùng Sơđang xa xôi nói riêng: bị cô lập, cắt dứt  liên lạc với thế giới bên ngoài, thiếu thốn  mọi thứ về tiền của, lương thực, thuốc men, kể cả rượu lễ và bột làm bánh lễ. Cha Doursiboure tâm sự:
“Ôi nhờ ơn Chúa, không phải nghèo khó, thiếu thốn vật chất làm cho tôi lo âu. Dẫu thế, sau một thời gian vá víu lại các quần áo cũ, tôi đã phải mặc rách rưới như kẻ ăn xin (…). Rồi vì sợ đường giao thông bị cắt đứt, tôi đã  phải dè xén từng tí bột mì, từng chút rượu nho. Chỉ các ngày Chúa nhật và một vài ngày lễ trọng tôi mới dâng Thánh lễ”[35] .
2- Cha Verdier qua đời (4-1861).
Một tai hoại xảy ra tại vùng Sơđang: Cha VERDIER bị bệnh suy nhược ngày càng tồi tệ hơn. Ngài không thể xê dịch, bị liệt phải chuyển về Rơhai an dưỡng. Vì cuộc chiến, nên các cha  không thể chuyển ngài về Trung Châu, để đưa Ngài đến Tân-Gia-Ba chữa trị được. Cuối cùng, thấy không còn sống bao lâu nữa, Ngài nói với cha Dourisboure lúc đó là Bề trên vùng truyền giáo:
“Vì Chúa muốn tôi chết bây giờ, tôi xin vâng theo Thánh Ý Chúa, nhưng tôi muốn được chết giữa giáo dân con cái của tôi”[36].
Ngài từ trần tháng 4 năm 1861 và được mai táng bên cạnh em GIUSE NGUI trong cánh rừng ở KONTRANG.
3- Bệnh đậu mùa (1864).
Dưới sức ép của quân Pháp, một Hòa ước Sàigòn ngày 5-6-1862 được ký kết giữa Pháp và Triều đình Huế. Cuối năm 1862, nhân ngày sinh nhật của Vua Tự Đức, một chiếu chỉ “Ân xá” được công bố[37].
Nhờ tạm dứt cuộc bách hại, cha Dourisboure xuống Trung Châu và vào Sàigòn. Cha gặp một linh mục thừa sai: cha Besombes. Cha Besombes lên vùng Tây Nguyên năm 1863 trong khi đó cha Dourisboure ở lại Sàigòn dưỡng bệnh, giúp một họ đạo ở cảng Sàigòn từ tháng 4 năm 1864 đến tháng 9 cùng năm. Ngài trở về lại Tây Nguyên và gặp một thử thách lớn cho toàn vùng: bệnh đậu mùa.
Bệnh đậu mùa  kéo dài gần hai năm[38] đã giết chết hầu hết  nửa số cư dân, trong đó có hơn 1/3 số giáo dân. Tai họa này hầu như người thượng chưa hề nghe biết đến bao giờ, chỉ có những người già nghe nói đến mà thôi. Nguyên nhân bệnh là do người giáo dân kinh ở An-Sơn (An-Khê ngày nay) vì nghèo khổ đã đến Rơhai xin làm ăn, lúc đó chỉ có cha Hòa ở họ KOTUM, còn cha DO vừa đi Trung Châu. Mỗi cổng ra vào làng bị đóng kín. Tuy nhiên, bệnh dịch vẫn lan tràn khắp nơi, đến vùng Jơlơng, cả Kon Kơxâm, dù đã được hai linh mục cố gắng ngăn ngừa cũng không  thoát nạn, kể cả cha Besombes cũng trở nên nạn nhân của nó.
Bệnh lan đến vùng bắc Kontum. Người Sơđang cho rằng nguyên nhân bệnh là do Đạo, do người có đạo. Vì thế, họ nhất định sẽ đi trừng trị  Rơhai. Họ tổ chức ba đợt đột kích, nhưng đều thối lui vì họ gặp “điềm xấu”. Sự hận thù này ảnh hưởng rất tai hại đến cộng đoàn tín hữu nhỏ bé tại Kontrang, trong lúc không có linh mục phụ trách tại chỗ.
Nhưng sau này, những người muốn tấn công Rơhai nhận thấy việc mình làm là sai trái và bất chính. Do đó, theo họ nghĩ các “yang” không ưng thuận cho họ tấn công Rơhai. Họ trở nên thần tình và muốn tòng giáo.
4- Số linh mục trên vùng Tây Nguyên.
Vì thời cuộc phức tạp: lúc bị cấm cách, có khi tình thế hòa hoãn, nên số  linh mục lên vùng Tây Nguyên bị giới hạn.
Từ năm 1861-1875:
Không kể một số linh mục đến trước năm 1861 như cha Dourisboure, cha DO, cha Hòa, cha Bảo. Các cha sau đây đến sau 1861:
+ Cha Besombes KÍNH đến năm 1863, phụ trách vùng Jơlơng tại Sơlăng và qua đời ngày 16-8-1867 tại  Sơlăng.
+ Cha ĐẠT người Việt-Nam đến năm 1867 thay cha Desombes cho đến năm 1871.
+ Cha Suchet CẢNH đến năm 1868 và sống trên vùng đất Tây Nguyên chỉ có ba tháng, đã lâm bệnh và qua đời.
+ Cha Hugon XUÂN đến vùng Truyền giáo năm 1873[39], ở Rơhai thay cha DO đang lâm bệnh nặng buộc lòng phải về Trung Châu và qua đời tại Đồng Hâu.
Cha Vialleton TRUYỀN đến năm 1875, phụ trách làng Kontum thay cha Hòa.
Cộng đoàn Kontrang không có linh mục thay thế sau khi cha Verdier qua đời năm 1861. Sau 13 năm (1874), cha Bề trên  sai một thanh niên công giáo người kinh lên là SỰ đến điểm truyền giáo KONTRANG giúp đỡ giáo hữu  tại đó.
Từ năm 1875 – 1884.
+ Năm 1875, cha Poirier lên vùng Sơđang, phụ trách Kontrang sau 14 năm thiếu linh mục. Nhưng năm sau, ngài về  đảm nhận địa sở BẦU-GỐC (Quãng-Ngãi). Ngài được diễm phúc tử đạo ngày 16 tháng 7 năm 1885, trong ngôi thánh đường cùng một số giáo dân bị hỏa hoạn.
+ Cha ROGER KÍNH lên thay cha Poirier tháng 6 năm 1876. Ngài cố gắng xây dựng lại Kontrang. Ngài  phục vụ tại đây 8 năm.
Công cuộc truyền giáo cho người Sơđang trong giai đoạn này như dẫm chân tại chỗ. Vì hoàn cảnh thời cuộc phức tạp, do mê tín dị đoan, cũng như tâm tính khó mà vào khuôn phép giới luật Chúa đòi hỏi, chưa kẻ những  khó khăn thiếu giao thông mất an ninh, nên người Sơđăng chưa mạnh dạn xin tòng giáo.
Tuy nhiên, cha Roger rất cố gắng qui tụ và tổ chức cộng đoàn, nhất là dạy giáo lý cho trẻ em. Vào dịp Đức Cha Galibert viếng thăm mục vụ vùng truyền giáo dân tộc (1880), cha Roger ở Kontrang và Soubeyre ở Kon-Jơdreh dẫn 600 tân tòng đến chào Đức Cha. Anh em dân tộc vui mừng, phấn khởi, tác động mạnh vào đức tin sống động nhờ hình  ảnh của vị Chủ chăn[40].
Để hiểu rõ cuộc đời của cha Roger và sau đó, chúng ta thấy được những công việc ngài làm, những thử thách ngài chịu, cũng như những tâm tình của người phụ trách như thế nào, qua bản báo cáo trong Compte rendu MEP năm 1884 tr.107 tt:
“Vùng cư dân Bahnar trong năm này còn gặp những thử thách nặng nề do cái chết của cha Roger, người đã làm việc ở đây  8 năm”(x. tr. 107).
“Cha Roger đến miền truyền giáo trong năm 1875 và sau vài tháng ở Việt-Nam để học tiếng, Ngài được Đức Cha Chabonnier gởi lên vùng dân tộc (…). Tâm tính thật thà, trung thực, quảng đại, ngài càng bình dị, chịu đựng và sẵn sàng đón nhận tất cả từ bàn tay Thiên Chúa đã thương trao phó nhiệm sở vinh dự này. Trung thành với bổn phận như một linh mục cũng như xưa kia đã trung thành như một chiến binh, cha biết kiên trì đến cùng trong các trận chiến của Chúa. Rất nhiều lần bị thử thách do bệnh tật, những khổ tâm không làm cho ngài lùi bước. Ở giữa các cư dân hững hờ và ít thích hợp để đón nhận Tin Mừng, người đã nhận thấy những năm tháng vắn vỏi của công tác tông đồ của ngài (…). Những điều đó không làm cản trở ngài giữ vững được sự thanh thản tâm hồn và luôn chứng tỏ lòng chân thành của ngài với Thiên Ý. Nên chúng tôi hy vọng sau chuỗi ngày truyền giáo cực khổ, ngài sẽ lãnh phần thưởng trên thiên quốc nhờ các công việc, những cố gắng của  ngài ở giữa đoàn chiên nhỏ bé và hửng hờ, đã được trao cho ngài. Xin vâng, xin vâng”[41].
+ Năm 1877, cha NGUYÊN linh mục Việt Nam lên Tây Nguyên phụ trách Rơhai, thế chỗ cho cha DO về Trung Châu từ 1872. Cha SOUBEYRE đến phụ trách vùng Kon-Jơdreh (Kon-Mơnei), thay thế cha Dourisboure vừa rời khỏi vùng Truyền giáo thân yêu vào năm 1879. Nhưng năm 1880, cha Soubeyre qua đời tại nhiệm sở của Ngài. Cha CHABAS đến Kon-Jơdreh vào năm 1882 thay cha Soubeyre, nhưng một năm sau ngài thình lình chết (1882)[42] và người ta tin rằng ngài bị bỏ thuốc độc[43].
+ Cha Guerlach CẢNH đến An-Khê vào thứ 7 ngày 30-12-1882. Qua ngày sau, ngài đến Tơuer gặp cha Vialleton và cha Roger, tay bắt mặt mừng, cùng nhau vào nhà nguyện hát bài Tạ ơn Chúa.
Trong thời gian này, trên vùng truyền giáo chỉ còn một linh mục Việt Nam là cha NGUYÊN, 3 linh mục thừa sai: Cha Vialleton (Bề trên ), cha Roger và cha Guerlach.
Cuối năm 1883, cha Irigoyen đến vùng truyền giáo dân tộc, đảm nhận  vùng cư dân Sơđang, mở đầu một giai đoạn triển vọng, thu đạt nhiều thành quả trong công việc truyền giáo.



CHƯƠNG BỐN
TRUNG TÂM TRUYỀN GIÁO KONTRANG
THỜI KỲ TRIỂN VỌNG  (1884-1905)
CHUẨN BỊ THÀNH LẬP CÁC ĐỊA SỞ.
Cha IRIGOYEN HƯƠNG đến Việt-Nam năm 1883 và lên vùng truyền giáo dân tộc ngày 25 tháng 12 năm 1883, nhằm vào ngày thứ ba, LỄ GIÁNG SINH. Theo ý của Đức Cha địa phận, Cha Irigoyen lên thay cha NGUYÊN đang bị bệnh. Nhưng thình lình cha ROGER qua đời năm 1884, nên Cha Bề Trên cho lên thay cha vừa qua đời ở Kontrang[44]. Như vậy, vào thời điểm này, ngoài một linh mục Việt-Nam là cha NGUYÊN, có 3 linh mục thừa sai: cha Vialleton, cha Guerlach và cha Irigoyen.
Trong thời gian này, tình hình chính trị càng phức tạp và ảnh hưởng xấu cho vùng Sơđang. Tuy nhiên, với những cố gắng của cha  IRIGOYEN HƯƠNG, dần dần các làng Sơđang xin tòng giáo, để rồi chuẩn bị thành lập các địa sở trong giai đoạn kế tiếp.
I- TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ (1884-1905).
1- Tình hình hòa hoãn giữa Triều đình Huế và quân Pháp không kéo dài được lâu, vì một mặt chính sách của Triều đình Huế  không nhất khoáng và thái độ còn muốn lập bang giao với nhiều nước Tây Phương để tỏ mình độc lập, làm cho Pháp nghi ngờ và bực mình. Pháp trách Triều đình Huế  không tuân giữ Hòa ước đã ký (Nhâm Tuấn 1862; Giáp Tuất 1874) v.v… Nhiều cuộc xung đột đã xảy ra.
Tình hình quốc nội trở nên căng thẳng và gay cấn, khi Henri Rivière hạ thành Hà-Nội lần thứ  hai (tháng 4 năm 1882). Được thêm quân, Rivière đánh chiếm Hòn-Gay (12-3-1883), đánh Nam-Định (25-3-1883). Hậu quả của vụ đánh chiếm này của quân Pháp là tình thế hòa hoãn nổ ra thế tấn công. Khâm sứ Rheinart rời bỏ Huế vào Sàigòn. Sau khi Rivière tử trận, Thủ tướng Pháp Jules Ferry khởi xướng việc phục thù, được Quốc Hội Pháp thuận. Sự bang giao hai bên bế tắc: lãnh sự Việt-Nam Nguyễn Thành Y rời khỏi Sàigòn. Giữa lúc đó, Vua Tự Đức  băng hà (ngày 18-7-1883).
Triều đình  Huế lâm vào rối loạn. Giờ đây Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường đổi tờ di chúc, tôn Lạng Quốc Công lên làm vua, là Hiệp Hòa.
2- Duới áp bức của quân đội Pháp trên đất Bắc và Cửa Thuận An[45], Nguyễn Trọng Hiệp được cử xuống Thuận-An xin điều đình. Hòa Ước 25-8-1883 (Qúy-Mùi) đặt Việt-Nam dưới quyền bảo hộ của Pháp: Bình Thuận thuộc Nam-Kỳ; Triều đình Huế cai trị từ Khánh Hòa ra đến đèo Ngang ; các tỉnh phía Bắc Kỳ đều có Công sứ pháp kiểm soát các quan Việt-Nam. Sau đó, Hòa Ước Giáp Thân (6-6-1884), Triều đình Huế công nhận quyền bảo hộ của Pháp[46].
3- Trước tình hình mất nước như vậy, các quan lại, sĩ phu đứng lên chống Hòa ước Giáp Thân. Trong Triều đình Huế, vua Hòa Hiệp bị buộc uống thuốc độc chết[47]. Vua Kiến Phúc lên ngôi hơn 6 tháng, đến ngày 30-4-1884 (nhằm 6-4 Giáp Thân ) phải bệnh mất[48]. Vua Hàm Nghi lên ngôi. Sau khi Vua Hàm Nghi khởi quân đánh Pháp bị thất bại, nhà vua và Tôn Thất Thuyết chạy lên vùng núi Quảng Trị kêu gọi Cần Vương chống Pháp.
4- Các sĩ phu lấy khẩu hiệu “Bình Tây sát tả”. Cao trào sát hại người công giáo lan rộng và tàn bạo vào tháng 7 năm 1885. Cuộc tàn sát người công giáo tại Địa phận Đông Đàng Trong bắt đầu ngày 17-7-1885. Họ đạo Trung Tín bị bao vây, lan đến phía nam đến địa sở Làng-Sông ngày 4-8-1885. Tối hôm đó, Tòa Giám Mục, chủng viện với ngọn lửa bốc cao, thiêu hủy toàn bộ các cơ sở tôn giáo. Cuối năm 1885, nhóm Văn Thân kéo lên gieo rắc kinh hoàng, đốt phá nhà thờ và nhà giáo dân ở rải rác họ đạo Chợ-Đồn (An-Khê). Từ đó, họ chuẩn bị tiến quân lên miền truyền giáo Tây Nguyên. Cha Bề Trên Vialleton Truyền và cha Guerlach Cảnh tìm phương thức ứng phó. Tai nạn khủng khiếp xảy ra toàn địa phận Đông Đàng Trong thật to lớn và nặng nề[49].
Số giáo dân thoát nạn Văn Thân chạy lên được vùng Truyền giáo Tây Nguyên tá túc tại các xứ đạo Kon Jơdreh, Kontum và Kontrang. Số giáo dân này ngày càng gia tăng, lập thành họ đạo người kinh như gần Kontrang họ đạo  kinh có tên  là NGÔ TRANG từ năm 1885.

II- CHÍNH SÁCH PHÁP TẠI VÙNG TÂY NGUYÊN NÓI CHUNG VÀ TẠI VÙNG SƠĐANG NÓI RIÊNG (1884-1905)

Chiến lược chiếm toàn bộ Đông Dương của Pháp rất tinh vi, chậm mà chắc. Vùng Sơđang là một trong những trọng điểm của chiến lược đó. Nó ảnh hưởng tai hại đến việc truyền giáo của các vị thừa sai.
1- Trước năm 1885, Pháp chưa đặt nền bổ hộ vững chắc tại Việt nam, nên toàn vùng truyền giáo Banhnar chưa có sự can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp của thực dân Pháp. Do đó, các vị thừa sai phải đảm nhận mọi phương diện nhằm mục đích duy nhất là RAO GIẢNG TIN MỪNG cho các dân tộc, nâng cao phẩm giá và tiến bộ con người.
2- Năm 1889, dưới áp lực của nhóm thực dân, Bộ ngoại giao Pháp đã chấp nhận một chiến lược âm thầm sự hiện diện tiên khởi ở bờ phía đông sông Mê-Kông. Nhiệm vụ phối hợp thám hiểm thu thập dữ kiện pháp lý, lịch sử và thiết lập một mạng lưới các quày mậu dịch thông qua đường ấy, được giao phó cho Auguste Pavie, một đại diện lãnh sự Pháp ở Luang-Brabang đảm trách.
Mayréna (1888-1890), Pavie (1889) và một số nhà vẽ bản đồ hoặc quân sự khác đã dựa vào uy tín cũng như sự hiểu biết của các vị thừa sai[50] để thực hiện ý đồ. Nhờ những kết quả của  nhà thám hiểm Pavie mà vùng Tây Nguyên nói chung, vùng  Sơđang nói riêng thoát khỏi vòng kiềm kẹp của Xiêm và  giữ được mảnh đất Tây Nguyên lại cho Việt Nam như ngày nay.
3- Nhưng từ khi quân Pháp đặt đồn bót trên vùng Tây Nguyên, nhất là khi Tây Nguyên còn là một phần thuộc Hạ Lào, thì đặt đồn tại vùng người Sơđang là điều quan trọng về mặt an ninh đối với Pháp. Tuy nhiên, cũng từ đó nhiều vấn đề tổn hại đến thanh danh tôn giáo, cản bước đường truyền giáo: những bất công, tàn bạo của quân đội Pháp gây ra cho người tín hữu Sơđang, làm cho họ nghi ngờ mục đích của các vị thừa sai. Nhiều vụ đột kích của người Sơđang vào đồn Pháp như vụ giết đồn trưởng Robert trên bờ sông Pxi (1901), sau đó tấn công cha Kemlin Văn, cha Bonnal Bổn,… Chúng tôi sẽ trình bày vấn đề này theo từng giai đoạn lịch sử phát triển các địa sở.

III- CHUẨN BỊ THÀNH LẬP CÁC ĐỊA SỞ VÙNG SƠĐANG
(1884-1905).

Công cuộc truyền giáo vùng Sơđang nhiều triển vọng nhờ cha Irigoyen HƯƠNG, một linh mục đạo đức, khôn ngoan và nhân ái.
Trong phần này chúng  tôi sẽ trình bày:
A- Con người linh mục IRIGOYEN HƯƠNG và các vị thừa sai vùng Sơđang.
B- Những vấn đề các vị thừa sai phải chịu.
C- Thành quả công cuộc truyền giáo của Trung Tâm KONTRANG.

A- CON NGƯỜI LINHMỤC IRIGOYEN HƯƠNG
VÀ CÁC VỊ THỪA SAI VÙNG SƠDANG (1884-1905)

1- Giữa năm 1884, cha Roger ở Kontrang qua đời, cha Bề trên sai cha Irigoyen Hương lên Kontrang thay thế. Kontrang một làng người Sơđang khá đông đúc, nhưng khi cha lên vào cuối năm 1884, chỉ có 20 người tòng giáo. Nhờ công sức người dạy dỗ, cảm hóa, giải thích ý nghĩa đích thực của đạo, cũng như phân biệt người truyền giáo đích thực và thực dân Pháp, dần dần dân làng cảm mến lối sống và xin tòng giáo. Ngài còn truyền giáo vùng Hamong, Dak-Drei và Kon-Bơban.
2- Năm 1885, Nạn Văn Thân chém giết các người công giáo vùng Trung Châu và An Sơn (An-Khê). Số nạn nhân trốn thoát  lên được miền dân tộc khá đông và được các cha lo lắng. Một số người kinh đến Kontrang và dần lập nên họ đạo NGÔ TRANG[51].
Nạn Văn Thân ảnh hưởng xấu đến vùng truyền giáo: 18 tháng bị tuyệt đường giao thông, bị túng thiếu đủ mọi mặt vì phải lo cho số đông người tị nạn cùng khốn này.
Sau nạn Văn Thân, Cha Irigoyen truyền giáo phía bắc: năm 1891, Kon Hơring xin phá yang.Cha Irigoyen và cha Guerlach đến phá yang, dạy giáo lý cho họ. Có 3 làng lớn xin tòng giáo: Dak-Kơdem xin tòng giáo ngày 5-8-1897; Dak-Kơdung và Dak-Kơteng xin tòng giáo ngày 5-8-1897. Ngài chia những làng này thành  những làng nhỏ:
+ Dak Kơdem thành: Kontrang KEP, Dak Rơchăt, Kontrang Kơla.
+ Dak Kơdung thành: Kontrang Mơnei, Kontrang Long-Loi;
+ Dak Rơteng thành: Dak Rơteng Kla và Dak Rơteng Cho (cũng gọi Dak-Rơteng Kơtu).
Ngoài ra Dak-Tô tòng giáo năm 1897.
3- Tháng 3 năm 1899, cha KEMLIN VĂN lên Kontrang phụ giúp cho cha Irigoyen. Nhưng ngày 6-10-1899, cha Kemlin về lại phụ trách vùng Hamong, đảm nhận vùng cư dân Rơngao. Dak-Kang Peng tòng giáo năm 1902; Dak Kang Iop (1903). Năm 1904, cha BONNAL Bổn, một linh mục trẻ lên vùng Sơđang. Cha Irigoyen gởi cha lên KON-HƠRING và truyền giáo vùng cực bắc (chúng tôi sẽ trình bày trong chương V, địa sở DAK-KƠNA).
Năm 1905, cha DUCATEAU QUẢNG lên phụ giúp cha IRIGOYEN. Ngài để cha Ducateau  tại điểm truyền giáo Kontrang. Phần ngài, ngài mở rộng vùng truyền giáo Kontrang. Ngài không ở một nơi nhất định, mà đi truyền giáo mỗi nơi một thời gian cần thiết[52].

B- NHỮNG VẤN ĐỀ CÁC NGÀI PHẢI ĐƯƠNG ĐẦU.
1- Như đã trình bày trong phần trên, công cuộc truyền giáo tại vùng Sơđang đa dạng, phức tạp, cực kỳ khó khăn mà các linh mục thừa sai phải đương đầu và giải quyết. Sau đây, chúng tôi xin ghi lại nhận xét và phương hướng chung của Đức Cha Galibert vạch ra và thực thi như thế nào.
“Sau cuộc hành trình này, tôi[53] hoàn toàn xác tín rằng: cần và cần cấp bách thiết lập vài trạm trung gian giữa Việt-Nam và các cư dân Bahnar. Khi các trạm này xây dựng xong, con đường lưu thông sẽ đảm bảo hơn. Các linh mục cũng có thể chuyển lên miền rừng núi của họ những đồ dùng cần thiết nhất, mà các ngài thiếu thốn cho đến ngày nay, do tình trạng đường giao thông tồi tệ và mất an ninh”.
“Tôi cũng hiểu rõ những khó khăn mà công cuộc truyền giáo gặp phải nơi các cư dân này. Ngoài khí hậu bệnh tật trong miền mà tôi coi như cản trở đầu tiên và lớn nhất cho lòng hăng say của các vị thừa sai, còn tính khí tự nhiên kiêu kỳ của người dân tộc rất khó uốn nắn theo lời huấn đạo lòng tin, tính phóng khoáng ít hòa hợp với việc thực hành công giáo và hiểu thấu được các chân lý của đạo giáo; hơn nữa mỗi một vị thừa sai chỉ có thể giảng dạy trong một làng mà thôi, vì các bộ lạc và buôn làng thù nghịch  nhau hầu như thường xuyên liên tục; nếu ngài muốn thực thi mục vụ nơi khác, con chiên trước chẳng mấy chốc nhìn ngài như kẻ thù và không còn nghe ngài nữa”[54].
Chính vì yêu cầu truyền giáo mà các vị thừa sai đã vận động các buôn làng liên kết với nhau thành những “TƠRING”, từng khu vực hay cả những dân tộc khác nhau. Vai trò của cha Irigoyen rất quan trọng trong việc vận động, giải thích, hòa giải các người Sơđang thấu hiểu những ích lợi việc liên minh cần thiết và hữu ích cho họ như thế nào. Đa số buôn làng người Sơđang chấp nhận[55].
2- Người Pháp đặt đồn bót trên vùng Sơđang.
Vào cuối thế kỷ XIX, nhất là đầu thế kỷ XX này, quân đội Pháp đã gây ra nhiều vấn đề bất lợi cho công cuộc truyền giáo, nhất là vùng Sơđang, khi họ đặt các đồn lính tại đó.
Lối cư xử bất công với các làng công giáo như: bắt làm tạp dịch, cung cấp lương thực cho các đồn bót, hoặc đời sống bất chính của quân Pháp, đóng thuế,… là những nguyên nhân làm cho người dân tộc nói chung, nhất là người dân tộc có đạo nói riêng ca thán, oán trách, bất mãn “quân Pháp” và các vị thừa sai bị vạ lây. Những cuộc hành quân man rợ, phá hoại dân làng của Pháp đã  gây tức tối chống đối bằng vũ lực nơi vùng Sơđang. Một thủ lãnh người dân tộc nói với cha Guerlach như sau:
“Trước kia, chúng tôi yêu quý các ông, vì các ông làm điều tốt cho chúng tôi, nhưng bây giờ các ông “quan” đến sau các ông đã chiếm đất đai của chúng tôi và bắt chúng tôi đóng thuế, phạt tiền của chúng tôi. Vì thế chúng tôi không ưa thích các ông đến với chúng tôi nữa, vì chúng tôi sợ các ông đem các ông “quan” đến lấy của cải tài sản, hàng buôn bán của chúng tôi”[56].
Oán hận dâng cao và bộc lộ qua vụ giết ông đồn trưởng Robert ở đồn gần sông Psi.
Đồn này thiết lập năm 1901 trên bờ sông Psi, phụ lưu sông Pơkô, do ông Castanier, công sứ Attopeu, phía bắc vùng truyền giáo của cha Kemlin Văn. Đồn nhằm mục đích đóng thuế và trấn ngự con đường phía nam thuộc cư dân Sơđang xâm nhập cướp phá Trung Châu và ngăn chận đường xâm nhập của con buôn nô lệ.
Cuối tháng 5 năm 1901, một  ông chủ làng Kon-Kơtu gần đồn, báo cho đồn trưởng biết vụ đột kích của người Sơđang đang âm mưu sẽ thực hiện. Ông Robert đề phòng nhất là vào giờ đêm khuya. Nhưng toán người Sơđang đột kích vào ngày 29 lúc 9 giờ sáng, khi toán linh  không đề phòng. Ông đồn trưởng Robert bị trọng thương và vài ngày sau bị chết.
Sau khi phá hủy đồn này, toán người Sơđang quay lại chống đối các vị thừa sai cả vùng Kontum, đặc biệt vùng Sơđang. Họ tấn công cha Kemlin đang ở  Dak -Drei. Mỗi đêm, đàn bà con nít trong họ đạo phải trốn qua bờ bên kia sông. Tình trạng báo động suốt từ ngày 10-6-1901 đến ngày 13-4-1902. Ngày 24-11-1901, vào 5 giờ sáng, cha Kemlin bị 450 người Sơđang vũ trang tấn công, nhưng bị đẩy lui[57].
Những vụ tấn công  của người Sơđang vào cha Bonnal BỔN tại Đak-Kơna cũng do sự hận thù của họ đối với những việc bất công của đồn lính Pháp tại Dak-Tô gây ra (chúng tôi sẽ ghi chi tiết hơn về vụ này ở phần sau).
Trước những bất công, đàn áp của quân lính Pháp đối với anh em dân tộc, nhất là đối với người công giáo, đã gây ra thiệt thòi, cản trở công cuộc truyền giáo. Một số người bỏ đạo, số khác không tin vào các vị thừa sai và đạo nữa. Cha Irigoyen phụ trách vùng Sơđang cảm thấy đau khổ, lo lắng trước tình trạng truyền giáo trong vùng. Một mặt người khuyên nhủ, phân tích và sống đời đạo đức, nhân ái giữa cộng đoàn người tín hữu Sơđang; mặt khác ngài can thiệp, tỏ thái độ phản đối lối hành động của một số người Pháp, nhất là những người trong quân đội Pháp. Dần dần, người Sơđang nhận được chân lý lẽ phải. Những làng vũ trang chống các vị thừa sai, dần dần xin tòng giáo. Thành quả này thể hiện qua sự hình thành  các địa sở trong vùng.
C- THÀNH QUẢ CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO VÙNG SƠĐANG.
Chính nhờ đời sống tốt lành, khôn ngoan và nhân ái của cha Irigoyen HƯƠNG đối với anh em dân tộc, đồng thời nhờ ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy, Trung Tâm Truyền giáo KONTRANG đã đạt được nhiều thành quả to lớn không ngờ. Như vết dầu loang, các vùng lân cận như Hamòng, nhất là vùng bắc Kontrang dần dần tự ý đến xin “phá yang”, và xin học đạo, tòng giáo.



CHƯƠNG NĂM
HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CÁC ĐỊA SỞ
VÙNG SƠĐANG  (1905-1975)
Chúng tôi xin trình bày các địa sở trong chương V sau đây:
I-    Địa sở KONTANG MƠNEI.
II  – Địa sở KON-HƠRING.
III-  Địa  sở DAK-KƠNA
IV-  Địa sở DAK-MOT.
V-   Địa sở DAK-CHÔ.
VI-  Một số địa sở người KINH.
Trong giai đoạn này, tình thế của đất nước  phức tạp, nhất là chính sách của nước Pháp đối với Tây Nguyên. Một mặt, họ chống đối giáo sĩ, bôi nhọ các vị thừa sai, khó dễ đối với tôn giáo hoặc hạn chế người kinh lên vùng Tây Nguyên. đặc biệt, vùng Sơđang thâm ý tạo một vùng đất bất khả xâm phạm của Pháp, như một vương quốc trong một nước; Mặt khác, cuộc chiến tàn khốc chống ngoại xâm của người Việt-Nam trong những thập niên 40, 50 và trận nội chiến tương tàn trong những thập niên 60-70 mà cao điểm là mùa hè đỏ lửa 1972, chuẩn bị biến cố tháng 3 năm 1975.
Tất cả những biến động đó tác hại rất nhiều lên vùng Sơđang. Tuy nhiên, sự hình thành và phát triển các địa sở vùng cư dân này tiến triển bất ngờ, nhưng vững chắc, nhiều lúc rất sinh động. Thành quả công cuộc  truyền giáo là Ân-Huệ của Thiên Chúa và chỉ phát sinh dưới chân Thập Giá Chúa Giêsu mà thôi.

I- ĐỊA SỞ KONTRRANG MƠNEI.
1- Sơ lược tiểu sử.
Cha Ducateau QUẢNG năm 1905 được gởi đến Trung Tâm Truyền Giáo KONTRANG lúc đó đặt tại KONTRANG HO, gần NGÔ TRANG ngày nay (thuộc xã Dak-Kơla, khoảng cây số 12 quốc lộ 14), để phụ giúp cha Irigoyen HƯƠNG. Cha Irigoyen nhường cha mới địa điểm này. Phần ngài, ngài lưu động trong vùng để củng cố niềm tin, dạy giáo lý cho những làng mới xin tòng giáo. Ngài mở rộng nhiều làng, phân chia những làng lớn thành những họ đạo nhỏ hơn như đã trình bày trên.
Cha Ducateau hăng say truyền giáo các làng chung quanh và dạy giáo lý. Năm 1910, hai làng xin tòng giáo: KON RƠHĂI và KON-TƠNGANG. Năm 1911, cha tu sửa lại nhà nguyện khang trang hơn, với vật liệu bảo đảm hơn: nhà cũ thành nhà mới[58]. Cũng trong năm đó, cha đưa cha BẢO (Cha Charaason) đang bị bệnh về Quinhơn; cha PRIOU TÀI thay thế thời gian, trông coi Kontrang. Sau đó, ngài trở về nhiệm sở mình[59].
Năm 1913, Đức Cha JEANNINGROS, Đại Diện Tông Tòa, cai quản địa phận Đông Đàng Trong (sau là Quinhơn) đi kinh lý vùng truyền giáo Bahnar, đến thăm Trung Tâm Truyền giáo  KONTRANG. Giáo dân đón ngài tại DAK-KƠLA (lúc đó nằm tại cây số 12, ngã tư vào Ngô Trang): nào chiêng, nào trống …vui vẻ. Cha Priou TÀI và cha MINH đến giúp dạy giáo lý Thêm sức, giải tội. Tổ chức linh đình chưa từng thấy trên vùng này, quang cảnh lộng lẫy vui tươi và trang trọng. Đức Cha đến, vào nhà nguyện mới sửa. Trong dịp này, ngài ban Bí tích Thêm Sức cho 100 người. Tất cả các làng mới tòng giáo đều có mặt: Kon-Rơhai, Kon-Tơngnang,… và một số lãnh Mình Thánh Chúa. Trong dịp lễ này có một số giáo dân kinh tham dự, tổ chức đoàn tông đồ mừng Đức Cha[60].
Năm 1914, cha JAMET đến KONTRANG phụ giúp 13 làng đã tòng giáo[61].
Năm 1915, vì thế chiến I xảy ra (1914), lệnh tổng động viên, nên nhiều họ đạo không có linh mục phụ trách. Cha KEMLIN VĂN, Bề Trên rời vùng Kontum đến phụ trách Kontrang, một trong những địa sở  rộng lớn  nhất trong vùng truyền giáo. Ngài hăng say như xưa, vì với tư cách là Bề Trên, ngài càng quan tâm làm gương cho mọi người. Ngài không ngừng đi thăm các cộng đoàn, ban các Bí tích, luôn lắng nghe những khó khăn cũng như những khác biệt không thể tránh khỏi trong xứ truyền giáo.  Ngài quan tâm dạy giáo lý trẻ em và theo đường hướng của Đức PIÔ-X, lo lắng cho các em rước Mình Thánh Chúa càng sớm có thể. Đó là của ăn sinh sức sống trong nơi còn đầy dẫy mê tín, thực hành những dị đoan.
Năm 1915, làng KON-KƠLOK xin tòng giáo, nhưng mãi thời cha LOUISON mới rửa tội.
Năm 1919, cha Bề Trên KEMLIN trở lại Kontum[62].
Năm 1920, cha Thiệt đang phụ trách Hamong, kiêm nhiệm Kontrang.
Cha Bề Trên muốn chia vùng này làm hai, nên năm 1922 gởi cha Louison lên Dak-Kơdem. Chẳng may cơ sở của họ đạo bị cháy, nên cha Louison trở về Kontum. Năm sau (1923) cha dời nhà lên Kontrang Mơnei (cây số 25 trên trục lộ 14 bên tay phải đi từ Kontum lên) cho trung tâm hơn. Từ đó, địa sở này được đặt tên là địa sở KONTRANG MƠNEI, bao gồm cả vùng cây số 12 (Kontrang Kơla, Ngô Trang,..) cũng thuộc địa sở này.
Ngày 1-1-1925, cha Louison trở về Kontum. Cha Hutinet NHÌ đến đảm nhận xứ này. Chưa đầy một năm, cha ĐÁNG đến thay làm cha sở KONTRANG MƠNEI (1926).
Tháng 5 nắm 1930, cha Đáng đổi đến nhiệm sở KON-BƠBAN, cha THIỆT đến thay thế.
Năm 1932, địa sở KONTRANG MƠNEI do cha Thiệt đảm trách, có nhiều tiến bộ về mặt diện cũng như chiều sâu. Sau đây là những con số nói lên khía cạnh đó:
Số cộng đoàn  :     14.
Số giáo dân     :     1142 tín hữu  dân tộc.
240 tín hữu kinh
47 dự tòng
1 nhà thờ
12 nhà nguyện
Giáo phu         :      12 người [63]
Năm 1934, làng KON-KƠLO xin tòng giáo. Làng này xưa kia ở bên trên làng Kon-Tơngang khoảng 9 cây số, khó đi lại. Nhưng trong thời gian này, họ đã xuống gần Kon-Tơngang. Làng Kon-Kơlok cũng vậy, nay chịu xuống vùng thấp không còn ở trên núi cao như xưa nữa.
Năm 1937, làng Kon-Brong, Kon Tây, Kon Bô xin tòng giáo. Kon Bô trước kia cũng là Kon Tây, nhưng có chuyện lộn xộn trong làng, ông Bô tách làng dẫn  một số người theo ông và ở cách làng cũ 9 cây số.
Năm 1944 , địa sở KONTRANG MƠNEI gồm có:
13 làng dân tộc tòng giáo
2 họ đạo người kinh (Ngô Trang và Võ Định)
1500 tin hữu.
Vì thời cuộc cũng như buôn làng hay thay đổi, địa danh KONTRANG vào thời kỳ đầu tiên của Cha Dourisboure đến tạm trú đã thay dời chỗ ở nhiều lần. Vào năm 1923, cha Louison chuyển địa sở đến KONTRANG MƠNEI lên phía bắc, cây số 25 cách thị xã Kontum. Để chúng ta có một  hình ảnh sống động về Kontrang Mơnei, chúng tôi xin ghi lại bài viết của Chương Đài in trong nguyệt san “Chức dịch thơ tín” của địa phận Kontum số 70 tháng 2 năm 1939[64].
“Cách đây 10 năm về trước, ai đi qua đường này (vì nhà thờ ở gần đường quan lộ), cách tỉnh Kontum độ 25 cây số ngàn, sẽ thấy một nhà tranh nhỏ giữa  những đám rừng rậm tranh cao, ngoài ra có  một làng dân tộc ở trước con đường ấy và cũng là trước nhà thờ, là làng KONTRANG-MƠNEI. Trong lúc đó  chỉ có một mình cha sở tây (…) và một hai người  kinh giúp việc, còn là toàn thượng cả, và bây giờ còn thấy một người kinh đầu tuy  đã bạc hoa râm, tuổi ngoại lục tuần, song vẫn  còn lãnh chức việc trong họ đạo; người này đã theo các cha trước hết và ở họ này đã hơn 30 năm”.
“ Thật các Đấng giảng đạo lúc đó rất đỗi cheo leo vì đường sá thì chưa có, phải trèo đèo lặn ải, lại nữa đến nơi đây ngoài các kẻ giúp thì không nói đặng với ai tiếng nào; vì tiếng nói của người thượng khác hẳn với phía Kontum. Sau lần hồi cũng có các người kinh lên  và lập cư ở đây.
“ Đất đai thì toàn rừng núi (…) Phần người  kinh mới lên  đôi người chưa có đủ sức, lại thêm thổ khí chưa hiền, nên ít ưa giống da vàng mũi bẹp tại miền Cao Nguyên, khí hậu lạnh lẽo khác thường, nên lần hồi phải bị thay đổi màu da, kẻ khác thấy vậy ngã lòng cùng lui đi nơi khác, rất cực, trơ trọi một mình cha sở với ít người giúp việc mà thôi.
“ Sau mấy năm gần đây có cha T cùng về làm cha sở; người ra công đốc xuất dọn lại trong vườn và sửa sang nhà thờ cho có vẻ quang bách hơn. Người cũng lo cho có rẫy, có ruộng, lại người cũng giúp những người di cư cũ qui tụ thành một họ đạo, lo có công ăn việc làm. Có đường quan lộ người kinh lên xuống, nên người kinh lên đông. Hiện nay nhà thờ đã lập thành cao ráo sạch sẽ và quang bạch giữa trời.
“Ngoài ra, chung quanh nhà thờ lại được một làng người kinh độ 20, 30 nóc nhà tranh và đã có một cổng cao, trên đề mấy chữ “Village VÕ ĐỊNH”, chính người đã dày công khó nhọc lo lắng có các vật liệu nhà cửa vườn tược, nên làng đông xóm vững trong giữa bấy  lâu là rừng hoang núi rậm (…). Thật cha T là cha sở họ này đã mấy năm chăm bề trồng trỉa nay người  mới gặt được một tí của  giống  mà thôi”.
Cuộc chiến 1945-1946, nhiều địa sở không có linh mục đảm nhận. Các linh mục Pháp  bị Nhật bắt áp tải về Nhatrang quản thúc. Vào thập niên 50-60, nội  chiến xảy ra ác liệt  trên vùng Tây Nguyên, nhất là vùng tam biên như vùng Sơđang này.
Năm cha Leger  Lễ phụ trách vùng này tình trạng bất ổn.
Năm 1956, cha Phêrô Chastanet SẮC phụ trách Kontrang Mơnei. Nhưng riêng hai họ đạo kinh: Ngô Trang và Võ Định (họ Đức Bà) do cha Xuân phụ trách. Tất cả địa sở này gồm:
+           2 họ kinh.
+           8 họ dân tộc.
+           1380 tín hữu dân tộc và kinh.
+           13 chú giáo phu.
+           2 linh mục phụ trách [65]
Vào năm 1972, giáo dân địa sở Kontrang Mơnei di tản  xuống thị xã Kontum hoặc đến thị xã Plei-Manăng (tỉnh Phú Bổn) hay đến Đak-Lac (năm 1973), Giữa năm 1975 số đông người di tản, người kinh  nhất  là người dân tộc dần dần về quê cũ tại vùng Sơđang, còn một số ở lại lập nghiệp tại vùng Ayunpa ngày nay hay vùng Đak-Lac và thị xã KONTUM.


2 -    BẢNG THỐNG KÊ I :  ĐỊA SỞ KONTRANG  MƠNEI

TÊN  HỌ  ĐẠONăm tòng giáoLinh mục Phụ tráchNăm phụ trách
Long Loi hay KONTRANG IOP1853Dourisboure1852-1857
KONTRANG MƠNEI1896Cha Arrnoux1852-1853
Dak- Rơteng4-8-1897Cha Verdier1854-1861
Dak-Kodem5-8-1897Các Thầy (thầy SỰ)
Dak- Rơchai1900Cha Poirier1875
Kon Rơhai1910Cha Roger1876-1884
Kon-Tơngang1910Cha Irigoyen1884-1905
Kon Jơipo hợp với Rơhai1938Cha Menet1903-1904
Kon Bô1939Cha Ducateau1905-1914
Kon Brong1937Cha Jamet1914
P. Kep chia khỏi Kontrang1907Cha KEMLIN1915-1919
Kon Tây1937Cha THIỆT1920
Kon Kơlok1917Cha Louison1922-1925
Dak Cho1923Cha  Hutinet1925
KONTRANG HOcha ĐÁNG1926-1930
NGÔ-TRANG1885Cha THIỆT1930
VÕ ĐỊNH1923


BẢNG THỐNG KÊ II:  KONTRANG MƠNEI từ 1956-1975
VÕ ĐỊNH  -  NGÔ – TRANG

NĂMLinh mục Phụ tráchsố họ  đạosố giáo dândự tònggiáo phu
Cha Léger
1956Cha Phêrô Chastanet10138010
Cha Xuân lo Võ Định
và Ngô Trang
1958nt10K:     234
dt:   1468
1013
1959Võ định , các làng dân tộc:
Ng-thúc Nên
Ngô Trang : cha Xuân

9
1

k :      264
Dt :   1224
10
1960Cha Nên9K ;      287
Dt :   1284
9
1970Cha Iréné Ng-bình Tĩnh
coi Dak-Wơk và Võ Định
5115052
1972nt3111452
1972Vì chiến cuộc vùng Sơđangdi tản nơi khác
II- ĐỊA SỞ KON HƠRING [68]
Năm 1884, cha Irigoyen HƯƠNG đến KONTRANG truyền giáo toàn vùng như đã trình bầy trên. Năm 1891, ngài và cha Guerlach đến KON-HƠRING “phá yang”, dạy giáo lý. Năm 1904, cha Bonnal BỔN lên Kontrang giúp cha IRIGOYEN. Cha Bề Trên sai cha Bonnal ở Kon-Hơring đầu tiên vào ngày 4-4-1904. Nhưng năm sau (1905) nhiều làng xin tòng giáo. Nên tháng 10 cùng năm, cha Bề Trên Vialleton Truyền quyết định cha Bonnal đến DAK-KƠNA phụ trách và thành lập xây dựng địa sở này. Còn cha Irigoyen phụ trách Kon-Hơring vào năm 1906, còn cha Ducateau QUẢNG phụ trách Trung Tâm Truyền giáo KONTRANG (sau này vào năm 1923, cha Louison lên Kontrang Mơnei, thành địa sở KONTRANG MƠNEI).
1- Tình hình chính trị.
Những biến động sau vụ tàn sát đồn trưởng Robert (1901), oán hận của người dân tộc lan đến các vị thừa sai (như đã trình bày trên). Cha Irigoyen như niên trưởng trên vùng này, ngài có trách niệm vãn hồi trật tự cũng như tìm một phương hướng truyền giáo có hiệu năng. Sau khi tạm đủ nhân sự phân bổ những điểm truyền giáo cần thiết, ngài theo phương pháp truyền giáo “di động”, đi nhiều nơi để rao giảng Lời Chúa, đồng thời tìm hiểu những nguyện vọng chình đáng của người dân tộc để trình bày và giải quyết kịp thời. Do đó, dần dần  nhiều làng người dân  tộc xin tòng giáo.
2- Thành quả truyền giáo.
Vào năm 1902 làng Dak- Kang Peng xin tòng giáo. Năm sau (1903), làng Dak-Kang Iop xin “phá yang” ngay sau vụ giết hại ông Robert. Cũng có những làng tham dự vào vụ giết này xin tòng giáo, như nói lòng tin  tưởng vào đạo giáo là chân thật và như phân trần về sự hiểu lầm đối với các vị thừa sai.
Năm 1913, Đức Cha Jeannigros đi kinh lý đến Kon-Hơring, ban Bí tích Thêm sức. Mọi người vui vẻ hồ hởi. Những đoàn người già trẻ trai gái sung sướng gặp mặt vị Chủ chăn.
3- Cha Irigoyen hăng say dạy giáo lý. Ban ngày thầy trò theo dân làng ra nương rẫy lao động, câu cá. Khi công việc đồng áng xong, dân làng về ăn uống. Sau khi mọi việc thường nhật xong, ngài quy tụ dự tòng hoặc trẻ em đến học giáo lý[69]. Nhiều lúc mùa vụ cấp bách, khi cần thiết, ngài còn dạy giáo lý nơi nương rẫy vào giờ nghỉ ngơi.
Để khuyến khích cho giáo phu tương lai, Ngài tạo điều kiện và mời trường CUENOT thường xuyên đến tham quan Kon-Hơring[70]. Như vậy, tín hữu trong họ đạo cũng cảm thấy phấn khởi, nhất làm các em học sinh trai vui thú, thấy được khía cạnh liên đới của Giáo hội địa phương. Kon Hơring cung cấp số lớn trẻ học sinh vào trường CUENOT đề  đào tạo thành giáo phu sau này.
Năm 1918, cha Bonnal đau yếu, phải đi tĩnh dưỡng, cha Irigoyen kiêm nhiệm địa sở Dak-Kơna trong một thời gian.
Suốt thời gian truyền giáo cực nhọc, vất vả, sức khỏe của ngài giàm sút, nên cha Bề Trên cho ngài về phụ trách một họ đạo người kinh – Phương Hòa – vào năm 1920 để nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Tuy nhiên, trong nhiệm sở mới, ngài làm được nhiều việc quan trọng và nặng nhọc như xây dựng ngôi thánh đường hiện nay của Phương Hòa, xây dựng họ đạo Ruộng Lào[71]. Ngài qua đời 21-4-1935 tại Phương Hòa.
4- Sau khi cha già Irigoyen về Phương Hòa, cha Hutinet NHÌ hăng say, dũng cảm được điều động về phụ trách Kon-Hơring và Dak-Kơna. Nhưng vì Ngài không thông suốt thứ tiếng địa phương này, nên trong 5 năm các địa sở vùng này thiếu linh mục có hiệu năng.
5- Năm 1933, cha Stutzmann BÁU đến phụ trách Kon-Hơring. Sau đây là thành quả sau những năm tháng truyền giáo.
+ Họ đạo                         :                 10.
+ Tin hữu dân tộc        :            1466 người.
+ Tín hữu kinh              :                 20 người
+ Dự tòng                       :              702 người.
+ Giáo phu                     :                 15 chú.
6- Năm 1933, địa sở Dak-Kang tách khỏi Kon-Hơring và cha LÊ VĂN NHẠN phụ trách địa sở mới này[72] (xin xem bảng kê số 5 và số 6 say đây).
Năm 1937, cha Stutzmann vẫn tiếp tục phục vụ tại nhiệm sở của Ngài và còn quan tâm truyền giáo thung lũng PXI. Cả vùng này nhiều làng dân tộc [73]. Cánh đồng truyền giáo bao la.
7- Năm 1944, cha Phêrô Nguyễn Trọng ÂN đang phụ trách địa sở này, thế chiến xảy ra. Thời cuộc phức tạp. Các vị thừa sai bị quân Nhật bắt áp tải về Nhatrang (1945-1946). Cha gặp nhiều khó khăn. Kon-Hơring thiếu linh mục coi sóc một thời gian.
8- Năm 1947-1970. Sau khi hoàn cảnh an ninh cho phép, cha BRICE VĂN lên phụ trách địa sở Kon-Hơring. Suốt thời gian nội chiến trong vùng mất an ninh, ngài gặp nhiều trạng huống nguy hiểm. Nhưng nhờ ơn Chúa, ngài vượt qua mọi hiển nghèo để ở giữa  đoàn chiên của mình.
Năm 1970, ngài cho biết ngài tạm yên tâm đôi chút trong năm nay, vì trong  năm trước (1969) bảy  cuộc tập kích trong 4 tháng  liên tục. Dẫu vậy các trường học được mở lại với số học sinh là 600 em (750 em vào tháng 2 năm 1969). Một thiệt thòi cho họ đạo: thầy BOM , 75 tuổi , một thầy giảng khá nhất, đạo đức đã qua đời vào tháng 3 năm 1970[74].
Năm 1972, vào mùa hè đổ lửa, toàn vùng Sơđang mất an ninh, chiến cuộc ác liệt xảy ra gây chết chóc. Giáo dân Kon-Hơring, địa sở Kon Kang chạy sơ tán về Kontum tá túc tại Chư Pao. Vị chủ chăn cùng chia sẻ nỗi khổ cực và thiếu thối với đoàn chiên đến năm 1975.
Số giáo dân cuối năm 1974 đầu năm 1975: 2190 người.
Sau biến cố năm 1975, giáo dân hồi cư về quê cũ với cảnh đổ nát của ngôi thánh đường, các cơ sở vật chất khác, nhất là thiếu chủ chăn đã từng chia ngọt sẻ bùi trong những năm loạn ly. Nhưng lòng tin của anh em dân tộc vẫn kiên vững và can đảm tin vào Đức KITÔ là CỨU CHÚA của mình. Từ năm 1975, giáo dân cả vùng Sơđang vượt qua  mọi khó khăn để đến nhà thờ Chánh Tòa Kontum lãnh các Bí tích.
Năm 1996, Đức cha dàn xếp cho cha SIMON PHAN VĂN BÌNH  lên ở tại  KON HƠRING lo cả vùng Sơđang, và đã nhiều lần đặt vấn đề nhu cầu khách quan về mặt tôn giáo của  anh em tín hữu vùng cực bắc Kontum với Uy ban tỉnh Kontum, nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng.

BẢNG THỐNG KÊ III: ĐỊA SỞ KON-HƠRING[75]

TÊN HỌ ĐẠONăm tòng giáoLinh mục phụ tráchNăm phụ trách
KON-HƠRING1891Cha Irigoyen1891
Kon-MôngCha Bonnal1904
Kon- HơgangCha Irigoyen1906
Kon TơprohCha Hutinet1920
Kon HnongCha Stutzmann1934
Kon Dao Peng1922Cha An1944
Kon Đao Iop1922Cha Brice1947-
Kon Chơbrang1926
Kon Turia1926
Dak Lung1934
Dak Mơmoh1935
Kon Kơlu1936
Kon Kơbuong1937
Kon Du1938
Dak Rơuang1940
Kon Kơla1942


BẢNG THỐNG KÊ IV:      KON HƠRING Từ 1947-1975

NămLinh mục phụ tráchsố họ đạosố giáo dândự tònggiáo phu
1947Cha Brice VĂN2216428
1956nt9184414
1958nt9Kinh     :   23
Dântộc: 1890
13513
1959nt9Kinh:        31
Dântộc: 1940
121
1964nt132825
1965nt83016327
1970nt15332450
1972Di tản về
Kontum
Trú tại
Chư Pao
1975nt2190


BẢNG THỐNG KÊ V:    ĐỊA SỞ DAK-KANG

TÊN HỌ ĐẠONăm tòng giáoLinh mục phụ tráchNăm phụ trách
Dak Kang Peng1902Trước khi tách khỏi   KON HƠRING
Cha Irigoyen1891
Dak Kang Iop1903Cha Bonnal1904
Kon Krum Kram1921Cha Irigoyen1906
Kon Kơtu Peng1928Cha  Hutinet1920
Kon Kơtu Iop1928Tách khỏi KON-HƠRING
Địa sở Dak-Kang tách khỏi Kon-Hơring vào băm 1933, trừ Dak-Dao tách khỏi Dak  Mot năm 1944.
Cha Nhạn1933
Cha Đáng1944
Cha Châu1946
Cha An1949
BẢNG THỐNG KÊ  VI:     DAK KANG  từ năm 1947-1975

NămLinh mục phụ tráchsố họ đạosố giáo dândự tònggiáo phu
1947Cha Châu (bgười Bahnar)814197
1956Cha Phêrô An67435
1958Cha Crétin Xuân59581045
1963nt5113189
1966nt4122372
1970Cha Réné Thomann4146140
1972Cha Giuse Ng- trung Hưng2736
1972Mùa Hè Đỏ Lửa Di Tản

Năm 1973 các địa sở Sơđang di tản về thị xã Kontum vì chiến cuộc[78].

III-    ĐỊA SỞ DAK-KƠNA

Trong hoàn cảnh phức tạp và khó khăn một mặt do tập quán, đời sống kinh tế người dân thấp, mặt khác vào thời điểm Pháp đóng quân trên vùng SƠDANG quân lính Pháp đã gây bất công, gieo sự oán hận, va chạm trầm trọng tâm lý người dân tộc. Do đó, có một thời gian việc trở lại đạo của người dân tộc bị ngưng trệ và hầu như vô vọng. Nhưng sự hình thành địa sở ĐAK KƠNA cũng như các địa sở sau này nói lên một điều hiển nhiên, làm cho chúng ta xác tín công việc trở lại không phải là công trình của nhân loại mà của THIÊN CHÚA. Sau đây chúng tôi xin trình bày quá trình hình cũng như phát triển địa sở ĐAK KƠNA, dựa vào tài liệu đang lưu trữ tại TGM Kontum[79].

A -  QUÁ  TRÌNH HÌNH THÀNH (1905-1932)
Làng KON HƠRING đông dân (800 dân) ở 30 cây số phía bắc KONTRANG  nơi cha Dourisboure  xây  dựng vào năm 1854, cũng là nơi cha Irigoyen đang ở (1884-1904). Năm 1904, nhiều làng lân cận khác xin  trở lại đạo. KON-HƠRING thành một Trung Tâm của địa sở mới. Chính cha Bonnal BỔN được chỉ định ở chỗ đó như người tiên khởi chức thức ngày 4-4-1904.
1- Những hy vọng phấn khởi đầu tiên
Một năm sau (1905), vào một ngày đẹp trời, đoàn người đại diện thượng Sơđang đến gặp cha Bonnal. Cha chẳng biết tí gì về những con người này. Ngài  ngạc nhiên khi nghe  nói họ ở làng DAK-KƠNA đến xin một đặc ân: được tòng giáo. Vui mừng tràn ngập trong lòng linh mục trẻ. Ngài hẹn ngày đến thăm làng này, khoảng 15 cây số về hướng bắc. Ngài kể:
“Thứ năm ngày 21-9-1905, chúng tôi đi “phá yang” những linh vật của làng Dak-Kơna. Dân Kon-Hơring muốn hộ tống chúng tôi bằng vũ khí, vì sợ một cuộc tấn công của người Sơđang.
Sau khi đã thương thảo việc phá yang, việc phá yang tiến hành dễ dàng. Trong các thúng đựng linh vật, có những sừng nai rừng, dê rừng, những chiếc rìu bằng đá …  tất cả những vật đó bị đốt hay ném vào rừng.
Chú giáo phu chuẩn bị dạy giáo lý và rửa tội”.
TRỞ LẠI LIÊN TỤC.
Các làng trong thung lũng ĐAK TƠKAN muốn theo đạo, nhưng vì thiếu nhân sự, nên cần chuẩn bị từ từ. Bốn làng xin tòng giáo: ĐAK- RƠNU, DAK-TÔ, KON-BRING và DAK-CHÔ.
Bổ nhiệm cha Bonnal.
Tháng 10 năm 1905, cha Bề trên Vialleton quyết định các làng mới tòng giáo sẽ thành  một địa sở riêng, lấy DAK-KƠNA làm trung tâm. Cha Bonnal lo việc tổ chức, điều hành địa sở mới này. Ngài viết  lại thời kỳ này khi ngài đến  DAK-KƠNA như sau:
“Tôi đến DAK-KƠNA với một số hành lý mà tôi đã có như mới đến  vùng truyền giáo, không hơn không kém. Hai chú giáo phu người thượng thuộc địa sở Kon-Hơring được cha Irigoyen để tôi tự do dùng, hai người  giúp Việt Nam và một số trẻ em thượng theo tôi. Chúng tôi ở trong một xứ hoàn toàn mới lạ và vui sướng về sự sai phái  đượm một tí vinh dự này.
“ Vừa đến nơi, cần phải nghĩ đến làm một chỗ nương thân bằng cách nào đó dù là tạm thời. Điều đó không lâu la vì chẳng ai tỏ ra khó khăn cả và đã có một nơi, không thể làm tốt hơn bằng cách nào khác được. Tôi giữ với tôi một trong những chú giáo phu này, người khác phải ở làng DAK-RƠNU.
“ Ở trong một túp lều thượng mà mưa nắng gió lạnh nóng đều lọt vào như vào chòi của họ; lại gần mép rừng, cây cối đe dọa mái nhà tôi; tôi ngăn hãm được cơn sốt rét mà lâu đã  khỏi, ít xảy ra. Lúc đó,  tôi thường đi thăm những làng khác. Trong mỗi làng, người ta làm cho tôi một cái lều. Người Dak-Kơna mau thuộc biết kinh nghĩa. Làng Dak-Rơnu cũng vậy”.
2- GIEO TRONG NƯỚC MẮT.
Hoa quả của  công cuộc truyền giáo chỉ trổ sinh dưới bóng “ Cây Thánh Giá”.
Những năm đầu khổ não.
Gần một năm sau khi đến Dak-Kơna, một đám cháy đã thiêu rụi hết các  nhà cửa của dân làng. Ngài cố gắng lắm mới cứu được cái chòi của mình. Chiều về, dân làng chứng kiến đống tro tàn, những hàng cột đen còn ngút khói như  xâm chiếm tâm hồn ngài. Một nỗi buồn xâm nhập cả thân thể ngài. Dân làng nghĩ gì đây?.
Bệnh tật của ngài là thánh giá ngài phải vác triền miên.
Có thể nói suốt 14 năm trên vùng truyền giáo, không có ngày nào ngài được mạnh khỏe hoàn toàn. Ngài cố gắng chu toàn công việc truyền giáo như ngài có thể, chứ không như ngài mong muốn. Biết bao lần ngài bị kiệt sức và được người ta đưa ngài về Kon-Hơring để tĩnh dưỡng.
Lao tâm còn hãi hùng hơn.
Đối với những người  mới được đến  truyền giáo, họ tỏ ra khó bảo, khó thương, nằm ì trong tính kiêu hãnh cố hữu của họ. Hạnh kiểm một số làng có đạo không được tốt.
Cha không ngừng sống trong canh chừng giữ miếng, sẵn sàng đối phó, một tình trạng căng thẳng khó chịu trong hầu hết mọi lúc khi ở Dak-Kơna: sợ bị tấn công bất ngờ như cha Kemlin ở Dak-Drei. Biết bao đêm ngài thức trắng, nằm trong chòi canh. Nỗi lo sợ gia tăng khi người ta báo cho biết  bọn cướp tàn phá chỗ này, đốt phá làng kia, chém giết làng nọ, bắt thanh niên thiều nữ bán nơi khác làm nô lệ.
Tại Dak-Tô, chỗ cha mới khai phá, lại có một đồn canh của quân Pháp gây ra buồn phiền cho cha như đã làm buồn phiền các cha khác. Ngài viết:
“Vừa lập xong đồn, ông đồn trưởng đầu tiên vừa nghe biết có 5 làng đã theo đạo, vội vàng ra lệnh cho chủ làng phải đến ngay. Ở đây,  người ta nói với họ: họ có thể tiếp tục vất vả làm này cho ông cha này, ông cha nọ, và tiếp tục đọc kinh, nều muốn, tùy ý. Nhưng điều chính yều của họ là phải  thường xuyên mang đến đồn hoa quả của họ, dưới hình thức đóng thuế. Nên,  chính những người tân tòng là những người đầu tiên phải bị đóng thuế cho nhà nước. Cách cư xử như thế không khuyến khích những làng bên lương trở lại đạo; trong lúc đó, các làng bên lương không phải chịu nộp các loại này. Tân tòng chúng tôi tự hỏi tại sao chỉ có những làng công giáo phải trình diện tại đồn? Tôi coi việc này như một sự nhiễu hại và họ nghĩ vẩn vơ. Còn tội, tôi tức  giận!”.
3- Những tia sáng mặt trời.
Năm 1913, sau khi thụ phong Giám mục, Đức Cha Jeanningros đi thăm miền truyền giáo dân tộc. Tại Dak-Kơna, Người ban Bí tích Thêm sức cho 70 người. Đây là lần đầu tiên Dak-Kơna được diễm phúc này. Đức Cha đến chia sẻ vui buồn, có đông đảo anh em linh mục đến chung vui trong ngày trọng đại này. Cha sở cảm thấy bù lại được phần nào cho những vất vả trong những năm tháng qua.
Ngài cũng cũng sung sướng nhận thấy các tân tòng của mình không ác tâm. Nói chung, họ là những con người đơn thật.
Với thời gian tận tụy hy sinh trôi qua, sức khỏe của Ngài ngày càng suy yếu. Đầu năm 1918, ngài xanh xao, gầy mòn, không thể đảm nhận Dak-Kơna, nên phải về tĩnh dưỡng và phụ trách họ Phương Quý: lìa xa giáo dân thân yêu của ngài. Số giáo dân Dak-Kơna khoảng 500 tín hữu.
Sau khi ngài rời khỏi Dak-Kơna, địa sở này rơi vào tình trạng đen tối, đáng thương. Địa phận thiếu linh mục, không ai có thể thay thế cha được. Cha Irigoyen đã già, mệt mỏi đang phụ trách Kon Hơring thỉnh thoảng lên thăm Dak-Kơna đôi lần.
Vào năm 1920, cha Irigoyen đau yếu phải về Phương Hòa. Cha Hutinet NHÌ can đảm thiện chí nhận địa sở Dak-Kơna và Kon-Hơring. Nhưng vì không biết nhiều thứ tiếng địa phương này, nên 5 năm không có mục tử hiệu năng cho những địa sở này.
Trong thời gian này, lợi dụng tình thế thiếu sót, các thứ thờ vơ tin nhảm, tế trâu phát sinh nhiều nơi trong địa sở.
4- Cha Bề trên phụ trách , cho cha LARDON lên đảm nhận.
Tháng hai năm 1921, cha  Chính KEMLIN cảm thông với địa sở xấu số này. Người đã rút cha Ladon khỏi địa sở KON-BƠBAN và sai đến DAK-KƠNA thay cha Hutinet. Một nghi lễ đơn  giản bổ nhiệm cha. Nhưng cha nhận thấy mình đứng trước một hoàn cảnh  không mấy lạc quan. Ngài can đảm nhìn thẳng vào thực tế.
Vô phúc thay, chính ngài nữa cũng không có một sức khỏe dồi dào; sống ở miền rừng núi Kon-Bơban gần 20 năm làm ngài kiệt sức. Dẫu vậy, ngài dan đảm bắt tay vào công việc mục vụ và  truyền giáo.
Trong hoàn cảnh như vậy, ngài ở tại Dak-Kơna không đầy 2 năm. Ngài không đủ thời giờ để ý đến đoàn chiên mới của ngài, một đoàn chiên lúc đó không mấy lôi cuốn.
Bắt đầu năm 1923, cha kiệt sức, xanh xao phải qua Pháp hy vọng hồi sức. Nhưng ngài qua đời ngày 26-4-1924 tại Montheton.
Ra đi gieo Tin Mừng trong mồ hôi, nước mắt đã bắt đầu và còn kéo dài nữa. Những năm tháng không có chủ chăn trở lại trên phần đất Dak-Kơna.
Cha Louison lúc đó phải lo địa sở Kontrang, nhiều lần đến ban các Bí tích  cho địa sở bỏ trống này.Có nhiều lần ngài bị tai nạn: ghe  lật, bị cuốn  theo dòng nước chảy xiết. May thay, chú NOI theo giúp cha đã cứu cha. Cha có công rất lớn lo lắng cho địa sở này đến năm 1924. Hạt giống Tin Mừng vẫn sống động chỉ vì thời giờ Chúa chưa đến.
5- Một chủ chăn mới.
Ngày 13-7-1923, vị thừa sai trẻ tuổi – cha Phaolô CRÉTIN XUÂN đến Kontum. Ngài 31 tuổi. Chúa chuẩn bị cho ngài sức chịu đựng nơi rừng rú này. Ngài bị lưu đày khổ sai gần 4 năm tại Đức quốc.
Sau một vài tháng học tiếng Bahnar ở Kon Sơlăng và tiếng Rơngao tại Kon-Hơring, ngài được chỉ định đến địa sở Dak-Kơna. Ngày 24-4-1924, ngài đến sống duới mái nhà cũ của cha Bonnal đã bỏ hoang từ nhiều năm. Những năm đau khổ cùng cực, dấu hiệu chắc chắn những thành quả mai sau.
Vì mất sức trong tù chiến tranh, khổ cực thể xác và đau khổ tinh thần, ngài có sức khỏe tàn lụi dần, nhất là phải chống lại bệnh sốt rét rừng, những vết lở lói, bệnh trĩ, … Ngài phải đi chữa trị nhiều lần.
Với sự hăng say, đời sống đạo đức sâu sắc ảnh hưởng đến số giáo dân  lơ là. Từ năm đầu, số giáo dân rước lễ tăng lên 5 lần, nhưng đó chỉ là những đóm lửa bắt đầu đốt lại. Ngài viết:
“ Một phần ba tín hữu đến dự lễ ngày Chúa nhật, trong tuần không có ai rước lễ. Kinh chiều chỉ đọc ở nhà công cộng, nhưng chỉ có các em và thanh niên mà thôi. Dị đoan quá nhiều, sống bất hợp pháp vô kể; tất cả các điều đó là do địa sở này bị bỏ quá  lâu năm”.
Cha được các giáo phu tận tình giúp đỡ và khi các chú giáo phu vắng, một số học sinh trường Cuenot đến yểm trợ giúp ngài. Tuy nhiên giáo dục gia đình còn nhiều tệ đoan mê tín đã phá hoại một phần nền giáo dục công giáo mà số  học sinh này đã tiếp thu được.
Nhờ  cố gắng và  kinh nguyện của cha, đời sống họ đạo tăng dần.
Số lần rước  lễ trong 4 năm đầu gia tăng:
Năm      :   192      ;   1925      ;     1926       ;       1927.
Ruớc lễ :  323 lần ;    927 lần ;    1454 lần ;       1699 lần.
Giới trẻ không chấp nhận lối cúng tế ngẫu tượng, tế trâu và bôi máu vật sát tế.
Gặp khó khăn vì thái độ thù địch của ông đồn trưởng quân đội Pháp. Năm 1927, ông đồn trưởng bắt nhốt một em bé công giáo đang bắt cá  ngoài sông và giải về Kontum cách đố 53 cây số, không cho ăn uống dưới trời nắng như thiêu đốt.
Năm 1925, an ủi cho cả vùng Dak-Kơna, vì cha Bề trên vùng truyền giáo đi thăm và ban Bí tích Thêm sức cho 162 tín hữu. Đây là lần thứ hai cách đó 14 năm về trước. Mọi người phấn khởi. Giáo dân đến chật ních nhà nguyện.
Trong 7, 8 năm đầu, cha sống không phải khi nào cũng được an ủi như vậy. Ngài có cảm giác dẫm chân tại chỗ. Các làng ngoại như bị đóng kín. Địa sở chỉ có 5 làng đã trở lại đạo cách đây 25 năm về trước (1905).

B/ GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN (1932-1936).
1- Cuối cùng một mùa gặt hái trong hoan lạc.
Đầu năm diễm phúc 1932, cuối cùng Chúa thương đến nỗi lo âu của vị thừa sai của Người.
Trong suốt 25 năm dài, tâm não các buôn làng lương dân có đổi thay. Họ thấy các vị thừa sai tốt lành, tận tụy với các tín hữu. Các cụ già  bảo thủ dần dần qua đời. Giới trẻ mong ước cái mới đang vươn lên và làm cho  phong trào tòng giáo dễ dàng.
2- Ơn Chúa đầu tiên phát khởi.
Một ngày trong tháng 4 năm 1932, làng bên lương Dak-Rơman Iop cách Dak-Chô 5 hay 6 cây số đang tổ chức lễ hội. Một trong số chú giáo phu sốt sắng PHÊRÔ DRÉ đến với họ. Trong lúc các gia trưởng họp trong nhà rông, chú  khuyên nhủ họ theo đạo. Rất ngạc nhiên, họ chất vấn cho qua loa nhưng đầy thiện cảm.
Chú vội về cách đó 10 cây số để trình lại cho cha sở. Ngài ngạc nhiên vì cách đó không lâu, cha có đến làng này khuyên họ, nhưng họ chối khéo.
Ngài ấn định đến thăm, cuộc đón tiếp niềm nỡ. Họ khẳng định lại  muốn xin “đọc kinh”. Chú giáo phu giàn xếp mọi việc và tiến hành phá yang  như đã thỏa thuận. Mọi người vui mừng.
3- Những cành cây đã mọc,
“Gieo trong nước mắt, gặt trong hân hoan”. Trong mấy tháng từ 5 làng công giáo vọt lên 12 làng; dân số từ 700 người đến 2064, gồm tín hữu và những người muốn tòng giáo. Họ bằng lòng cho con họ dưới 7 tuổi được rửa tội; họ chấp thuận làm nhà nguyện trong làng họ và đa số họ ghi tên vào sổ dự tòng, những làng sau đây:
+ Dak- Rơman Iop; Dak- Rơman Peng; Dak Long; Dak Mot; Dak Tơmbiu; Dak Rơlang và cuối năm có 3 làng khác trở lại: Dak Tong, Dak Mot Kram và Dak Brao.
Những năm kế tiếp có 20 làng nữa với 1844 tín hữu và 1005 dự tòng. Cộng thêm những làng cha đã nhận vào Giáo hội, còn trất nhiều làng khác cũng muốn nhận  cùng Ân Huệ của Chúa  như  những làng trên.
Điều làm  cho ngài lo lắng không phải vì thiếu thiện chí, mà là vì thiếu nhân sự, thiếu giáo phu có khả năng, vì mỗi làng trở lại không thể không có một thầy đến phụ giúp ngay. Ngoài ra, sức khỏe không cho phép: không thể phát hoang rồi để đó, cỏ cũng mọc lên thôi. Vấn đề quan trọng là  khâu tổ chức.
4- Chúa đã thiết lập Giáo hội và các Bí tích. Con người cần sự nâng đỡ  của cộng đoàn. Cha chẳng những là người gieo vãi Hạt Giống Tin Mừng mà còn là người tổ chức nữa.
Dạy giáo lý cho dự tòng, cho trẻ em,… Tổ chức đời sống phụng vụ. Mặt xã hội cũng là vấn đề được đặt ra cho công tác truyền giáo. Truyền giáo không chỉ rửa tội cho cá nhân, mà rửa tội cho cả lối sống của một xã hội. Vì thế vấn đề mê tín tệ  đoan xã hội đều có liên quan đến tổ chức Giáo Hội, cụ thể là địa sở của Ngài.
Hầu hết các báo cáo ghi trong Compte rendu, ngài luôn trở lại vấn đề mê tín dị đoan, tập quán xấu, tệ đoan xã hội.
“Năm 1935 – Thiện chí của các làng mới để đón nghe lời giáo huấn và sửa mình. Dầu vậy, chỗ nào cũng thế, ma quỉ cố kiềm hãm một số dự tòng của tôi hoặc vì tính kiêng nể người khác hoặc cứng đầu.
“ Năm 1938 – Sự cứu rỗi các linh hồn không kết  thúc ở phép rửa tội, ma quỷ còn lâu mới buông thả. Nó quan tâm đến những  người già cả để ngăn cản công trình của Thiên Chúa”.
Nói cách khác, mê tín đã ăn sâu trong nếp sống của họ, đó là sự cản trở cơ bản và lâu  dài để một người dân tộc thành kitô hữu thật sự và tiến bộ.
Để học giáo lý, cũng như thoát cảnh mê tín dị đoan, thăng tiến xã hội, cần biết  chữ. Đa số dân mù chữ. Trong tình trạng mù chữ, cách học giáo  lý tốt nhất là lặp lại nhiều lần và học thuộc lòng. Vì thế, vai trò của chú giáo phu cực kỳ cần thiết.
Tổng kết năm 1933, nhân dịp lễ phong chức Giám mục của Đức Cha Jannin, Đại Diện Tông Tòa, Giám quản địa phận Kontum :
Dak-Kơna có:             16 họ đạo
1086 tín hữu dân tộc
20 tín hữu kinh
1411 dự tòng
5- Địa sở Dak-Kơna phát triển và chuyển hóa.
Vậy từ năm 1932 trở đi, với sự hy sinh kiên trì, nhờ lời cầu nguyện của cha CRÉTIN XUÂN, của các chú giáo phu và nhờ ơn Chúa thương ban, Dak-Kơna đã đâm hoa kết quả. Cha phải lo lắng quá nhiều cho 4000 giáo dân và dự tòng, phân tán trong 20 làng cách xa nhau. Vậy là cần phải chia địa sở ra làm hai. Giai đoạn thành quả tốt đẹp.
Vào tháng 3 năm 1936, địa sở Dak-Kơna hóa thân làm hai địa sở trẻ trung, đầy khí thế đi lên. Dak-Kơna trở thành một họ lẻ sát nhập địa sở  DAK-MÔT. Lịch sử địa sở Dak-Kơna được kết thúc tốt đẹp. Chúng  ta xin tạ Hồng Ân Thiên Chúa vì chính Người là tác giả của  trang lịch sử tốt đẹp  và đầy tình ưu ái đối với các vị thừa sai đã gieo trong  nước mắt, nhưng gặt trong hân hoan. Chúng tôi không ghi lại bảng kê về quá trình tiến triển của Dak-Kơna, nhưng đó cũng chính là giai đoạn đầu từ năm 1905 đến 1936 của hai địa sở DAK-MÔT và DAK CHÔ được chúng tôi ghi sau đây.

IV- ĐỊA SỞ DAK-MÔT [80]
Đức Cha JANNIN, Đại Diện Tông Tòa, Giám quản địa phận Kontum, chính thức chia địa sở DAK-KƠNA thành hai địa sở vào tháng 3 năm 1936:
1- Một ở phía đông, có quốc lộ 14, xuyên từ  đầu này qua đầu khác là họ DAK- CHÔ như trung tâm. Cha RENAUL, linh mục trẻ, hăng say đến địa phận Kontum tháng 10 năm 1930 phụ trách địa sở DAK- CHÔ này, gồm 13 họ đạo, có 4 họ cũ và 9 họ mới, với 1108 tín hữu và 894 dự tòng.
2-  Một địa sở còn lại ở phía tây, ngã sông PƠKÔ, có làng DAK-MÔT quan trọng là trung tâm. Cha CRÉTIN nhận địa sở này gồm trung tâm cũ là Dak-Kơna và 8 họ đạo hoàn toàn mới với 917 giáo hữu và 952 dự tòng.
1/  KHỞI ĐẦU ĐỊA SỞ DAK-MÔT.
Trung tâm địa sở phía tây – một địa điểm đẹp, tại một làng lớn nhất cả vùng và hầu như nằm ở trung tâm địa sở. Làng này nằm trên những sườn đồi gần sông Pơkô xinh đẹp.
Cha Crétin thiết lập trước tiên nơi đây một túp lều dân tộc nghèo nàn, nhưng rộng rãi để ở và có thể bắt đầu dạy giáo lý cho những người mới trở lại. Trước nhất, cần làm một nhà nguyện khang trang sạch sẽ hết sức có thể, để Chúa hiện diện giữa cộng đoàn. Sau đó, ngài xây cho các chú giúp việc một mái nhà đơn sơ, nhưng vững chắc. Đối với ngài, ngài luôn ở trong lều cũ. Chỉ hai năm sau, ngài mới tính đến việc xây dựng một ngôi nhà không xa lạ với chúng ta, nhưng xếp đặt thuận lợi.
Trước đó 5 năm, không có một tín hữu. Nhưng năm 1936 đã gần 1000 tín hữu.

2- PHÁT TRIỂN ĐỊA SỞ.
Năm 1939, địa sở còn tăng thêm 3 làng mới: DAK-RAO, DAK-TANG và DAK PHUN. Như vậy địa sở có 12 họ đạo bên hữu ngạn sông Pơkô và 3 họ đạo bên tả ngạn sông, với 1328 tín hữu và dự tòng, tổng số lên tới 2256 người. Số rước lễ trong năm là 5336 lần, đó là bằng chứng thăng tiến trong họ đạo.
Cuối tháng 3 năm 1939, Đức Cha JANNIN đã chính thức đi thăm địa sở mới này và ban Bí tích Thêm sức cho 410 người. Như thế, công trình của Thiên Chúa tích cực tiếp nối trên vùng  người  Sơđang.

3- CÁC VỊ THỪA SAI KẾ TIẾP NHAU.
Năm 1941, cha Rơmeuf đến học tiếng tại nhà xứ cha Crétin. Nhưng năm sau, người đổi đi nơi khác vùng cư dân Rađê. Cha Antôn NGÔ ĐÌNH THẬN lên đảm nhận địa sở vùng này vào năm 1942. Một năm sau, cha  NGỌC (1943). Đến năm 1946, cha THỌ đến đảm nhận địa sở này trong hoàn cảnh chiến tranh gay gắt và nguy hiểm. Sau đó, cha BEYSSELANCE  đến phụ trách địa sở cho đến năm 1975. Trong hoàn cảnh chiến tranh phức tạp và nguy hiểm, ngài đã giữ vững lòng tin cho tín hữu, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi trong thời gian biến động. Năm 1970, quận Dak-Tô chiến tranh leo thang, nhưng địa sở DAK-MÔT tương đối yên tĩnh hơn so với những vùng chung quanh. Tuy nhiên, sinh hoạt tôn giáo không mấy được khích lệ. Theo Compte rendu 1970 tr.108:
“Rượu mạnh làm cho con  tim và thân xác thích thú hơn các nghi thức phụng vụ”.
Mùa hè năm 1972, chiến cuộc ác liệt, toàn vùng Dak-Tô ngập trong khói lửa chiến tranh. Giáo dân Dak-Môt phải lìa nơi chôn nhau cắt rốn, di tản về thị xã Kontum, để rồi sau đó phải tha hương cầu thực tại tỉnh Dak-Lắk, sống vất vưởng đến ngày nay.

Tên họ đạoNăm tòng giáoLinh mục phụ tráchNăm phụ trách
Dak-Kơna1905Cha Bonnal BỔN1908-1918
Dak Môt Kram1932Cha Irigoyen1918
Dak Một Iop1932Cha Lardon1921
Dak Tơmbôi1932Cha Louison1923
Dak- Tômbiu1932Cha Crétin1924
Dak- Rơleang1932cha Romeuf1941
Dak RiPeng1934Cha Antôn Ngô đình Thận1942
Dak Ri Iop1934cHA ngọc1943
Dak Iang Lô1935Cha Thọ1946
Dak- Tang1939
Dak Plon1939




Trong năm 1936, địa sở DAK-KƠNA được chia làm hai:
1/ Địa sở DAK-MÔT.            2/ Địa sở  DAK- CHÔ.
BẢNG THỐNG KÊ  VIII:     ĐỊA SỞ DAK- MÔT năm 1947-1975. [82]

NămLinh mục phụ tráchSố họ đạoSố giáo dânDự tòngGiáo phu
1947Cha Thọ1549571
1949Cha Thọ qua đời
1956Cha Phaolô Beysselance13215016
1958nt14K  :      14
Dt:   2188
79415
1959nt14K  :      14
Dt:   2235
708
1963nt   và cha  Chastanet92547710
1966nt112638664
1972nt133854441
1973Di tản đến Banmêthuột

V- KHỞI ĐẦU ĐỊA SỞ DAK-CHÔ.
DAK-CHÔ là một làng gần 250 dân, nằm ở phía tây bắc thị xã  Kontum 60 cây số, ven quốc lộ 14 – con đường giao thông quan trọng đến vùng Tây Nguyên và đến cực bắc Tây Nguyên.
Cư dân trong địa sở này gồm những người Sơđang.
Địa sở mới này được đâm chồi nảy lộc nhờ sự trở lại của một số làng : DAK HRÂP, DAK BREI gồm những xóm DAK KƠXA, DAK RƠMO và DAK RƠTA IE. Vậy năm 1939, dân số lên tới 2313 người gồm 1324 tín hữu và 909 dự tòng. Tất cả những làng còn bên lương tự ý họ xin tòng giáo. Nếu chúng ta có nhân lực và vật lực như ý muốn, còn có thể thành lập  một địa sở tốt đẹp tại nguồn sông DAK- TƠKAN.
Linh mục thừa sai RENAUD đến DAK CHÔ vào mùa phục sinh 1936, ở trong một túp lều tranh do bàn tay các tín hữu họ sở tương lai của ngài làm nên. Túp lều rất đơn giản, gồm hai phòng nhỏ: một dành cho cha sở, một dành cho các người giúp việc. Cách đó một 100 mét là một nhà nguyện nhỏ, đơn sơ như trong bao nhiêu họ sở nhánh khác. Cha sống chật vật và chật chội, nhưng ngài vui vẻ trong cuộc sống bổn phận của ngài. Dầu vậy, cơ sở này không hợp và không đủ cho một trung tâm của một địa  sở lớn. Cần làm khá hơn nữa .
Cha hăng say và đủ khả năng bắt tay vào việc một cách dứt khoát. Cây gỗ đủ để xây cất các cơ sở tôn giáo: nhà thờ, nhà xứ,…
Thứ 4 Phục sinh năm 1939, Đức Cha JANNIN với các linh mục khác đến để làm phép trọng thể ngôi Thánh đường này. Hai ngày sau, Đức Cha ban Bí tích Thêm sức cho 314 người. Đây là dịp vui  chưa hề nghe thấy cho xứ này.
Năm 1947, sau thế chiến thứ II, cha CURIEN đến đảm trách địa sở này một thời gian. Vào nắm đó, số giáo dân là 1465, dự tòng 694.
Năm 1956, cha RENAUD một lần nữa đảm nhận địa sở này với 18 họ đạo và 2093 tín hữu, với 23 giáo phu giúp cách đắc lực. Ngài sống chết với cộng đoàn cho đến năm 1969 tại vùng Sơđang thân yêu này. Cha ARNOULD thay đổi địa sở. Sau mùa hè đỏ lửa 1972, vùng Dak-Tô mất an ninh, cộng đoàn sơ tán  đến PLEI MANĂNG thuộc tỉnh PHÚ BỔN, cách thị xã HẬU BỔN 12 cây số về phía bắc. Cuối năm 1974, số giáo dân là 3457. Năm 1975 số giáo dân 3427 người.
Sau biến cố 1975, thống nhất đất nước, hầu hết tất cả tín hữu hồi cư về làng cũ sinh sống. Thiếu linh mục cho đến nay (1997), nhưng lòng tin vẫn kiên vững vào ĐỨC KITÔ và anh em tín hữu côi cút này luôn tìm dịp về nhà thờ Chánh Tòa KONTUM dự Thánh Lễ, nhất là  LỄ DẦU, LỄ PHỤC SINH và GIÁNG SINH cũng như lãnh nhận các Bí tích cần thiết. Đức Giám Mục Địa Phận cố gắng xin nhà nước nhiều lần cho một linh mục đảm trách toàn vùng này nhưng chưa được giải quyết.

BẢNG THỐNG KÊ IX:      ĐỊA SỞ  DAK-CHÔ

TÊN HỌ ĐẠONăm tòng giáoLinh mục phụ tráchNăm phục vụ
Dak-Chô1905Cha Baonnal1905
Dak-Tô1905Cha Irigoyen1918
Dak Bring1905Cha Lardon1921
Dak Rơnu1905Cha Louison1923
Dak  Rơman1932Cha Crétin1924
Dak Long1932Cha Renaud1937
Dak Brao1933Cha Lê văn NHẠN1940
Dak Brei1934Cha Renaud1941
Dak Tong1933Cha Curien1946
Dak Hmeng1934Cha Renaud1948
Rang Ria1935
Kon Du1935
Dak Hrâp1938
Kon Hnong1942

BẢNG THỐNG KÊ  X:    ĐỊA SỞ DAK-CHÔ từ 1947-1975

NămLinh mục phụ tráchSố họ đạoSố giáo dânDự tòngGiáo phu
1947Cha Curien KIM1465694
1948Cha Phaolô Renaud
1956nt18209323
1958nt13K  :       14
Dt :   2188
74915
1966nt92111136
1970Cha ARNOULD9157758
1973Di tản về Plei-măng (PB)
1974nt3456
19753427
Năm 1975, hầu hết giáo dân hồi cư, trừ một số nhỏ ở lại Thị xã HẬU BỔN (nay là thị trấn AYUNPA, tỉnh GIALAI).


VI- MỘT SỐ HỌ ĐẠO NGƯỜI KINH TẠI VÙNG SƠĐANG

Năm 1885, một số tín hữu Trung Châu trốn thoát nạn Văn Thân đến tá túc tại KONTRANG – họ đạo của  DOURISBOURE thành lập năm 1854. Với thời gian, một số người giúp việc người kinh của các thừa sai cũng như một số người kinh bị người dân tộc bắt bán  làm nô lệ, sau được các cha  chuộc về lo gia đình cho họ. Họ đạo này gọi là NGÔ TRANG. Ngoài ra, cũng có một số người đến buôn bán tại vùng KONTRANG MƠNEI vào thập niên 20, dưới thời cha Louison, đặc biệt thời cha THIỆT, qui tụ thành họ Đức Bà. Tên làng mới này gọi là VÕ ĐỊNH. Nhưng con số người kinh lên vùng Tây Nguyên nói chung, vùng Sơđang nói riêng bị chính sách thuộc địa Pháp hạn chế.
Thật vậy, vào thập niên 20-30, chính sách thuộc địa Pháp tại Tây Nguyên, nhất  là vùng Sơđang là hạn chế tối đa người kinh lên lập nghiệp. Trong khi đó, đường lối truyền giáo của các thừa sai là cần để cho người kinh lên Tây Nguyên lập cư, nhờ vậy các cư dân bản địa mới có khả năng và điều kiện thăng tiến xã hội và dần dần văn minh, cũng như tránh được  ách thực dân của Pháp theo kiểu Nam Mỹ hoặc Nam Phi: biến người bản địa thành “sức kéo, lao động cung ứng vật tư cho mẫu quốc”. Cha JANNIN  PHƯỚC (khi chưa làm Giám mục), Cha Corompt HIỂN, nhất là Cha KEMLIN VĂN viết nhiều bài về đề tài “đưa người kinh  lên lập nghiệp trên vùng dân tộc “ để nói lên lập trường chung của Giáo hội địa phương về  khía cạnh khai hóa người dân tộc như thế nào [85]. Chính vì vậy, nhà cầm quyền Pháp tìm cách  khó dễ  và làm giảm uy tín các Vị thừa sai.
Vào thập niên 50, nhất là đầu thập niên 60 vừa qua , chính sách  lúc đó đưa  dân lên lập nghiệp tạo những điểm dinh điền, cũng  như một số tín hữu di cư làm ăn buốn bán  và thuộc gia đình công việc binh lính có đạo ngày càng nhiều vùng bắc thị xã Kontum. Giám  mục địa phận đáp ứng nhu cầu tôn giáo giáo, đã bổ nhiệm một số linh mục  phụ trách những vùng  người kinh có đạo này. Chúng tôi xin sơ lược một số họ đạo người kinh tại vùng Bắc Tây nguyên, mới hình thành sau này. Sau đó chúng  tôi sẽ ghi lại  toàn bộ các địa sở người dân tộc cũng như người kinh theo dạng thống kê vào năm 1972.

A- HÌNH THÀNH VÀI HỌ ĐẠO NGƯỜI KINH TRÊN VÙNG SƠĐANG.
1-TÂN CẢNH.
Váo năm 1904, các làng trong thung lũng sông DAK-TƠKAN muốn tòng giáo, nhưng vì thiếu nhân sự, nên cần  chuẩn bị từ từ (xin xem về địa sở DAK-KƠNA chương V  mục  III).
Vào cuối thập niên 50, một số gia đình binh sĩ công chức có đạo cũng như vài ba gia đình công giáo đã tổ chức buôn bán tại vùng gần làng TƠKAN này. Đức Cha địa phận Phaolô KIM cắt đặt một linh mục Việt Nam đảm trách số giáo dân người kinh. Tháng 6 năm 195, cha PHÊRÔ TRẦN THANH CHUNG đến làng TƠKAN: không nhà ở, không cơ sở tôn giáo. Ngài tự lo liệu nơi ăn chốn ở lấy, dần dần ngài qui tụ giáo dân người kinh và tiếp xúc với người dân  tộc.
Ngài đặt tên cho nơi này là TÂN CẢNH, phần nào giữ được âm sắc địa danh dân tộc TƠKAN, đồng thời nói lên phong cảnh đẹp, hùng vĩ của sông núi, đặc biệt với chiếc cầu treo bằng dây – vật liệu của rừng núi độc đáo dài trên 20-30 mét. Địa danh TÂN CẢNH tồn tại và đi vào lịch sử,  trở nên một địa điểm hành chánh quan trọng, là nơi qui tụ buôn bán sầm uất toàn  vùng ngày nay.
Năm 1968, số giáo dân kinh là 350 tín hữu, 25 dự tòng và hai  làng công giáo. Mùa Phục sinh 1958, Cha sở rời khỏi họ đạo Tân Cảnh mới xây dựng đến đảm nhận địa sở PLEI KƠBEI. Cha J.B. Nguyễn Quang Huy thay thế. Năm 1960, số giáo dân tăng lên 1122, dự tòng 230 người. Năm 1963, gồm 3 họ đạo với số giáo dân 1740 và 400 dự tòng.
Năm 1969, Cha Giuse Nguyễn Trung Hưng phụ trách Tân Cảnh, Dak-Tô trong hoàn cảnh mất an ninh. Số giáo dân là 2566 người kinh và 38 dự tòng.
Năm 1971 -1972, có hai họ đạo với 1144 giáo hữu và 12 dự tòng.
Mùa hè đỏ lửa 1972, giáo dân vùng này di tản về thị xã Kontum cũng như nơi khác, chờ ngày hồi cư. Sau biến cố 1975, một số ít giáo dân về trở lại vùng này. Nhưng bù lại, chính sách kinh tế mới, một số tín hữu người Bắc dần dần vào lập cư tại đây, nhưng thiếu linh mục tại chỗ. Anh em tín hữu này tự tìm lấy phương thức sống đạo nơi giáo xứ tiện lợi nhất, có dịp đặc biệt thì về thị xã Kontum xin lãnh Bí-Tích.

2-  HỌ TRI ĐẠO
Họ TRI ĐẠO là điểm dinh điền gồm những người miền Trung đến  khai phá rừng và lập cư vào năm 1957 – 1959. Cha Gioakim NGUYỄN THÚC NÊN phụ trách năm 1958-1959.
Giữa năm 1960, cha Antôn Nguyễn đình Nghĩa lên thay thế. Số giáo dân là 125 người, dự tòng 885.
Năm 1962, cha Raymond Wolff thay thế cha Nghĩa. Số giáo dân cuối năm 1963, đầu năm 1964 là 308, dự tòng 520 người.
Năm 1964, cha Marcel Landrade Lãng đến đảm trách TRI ĐẠO, gồm hai họ đạo, 800 giáo dân, 77 dự tòng.
1969, cha Iréné Nguyễn Bình Tĩnh phụ trách vùng VÕ ĐỊNH, DAK-WƠT và TRI ĐẠO, số giáo dân TRI ĐẠO trong thời điểm này có 155 giáo dân, 22 dự tòng và chỉ có một họ đạo.
Năm 1971-1972, TRI ĐẠO gồm 3 họ đạo, 70 giáo dân kinh; 847 tín hữu dân tộc.
Năm 1972, mùa hè đỏ lửa, chiến tranh ác liệt, giáo dân TRI ĐẠO một phần di tản về thị xã KONTUM. Sau biến cố 1975, họ hồi cư về làng cũ sinh sống và lao động, thiếu bóng linh mục.

3- HỌ DIÊN BÌNH
Họ DIÊN BÌNH gồm những người dinh điền vào năm 1957-1958, gốc người Trung.
Năm 1959, cha J.B. Nguyễn Quang HUY phụ trách họ đạo DIÊN BÌNH, TÂN CẢNH. Năm 1960, số giáo dân 300 người; dự tòng 810 người.
Năm 1962, cha Phaolô CARAT đến thay cha HUY. Năm 1964 số giáo dân 849; dự tòng 350 người. Năm 1965: số giáo dân 957, dự tòng: 250 người. Năm 1971-1972 số giáo dân tăng: 1006 người; dự tòng 59 người.
Trong thời gian phụ trách sở họ này, cha CARAT phát triển mặt tinh thần, đời sống đạo bằng đoàn thể. Ngài sửa chữa trường học hoãn xây cất  từ nhiều năm. Ngài phục vụ  không biết mỏi mệt và luôn tươi vui.[86]

4- HỌ VÕ ĐỊNH
Họ VÕ ĐỊNH đã hình thành từ lâu, vào năm 1923 dưới thời kỳ cha Louison làm cha sở địa sở KONTRANG MƠNEI, dưới tên là họ ĐỨC BÀ. Đến thời kỳ cha THIỆT (1930), họ đạo này có tên là làng VÕ ĐỊNH do công sức ngài xây dựng.
Năm 1956, họ VÕ ĐỊNH trực thuộc địa sở KONTRANG MƠNEI do cha CHATANET đảm trách.
Đến năm 1957, họ VÕ ĐỊNH được cha Gioakim NGUYỄN THÚC NÊN phụ trách cho đến năm 1966. Số giáo dân năm 1966: 2220 người gồm 12 họ đạo.
Năm 1969, cha Iréné Nguyễn Bình Tĩnh trông coi DAK-WƠT và VÕ ĐỊNH.
Năm 1972, toàn vùng cực bắc tỉnh Kontum mất an ninh. Giáo dân VÕ ĐỊNH di tản về thị xã Kontum. Số giáo dân kinh là 1114; số giáo dân  người dân tộc 230 người. Sau biến cố năm 1975, anh em tín hữu một số ở lại Kontum, số khác trở về lại quê cũ.
Qua những biến cố thời cuộc, các họ đạo người kinh cũng như dân tộc gặp những khó khăn mặt tôn giáo, trong việc điều hành họ đạo và phân bổ nhân lực đảm trách. Nhiều khi, một linh mục phải kiêm nhiệm nhiều họ đạo khác nhau trong những hoàn cảnh cụ thể. Hiện nay, tại vùng bắc thị xã Kontum, các họ đạo không có linh mục trực tiếp đảm nhận. Anh em tín hữu phải về thị xã Kontum để  nhận lãnh các Bí tích. Cha mẹ ý thức trách nhiệm là người đầu tiên và trực tiếp nuôi dưỡng con cái trong lòng tin.

STTĐỊA SỞLinh mục phụ tráchHọ đạoGiáo
kinh
Dân
dtộc
Dự tòng
1Tri ĐạoCha Irênê Nguyễn -bình-Tĩnh270847
2Võ Địnhnt52301114
3Kon Rơhaint4843
4Dak-Wơknt31450
5Dak KơlaCha Léon Dujon BỬU157023153800
6Tân CảnhCha Giuse Nguyễn trung Hưng2114412
7Dak-Kangnt2735
8Diên BìnhCha Phêrô Caarat CA100659
9Kon KơlaCha Léon NINH332947589
10Dak Môt

Cha Phaolô Beysselance LÀNH
Cha Phêrô Chastanet SẮC
1123852441
11Dak Chôcha Marcel Arnould NHU7157759
12Kon Hơnongnt152220271
13Dak Pơtrongnt113311379
14Kon HơringCha Brice VĂN1550327450
14ĐỊA SỞ9  linh mục128257221.5026660



CHƯƠNG VI
THỜI  KỲ  QUÁ  ĐỘ
Sau biến cố 1975, cả nước thống nhất đi vào một giai đoạn mới. Hầu hết các giáo dân vùng Sơđang di tản năm 1972-1973 dần dần  hồi cư, hòa nhập vào bản làng cũ với nương rẫy hay phải định cư một nơi khác theo chính sách quy hoạch chung của Nhà nước.
Anh em tín hữu chuyển mình dần dần vào nếp sống vốn còn xa lạ, cố gắng hòa nhập với nhiều trăn trở. Chúng tôi xin ghi lại những đặc thù chính yếu thời quá độ của đất nước, sau đó cũng họa lại phần nào trang lịch sử anh hùng của số giáo dân người Sơđang tin vào Đức Kitô.

I- NHỮNG ĐẶC THÙ CỦA THỜI QUÁ ĐỘ CỦA ĐẤT NƯỚC.
1- Mặt an ninh.
Sau ngày thống  nhất đất nước, tình trạng an ninh chưa được vãn hồi hoàn toàn. Quân quản nắm mọi quyền hành tại địa phương, một mặt trấn áp những thế lực chống đối, mặt khác tổ chức chính quyền địa phương.
Toàn vùng Tây Nguyên có những bất ổn, do Mặt trận thống nhất tranh đấu của người dân tộc bị áp bức gọi là  FULGRÔ – gây ra. Do đó, sinh hoạt tôn giáo trong giáo phận cũng bị hạn chế.
Vai trò của Tây Nguyên về mặt an ninh rất quan trọng:
“ Làm chủ Tây Nguyên sẽ có thể làm chủ cả vùng Đông Dương”
Do đó, chúng ta hiểu được giai đoạn đầu việc quản lý đối với tôn giáo nói chung, với công giáo nói riêng như thế nào.
2- Giai đoạn cách mạng đánh đổ tư bản.
Song song với đường lối quân quản, cách mạng đánh đổ “bọn tư sản ngoại bản”, cũng như cải cách công thương nghiệp vào cuối thập niên 70 và 80. Nói chung, cách mạng này không ảnh hưởng nhiều với đời sống của anh em dân tộc. Nhưng lối quản lý, cơ chế tổ chức mà ngày nay được cái tiếng “BAO CẤP” có ảnh hưởng rất tai hại cho đời sống của dân nghèo, nhất là đối với anh em dân tộc.
Một hố cách biệt giữa sản phẩm kỷ nghệ và lao động chân tay cũng như nạn quản lý tồi trong việc khai thác rừng làm tổn hại trực tiếp đến môi trường sống của người dân tộc: rừng là kho lương thực vô tận  của anh em dân tộc, nay  không còn nữa!
3- Chính sách định canh định cư, xây dựng kinh tế mới nhằm mục đích giải quyết vấn đề lương thực và quốc phòng. Đây là chính sách lớn và lâu dài của Nhà nước. Do đó, Nhà nước cố gắng nhiều để ổn định nơi ăn chốn ở cho người dân tộc qua chính sách định canh định cư các buôn làng. Tuy nhiên, chính quyền chưa thấy rõ những tập tục xây dựng buôn làng theo cấu trúc xã hội của người dân tộc. Đặc biệt các nông trường va chạm nhiều về mặt tâm lý của cư dân bản địa, khi khoanh vùng.
“Những cư dân bản địa ở Tây Nguyên sẽ bị dồn lên vùng xa xôi hẻo lánh, khó làm ăn do sự mở rộng các nông lâm trường  một cách không có tính toán đến quan hệ xã hội vốn có ở đây[87].
4-  Vấn đề  học vấn.
Học vấn của con em ngày càng sa sút[88].
5- Chính sách tôn giáo.
Chính sách tôn giáo “tự do theo đạo và không theo đạo”. Có nghị quyết 297/CP ngày 11-11-1977 của Hội Đồng Bộ Trưởng hạn định việc thực thi “quyền tự do” theo đạo hay không theo đạo và hành xử việc do tôn giáo.
Nghi định số 69/HĐBT ban hành ngày 21-3-1991, cơ bản không khác với nghị quyết trên, hoặc sau đó có những văn bản chỉ dẫn việc thực thi nghị định 69 trên của Ban Tôn giáo Trung Ương, nhưng thực chất là dựa trên quyền lực, quan điểm.
Nhưng tất cả những nghị quyết, nghị định lệ thuộc vào nghị quyết 24 của Bộ Chính Trị. Trong hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết 24 của Bộ Chính Trị được Uy Ban tỉnh Gialai-Kontum vạch ra  trong năm 1991 chi phối mọi sinh hoạt tôn giáo trong toàn tỉnh, cụ thể rõ nét tại vùng xa xôi cực bắc tỉnh Kontum.

II-  TÌNH TRẠNG SINH HOẠT TÔN GIÁO VÙNG SƠĐANG.
Anh em tín hữu dân tộc cũng như người kinh dần dần ổn định công ăn việc làm với những trăn trở và phấn đấu, nhưng họ không quên cần phải có thức ăn khác, đó là Lời Chúa và Thánh Thể.
1- Sau gần 150 năm truyền giáo trong vùng, nếp sống đức tin phần nào  đã đi vào truyền thống của người tín hữu dân tộc Sơđang. Từ năm 1972 đến năm 1992, 20 năm loạn ly, xào xáo, cuộc đời họ, đời sống tôn giáo của họ trôi nổi như chiếc võng nan bé bỏng trôi dạt giữa ghềnh thác: Họ thiếu linh mục đến ở giữa họ, phục vụ đời sống tôn giáo như một nhu cầu thiết yếu của họ. Thỉnh thoảng, vài linh mục thoáng qua như ánh chớp trong đêm  mưa bão, như sao băng giữa trời đêm đen.
Còn một số giáo phu cũng chật vật với đời sống vật chất, gặp khó khăn mọi mặt và bị hạn chế nhiều phương diện.
2- Nhiều biện pháp cấm cản các sinh hoạt tôn giáo.
Nhiều người bị bắt và đi cải tạo vì lý do thuần túy tôn giáo. Ngoài những người bị xử lý hành chánh tại địa phương, còn có một số anh em dân tộc bị bắt và có án đi cải tạo lao động[89].
Nhiều nơi anh em cũng bị bắt phạt tiền hoặc phạt bằng lao động. Đức Giám Mục cũng như linh mục đoàn đã phản ánh tình trạng này cho chính quyền địa phương, nhưng vẫn chưa được giả quyết thỏa đáng.  Đức Giám mục Giáo phận cũng nhiều lần tiếp xúc và làm đơn lên Chính quyền địa phương xin giải quyết, cho trùng tu lại một số nhà thờ nhà nguyện bị chiến tranh tàn phá hoặc đang hư hại nặng, nhưng cũng không được đáp ứng.

III- TRANG LỊCH SỰ  KIÊN CƯỜNG .
Anh em tín hữu vùng Sơđang can đảm giữ vững lòng tin, thể hiện qua việc đọc kinh trong gia đình, giáo dục lòng tin cho con cái, vượt qua mọi khó khăn để lãnh nhận các Bí tích cần thiết tại các giáo xứ có linh mục đặc biệt tại nhà thờ Chánh Tòa Kontum. Lòng kiên vững nơi một dân tộc vốn tâm tính kiên cường, được tôi luyện trong thử thách giữa cảnh thiên nhiên khắt nghiệt, không chịu lùi bước trước những áp bức bất công.
1- Bảng đức kết năm 1972 :
+           14 giáo xứ.
+          128 họ đạo.
+       2.572 giáo dân kinh.
+     21.502 giáo dân dân tộc.
+       6.660 dự tòng
+        và  9 linh mục phụ trách.
Hầu hết mọi họ đạo đều có nhà thờ hoặc nhà nguyện, chưa kể một số cơ sở tôn giáo như nhà xứ, trường học, tu viện của Dòng Phaolô hoặc Ảnh Phép Lạ,…
2- Tình trạng các họ đạo vùng bắc thị xã Kontum ngày nay.
Sau hơn 20 năm vùng bắc thị xã Kontum các họ đạo không có linh mục trực tiếp trông coi: không thể dâng thánh lễ, ban các Bí tích, đi thăm mục vụ, dạy giáo lý tại từng giáo xứ, hoặc họ đạo được. Ngoài ra, không có một nhà nguyện nào, nếu có chẳng qua là nhà giáo dân tìm một nơi nào đó để qui tụ đọc kinh, nhất là khi có tang chế. Tuy nhiên, cả vùng được phân ra làm 3 khu vực:
1/ Khu vực kinh tế mới người kinh: họ thường đến lãnh các Bí tích tại giáo xứ Võ Lâm hay nơi thuận tiện khác.
2/  Khu vực địa sở DAK-KÂM của linh mục Giuse Nguyễn Đức Chương, nay bao gồm trên 20 họ đạo vùng KONTRANG MƠNEI: đa số các cư dân này nói tiếng Rơngao hoặc biết nói tiếng Rơngao, trực thuộc giáo xứ  Kon Rơbang.
+  Tên các họ đạo :
1-  Kontrang Kơla                       2- Kontrang Mơnei
3-  Kontrang Kep                        4- Kontrang Long Loi.
5-  Dak Wơk                               6- Dak Mut (Bahnar).
7-  Dak Yo                                  8- Dak Kơdem
9-  Dak Rơteng Klah                  10- Dak RơtengCho(gọi D.Rơteng Kơtu)
11- Dak Rơchat                          12- Kon Brong.
13- Kon Tơngang                       14- Kon Tây .
15- Kon Mriang                         16- Kon Mơnhô.
17- Kon Rơhai                           18- Hamong Pleitol
19- Hamong Pleitu                     20- Kon Gung v.v…
+ Hầu hết các làng này toàn tòng, có các chú giáo phu phục vụ với đời sống kinh nguyện thường nhật. Mỗi họ đạo có một nơi qui tụ, nhưng nay đã rách nát, xin chính quyền địa phương, nhưng cũng không được giải quyết thỏa đáng.
+ Số giáo dân: Trên 5000 – 6000 tín hữu và vài trăm dự tòng. Thực tế số giáo dân còn cao hơn nhiều.
3/ Khu vực tiếng nói Sơđang: thuộc  địa sở Kon Hơring và các địa sở phía bắc khác.
+   Trên dưới 150 làng (Có làng cũ nay chia ra 2, 3 nơi ở khác nhau, hoặc vài ba làng dồn lại một).
+   Hầu như toàn tòng, (trừ vài ba làng).
+   Số giáo dân phỏng chừng trên 20 đến 25 ngàn người.
+  Hầu hết các làng công giáo này không có nhà nguyện hoặc nơi qui tụ nhất định. Tuy nhiên, lòng đạo họ vẫn trung kiên và đạo đức.
+  Thường xuyên đến thị xã để lãnh các Bí tích cần thiết.
Anh em tín hữu vùng Sơđang, bắc thị xã Kontum dù gặp nhiều khó khăn, nhưng lòng tin đã đâm rễ sâu trong tâm hồn và nơi hành động. Lòng tin được ươm trong ngôi đền thờ sống động là gia đình. Vai trò của cha mẹ rất quan trọng. Tuy nhiên, lòng đạo cũng được nuôi dưỡng qua đời sống cộng đoàn: nhờ các linh mục, các chú giáo phu… Ngày nay số giáo dân gia tăng. Cấp bách là cần đào tạo nhân sự khả dĩ, để phục vụ có hiệu năng cho cộng đoàn, nhất là giáo lý cho trẻ em nơi buôn làng xa là nỗi lo âu của các  cha hữu trách.

MỘT TRĂM NĂM MƯƠI NĂM (1852-2002) truyền giáo tại vùng Sơđang, trong suốt những năm tháng thăng trầm do những hoàn cảnh thời cuộc phức tạp, có những lúc thiếu vắng linh mục; nhà thờ, nhà nguyện bị tan nát hoặc bị dọa nạt bắt bớ, nhưng anh em tín hữu Sơđang vẫn trung kiên tin vào Đức Kitô. Cho nên, việc trở lại đạo không phải đơn thuần là công trình của loài người, mà là HỒNG ÂN của Thiên Chúa mời gọi con người đáp lại tình thương của Người. Điều đó nói lên công cuộc truyền giáo không phải là áp đặt một nền văn hóa xa lạ vào một nền văn hóa khác hay một thể chế chính trị vào  một dân tộc nào đó. Truyền giáo cần được khai mở một phương thức HỘI NHẬP NIỀM TIN KITÔ GIÁO vào một nền văn hóa riêng biệt của dân tộc đó.
Để kết thúc phần trình bày TRUNG TÂN TRUYỀN GIÁO KONTRANG cho người Sơđang, chúng tôi xin ghi lại đây số 52 Tông Huấn “Sứ Vụ Đấng Cứu Độ” của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II để chúng ta suy tư và hướng công cuộc truyền giáo về năm 2000 cho anh em dân tộc vùng bắc Kontum, trong tâm tình TẠ-ƠN và PHẤN-KHỞI.
“Khi thi hành hoạt động truyền giáo của mình giữa các dân tộc, Giáo hội tiếp xúc với những nền văn hóa khác nhau và thực hiện tiến trình hội nhập văn hóa. Đây là một đòi hỏi đậm nét trong quá trình lịch sử của Giáo Hội và ngày nay đòi hỏi này trở nên đặc biệt rõ nét và cấp bách.
“Quá trình Giáo Hội hội nhập vào nền văn hóa của các dân tộc đòi hỏi nhiều thời gian: đó không phải chỉ là thích ứng bên ngoài, vì hội nhập văn hóa “có nghĩa là biến đổi thâm sâu những giá trị văn hóa chân thật bằng cách hội nhập vào Kitô giáo và có nghĩa là làm cho Kitô giáo ăn rễ sâu vào trong các nền văn hòa khác nhau của con người”.
“ Qua việc hội nhập văn hóa, Giáo hội làm cho Tin Mừng nhập thể vào các nền văn hóa khác nhau và đồng thời Giáo hội dẫn đưa các dân tộc cũng như các nền văn hóa riêng của họ vào trong chính cộng đoàn Giáo Hội; Giáo Hội truyền thông cho các nền văn hóa ấy những giá trị của mình, bằng cách đón nhận những gì là tốt đẹp trong các nền văn hóa đó và đổi mới các nền văn hóa đó tự bên trong. Về phần mình, qua việc hội nhập văn hóa, Giáo hội trở thành dấu chỉ rõ rệt hơn về bản chất của mình và trở thành khí cụ thích hợp cho sứ vụ của mình (…)
“ Hội nhập văn hóa là một tiến trình chậm chạp bao gồm toàn bộ phạm vi sinh hoạt truyền giáo và có liên hệ đến những tác nhân khác trong sứ vụ đến với muôn dân: các  cộng đoàn Kitô giáo trên đà phát triển, các vị chủ chăn có trách nhiệm phân định và khích lệ việc tiến hành hội nhập văn hóa”.
KONTUM NĂM  2002
Kỷ Niệm 150 năm (1852-2002)
truyền giáo vùng Sơdăng
Linh mục NGUYỄN HOÀNG SƠN













PHẦN TRÍCH  DẪN
[1]   Địa danh KONTRANG : Người dân tộc có thói quen dời chỗ luôn. KONTRANG cũng nằm trong tình trạng này với thời gian cũng đã phân ra nhiều làng nữa. Như vậy địa danh KON-TRANG mà cha Dourisboure đến ở đầu năm 1852 tại nhà Ong LAM là nơi nào ?. Sau đó làng được dời đến đâu ?.
Theo tài liệu của Cha Dourisboure “ Les sauvages Bahnars “, 1929, cũng như daự vào một số tài liệu trong Echos de Mission chúng ta. có thể lân bước tìm được dấu vết này.
Đầu năm 1852, cha  Bề Trên Combes đưa tiễn cha Dourisboure đến KONTRANG, nơi buôn bán giữa các dân tộc  Rơngao, Sơđang, tỉnh thoảng với người LÀO, là cửa ngõ vào vùng Sơđang.
Cuối năm 1854 (x. Dourisbouire, sđd tr. 183) dân làng bỏ chỗ này dời cư đến gần làng Rơngao, cách chỗ  cũ khoãng 3 cây số, gần sông PƠKÔ, không xa làng Hamong (sđd 99).
Năm 1884, cha Irogoyen Hương lên thế cha Roger vừa qua đời. Năm sau (1855) vì nạn Văn Thân, một số người kinh chạy trốn  lên  họ đạo  cha Hương, dần dần lập làng NGÔ-TRANG. Suốt thời gian từ trước đến nay, làng Ngô Trang không dời chỗ.
Do đó, cho Cha Dourisboure đến ở (từ 1854  sau khi dời làng) cho đến  các cha sau này là KONTRANG. Theo bản đồ thời Pháp cũng như bản đồ 1963 của chế độ cũ,tại vùng này có làng tên KONTRANG HO gần ngã tư quốc lộ 14, cách thị xã KONTUM ngày nay độ 12 – 13 cây số, bên trái (từ Kontum đi lên Dak-Tô)
Còn nơi KONTRANG trước khi dời (1852) nằm bên hữu đường 14, trên ngã tư vào NGÔ-TRANG vài cây số, gần  suối DAK-KƠLA.
Cả hai địa điểm này thuộc xã KƠLA.
[2] Tỉnh Kontum và tỉnh Gialai đã có nhiều địa danh và chia thêm nhiều huyện xã mới từ năm 1975 đến nay, nên trong tài liệu chúng tôi có những tên không trùng hợp với thực trạng hiện hành.
[3] Xem “ Các dân tộc ít người ở Việt-nam (các tỉnh phía Nam)”, của UBKHXH. VN, Viện DTH, Hànội 1984 tr. 95-97.
Xem thêm :  Đặng Nghiêm Vạn, Cầm Trong … “ Các dân tộc tỉnh Gialai- Kontum” Hà nội 1981, tr. 30-31; tr. 158-165
[4] Cửu Long Giang và Toan Anh “ Việtr-nam Chí Lược,miền thượng Cao nguyên “, Sàigòn 1974 tr. 267.
[5] Theo giáo sư Nghiêm Thẫm, có chừng 100.000 người Sơđang (x. chứng  chỉ nhân chủng học dân tộc thiểu số miền nam “, niên khóa 1973-1974 (Bản quay Rônêô, do sinh viên thực hiện ) tr. 32.
+ Theo tài liệu năm 1967,người Sơđang chính cống là 26.120; còn khoãng 14.887 người  thuộc vài sắc tộc nhỏ khác  pha giống  với người  Sơđang (X. Cửu Long Giang  …  sđd tr. 265-266).
+  Theo  tài liệu của nhóm giáo sư Đặng Nghiêm Vạn,  số người Sơđang trên 75.000 người (Sđd tr. 158).
Ngoài ra còn khoãng 10.000 người Sơđang đến lập nghiệp tại tỉnh Dak-Lac vào năm  (1973-1974).
[6] X. Dourisboure , sđd . tr. 315 ;  Xem thêm tr. 308-332.
[7] Dourisboure Sđd tr. 315-316.
[8] Cửu Long Giang – Toan Anh , sđd tr. 91 có ghi chú số 8:
“Đá Vách là một bộ tộc vùng Batơ, Minh Long, Sơn-Hà thuộc về tỉnh Quảng Ngãi. Hồi xưa danh từ ĐÁ-VÁCH dùng để chỉ chung cho những đồng bào thượng thuộc các bộ tộc : CÀ-GIÔNG, CÙ , SƠĐANG, HRÉ, BƠNAM, BAHNAR “
[9] Lam Giang ‘ Hùng khí Tây Sơn “, Cơ sở tạp chí Tây Sơn xuất bản 1971. tr. 33.
[10] Cửu Long Giang – Toan Anh  , sđd. tr. 96.
[11] X. “ Các dân tộc ít người ở Việt-nam (các dân tộc phía Nam) tr. 54.
Xem thêm Cửu Long Giang- Toan Anh ,sđd. 93tt.
[12] X. Cửu Long Giang- Toan Anh Sđd tr. 106-109.
[13] J.B. Guerlach, “ L’ Oeuvre néfaste “, Sàigòn 1906  tr. 28 và 94.
[14] X. “ Các dân tộc ít người ở Việt-nam” Sđd tr. 34.
Xem thêm Annales MEP năm 1912 số 89 tr. 294.
[15] X. JB. Guerlach , sđd tr. 101-102.
[16] Xem Nghiêm Thẫm, sđd tr. 18:
“ Vào cuối thế kỷ XIX, lợi dụng sự suy yếu của Lào và Việt-nam, Thái Lan (Xiêm) muốn thôn tính tất cả tả ngận sông Mê-Kông. Chính phủ Pháp cử Auguste Pavie lám phó lãnh sự ở Luang-Brabang vẻ bản đồ để phân địnhranh giới giữa Thái, Lào, Việt.Tới ngày 30-10-1893 có hiệp ước giữa Thái và Pháp  về vấn đề trên. Nhưng tùy theo chính trị của các Viên Toàn quyền, Cao nguyên Trung phần khi thì bị sáp nhập vào Nam-Lào, khi trả lại cho Việt-Nam. Ngày 22 tháng 11 năm 1904, tỉnh Dak-Lak mới trả lại cho Việt-Nam. Ngày 4 tháng 7 năm 1905, Kontum và Bản Đôn cũng mới trả lại cho Việt-Nam.
[17] Patrick J.N Tuck “ Thừa sai công giáo Pháp và các chính sách của Đế quốc tại Việt-nam 1857-1914“, TP. C.M .1989 tr. 52tt.
[18] Patrick J.B. Tuck , sđd tr. 481
[19] Patrick J.B. Tuck tr. 552-554
[20] Patrick J.N Tuck, sđd tr. 831.
[21] Dourisboure, sđd tr. 35 ; 39 ; 42.
[22] X. Dourisboure , sđd tr. 111.
Xem thêm Nguyệt san “ Chức dịch thơ tín “, địa phận Kontum số 41, tháng 9 năm 1936 tr. 499 ; số 43 tháng 11 năm 1936 tr. 532-533.
[23] Ông câu PHƯỚC, đang phụ trách họ Chợ-Đồn cho  người viết bài này  biết số chỉ dẫn  trên vào năm 1991.
[24] X. Dourisboure , sđd . tr. 95-96
[25] X. Dourisboure sđd. 309.
[26] Việt theo Dourisboure , sđd  chương X tr. 96.
[27] Dựa vào Dourisboure, sđd  chương XIV tr. 143 tt.
[28] Dựa vào Dourisboure , sđd chương XV, tr. 151tt.
[29] Viết theo Dourisboure sđd,chương XVIII tr. 182tt.
[30] Việt theo Dourisboure sđd chương XVIII tr. 188tt.
[31] Xem Dourisboure, sđd tr.234tt.
[32] Năm Tự Đức nguyên niên, một chiếu chỉ ban hành hồi tháng 8 nhằm bắt bớ các nhà truyền giáo ngoại quốc (x. L.E. Louvet, “ La Cochinchine – Religieuse “, Paris 1885, q. II. tr. 173-174).
Năm 1851 là năm TụĐúc7 thứ  tư, một tờ dụ cấm đạo lần  hai (x. Trần Trọng  Kim , “ Việt nam sử lược “, in lần thứ năm , Tân Việt tr. 487).
[33] X. L.E Louvet , sđd tr. 251.
[34] A. Launay “ Histoire générale de la Société de Mission Etrangère”, Paris 1894, Q. III. tr. 413-414.
[35] X. Dourisboure, sđd tr. 245.
[36] X. Dourisboure , sđd tr. 244-245.
[37] L.E. Luovet, sđd. tr. 310-312.
[38] Việt theo Doursiboure, sđd chương XXVI tr.  254tt.
KONTRANG ở đây là nơi đã dời làng vào cuối năm 1852, nay gần Ngô Trang, vùng làng KONTRANG HO hoặc KONTRANG KEP ngày nay,thuộc xã Dak-Kơla.
[39] X. Compte rendu MEP năm 1875 tr. 35 và năm 1877 tr. 32 và tr. 61
[40] X. Compte rendu MEP năm 1880 tr. 63 – 64.
[41] Compte rendu MEP năm 1884. tr. 199.
Cha Pascal Phanxicô ROGER sinh tại Benoist-Vill, thuộc giáo phận Constances ngày 21-11-1849. Lãnh nghi thức cắt tóc 26-2-1873 ; thụ phong linh mục 22-5-1875 và vào địa phận Đông Đàng Trong ngày 30-6  cùng năm . Qua đời  năm 1884 tại Kontrang.
Theo Echos của Kontum  tháng 4 năm 1944,  ngày qua đời của cha Roger là 15-5-1884.
[42] Xem Compte rendu MEP năm 1882 tr. 125.
[43] Annales MEP năm 1882  tr. 289.
[44] Annales id, tr. 289.
Theo Echos de Mission tháng 4 năm 1944, cha Irigoyen lên vùng Truyền giáo có 20 tín hữu vùng
Sơđang.
[45] Trần trọng Kim, “ Việt-nam sử lược “, in lần thứ 2,  Tân Việt tr. 532-542.
[46] Trần trong Kim, sđd. tr. 542.
[47] Trần Trọng Kim, sđd tr. 656.
[48] Trần trọng Kim, sđd tr. 542.
[49] Guerlach , “ L’ Oeuvre néfaste “ Sàigòn 1908, tr. 59 :
8 vị thừa sai bị giết ; 5 linh mục bản xứ , 60 thầy giảng, 170 nữ tu Mến Thánh Giá và hơn 24.000 giáo dân bị giết; 225 nhà thờ,cô nhi viện, nhà xứ bị tán phá; tất cả các nhà giáo dân bị phá trong 6 tỉnh thuộc địa phận Đông Đàng Trong.
[50] Patrick J.N Tuck , sđd tr. 573-574 .
Xem thêm J.B. Guerlach , sđd tr. 93 tt và tr. 129tt.
[51] X. Echos tháng 7 năm 1945.
[52] Xem “ Nguyệt san “ Cxhức dịch thơ  tín” tháng 5 năm 1935 tr. 297-298.
X. Compte rendu 1935 tr.320 ;  X. Bulletin MEP 1935 tr. 380.
Cha Irigoyen sinh  ngày 21 – 11 – 1866 tại Montery, Bayonne, Pháp; vào Hội thừa sai 22-7-1880 ; thụ phong linh  mục ngày 19-5-1883, đi Việt-nam 20-6-1883; đến Việt-nam 23-8-1883 ; lên vùng truyền giáo 25-12-1883. Qua đời 21-4-1935 tại Phương Hòa.
[53] Đức Cha Galibert đi kinh lý  vùng Bahnar đầu năm 1880.
[54] Compte rendu MEP 1880 tr. 65.
[55] J.B. Guerlach ,sđd. tr. 98tt.
[56] J.B. Guerlach, sđd tr. 113-114.
[57] Id. tr. 120-121.
X. thêm tiểu sử “ R. Père Kemlin”, 1875-1925, nhà in Quinhơn, tr. 4-5.
[58] X. Hlabar Tơbang, địa phận Kontum năm 1911 số 5 tr. 27.
[59] Id. số 8 tr. 59.
[60] X.Id năm 1913 số 27 tr. 35
ĐỊA DANH : KONTRANG : KONTRANG IOP tòng giáo 1853,nơi cư trú đầu tiên của cha Dourisboure tại nhà  ông LAM, bên tay phải đường quốc lộ 14, khoãng 13 cây số , nằm sâu trong rừng một ít. Năm 1854, dân làng bỏ nơi này chuyển về  vùng Ngô -Trang bây giờ  (KONTRANG HO hoặc KONTRANG KEP ) cây số 1; KONTRANG MƠNEI tòng giáo năm 1896, trở nên họ chính vào năm 1923 thời cha Louison.
[61] X.  Compte rendu năm 1914  tr. 14.
[62] X. “ R. Père Kemlin “, sđd tr. 9.
[63] X. Tài liệu “ Lễ phong chức Đức Cha JANNIN …” lưu tại TGM. KONTUM.
[64] Chúng tôi trong khi trích tài liệu có thay đổi vài từ  như từ “ mọi” thành  từ “ dân tộc “ hoặc từ “ thượng”, từ “annam “ thành  “Việt nam” hay  “người kinh”. Ngoài ra còn có một số câu in mờ , chúng tôi tóm lược ý chính. Theo văn mạch cha  T  trong bài này cũng như  tác giả bài viết này  Chương Đài  cũng  chính  là cha THÍCH , linh mục chánh xứ địa sở  KONTRANG MƠNEI vào năm 1930.
[65] X. Missiô Kontum , “ Bôl de Iao Phu “, ad tơm sơnam 1956 tr. 17.
Theo tài liệu này cũng như Echos tháng 11 năm 1944 một họ đạo  người kinh thành lập năm 1923 là họ Đức Bà. Trong khi đó,theo tác giả Chương Đài trong tờ nguyệt san “chức việc thơ tín” số 70 tháng 2 năm 1939, họ người kinh  này có tên VÕ DINH. Do đó ,  chúng ta có thể hiểu “Võ Định “  cũng là họ đạo “ Đức Bà”  đã có từ   năm 1923. Nhưng vì  bệnh tật có một số  người  bỏ đi nơi khác sau đó trở lại lập nghiệp khi đã có đường  quan lộ  như tác giả Chương Đài đã nói trên.
[66] Echos tháng 7 năm 1948.
Xem thêm nguyệt san “ Chức dịch thơ tín “ 1939 tr. 949 và Echos năm 1944 tháng 11.
[67] X. “ Bôl de Iao phu “,năm 1956  và các lịch công giáo  Kontum
[68] KON-HƠRING đông dân (800) ở 30 cây số phía bắc KONTRANG một làng công giáo cũ lúc đó thuộc cha Irigoyen Hương, trở lại đạo  năm 1891. Năm 1904, nhiều làng lân cận khác trở lại đạo . Kon-Hơring thánh một Trung Tâm của địa sở mới. Cha Bonnal trẻ tuổi được chỉ định ở chỗ đó ngày 4-4-1904. Nhưng tháng 10-1905,vì vùng bắc Kon-Hơring nhiều làng xin tòng  giáo, nên cha Bề Trên chỉ định cha Bonnal đến Dak-Kơna,còn cha Irigoyen ỏ8 Kon-Horing.
[69] Xem Compte rendu 1914 tr. 80.
[70] X. Hlabar Tơbang năm 1914 số 42, tr. 50-51.
[71] X. nguyệt san “Chức dịch thơ tín “, số 25 tháng 5 năm  1935 tr. 298.
[72] X. “ Lễ phong chức Giám mục Jannin “ sđd. tr. 48.
[73] X. Compte rendu  năm 1937 tr. 171
[74] X. Compte rendu 1970 tr. 108.
[75] X. Echos tháng 8 năm 1948
[76] X. “Bôl  de ia phu “ năm 1956 và lịch công giáo địa phận Kontum.
[77] X. Echos tháng 8 năm 1948.
[78] X. “ Bôl de iao phu “, id và lịch công giáo địa phận Kontum.
[79] Tài liệu này có đầu đề tạm dịch :”  Làm sao một địa sở nơi xứ truyền giáo được thiết lập và  phát triển “ ( lược sử địa sở Dak-Kơna )  có lời Đức Cha Jannin nhận xét cuối bài. Bản dịch ra tiếng Việt  được lưu trữ tại Tòa Giám Mục Kontum.
[80] Dựa vào tài liệu về  địa sở Dak-Kơna đã trưng dẫn ở trên
[81] Xem Echos tháng 9 năm 1948.
[82] Theo “Bôl de iao phu “, 1956 và lịch công giáo Kontum.
[83] Xem Echos tháng 9 năm 1948.
[84] Xem “ Bôl de iao phu “, sđd và các lịch công giáo Kontum.
[85] X. Kemlin “ Immigration annamite en pays moi “,  imprimerie de Quinhơn, 1923.
Các bài khảo luận của cha Jannin, cha Corompt và Cha Kemlin bằng tiếng  Pháp bảng dánh máy chữ về đề tài này, lưu tại TGM. Kontum
[86] X. Compte rendu năm 1970 tr. 108
[87] Xem tạp chí “ Dân tộc học “. Viện dân tộc học tháng 4 năm 1990. tr. 8.
Xin đọc thêm những bài viết trong tạp chí này tháng 3 và 4 năm 1990.
[88] Xem Tạp chí “ Dân tộc học” sđd tháng 4 năm 1990 tr. 16 cột 2.
[89]       1/   Lao đông cưỡng bức 2 năm:
+ A  NHUM ở thôn Long Jon, xã Dak Ang,
bị bắt ngày 26-5-1990.
+ A  GLEP ở thôn Dak Blai, xã Dak Ang
bị bắt ngày  26-5-1990.
+ A  HEANG ở thôn 5, xã Dak Pơxi, Dak-Tô, tinh Kontum
bị bắt  ngày 25 – 5 – 1990
2/  Tập trung cải tạo  3 năm :
+  A  LIM ở Long Jon,xã Dak Ang,
bị bắt ngày 13-7-1990.
+  A PHAN ở Long Jon, xã Dak Ang,
bị bắt ngày 13-7-1990.
+  A  KHUN ở Dak Gia , xã Dak Ang,
bị bắt ngày 13-7-1990.
+  A  KMÂU trú quán thôn 9/1 Dak Pơxi, Dak Hring,
bị bắt ngày 14-7-1990,
chết rũ tù ngày 15 tháng 10 năm 1990.
3/ Tại huyện Krongpa, tỉnh Gialai.
+    Ama HIẾU cũng bị bắt và cải tạo tập trung.
Tất cả những người này bị bắt ghép vào tội:
Tổ chức truyền đạo trái phép”
hoặc “Hoạt động mê tín dị đoan” tuyên truyền kinh sấm).


CHƯƠNG BA
KONTRANG – THỜI KỲ THỬ THÁCH (1857-1884)
.
Năm 1857, Cha Dourisboure rời khỏi nhiệm sở Kontrang vào năm 1884, Cha Irigoyen HƯƠNG đến nhiệm sở này chuẩn bị cho một thời kỳ triển vọng. Thời gian 27 năm này nhiều biến động về mọi mặt, nhất là thời cuộc đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động truyền giáo vùng Tây Nguyên. Đây là giai đoạn “dẫm chân tại chỗ” trong việc truyền giáo.

     I – NHỮNG BIẾN ĐỘNG CHÍNH TRỊ
 1. Chính sách đối ngoại của Triều đình Huế là bế quan toả cảng; đối nội là trấn áp, sát hại đạo Công giáo. Đây là chính sách sai lầm, tạo nên cớ cho thế lực ngoại bang xâm chiếm đất nước ta.
Thật vậy, tháng 3-1847, Lapierre và Rigault de Genouilly đem hai chiến thuyền thị uy Cửa Hàn. Chính phủ Pháp sai ông Leheur de Ville-sur-Ars đem chiến thuyền “Catinat” vào cửa Đà Nẵng, rồi cho người đem thơ đến trách Triều đình Huế về việc giết đạo[32]. Quân Pháp thấy quan quân ta lôi thôi, nên bắn phá đồn luỹ ở Đà Nẵng rồi bỏ đi (1856).
Vua Tự Đức sau một thời gian bách hại đạo gắt gao, đã phát hiện lệnh mình chưa thực thi đồng loạt, ngay trong hàng ngũ lãnh đạo có những người theo đạo công giáo. Ngày 15-12-1859, nhà vua ban hành một chiếu chỉ nữa nhằm vào các cấp quan lại ở trung ương và các tỉnh[33].
2. Sau mỗi lần bị quân Pháp lấy cớ Triều đình Huế bắt đạo, đem quân đánh chiếm nước ta, nhà vua gia tăng cấm đạo tàn bạo hơn. Chiếu chỉ của Tự Đức ngày 5-8-1861 đưa cuộc bách đạo đến chỗ man rợ, được gọi là chiếu chỉ “phân sáp”[34]. Trong chiếu chỉ này, người ta thấy thâm ý của triều đình là tiêu diệt tận gốc các cơ sở tôn giáo địa phương. Đây là chính sách “tát nước bắt cá”, kiểm soát và bắt các linh mục. Biết bao cảnh tù tội, lục soát, bắt bớ mọi nơi để tàn sát người dân có đạo.
Đức cha CUENOT, Đại diện Tông toà, Giám quản Địa phận Đông Đàng Trong, bị bắt và chết rũ tù trong dịp này vào ngày 14-11-1861.

      II. THỬ THÁCH TẠI VÙNG SƠĐANG
 Cục diện đất nước Việt Nam hậu bán thế kỷ XIX như một cái “guồng máy gia tốc tội ác”: đánh chiếm – bắt đạo, cướp đất – chết chóc – tù đày mà người Công giáo là nạn nhân.
1. Hậu quả lớn lao của cục diện đó có ảnh hưởng rất tai hại cho việc truyền giáo vùng Tây Nguyên nói chung, cho vùng Sơđang xa xôi nói riêng: bị cô lập, cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài, thiếu thốn mọi thứ về tiền của, lương thực, thuốc men, kể cả rượu lễ và bột làm bánh lễ. Cha Doursiboure tâm sự:
“Ôi nhờ ơn Chúa, không phải nghèo khó, thiếu thốn vật chất làm cho tôi lo âu. Dẫu thế, sau một thời gian vá víu lại các quần áo cũ, tôi đã phải mặc rách rưới như kẻ ăn xin (…). Rồi vì sợ đường giao thông bị cắt đứt, tôi đã phải dè xén từng tí bột mì, từng chút rượu nho. Chỉ các ngày Chúa Nhật và một vài ngày lễ trọng tôi mới dâng Thánh lễ”[35].
2. Cha Verdier qua đời (4-1861)
Một tai hoạ xảy ra tại vùng Sơđang: Cha VERDIER bị bệnh suy nhược ngày càng tồi tệ hơn. Ngài không thể xê dịch, bị liệt phải chuyển về Rơhai an dưỡng. Vì cuộc chiến, nên các cha  không thể chuyển ngài về Trung Châu, để đưa ngài đến Tân Gia Ba chữa trị được. Cuối cùng, thấy không còn sống bao lâu nữa, ngài nói với Cha Dourisboure lúc đó là bề trên vùng truyền giáo:
“Vì Chúa muốn tôi chết bây giờ, tôi xin vâng theo Thánh Ý Chúa, nhưng tôi muốn được chết giữa giáo dân con cái của tôi”[36].
Ngài từ trần tháng 4-1861 và được mai táng bên cạnh em GIUSE NGUI trong cánh rừng ở KONTRANG.
3. Bệnh đậu mùa (1864)
Dưới sức ép của quân Pháp, một Hoà ước Sài Gòn ngày 5-6-1862 được ký kết giữa Pháp và Triều đình Huế. Cuối năm 1862, nhân ngày sinh nhật của vua Tự Đức, một chiếu chỉ “Ân xá” được công bố[37].
Nhờ tạm dứt cuộc bách hại, Cha Dourisboure xuống Trung Châu và vào Sài Gòn. Cha gặp một linh mục thừa sai: Cha Besombes. Cha Besombes lên vùng Tây Nguyên năm 1863 trong khi đó Cha Dourisboure ở lại Sài Gòn dưỡng bệnh, giúp một họ đạo ở cảng Sài Gòn từ tháng 4-1864 đến tháng 9 cùng năm. Ngài trở về lại Tây Nguyên và gặp một thử thách lớn cho toàn vùng: bệnh đậu mùa.
Bệnh đậu mùa kéo dài gần 2 năm[38] đã giết chết hầu hết nửa số cư dân, trong đó có hơn 1/3 số giáo dân. Tai họa này hầu như người thượng chưa hề nghe biết đến bao giờ, chỉ có những người già nghe nói đến mà thôi. Nguyên nhân bệnh là do người giáo dân kinh ở An Sơn (An Khê ngày nay) vì nghèo khổ đã đến Rơhai xin làm ăn, lúc đó chỉ có Cha Hoà ở họ KONTUM, còn Cha DO vừa đi Trung Châu. Mỗi cổng ra vào làng bị đóng kín. Tuy nhiên, bệnh dịch vẫn lan tràn khắp nơi, đến vùng Jơlơng, cả Kon Kơxâm, dù đã được hai linh mục cố gắng ngăn ngừa cũng không thoát nạn, kể cả Cha Besombes cũng trở nên nạn nhân của nó.
Bệnh lan đến vùng bắc Kontum. Người Sơđang cho rằng nguyên nhân bệnh là do Đạo, do người có đạo. Vì thế, họ nhất định sẽ đi trừng trị Rơhai. Họ tổ chức 3 đợt đột kích, nhưng đều thối lui vì họ gặp “điềm xấu”. Sự hận thù này ảnh hưởng rất tai hại đến cộng đoàn tín hữu nhỏ bé tại Kontrang, trong lúc không có linh mục phụ trách tại chỗ.
Nhưng sau này, những người muốn tấn công Rơhai nhận thấy việc mình làm là sai trái và bất chính. Do đó, theo họ nghĩ các “yang” không ưng thuận cho họ tấn công Rơhai. Họ trở nên thần tình và muốn tòng giáo.
4. Số linh mục trên vùng Tây Nguyên
Vì thời cuộc phức tạp: lúc bị cấm cách, có khi tình thế hoà hoãn, nên số linh mục lên vùng Tây Nguyên bị giới hạn.
Từ năm 1861-1875:
Không kể một số linh mục đến trước năm 1861 như Cha Dourisboure, Cha DO, Cha Hoà, Cha Bảo. Các cha sau đây đến sau 1861:
+ Cha Besombes KÍNH đến năm 1863, phụ trách vùng Jơlơng tại Sơlăng và qua đời ngày 16-8-1867 tại Sơlăng.
+ Cha ĐẠT người Việt Nam đến năm 1867 thay Cha Desombes cho đến năm 1871.
+ Cha Suchet CẢNH đến năm 1868 và sống trên vùng đất Tây Nguyên chỉ có 3 tháng, đã lâm bệnh và qua đời.
+ Cha Hugon XUÂN đến vùng Truyền giáo năm 1873[39], ở Rơhai thay Cha DO đang lâm bệnh nặng buộc lòng phải về Trung Châu và qua đời tại Đồng Hâu.
Cha Vialleton TRUYỀN đến năm 1875, phụ trách làng Kontum thay Cha Hoà.
Cộng đoàn Kontrang không có linh mục thay thế sau khi Cha Verdier qua đời năm 1861. Sau 13 năm (1874), Cha Bề trên sai một thanh niên Công giáo người kinh lên là SỰ đến điểm truyền giáo KONTRANG giúp đỡ giáo hữu tại đó.
Từ năm 1875-1884
+ Năm 1875, Cha Poirier lên vùng Sơđang, phụ trách Kontrang sau 14 năm thiếu linh mục. Nhưng năm sau, ngài về đảm nhận địa sở BẦU GỐC (Quãng Ngãi). Ngài được diễm phúc tử đạo ngày 16-7-1885, trong ngôi thánh đường cùng một số giáo dân bị hoả hoạn.
+ Cha ROGER KÍNH lên thay Cha Poirier tháng 6-1876. Ngài cố gắng xây dựng lại Kontrang. Ngài phục vụ tại đây 8 năm.
Công cuộc truyền giáo cho người Sơđang trong giai đoạn này như dẫm chân tại chỗ. Vì hoàn cảnh thời cuộc phức tạp, do mê tín dị đoan, cũng như tâm tính khó mà vào khuôn phép giới luật Chúa đòi hỏi, chưa kẻ những khó khăn thiếu giao thông mất an ninh, nên người Sơđăng chưa mạnh dạn xin tòng giáo.
Tuy nhiên, Cha Roger rất cố gắng quy tụ và tổ chức cộng đoàn, nhất là dạy giáo lý cho trẻ em. Vào dịp Đức cha Galibert viếng thăm mục vụ vùng truyền giáo dân tộc (1880), Cha Roger ở Kontrang và Soubeyre ở Kon-Jơdreh dẫn 600 tân tòng đến chào Đức cha. Anh em dân tộc vui mừng, phấn khởi, tác động mạnh vào đức tin sống động nhờ hình ảnh của vị chủ chăn[40].
Để hiểu rõ cuộc đời của Cha Roger và sau đó, chúng ta thấy được những công việc ngài làm, những thử thách ngài chịu, cũng như những tâm tình của người phụ trách như thế nào, qua bản báo cáo trong Compte rendu MEP năm 1884, tr. 107tt:
“Vùng cư dân Bahnar trong năm này còn gặp những thử thách nặng nề do cái chết của Cha Roger, người đã làm việc ở đây 8 năm” (x. tr. 107).
“Cha Roger đến miền truyền giáo trong năm 1875 và sau vài tháng ở Việt Nam để học tiếng, ngài được Đức cha Chabonnier gởi lên vùng dân tộc (…). Tâm tính thật thà, trung thực, quảng đại, ngài càng bình dị, chịu đựng và sẵn sàng đón nhận tất cả từ bàn tay Thiên Chúa đã thương trao phó nhiệm sở vinh dự này. Trung thành với bổn phận như một linh mục cũng như xưa kia đã trung thành như một chiến binh, cha biết kiên trì đến cùng trong các trận chiến của Chúa. Rất nhiều lần bị thử thách do bệnh tật, những khổ tâm không làm cho ngài lùi bước. Ở giữa các cư dân hững hờ và ít thích hợp để đón nhận Tin Mừng, người đã nhận thấy những năm tháng vắn vỏi của công tác tông đồ của ngài (…). Những điều đó không làm cản trở ngài giữ vững được sự thanh thản tâm hồn và luôn chứng tỏ lòng chân thành của ngài với Thiên Ý. Nên chúng tôi hy vọng sau chuỗi ngày truyền giáo cực khổ, ngài sẽ lãnh phần thưởng trên thiên quốc nhờ các công việc, những cố gắng của ngài ở giữa đoàn chiên nhỏ bé và hửng hờ, đã được trao cho ngài. Xin vâng, xin vâng”[41].
+ Năm 1877, Cha NGUYÊN linh mục Việt Nam lên Tây Nguyên phụ trách Rơhai, thế chỗ cho cha DO về Trung Châu từ 1872. Cha SOUBEYRE đến phụ trách vùng Kon-Jơdreh (Kon-Mơnei), thay thế cha Dourisboure vừa rời khỏi vùng Truyền giáo thân yêu vào năm 1879. Nhưng năm 1880, Cha Soubeyre qua đời tại nhiệm sở của ngài. Cha CHABAS đến Kon-Jơdreh vào năm 1882 thay Cha Soubeyre, nhưng một năm sau ngài thình lình chết (1882)[42] và người ta tin rằng ngài bị bỏ thuốc độc[43].
+ Cha Guerlach CẢNH đến An Khê vào thứ 7 ngày 30-12-1882. Qua ngày sau, ngài đến Tơuer gặp Cha Vialleton và Cha Roger, tay bắt mặt mừng, cùng nhau vào nhà nguyện hát bài Tạ ơn Chúa.
Trong thời gian này, trên vùng truyền giáo chỉ còn một linh mục Việt Nam là Cha NGUYÊN, 3 linh mục thừa sai: Cha Vialleton (Bề trên), Cha Roger và Cha Guerlach.
Cuối năm 1883, Cha Irigoyen đến vùng truyền giáo dân tộc, đảm nhận vùng cư dân Sơđang, mở đầu một giai đoạn triển vọng, thu đạt nhiều thành quả trong công việc truyền giáo.

CHƯƠNG BỐN
TRUNG TÂM TRUYỀN GIÁO KONTRANG THỜI KỲ TRIỂN VỌNG (1884-1905)
CHUẨN BỊ THÀNH LẬP CÁC ĐỊA SỞ

Cha IRIGOYEN HƯƠNG đến Việt Nam năm 1883 và lên vùng truyền giáo dân tộc ngày 25-12-1883, nhằm vào ngày thứ ba, LỄ GIÁNG SINH. Theo ý của Đức Cha địa phận, Cha Irigoyen lên thay Cha NGUYÊN đang bị bệnh. Nhưng thình lình Cha ROGER qua đời năm 1884, nên Cha Bề trên cho lên thay cha vừa qua đời ở Kontrang[44]. Như vậy, vào thời điểm này, ngoài một linh mục Việt Nam là Cha NGUYÊN, có 3 linh mục thừa sai: Cha Vialleton, Cha Guerlach và Cha Irigoyen.
Trong thời gian này, tình hình chính trị càng phức tạp và ảnh hưởng xấu cho vùng Sơđang. Tuy nhiên, với những cố gắng của Cha IRIGOYEN HƯƠNG, dần dần các làng Sơđang xin tòng giáo, để rồi chuẩn bị thành lập các địa sở trong giai đoạn kế tiếp.
     I. TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ (1884-1905)
1. Tình hình hoà hoãn giữa Triều đình Huế và quân Pháp không kéo dài được lâu, vì một mặt chính sách của Triều đình Huế không nhất khoáng và thái độ còn muốn lập bang giao với nhiều nước Tây phương để tỏ mình độc lập, làm cho Pháp nghi ngờ và bực mình. Pháp trách Triều đình Huế không tuân giữ Hoà ước đã ký (Nhâm Tuấn 1862; Giáp Tuất 1874)… Nhiều cuộc xung đột đã xảy ra.
Tình hình quốc nội trở nên căng thẳng và gay cấn, khi Henri Rivière hạ thành Hà Nội lần thứ hai (tháng 4-1882). Được thêm quân, Rivière đánh chiếm Hòn Gay (12-3-1883), đánh Nam Định (25-3-1883). Hậu quả của vụ đánh chiếm này của quân Pháp là tình thế hoà hoãn nổ ra thế tấn công. Khâm sứ Rheinart rời bỏ Huế vào Sài Gòn. Sau khi Rivière tử trận, Thủ tướng Pháp Jules Ferry khởi xướng việc phục thù, được Quốc hội Pháp thuận. Sự bang giao hai bên bế tắc: lãnh sự Việt Nam Nguyễn Thành Y rời khỏi Sài Gòn. Giữa lúc đó, vua Tự Đức băng hà (18-7-1883).
Triều đình Huế lâm vào rối loạn. Giờ đây Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường đổi tờ di chúc, tôn Lạng Quốc Công lên làm vua, là Hiệp Hoà.
2. Duới áp bức của quân đội Pháp trên đất Bắc và Cửa Thuận An[45], Nguyễn Trọng Hiệp được cử xuống Thuận An xin điều đình. Hoà ước 25-8-1883 (Quý Mùi) đặt Việt Nam dưới quyền bảo hộ của Pháp: Bình Thuận thuộc Nam Kỳ; Triều đình Huế cai trị từ Khánh Hoà ra đến đèo Ngang; các tỉnh phía Bắc Kỳ đều có Công sứ pháp kiểm soát các quan Việt Nam. Sau đó, Hoà ước Giáp Thân (6-6-1884), Triều đình Huế công nhận quyền bảo hộ của Pháp[46].
3. Trước tình hình mất nước như vậy, các quan lại, sĩ phu đứng lên chống Hoà ước Giáp Thân. Trong Triều đình Huế, vua Hoà Hiệp bị buộc uống thuốc độc chết[47]. Vua Kiến Phúc lên ngôi hơn 6 tháng, đến ngày 30-4-1884 (nhằm 6-4 Giáp Thân) mất vì bệnh[48]. Vua Hàm Nghi lên ngôi. Sau khi vua Hàm Nghi khởi quân đánh Pháp bị thất bại, nhà vua và Tôn Thất Thuyết chạy lên vùng núi Quảng Trị kêu gọi Cần Vương chống Pháp.
4. Các sĩ phu lấy khẩu hiệu “Bình tây sát tả”. Cao trào sát hại người Công giáo lan rộng và tàn bạo vào tháng 7-1885. Cuộc tàn sát người Công giáo tại Địa phận Đông Đàng Trong bắt đầu ngày 17-7-1885. Họ đạo Trung Tín bị bao vây, lan đến phía nam đến địa sở Làng Sông ngày 4-8-1885. Tối hôm đó, Toà Giám mục, chủng viện với ngọn lửa bốc cao, thiêu huỷ toàn bộ các cơ sở tôn giáo. Cuối năm 1885, nhóm Văn Thân kéo lên gieo rắc kinh hoàng, đốt phá nhà thờ và nhà giáo dân ở rải rác họ đạo Chợ Đồn (An Khê). Từ đó, họ chuẩn bị tiến quân lên miền truyền giáo Tây Nguyên. Cha Bề trên Vialleton Truyền và Cha Guerlach Cảnh tìm phương thức ứng phó. Tai nạn khủng khiếp xảy ra toàn Địa phận Đông Đàng Trong thật to lớn và nặng nề[49].
Số giáo dân thoát nạn Văn Thân chạy lên được vùng Truyền giáo Tây Nguyên tá túc tại các xứ đạo Kon Jơdreh, Kontum và Kontrang. Số giáo dân này ngày càng gia tăng, lập thành họ đạo người kinh như gần Kontrang họ đạo kinh có tên là NGÔ TRANG từ năm 1885. 
    II. CHÍNH SÁCH PHÁP TẠI VÙNG TÂY NGUYÊN NÓI CHUNG VÀ TẠI VÙNG SƠĐANG NÓI RIÊNG (1884-1905) 
Chiến lược chiếm toàn bộ Đông Dương của Pháp rất tinh vi, chậm mà chắc. Vùng Sơđang là một trong những trọng điểm của chiến lược đó. Nó ảnh hưởng tai hại đến việc truyền giáo của các vị thừa sai.
1. Trước năm 1885, Pháp chưa đặt nền bổ hộ vững chắc tại Việt Nam, nên toàn vùng truyền giáo Banhnar chưa có sự can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp của thực dân Pháp. Do đó, các vị thừa sai phải đảm nhận mọi phương diện nhằm mục đích duy nhất là RAO GIẢNG TIN MỪNG cho các dân tộc, nâng cao phẩm giá và tiến bộ con người.
2. Năm 1889, dưới áp lực của nhóm thực dân, Bộ Ngoại giao Pháp đã chấp nhận một chiến lược âm thầm sự hiện diện tiên khởi ở bờ phía đông sông Mêkông. Nhiệm vụ phối hợp thám hiểm thu thập dữ kiện pháp lý, lịch sử và thiết lập một mạng lưới các quày mậu dịch thông qua đường ấy, được giao phó cho Auguste Pavie, một đại diện lãnh sự Pháp ở Luang-Brabang đảm trách.
Mayréna (1888-1890), Pavie (1889) và một số nhà vẽ bản đồ hoặc quân sự khác đã dựa vào uy tín cũng như sự hiểu biết của các vị thừa sai[50] để thực hiện ý đồ. Nhờ những kết quả của nhà thám hiểm Pavie mà vùng Tây Nguyên nói chung, vùng Sơđang nói riêng thoát khỏi vòng kiềm kẹp của Xiêm và giữ được mảnh đất Tây Nguyên lại cho Việt Nam như ngày nay.
3. Nhưng từ khi quân Pháp đặt đồn bót trên vùng Tây Nguyên, nhất là khi Tây Nguyên còn là một phần thuộc Hạ Lào, thì đặt đồn tại vùng người Sơđang là điều quan trọng về mặt an ninh đối với Pháp. Tuy nhiên, cũng từ đó nhiều vấn đề tổn hại đến thanh danh tôn giáo, cản bước đường truyền giáo: những bất công, tàn bạo của quân đội Pháp gây ra cho người tín hữu Sơđang, làm cho họ nghi ngờ mục đích của các vị thừa sai. Nhiều vụ đột kích của người Sơđang vào đồn Pháp như vụ giết đồn trưởng Robert trên bờ sông Pxi (1901), sau đó tấn công Cha Kemlin Văn, Cha Bonnal Bổn… Chúng tôi sẽ trình bày vấn đề này theo từng giai đoạn lịch sử phát triển các địa sở. 
     III- CHUẨN BỊ THÀNH LẬP CÁC ĐỊA SỞ VÙNG SƠĐANG (1884-1905) 
Công cuộc truyền giáo vùng Sơđang nhiều triển vọng nhờ Cha Irigoyen HƯƠNG, một linh mục đạo đức, khôn ngoan và nhân ái.
Trong phần này chúng tôi sẽ trình bày:
A. Con người linh mục IRIGOYEN HƯƠNG và các vị thừa sai vùng Sơđang
B. Những vấn đề các vị thừa sai phải chịu
C. Thành quả công cuộc truyền giáo của Trung Tâm KONTRANG 
.
A. CON NGƯỜI LINH MỤC IRIGOYEN HƯƠNG 
    VÀ CÁC VỊ THỪA SAI VÙNG SƠDANG (1884-1905) 
 1. Giữa năm 1884, Cha Roger ở Kontrang qua đời, Cha Bề trên sai Cha Irigoyen Hương lên Kontrang thay thế. Kontrang một làng người Sơđang khá đông đúc, nhưng khi cha lên vào cuối năm 1884, chỉ có 20 người tòng giáo. Nhờ công sức người dạy dỗ, cảm hoá, giải thích ý nghĩa đích thực của đạo, cũng như phân biệt người truyền giáo đích thực và thực dân Pháp, dần dần dân làng cảm mến lối sống và xin tòng giáo. Ngài còn truyền giáo vùng Hamong, Dak-Drei và Kon-Bơban.
2. Năm 1885, nạn Văn Thân chém giết các người Công giáo vùng Trung Châu và An Sơn (An Khê). Số nạn nhân trốn thoát lên được miền dân tộc khá đông và được các cha lo lắng. Một số người kinh đến Kontrang và dần lập nên họ đạo NGÔ TRANG[51].
Nạn Văn Thân ảnh hưởng xấu đến vùng truyền giáo: 18 tháng bị tuyệt đường giao thông, bị túng thiếu đủ mọi mặt vì phải lo cho số đông người tị nạn cùng khốn này.
Sau nạn Văn Thân, Cha Irigoyen truyền giáo phía bắc: năm 1891, Kon Hơring xin phá yang. Cha Irigoyen và Cha Guerlach đến phá Yang, dạy giáo lý cho họ. Có 3 làng lớn xin tòng giáo: Dak-Kơdem xin tòng giáo ngày 5-8-1897; Dak-Kơdung và Dak-Kơteng xin tòng giáo ngày 5-8-1897. Ngài chia những làng này thành những làng nhỏ:
+ Dak Kơdem thành: Kontrang KEP, Dak Rơchăt, Kontrang Kơla
+ Dak Kơdung thành: Kontrang Mơnei, Kontrang Long-Loi
+ Dak Rơteng thành: Dak Rơteng Kla và Dak Rơteng Cho (cũng gọi Dak-Rơteng Kơtu)
Ngoài ra Dak-Tô tòng giáo năm 1897
3. Tháng 3-1899, Cha KEMLIN VĂN lên Kontrang phụ giúp cho Cha Irigoyen. Nhưng ngày 6-10-1899, Cha Kemlin về lại phụ trách vùng Hamong, đảm nhận vùng cư dân Rơngao. Dak-Kang Peng tòng giáo năm 1902; Dak Kang Iop (1903). Năm 1904, Cha BONNAL Bổn, một linh mục trẻ lên vùng Sơđang. Cha Irigoyen gửi Cha lên KON-HƠRING và truyền giáo vùng cực bắc (chúng tôi sẽ trình bày trong chương V, địa sở DAK-KƠNA).
Năm 1905, Cha DUCATEAU QUẢNG lên phụ giúp Cha IRIGOYEN. Ngài để Cha Ducateau tại điểm truyền giáo Kontrang. Phần ngài, ngài mở rộng vùng truyền giáo Kontrang. Ngài không ở một nơi nhất định, mà đi truyền giáo mỗi nơi một thời gian cần thiết[52]
 .
B. NHỮNG VẤN ĐỀ CÁC NGÀI PHẢI ĐƯƠNG ĐẦU
 1. Như đã trình bày trong phần trên, công cuộc truyền giáo tại vùng Sơđang đa dạng, phức tạp, cực kỳ khó khăn mà các linh mục thừa sai phải đương đầu và giải quyết. Sau đây, chúng tôi xin ghi lại nhận xét và phương hướng chung của Đức cha Galibert vạch ra và thực thi như thế nào.
“Sau cuộc hành trình này, tôi[53] hoàn toàn xác tín rằng: cần và cần cấp bách thiết lập vài trạm trung gian giữa Việt-Nam và các cư dân Bahnar. Khi các trạm này xây dựng xong, con đường lưu thông sẽ đảm bảo hơn. Các linh mục cũng có thể chuyển lên miền rừng núi của họ những đồ dùng cần thiết nhất, mà các ngài thiếu thốn cho đến ngày nay, do tình trạng đường giao thông tồi tệ và mất an ninh”.
“Tôi cũng hiểu rõ những khó khăn mà công cuộc truyền giáo gặp phải nơi các cư dân này. Ngoài khí hậu bệnh tật trong miền mà tôi coi như cản trở đầu tiên và lớn nhất cho lòng hăng say của các vị thừa sai, còn tính khí tự nhiên kiêu kỳ của người dân tộc rất khó uốn nắn theo lời huấn đạo lòng tin, tính phóng khoáng ít hoà hợp với việc thực hành Công giáo và hiểu thấu được các chân lý của đạo giáo; hơn nữa mỗi một vị thừa sai chỉ có thể giảng dạy trong một làng mà thôi, vì các bộ lạc và buôn làng thù nghịch nhau hầu như thường xuyên liên tục; nếu ngài muốn thực thi mục vụ nơi khác, con chiên trước chẳng mấy chốc nhìn ngài như kẻ thù và không còn nghe ngài nữa”[54].
Chính vì yêu cầu truyền giáo mà các vị thừa sai đã vận động các buôn làng liên kết với nhau thành những “TƠRING”, từng khu vực hay cả những dân tộc khác nhau. Vai trò của Cha Irigoyen rất quan trọng trong việc vận động, giải thích, hòa giải các người Sơđang thấu hiểu những ích lợi việc liên minh cần thiết và hữu ích cho họ như thế nào. Đa số buôn làng người Sơđang chấp nhận[55].
2. Người Pháp đặt đồn bót trên vùng Sơđang
Vào cuối thế kỷ XIX, nhất là đầu thế kỷ XX này, quân đội Pháp đã gây ra nhiều vấn đề bất lợi cho công cuộc truyền giáo, nhất là vùng Sơđang, khi họ đặt các đồn lính tại đó.
Lối cư xử bất công với các làng Công giáo như: bắt làm tạp dịch, cung cấp lương thực cho các đồn bót, hoặc đời sống bất chính của quân Pháp, đóng thuế… là những nguyên nhân làm cho người dân tộc nói chung, nhất là người dân tộc có đạo nói riêng ca thán, oán trách, bất mãn “quân Pháp” và các vị thừa sai bị vạ lây. Những cuộc hành quân man rợ, phá hoại dân làng của Pháp đã gây tức tối chống đối bằng vũ lực nơi vùng Sơđang. Một thủ lãnh người dân tộc nói với Cha Guerlach như sau:
“Trước kia, chúng tôi yêu quý các ông, vì các ông làm điều tốt cho chúng tôi, nhưng bây giờ các ông “quan” đến sau các ông đã chiếm đất đai của chúng tôi và bắt chúng tôi đóng thuế, phạt tiền của chúng tôi. Vì thế chúng tôi không ưa thích các ông đến với chúng tôi nữa, vì chúng tôi sợ các ông đem các ông “quan” đến lấy của cải tài sản, hàng buôn bán của chúng tôi”[56].
Oán hận dâng cao và bộc lộ qua vụ giết ông đồn trưởng Robert ở đồn gần sông Psi.
Đồn này thiết lập năm 1901 trên bờ sông Psi, phụ lưu sông Pơkô, do ông Castanier, công sứ Attopeu, phía bắc vùng truyền giáo của Cha Kemlin Văn. Đồn nhằm mục đích đóng thuế và trấn ngự con đường phía nam thuộc cư dân Sơđang xâm nhập cướp phá Trung Châu và ngăn chận đường xâm nhập của con buôn nô lệ.
Cuối tháng 5-1901, một ông chủ làng Kon-Kơtu gần đồn, báo cho đồn trưởng biết vụ đột kích của người Sơđang đang âm mưu sẽ thực hiện. Ông Robert đề phòng nhất là vào giờ đêm khuya. Nhưng toán người Sơđang đột kích vào ngày 29 lúc 9 giờ sáng, khi toán linh không đề phòng. Ông đồn trưởng Robert bị trọng thương và vài ngày sau bị chết.
Sau khi phá huỷ đồn này, toán người Sơđang quay lại chống đối các vị thừa sai cả vùng Kontum, đặc biệt vùng Sơđang. Họ tấn công Cha Kemlin đang ở  Dak-Drei. Mỗi đêm, đàn bà con nít trong họ đạo phải trốn qua bờ bên kia sông. Tình trạng báo động suốt từ ngày 10-6-1901 đến ngày 13-4-1902. Ngày 24-11-1901, vào 5 giờ sáng, Cha Kemlin bị 450 người Sơđang vũ trang tấn công, nhưng bị đẩy lui[57].
Những vụ tấn công của người Sơđang vào cha Bonnal BỔN tại Đak-Kơna cũng do sự hận thù của họ đối với những việc bất công của đồn lính Pháp tại Dak-Tô gây ra (chúng tôi sẽ ghi chi tiết hơn về vụ này ở phần sau).
Trước những bất công, đàn áp của quân lính Pháp đối với anh em dân tộc, nhất là đối với người Công giáo, đã gây ra thiệt thòi, cản trở công cuộc truyền giáo. Một số người bỏ đạo, số khác không tin vào các vị thừa sai và đạo nữa. Cha Irigoyen phụ trách vùng Sơđang cảm thấy đau khổ, lo lắng trước tình trạng truyền giáo trong vùng. Một mặt người khuyên nhủ, phân tích và sống đời đạo đức, nhân ái giữa cộng đoàn người tín hữu Sơđang; mặt khác ngài can thiệp, tỏ thái độ phản đối lối hành động của một số người Pháp, nhất là những người trong quân đội Pháp. Dần dần, người Sơđang nhận được chân lý lẽ phải. Những làng vũ trang chống các vị thừa sai, dần dần xin tòng giáo. Thành quả này thể hiện qua sự hình thành các địa sở trong vùng.

C. THÀNH QUẢ CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO VÙNG SƠĐANG
 Chính nhờ đời sống tốt lành, khôn ngoan và nhân ái của Cha Irigoyen HƯƠNG đối với anh em dân tộc, đồng thời nhờ ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy, Trung tâm Truyền giáo KONTRANG đã đạt được nhiều thành quả to lớn không ngờ. Như vết dầu loang, các vùng lân cận như Hamòng, nhất là vùng bắc Kontrang dần dần tự ý đến xin “phá yang”, và xin học đạo, tòng giáo. 
(Còn tiếp)
—————————–
[32] Năm Tự Đức nguyên niên, một chiếu chỉ ban hành hồi tháng 8 nhằm bắt bớ các nhà truyền giáo ngoại quốc (x. L.E. Louvet, “La Cochinchine – Religieuse”, Paris 1885, q. II., tr. 173-174).
Năm 1851 là năm Tụ Đức thứ tư, một tờ dụ cấm đạo lần hai (x. Trần Trọng  Kim, “Việt Nam sử lược”, in lần thứ năm, Tân Việt, tr. 487).
[33] x. L.E. Louvet, sđd, tr. 251.
[34] A. Launay, “Histoire générale de la Société de Mission Etrangère”, Paris 1894, Q. III., tr. 413-414.
[35] x. Dourisboure, sđd, tr. 245.
[36] x. Dourisboure , sđd, tr. 244-245.
[37] L.E. Luovet, sđd, tr. 310-312.
[38] Việt theo Doursiboure, sđd, chương XXVI, tr. 254tt.
KONTRANG ở đây là nơi đã dời làng vào cuối năm 1852, nay gần Ngô Trang, vùng làng KONTRANG HO hoặc KONTRANG KEP ngày nay, thuộc xã Dak-Kơla.
[39] x. Compte rendu MEP năm 1875, tr. 35, và năm 1877, tr. 32 và tr. 61.
[40] x. Compte rendu MEP năm 1880, tr. 63-64.
[41] Compte rendu MEP năm 1884, tr. 199.
Cha Pascal Phanxicô ROGER sinh tại Benoist-Vill, thuộc Giáo phận Constances ngày 21-11-1849. Lãnh nghi thức cắt tóc 26-2-1873; thụ phong linh mục 22-5-1875 và vào Địa phận Đông Đàng Trong ngày 30-6 cùng năm. Qua đời năm 1884 tại Kontrang.
Theo Echos của Kontum tháng 4-1944, ngày qua đời của Cha Roger là 15-5-1884.
[42] x. Compte rendu MEP năm 1882, tr. 125.
[43] Annales MEP năm 1882, tr. 289.
[44] Annales id, tr. 289.
Theo Echos de Mission tháng 4-1944, Cha Irigoyen lên vùng Truyền giáo có 20 tín hữu vùng
Sơđang.
[45] Trần trọng Kim, Việt Nam sử lược, in lần thứ 2, Tân Việt, tr. 532-542.
[46] Trần Trọng Kim, sđd, tr. 542.
[47] Trần Trọng Kim, sđd, tr. 656.
[48] Trần Trọng Kim, sđd, tr. 542.
[49] Guerlach, L’Oeuvre néfaste, Sài Gòn 1908, tr. 59: 8 vị thừa sai bị giết; 5 linh mục bản xứ, 60 thầy giảng, 170 nữ tu Mến Thánh Giá và hơn 24.000 giáo dân bị giết; 225 nhà thờ, cô nhi viện, nhà xứ bị tán phá; tất cả các nhà giáo dân bị phá trong 6 tỉnh thuộc địa phận Đông Đàng Trong.
[50] Patrick J.N Tuck, sđd, tr. 573-574.
Xem thêm J.B. Guerlach, sđd, tr. 93tt và tr. 129tt.
[51] x. Echos tháng 7-1945.
[52] x. Nguyệt san Chức dịch thư tín, tháng 5-1935, tr. 297-298; x. Compte rendu 1935, tr. 320;  x. Bulletin MEP 1935, tr. 380.
Cha Irigoyen sinh ngày 21-11-1866 tại Montery, Bayonne, Pháp; vào Hội Thừa sai 22-7-1880; thụ phong linh mục ngày 19-5-1883, đi Việt Nam 20-6-1883; đến Việt Nam 23-8-1883; lên vùng truyền giáo 25-12-1883. Qua đời 21-4-1935 tại Phương Hoà.
[53] Đức CHA Galibert đi kinh lý vùng Bahnar đầu năm 1880.
[54] Compte rendu MEP 1880, tr. 65.
[55] J.B. Guerlach, sđd, tr. 98tt.
[56] J.B. Guerlach, sđd, tr. 113-114.
[57] Id., tr. 120-121. Xem thêm tiểu sử “R. Père Kemlin”, 1875-1925, nhà in Quinhơn, tr. 4-5. 
Lm. Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn


CHƯƠNG NĂM
HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CÁC ĐỊA SỞ VÙNG SƠĐANG (1905-1975)

Chúng tôi xin trình bày các địa sở trong chương V sau đây:
I. Địa sở KONTRANG MƠNEI
II. Địa sở KON-HƠRING
III. Địa sở DAK-KƠNA
IV. Địa sở DAK-MOT
V. Địa sở DAK-CHÔ
VI. Một số địa sở người KINH
.
Trong giai đoạn này, tình thế của đất nước phức tạp, nhất là chính sách của nước Pháp đối với Tây Nguyên. Một mặt, họ chống đối giáo sĩ, bôi nhọ các vị thừa sai, khó dễ đối với tôn giáo hoặc hạn chế người kinh lên vùng Tây Nguyên. đặc biệt, vùng Sơđang thâm ý tạo một vùng đất bất khả xâm phạm của Pháp, như một vương quốc trong một nước; mặt khác, cuộc chiến tàn khốc chống ngoại xâm của người Việt Nam trong những thập niên 40, 50 và trận nội chiến tương tàn trong những thập niên 60-70 mà cao điểm là mùa hè đỏ lửa 1972, chuẩn bị biến cố tháng 3 năm 1975.
Tất cả những biến động đó tác hại rất nhiều lên vùng Sơđang. Tuy nhiên, sự hình thành và phát triển các địa sở vùng cư dân này tiến triển bất ngờ, nhưng vững chắc, nhiều lúc rất sinh động. Thành quả công cuộc truyền giáo là Ân huệ của Thiên Chúa và chỉ phát sinh dưới chân Thập Giá Chúa Giêsu mà thôi. 

          I- ĐỊA SỞ KONTRANG MƠNEI
 1. Sơ lược tiểu sử
Cha Ducateau QUẢNG năm 1905 được gởi đến Trung tâm Truyền giáo KONTRANG lúc đó đặt tại KONTRANG HO, gần NGÔ TRANG ngày nay (thuộc xã Dak-Kơla, khoảng cây số 12 quốc lộ 14), để phụ giúp cha Irigoyen HƯƠNG. Cha Irigoyen nhường cha mới địa điểm này. Phần ngài, ngài lưu động trong vùng để củng cố niềm tin, dạy giáo lý cho những làng mới xin tòng giáo. Ngài mở rộng nhiều làng, phân chia những làng lớn thành những họ đạo nhỏ hơn như đã trình bày trên.
Cha Ducateau hăng say truyền giáo các làng chung quanh và dạy giáo lý. Năm 1910, hai làng xin tòng giáo: KON RƠHĂI và KON-TƠNGANG. Năm 1911, cha tu sửa lại nhà nguyện khang trang hơn, với vật liệu bảo đảm hơn: nhà cũ thành nhà mới[58]. Cũng trong năm đó, Cha đưa Cha BẢO (Cha Charaason) đang bị bệnh về Quinhơn; Cha PRIOU TÀI thay thế thời gian, trông coi Kontrang. Sau đó, ngài trở về nhiệm sở mình[59].
Năm 1913, Đức cha JEANNINGROS, Đại diện Tông toà, cai quản Địa phận Đông Đàng Trong (sau là Quinhơn) đi kinh lý vùng truyền giáo Bahnar, đến thăm Trung tâm Truyền giáo KONTRANG. Giáo dân đón ngài tại DAK-KƠLA (lúc đó nằm tại cây số 12, ngã tư vào Ngô Trang): nào chiêng, nào trống… vui vẻ. Cha Priou TÀI và Cha MINH đến giúp dạy giáo lý thêm sức, giải tội. Tổ chức linh đình chưa từng thấy trên vùng này, quang cảnh lộng lẫy vui tươi và trang trọng. Đức Cha đến, vào nhà nguyện mới sửa. Trong dịp này, ngài ban Bí tích Thêm Sức cho 100 người. Tất cả các làng mới tòng giáo đều có mặt: Kon-Rơhăi, Kon-Tơngnang… và một số lãnh Mình Thánh Chúa. Trong dịp lễ này có một số giáo dân kinh tham dự, tổ chức đoàn tông đồ mừng Đức Cha[60].
Năm 1914, Cha JAMET đến KONTRANG phụ giúp 13 làng đã tòng giáo[61].
Năm 1915, vì thế chiến I xảy ra (1914), lệnh tổng động viên, nên nhiều họ đạo không có linh mục phụ trách. Cha KEMLIN VĂN, Bề trên rời vùng Kontum đến phụ trách Kontrang, một trong những địa sở rộng lớn nhất trong vùng truyền giáo. Ngài hăng say như xưa, vì với tư cách là Bề Trên, ngài càng quan tâm làm gương cho mọi người. Ngài không ngừng đi thăm các cộng đoàn, ban các Bí tích, luôn lắng nghe những khó khăn cũng như những khác biệt không thể tránh khỏi trong xứ truyền giáo. Ngài quan tâm dạy giáo lý trẻ em và theo đường hướng của Đức PIÔ X, lo lắng cho các em rước Mình Thánh Chúa càng sớm có thể. Đó là của ăn sinh sức sống trong nơi còn đầy dẫy mê tín, thực hành những dị đoan.
Năm 1915, làng KON-KƠLOK xin tòng giáo, nhưng mãi thời cha LOUISON mới rửa tội.
Năm 1919, Cha Bề trên KEMLIN trở lại Kontum[62].
Năm 1920, Cha Thiệt đang phụ trách Hamong, kiêm nhiệm Kontrang.
Cha Bề trên muốn chia vùng này làm hai, nên năm 1922 gửi Cha Louison lên Dak-Kơdem. Chẳng may cơ sở của họ đạo bị cháy, nên Cha Louison trở về Kontum. Năm sau (1923), Cha dời nhà lên Kontrang Mơnei (cây số 25 trên trục lộ 14 bên tay phải đi từ Kontum lên) cho trung tâm hơn. Từ đó, địa sở này được đặt tên là địa sở KONTRANG MƠNEI, bao gồm cả vùng cây số 12 (Kontrang Kơla, Ngô Trang…) cũng thuộc địa sở này.
Ngày 1-1-1925, Cha Louison trở về Kontum. Cha Hutinet NHÌ đến đảm nhận xứ này. Chưa đầy một năm, Cha ĐÁNG đến thay làm Cha sở KONTRANG MƠNEI (1926).
Tháng 5-1930, Cha Đáng đổi đến nhiệm sở KON-BƠBAN, Cha THIỆT đến thay thế.
Năm 1932, địa sở KONTRANG MƠNEI do Cha Thiệt đảm trách, có nhiều tiến bộ về mặt diện cũng như chiều sâu. Sau đây là những con số nói lên khía cạnh đó:
Số cộng đoàn: 14
Số giáo dân: 1142 tín hữu dân tộc
240 tín hữu kinh
47 dự tòng
1 nhà thờ
12 nhà nguyện
Giáo phu: 12 người [63]
Năm 1934, làng KON-KƠLO xin tòng giáo. Làng này xưa kia ở bên trên làng Kon-Tơngang khoảng 9 cây số, khó đi lại. Nhưng trong thời gian này, họ đã xuống gần Kon-Tơngang. Làng Kon-Kơlok cũng vậy, nay chịu xuống vùng thấp không còn ở trên núi cao như xưa nữa.
Năm 1937, làng Kon-Brong, Kon Tây, Kon Bô xin tòng giáo. Kon Bô trước kia cũng là Kon Tây, nhưng có chuyện lộn xộn trong làng, ông Bô tách làng dẫn một số người theo ông và ở cách làng cũ 9 cây số.
Năm 1944, địa sở KONTRANG MƠNEI gồm có:
- 13 làng dân tộc tòng giáo
- 2 họ đạo người kinh (Ngô Trang và Võ Định)
- 1.500 tín hữu
Vì thời cuộc cũng như buôn làng hay thay đổi, địa danh KONTRANG vào thời kỳ đầu tiên của Cha Dourisboure đến tạm trú đã thay dời chỗ ở nhiều lần. Vào năm 1923, Cha Louison chuyển địa sở đến KOTRANG MƠNEI lên phía bắc, cây số 25 cách thị xã Kontum. Để chúng ta có một hình ảnh sống động về Kontrang Mơnei, chúng tôi xin ghi lại bài viết của Chương Đài in trong nguyệt san “Chức dịch thư tín” của địa phận Kontum số 70, tháng 2-1939[64].
“Cách đây 10 năm về trước, ai đi qua đường này (vì nhà thờ ở gần đường quan lộ), cách tỉnh Kontum độ 25 cây số, sẽ thấy một nhà tranh nhỏ giữa những đám rừng rậm tranh cao, ngoài ra có một làng dân tộc ở trước con đường ấy và cũng là trước nhà thờ, là làng KONTRANG-MƠNEI. Trong lúc đó chỉ có một mình cha sở tây (…) và một hai người kinh giúp việc, còn là toàn thượng cả, và bây giờ còn thấy một người kinh đầu tuy đã bạc hoa râm, tuổi ngoại lục tuần, song vẫn còn lãnh chức việc trong họ đạo; người này đã theo các cha trước hết và ở họ này đã hơn 30 năm”.
“Thật các Đấng giảng đạo lúc đó rất đỗi cheo leo vì đường sá thì chưa có, phải trèo đèo lặn ải, lại nữa đến nơi đây ngoài các kẻ giúp thì không nói đặng với ai tiếng nào; vì tiếng nói của người thượng khác hẳn với phía Kontum. Sau lần hồi cũng có các người Kinh lên và lập cư ở đây.
“Đất đai thì toàn rừng núi (…) Phần người Kinh mới lên đôi người chưa có đủ sức, lại thêm thổ khí chưa hiền, nên ít ưa giống da vàng mũi tẹt tại miền Cao Nguyên, khí hậu lạnh lẽo khác thường, nên lần hồi phải bị thay đổi màu da, kẻ khác thấy vậy ngã lòng cùng lui đi nơi khác, rất cực, trơ trọi một mình cha sở với ít người giúp việc mà thôi.
“Sau mấy năm gần đây có Cha T cùng về làm cha sở; người ra công đốc xuất dọn lại trong vườn và sửa sang nhà thờ cho có vẻ quang bách hơn. Người cũng lo cho có rẫy, có ruộng, lại người cũng giúp những người di cư cũ quy tụ thành một họ đạo, lo có công ăn việc làm. Có đường quan lộ người kinh lên xuống, nên người Kinh lên đông. Hiện nay nhà thờ đã lập thành cao ráo sạch sẽ và quang bạch giữa trời.
“Ngoài ra, chung quanh nhà thờ lại được một làng người kinh độ 20, 30 nóc nhà tranh và đã có một cổng cao, trên đề mấy chữ “Village VÕ ĐỊNH”, chính người đã dày công khó nhọc lo lắng có các vật liệu nhà cửa vườn tược, nên làng đông xóm vững trong giữa bấy lâu là rừng hoang núi rậm (…). Thật Cha T là cha sở họ này đã mấy năm chăm bề trồng trỉa nay người  mới gặt được một tí của giống mà thôi”.
Cuộc chiến 1945-1946, nhiều địa sở không có linh mục đảm nhận. Các linh mục Pháp bị Nhật bắt áp tải về Nha Trang quản thúc. Vào thập niên 1950-60, nội chiến xảy ra ác liệt  trên vùng Tây Nguyên, nhất là vùng tam biên như vùng Sơđang này.
Năm Cha Leger Lễ phụ trách vùng này tình trạng bất ổn.
Năm 1956, Cha Phêrô Chastanet SẮC phụ trách Kontrang Mơnei. Nhưng riêng hai họ đạo kinh: Ngô Trang và Võ Định (họ Đức Bà) do Cha Xuân phụ trách. Tất cả địa sở này gồm:
+ 2 họ Kinh
+ 8 họ dân tộc
+ 1.380 tín hữu dân tộc và kinh.
+ 13 chú giáo phu.
+ 2 linh mục phụ trách [65]
Vào năm 1972, giáo dân địa sở Kontrang Mơnei di tản xuống thị xã Kontum hoặc đến thị xã Plei-Manăng (tỉnh Phú Bổn) hay đến Đak-Lac (năm 1973). Giữa năm 1975, số đông người di tản, người kinh nhất là người dân tộc dần dần về quê cũ tại vùng Sơđang, còn một số ở lại lập nghiệp tại vùng Ayunpa ngày nay hay vùng Đak-Lac và thị xã KONTUM.

                               1. BẢNG THỐNG KÊ I: ĐỊA SỞ KONTRANG MƠNEI [66]
THONG KE 1
                              2- BẢNG THỐNG KÊ II: KONTRANG MƠNEI từ 1956-1975
                                                       VÕ ĐỊNH - NGÔ – TRANG

                 II – ĐỊA SỞ KON HƠRING[68]
 Năm 1884, Cha Irigoyen HƯƠNG đến KONTRANG truyền giáo toàn vùng như đã trình bày trên. Năm 1891, ngài và Cha Guerlach đến KON-HƠRING “phá yang”, dạy giáo lý. Năm 1904, Cha Bonnal BỔN lên Kontrang giúp Cha IRIGOYEN. Cha Bề trên sai Cha Bonnal ở Kon-Hơring đầu tiên vào ngày 4-4-1904. Nhưng năm sau (1905) nhiều làng xin tòng giáo. Nên tháng 10 cùng năm, Cha Bề trên Vialleton Truyền quyết định Cha Bonnal đến DAK-KƠNA phụ trách và thành lập xây dựng địa sở này. Còn Cha Irigoyen phụ trách Kon-Hơring vào năm 1906, còn Cha Ducateau QUẢNG phụ trách Trung tâm Truyền giáo KONTRANG (sau này vào năm 1923, Cha Louison lên Kontrang Mơnei, thành địa sở KONTRANG MƠNEI).
1. Tình hình chính trị
Những biến động sau vụ tàn sát đồn trưởng Robert (1901), oán hận của người dân tộc lan đến các vị thừa sai (như đã trình bày trên). Cha Irigoyen như niên trưởng trên vùng này, ngài có trách niệm vãn hồi trật tự cũng như tìm một phương hướng truyền giáo có hiệu năng. Sau khi tạm đủ nhân sự phân bổ những điểm truyền giáo cần thiết, ngài theo phương pháp truyền giáo “di động”, đi nhiều nơi để rao giảng Lời Chúa, đồng thời tìm hiểu những nguyện vọng chình đáng của người dân tộc để trình bày và giải quyết kịp thời. Do đó, dần dần nhiều làng người dân tộc xin tòng giáo.
2. Thành quả truyền giáo
Vào năm 1902 làng Dak-Kang Peng xin tòng giáo. Năm sau (1903), làng Dak-Kang Iop xin “phá yang” ngay sau vụ giết hại ông Robert. Cũng có những làng tham dự vào vụ giết này xin tòng giáo, như nói lòng tin tưởng vào đạo giáo là chân thật và như phân trần về sự hiểu lầm đối với các vị thừa sai.
Năm 1913, Đức cha Jeannigros đi kinh lý đến Kon-Hơring, ban Bí tích Thêm Sức. Mọi người vui vẻ hồ hởi. Những đoàn người già trẻ trai gái sung sướng gặp mặt vị Chủ chăn.
3. Cha Irigoyen hăng say dạy giáo lý. Ban ngày thầy trò theo dân làng ra nương rẫy lao động, câu cá. Khi công việc đồng áng xong, dân làng về ăn uống. Sau khi mọi việc thường nhật xong, ngài quy tụ dự tòng hoặc trẻ em đến học giáo lý[69]. Nhiều lúc mùa vụ cấp bách, khi cần thiết, ngài còn dạy giáo lý nơi nương rẫy vào giờ nghỉ ngơi.
Để khuyến khích cho giáo phu tương lai, ngài tạo điều kiện và mời trường CUENOT thường xuyên đến tham quan Kon-Hơring[70]. Như vậy, tín hữu trong họ đạo cũng cảm thấy phấn khởi, nhất làm các em học sinh trai vui thú, thấy được khía cạnh liên đới của Giáo hội địa phương. Kon Hơring cung cấp số lớn trẻ học sinh vào trường CUENOT để đào tạo thành giáo phu sau này.
Năm 1918, Cha Bonnal đau yếu, phải đi tĩnh dưỡng, Cha Irigoyen kiêm nhiệm địa sở Dak-Kơna trong một thời gian.
Suốt thời gian truyền giáo cực nhọc, vất vả, sức khoẻ của ngài giảm sút, nên Cha Bề trên cho ngài về phụ trách một họ đạo người Kinh – Phương Hoà – vào năm 1920 để nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Tuy nhiên, trong nhiệm sở mới, ngài làm được nhiều việc quan trọng và nặng nhọc như xây dựng ngôi thánh đường hiện nay của Phương Hoà, xây dựng họ đạo Ruộng Lào[71]. Ngài qua đời 21-4-1935 tại Phương Hoà.
4. Sau khi Cha già Irigoyen về Phương Hoà, Cha Hutinet NHÌ hăng say, dũng cảm được điều động về phụ trách Kon-Hơring và Dak-Kơna. Nhưng vì ngài không thông suốt thứ tiếng địa phương này, nên trong 5 năm các địa sở vùng này thiếu linh mục có hiệu năng.
5. Năm 1933, Cha Stutzmann BÁU đến phụ trách Kon-Hơring. Sau đây là thành quả sau những năm tháng truyền giáo.
+ Họ đạo: 10
+ Tin hữu dân tộc: 1.466 người
+ Tín hữu Kinh: 20 người
+ Dự tong: 702 người
+ Giáo phu: 15 chú
6. Năm 1933, địa sở Dak-Kang tách khỏi Kon-Hơring và Cha LÊ VĂN NHẠN phụ trách địa sở mới này[72] (xin xem bảng kê số 5 và số 6 say đây).
Năm 1937, Cha Stutzmann vẫn tiếp tục phục vụ tại nhiệm sở của ngài và còn quan tâm truyền giáo thung lũng PXI. Cả vùng này nhiều làng dân tộc[73]. Cánh đồng truyền giáo bao la.
7. Năm 1944, Cha Phêrô Nguyễn Trọng ÂN đang phụ trách địa sở này, thế chiến xảy ra. Thời cuộc phức tạp. Các vị thừa sai bị quân Nhật bắt áp tải về Nha Trang (1945-1946). Cha gặp nhiều khó khăn. Kon-Hơring thiếu linh mục coi sóc một thời gian.
8. Năm 1947-1970. Sau khi hoàn cảnh an ninh cho phép, Cha BRICE VĂN lên phụ trách địa sở Kon-Hơring. Suốt thời gian nội chiến trong vùng mất an ninh, ngài gặp nhiều trạng huống nguy hiểm. Nhưng nhờ ơn Chúa, ngài vượt qua mọi hiểm nghèo để ở giữa đoàn chiên của mình.
Năm 1970, ngài cho biết ngài tạm yên tâm đôi chút trong năm nay, vì trong năm trước (1969) 7 cuộc tập kích trong 4 tháng liên tục. Dẫu vậy các trường học được mở lại với số học sinh là 600 em (750 em vào tháng 2-1969). Một thiệt thòi cho họ đạo: thầy BOM, 75 tuổi, một thầy giảng khá nhất, đạo đức đã qua đời vào tháng 3-1970[74].
Năm 1972, vào mùa hè đổ lửa, toàn vùng Sơđang mất an ninh, chiến cuộc ác liệt xảy ra gây chết chóc. Giáo dân Kon-Hơring, địa sở Kon Kang chạy sơ tán về Kontum tá túc tại Chư Pao. Vị chủ chăn cùng chia sẻ nỗi khổ cực và thiếu thối với đoàn chiên đến năm 1975.
Số giáo dân cuối năm 1974 đầu năm 1975: 2.190 người.
Sau biến cố năm 1975, giáo dân hồi cư về quê cũ với cảnh đổ nát của ngôi thánh đường, các cơ sở vật chất khác, nhất là thiếu chủ chăn đã từng chia ngọt sẻ bùi trong những năm loạn ly. Nhưng lòng tin của anh em dân tộc vẫn kiên vững và can đảm tin vào Đức Kitô là Cứu Chúa của mình. Từ năm 1975, giáo dân cả vùng Sơđang vượt qua mọi khó khăn để đến Nhà thờ Chánh toà Kontum lãnh các bí tích.
Năm 1996, Đức cha dàn xếp cho Cha Simon PHAN VĂN BÌNH lên ở tại KON HƠRING lo cả vùng Sơđang, và đã nhiều lần đặt vấn đề nhu cầu khách quan về mặt tôn giáo của anh em tín hữu vùng cực bắc Kontum với Uỷ ban tỉnh Kontum, nhưng chưa được giải quyết thoả đáng.

                         3- BẢNG THỐNG KÊ III: ĐỊA SỞ KON-HƠRING[75] 
THONG KE 3
                     4- BẢNG THỐNG KÊ IV: KON HƠRING từ 1947-1975[76]
THONG KE 4
                           5- BẢNG THỐNG KÊ V: ĐỊA SỞ DAK-KANG
THONG KE 5
                  Địa sở Dak-Kang tách khỏi Kon-Hơring vào băm 1933, trừ Dak-Dao tách khỏi Dak-Mot năm 1944.[77]
THONG KE 6
                            6- BẢNG THỐNG KÊ VI: DAK KANG từ năm 1947-1975
THONG KE 7
          Năm 1973 các địa sở Sơđang di tản về thị xã Kontum vì chiến cuộc[78].

                       III- ĐỊA SỞ DAK-KƠNA 
 Trong hoàn cảnh phức tạp và khó khăn một mặt do tập quán, đời sống kinh tế người dân thấp, mặt khác vào thời điểm Pháp đóng quân trên vùng SƠDANG quân lính Pháp đã gây bất công, gieo sự oán hận, va chạm trầm trọng tâm lý người dân tộc. Do đó, có một thời gian việc trở lại đạo của người dân tộc bị ngưng trệ và hầu như vô vọng. Nhưng sự hình thành địa sở ĐAK KƠNA cũng như các địa sở sau này nói lên một điều hiển nhiên, làm cho chúng ta xác tín công việc trở lại không phải là công trình của nhân loại mà của THIÊN CHÚA. Sau đây chúng tôi xin trình bày quá trình hình cũng như phát triển địa sở ĐAK KƠNA, dựa vào tài liệu đang lưu trữ tại TGM Kontum[79]

                      A- QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH (1905-1932)
 Làng KON HƠRING đông dân (800 dân) ở 30 cây số phía bắc KONTRANG nơi Cha Dourisboure xây dựng vào năm 1854, cũng là nơi cha Irigoyen đang ở (1884-1904). Năm 1904, nhiều làng lân cận khác xin trở lại đạo. KON-HƠRING thành một Trung Tâm của địa sở mới. Chính Cha Bonnal BỔN được chỉ định ở chỗ đó như người tiên khởi chức thức ngày 4-4-1904.
1. Những hy vọng phấn khởi đầu tiên
Một năm sau (1905), vào một ngày đẹp trời, đoàn người đại diện thượng Sơđang đến gặp cha Bonnal. Cha chẳng biết tí gì về những con người này. Ngài ngạc nhiên khi nghe nói họ ở làng DAK-KƠNA đến xin một đặc ân: được tòng giáo. Vui mừng tràn ngập trong lòng linh mục trẻ. Ngài hẹn ngày đến thăm làng này, khoảng 15 cây số về hướng bắc. Ngài kể:
“Thứ năm ngày 21-9-1905, chúng tôi đi “phá yang” những linh vật của làng Dak-Kơna. Dân Kon-Hơring muốn hộ tống chúng tôi bằng vũ khí, vì sợ một cuộc tấn công của người Sơđang.
Sau khi đã thương thảo việc phá yang, việc phá yang tiến hành dễ dàng. Trong các thúng đựng linh vật, có những sừng nai rừng, dê rừng, những chiếc rìu bằng đá… tất cả những vật đó bị đốt hay ném vào rừng.
Chú giáo phu chuẩn bị dạy giáo lý và rửa tội”.

TRỞ LẠI LIÊN TỤC
Các làng trong thung lũng ĐAK TƠKAN muốn theo đạo, nhưng vì thiếu nhân sự, nên cần chuẩn bị từ từ. Bốn làng xin tòng giáo: ĐAK-RƠNU, DAK-TÔ, KON-BRING và DAK-CHÔ.
 Bổ nhiệm Cha Bonnal
Tháng 10 năm 1905, Cha Bề trên Vialleton quyết định các làng mới tòng giáo sẽ thành một địa sở riêng, lấy DAK-KƠNA làm trung tâm. Cha Bonnal lo việc tổ chức, điều hành địa sở mới này. Ngài viết lại thời kỳ này khi ngài đến DAK-KƠNA như sau:
“Tôi đến DAK-KƠNA với một số hành lý mà tôi đã có như mới đến vùng truyền giáo, không hơn không kém. Hai chú giáo phu người thượng thuộc địa sở Kon-Hơring được Cha Irigoyen để tôi tự do dùng, hai người giúp Việt Nam và một số trẻ em thượng theo tôi. Chúng tôi ở trong một xứ hoàn toàn mới lạ và vui sướng về sự sai phái đượm một tí vinh dự này.
“Vừa đến nơi, cần phải nghĩ đến làm một chỗ nương thân bằng cách nào đó dù là tạm thời. Điều đó không lâu la vì chẳng ai tỏ ra khó khăn cả và đã có một nơi, không thể làm tốt hơn bằng cách nào khác được. Tôi giữ với tôi một trong những chú giáo phu này, người khác phải ở làng DAK-RƠNU.
“Ở trong một túp lều thượng mà mưa nắng gió lạnh nóng đều lọt vào như vào chòi của họ; lại gần mép rừng, cây cối đe doạ mái nhà tôi; tôi ngăn hãm được cơn sốt rét mà lâu đã  khỏi, ít xảy ra. Lúc đó, tôi thường đi thăm những làng khác. Trong mỗi làng, người ta làm cho tôi một cái lều. Người Dak-Kơna mau thuộc biết kinh nghĩa. Làng Dak-Rơnu cũng vậy”.
 2. GIEO TRONG NƯỚC MẮT
Hoa quả của công cuộc truyền giáo chỉ trổ sinh dưới bóng “Cây Thánh Giá”.
Những năm đầu khổ não.
Gần một năm sau khi đến Dak-Kơna, một đám cháy đã thiêu rụi hết các nhà cửa của dân làng. Ngài cố gắng lắm mới cứu được cái chòi của mình. Chiều về, dân làng chứng kiến đống tro tàn, những hàng cột đen còn ngút khói như xâm chiếm tâm hồn ngài. Một nỗi buồn xâm nhập cả thân thể ngài. Dân làng nghĩ gì đây?
Bệnh tật của ngài là thánh giá ngài phải vác triền miên.
Có thể nói suốt 14 năm trên vùng truyền giáo, không có ngày nào ngài được mạnh khỏe hoàn toàn. Ngài cố gắng chu toàn công việc truyền giáo như ngài có thể, chứ không như ngài mong muốn. Biết bao lần ngài bị kiệt sức và được người ta đưa ngài về Kon-Hơring để tĩnh dưỡng.
Lao tâm còn hãi hùng hơn.
Đối với những người mới được đến truyền giáo, họ tỏ ra khó bảo, khó thương, nằm ì trong tính kiêu hãnh cố hữu của họ. Hạnh kiểm một số làng có đạo không được tốt.
Cha không ngừng sống trong canh chừng giữ miếng, sẵn sàng đối phó, một tình trạng căng thẳng khó chịu trong hầu hết mọi lúc khi ở Dak-Kơna: sợ bị tấn công bất ngờ như cha Kemlin ở Dak-Drei. Biết bao đêm ngài thức trắng, nằm trong chòi canh. Nỗi lo sợ gia tăng khi người ta báo cho biết bọn cướp tàn phá chỗ này, đốt phá làng kia, chém giết làng nọ, bắt thanh niên thiều nữ bán nơi khác làm nô lệ.
Tại Dak-Tô, chỗ cha mới khai phá, lại có một đồn canh của quân Pháp gây ra buồn phiền cho cha như đã làm buồn phiền các cha khác. Ngài viết:
“Vừa lập xong đồn, ông đồn trưởng đầu tiên vừa nghe biết có 5 làng đã theo đạo, vội vàng ra lệnh cho chủ làng phải đến ngay. Ở đây, người ta nói với họ: họ có thể tiếp tục vất vả làm này cho ông cha này, ông cha nọ, và tiếp tục đọc kinh, nều muốn, tuỳ ý. Nhưng điều chính yều của họ là phải thường xuyên mang đến đồn hoa quả của họ, dưới hình thức đóng thuế. Nên, chính những người tân tòng là những người đầu tiên phải bị đóng thuế cho nhà nước. Cách cư xử như thế không khuyến khích những làng bên lương trở lại đạo; trong lúc đó, các làng bên lương không phải chịu nộp các loại này. Tân tòng chúng tôi tự hỏi tại sao chỉ có những làng Công giáo phải trình diện tại đồn? Tôi coi việc này như một sự nhiễu hại và họ nghĩ vẩn vơ. Còn tôi, tôi tức giận!”.
 3. Những tia sáng mặt trời
Năm 1913, sau khi thụ phong Giám mục, Đức cha Jeanningros đi thăm miền truyền giáo dân tộc. Tại Dak-Kơna, Người ban Bí tích Thêm Sức cho 70 người. Đây là lần đầu tiên Dak-Kơna được diễm phúc này. Đức Cha đến chia sẻ vui buồn, có đông đảo anh em linh mục đến chung vui trong ngày trọng đại này. Cha sở cảm thấy bù lại được phần nào cho những vất vả trong những năm tháng qua.
Ngài cũng cũng sung sướng nhận thấy các tân tòng của mình không ác tâm. Nói chung, họ là những con người đơn thật.
Với thời gian tận tuỵ hy sinh trôi qua, sức khoẻ của ngài ngày càng suy yếu. Đầu năm 1918, ngài xanh xao, gầy mòn, không thể đảm nhận Dak-Kơna, nên phải về tĩnh dưỡng và phụ trách họ Phương Quý: lìa xa giáo dân thân yêu của ngài. Số giáo dân Dak-Kơna khoảng 500 tín hữu.
Sau khi ngài rời khỏi Dak-Kơna, địa sở này rơi vào tình trạng đen tối, đáng thương. Địa phận thiếu linh mục, không ai có thể thay thế cha được. Cha Irigoyen đã già, mệt mỏi đang phụ trách Kon Hơring thỉnh thoảng lên thăm Dak-Kơna đôi lần.
Vào năm 1920, Cha Irigoyen đau yếu phải về Phương Hoà. Cha Hutinet NHÌ can đảm thiện chí nhận địa sở Dak-Kơna và Kon-Hơring. Nhưng vì không biết nhiều thứ tiếng địa phương này, nên 5 năm không có mục tử hiệu năng cho những địa sở này.
Trong thời gian này, lợi dụng tình thế thiếu sót, các thứ thờ vơ tin nhảm, tế trâu phát sinh nhiều nơi trong địa sở.
 4. Cha Bề trên phụ trách, cho Cha LARDON lên đảm nhận
Tháng 2-1921, Cha Chính KEMLIN cảm thông với địa sở xấu số này. Người đã rút Cha Ladon khỏi địa sở KON-BƠBAN và sai đến DAK-KƠNA thay Cha Hutinet. Một nghi lễ đơn giản bổ nhiệm cha. Nhưng cha nhận thấy mình đứng trước một hoàn cảnh không mấy lạc quan. Ngài can đảm nhìn thẳng vào thực tế.
Vô phúc thay, chính ngài nữa cũng không có một sức khoẻ dồi dào; sống ở miền rừng núi Kon-Bơban gần 20 năm làm ngài kiệt sức. Dẫu vậy, ngài can đảm bắt tay vào công việc mục vụ và truyền giáo.
Trong hoàn cảnh như vậy, ngài ở tại Dak-Kơna không đầy 2 năm. Ngài không đủ thời giờ để ý đến đoàn chiên mới của ngài, một đoàn chiên lúc đó không mấy lôi cuốn.
Bắt đầu năm 1923, cha kiệt sức, xanh xao phải qua Pháp hy vọng hồi sức. Nhưng ngài qua đời ngày 26-4-1924 tại Montheton.
Ra đi gieo Tin Mừng trong mồ hôi, nước mắt đã bắt đầu và còn kéo dài nữa. Những năm tháng không có chủ chăn trở lại trên phần đất Dak-Kơna.
Cha Louison lúc đó phải lo địa sở Kontrang, nhiều lần đến ban các Bí tích cho địa sở bỏ trống này. Có nhiều lần ngài bị tai nạn: ghe lật, bị cuốn theo dòng nước chảy xiết. May thay, chú NOI theo giúp cha đã cứu cha. Cha có công rất lớn lo lắng cho địa sở này đến năm 1924. Hạt giống Tin Mừng vẫn sống động chỉ vì thời giờ Chúa chưa đến.
5. Một chủ chăn mới.
Ngày 13-7-1923, vị thừa sai trẻ tuổi – Cha Phaolô CRÉTIN XUÂN đến Kontum. Ngài 31 tuổi. Chúa chuẩn bị cho ngài sức chịu đựng nơi rừng rú này. Ngài bị lưu đày khổ sai gần 4 năm tại Đức quốc.
Sau một vài tháng học tiếng Bahnar ở Kon Sơlăng và tiếng Rơngao tại Kon-Hơring, ngài được chỉ định đến địa sở Dak-Kơna. Ngày 24-4-1924, ngài đến sống duới mái nhà cũ của cha Bonnal đã bỏ hoang từ nhiều năm. Những năm đau khổ cùng cực, dấu hiệu chắc chắn những thành quả mai sau.
Vì mất sức trong tù chiến tranh, khổ cực thể xác và đau khổ tinh thần, ngài có sức khoẻ tàn lụi dần, nhất là phải chống lại bệnh sốt rét rừng, những vết lở lói, bệnh trĩ… Ngài phải đi chữa trị nhiều lần.
Với sự hăng say, đời sống đạo đức sâu sắc ảnh hưởng đến số giáo dân lơ là. Từ năm đầu, số giáo dân rước lễ tăng lên 5 lần, nhưng đó chỉ là những đóm lửa bắt đầu đốt lại. Ngài viết:
“Một phần ba tín hữu đến dự lễ ngày Chúa Nhật, trong tuần không có ai rước lễ. Kinh chiều chỉ đọc ở nhà công cộng, nhưng chỉ có các em và thanh niên mà thôi. Dị đoan quá nhiều, sống bất hợp pháp vô kể; tất cả các điều đó là do địa sở này bị bỏ quá lâu năm”.
Cha được các giáo phu tận tình giúp đỡ và khi các chú giáo phu vắng, một số học sinh trường Cuenot đến yểm trợ giúp ngài. Tuy nhiên giáo dục gia đình còn nhiều tệ đoan mê tín đã phá hoại một phần nền giáo dục Công giáo mà số học sinh này đã tiếp thu được.
Nhờ cố gắng và kinh nguyện của cha, đời sống họ đạo tăng dần.
Số lần rước lễ trong 4 năm đầu gia tăng:
Năm 1924: 323 lần
Năm 1925: 927 lần
Năm 1926: 1.454 lần
Năm 1927: 1.699 lần
Giới trẻ không chấp nhận lối cúng tế ngẫu tượng, tế trâu và bôi máu vật sát tế.
Gặp khó khăn vì thái độ thù địch của ông đồn trưởng quân đội Pháp. Năm 1927, ông đồn trưởng bắt nhốt một em bé Công giáo đang bắt cá ngoài sông và giải về Kontum cách đó 53 cây số, không cho ăn uống dưới trời nắng như thiêu đốt.
Năm 1925, an ủi cho cả vùng Dak-Kơna, vì Cha Bề trên vùng truyền giáo đi thăm và ban Bí tích Thêm Sức cho 162 tín hữu. Đây là lần thứ hai cách đó 14 năm về trước. Mọi người phấn khởi. Giáo dân đến chật ních nhà nguyện.
Trong 7, 8 năm đầu, cha sống không phải khi nào cũng được an ủi như vậy. Ngài có cảm giác dẫm chân tại chỗ. Các làng ngoại như bị đóng kín. Địa sở chỉ có 5 làng đã trở lại đạo cách đây 25 năm về trước (1905). 

                    B. GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN (1932-1936)
1. Cuối cùng một mùa gặt hái trong hoan lạc
Đầu năm diễm phúc 1932, cuối cùng Chúa thương đến nỗi lo âu của vị thừa sai của Người.
Trong suốt 25 năm dài, tâm não các buôn làng lương dân có đổi thay. Họ thấy các vị thừa sai tốt lành, tận tuỵ với các tín hữu. Các cụ già bảo thủ dần dần qua đời. Giới trẻ mong ước cái mới đang vươn lên và làm cho phong trào tòng giáo dễ dàng.
2. Ơn Chúa đầu tiên phát khởi
Một ngày trong tháng 4-1932, làng bên lương Dak-Rơman Iop cách Dak-Chô 5 hay 6 cây số đang tổ chức lễ hội. Một trong số chú giáo phu sốt sắng PHÊRÔ DRÉ đến với họ. Trong lúc các gia trưởng họp trong nhà rông, chú khuyên nhủ họ theo đạo. Rất ngạc nhiên, họ chất vấn cho qua loa nhưng đầy thiện cảm.
Chú vội về cách đó 10 cây số để trình lại cho cha sở. Ngài ngạc nhiên vì cách đó không lâu, cha có đến làng này khuyên họ, nhưng họ chối khéo.
Ngài ấn định đến thăm, cuộc đón tiếp niềm nỡ. Họ khẳng định lại  muốn xin “đọc kinh”. Chú giáo phu giàn xếp mọi việc và tiến hành phá Yang như đã thoả thuận. Mọi người vui mừng.
3. Những cành cây đã mọc
“Gieo trong nước mắt, gặt trong hân hoan”. Trong mấy tháng từ 5 làng Công giáo vọt lên 12 làng; dân số từ 700 người đến 2.064, gồm tín hữu và những người muốn tòng giáo. Họ bằng lòng cho con họ dưới 7 tuổi được rửa tội; họ chấp thuận làm nhà nguyện trong làng họ và đa số họ ghi tên vào sổ dự tòng, những làng sau đây:
+ Dak-Rơman Iop; Dak- Rơman Peng; Dak Long; Dak Mot; Dak Tơmbiu; Dak Rơlang và cuối năm có 3 làng khác trở lại: Dak Tong, Dak Mot Kram và Dak Brao.
Những năm kế tiếp có 20 làng nữa với 1844 tín hữu và 1.005 dự tòng. Cộng thêm những làng cha đã nhận vào Giáo hội, còn trất nhiều làng khác cũng muốn nhận cùng Ân huệ của Chúa như những làng trên.
Điều làm cho ngài lo lắng không phải vì thiếu thiện chí, mà là vì thiếu nhân sự, thiếu giáo phu có khả năng, vì mỗi làng trở lại không thể không có một thầy đến phụ giúp ngay. Ngoài ra, sức khoẻ không cho phép: không thể phát hoang rồi để đó, cỏ cũng mọc lên thôi. Vấn đề quan trọng là khâu tổ chức.
4. Chúa đã thiết lập Giáo hội và các Bí tích. Con người cần sự nâng đỡ của cộng đoàn. Cha chẳng những là người gieo vãi hạt giống Tin Mừng mà còn là người tổ chức nữa.
Dạy giáo lý cho dự tòng, cho trẻ em… Tổ chức đời sống phụng vụ. Mặt xã hội cũng là vấn đề được đặt ra cho công tác truyền giáo. Truyền giáo không chỉ rửa tội cho cá nhân, mà rửa tội cho cả lối sống của một xã hội. Vì thế vấn đề mê tín tệ đoan xã hội đều có liên quan đến tổ chức Giáo Hội, cụ thể là địa sở của ngài.
Hầu hết các báo cáo ghi trong Compte rendu, ngài luôn trở lại vấn đề mê tín dị đoan, tập quán xấu, tệ đoan xã hội.
“Năm 1935 – Thiện chí của các làng mới để đón nghe lời giáo huấn và sửa mình. Dầu vậy, chỗ nào cũng thế, ma quỷ cố kiềm hãm một số dự tòng của tôi hoặc vì tính kiêng nể người khác hoặc cứng đầu.
“Năm 1938 – Sự cứu rỗi các linh hồn không kết thúc ở phép rửa tội, ma quỷ còn lâu mới buông thả. Nó quan tâm đến những người già cả để ngăn cản công trình của Thiên Chúa”.
Nói cách khác, mê tín đã ăn sâu trong nếp sống của họ, đó là sự cản trở cơ bản và lâu dài để một người dân tộc thành Kitô hữu thật sự và tiến bộ.
Để học giáo lý, cũng như thoát cảnh mê tín dị đoan, thăng tiến xã hội, cần biết chữ. Đa số dân mù chữ. Trong tình trạng mù chữ, cách học giáo lý tốt nhất là lặp lại nhiều lần và học thuộc lòng. Vì thế, vai trò của chú giáo phu cực kỳ cần thiết.
Tổng kết năm 1933, nhân dịp lễ phong chức Giám mục của Đức cha Jannin, Đại diện Tông toà, Giám quản Địa phận Kontum:
Dak-Kơna có: 16 họ đạo, 1.086 tín hữu dân tộc, 20 tín hữu Kinh, 1.411 dự tong.
5. Địa sở Dak-Kơna phát triển và chuyển hoá
Vậy từ năm 1932 trở đi, với sự hy sinh kiên trì, nhờ lời cầu nguyện của Cha CRÉTIN XUÂN, của các chú giáo phu và nhờ ơn Chúa thương ban, Dak-Kơna đã đâm hoa kết quả. Cha phải lo lắng quá nhiều cho 4.000 giáo dân và dự tòng, phân tán trong 20 làng cách xa nhau. Vậy là cần phải chia địa sở ra làm hai. Giai đoạn thành quả tốt đẹp.
Vào tháng 3-1936, địa sở Dak-Kơna hoá thân làm hai địa sở trẻ trung, đầy khí thế đi lên. Dak-Kơna trở thành một họ lẻ sát nhập địa sở DAK-MÔT. Lịch sử địa sở Dak-Kơna được kết thúc tốt đẹp. Chúng ta xin tạ hồng ân Thiên Chúa vì chính Người là tác giả của trang lịch sử tốt đẹp và đầy tình ưu ái đối với các vị thừa sai đã gieo trong nước mắt, nhưng gặt trong hân hoan. Chúng tôi không ghi lại bảng kê về quá trình tiến triển của Dak-Kơna, nhưng đó cũng chính là giai đoạn đầu từ năm 1905 đến 1936 của hai địa sở DAK-MÔT và DAK CHÔ được chúng tôi ghi sau đây.

              IV. ĐỊA SỞ DAK-MÔT[80]
Đức cha JANNIN, Đại diện Tông toà, Giám quản Địa phận Kontum, chính thức chia địa sở DAK-KƠNA thành hai địa sở vào tháng 3-1936:
1. Một ở phía đông, có quốc lộ 14, xuyên từ đầu này qua đầu khác là họ DAK-CHÔ như trung tâm. Cha RENAUL, linh mục trẻ, hăng say đến Địa phận Kontum tháng 10-1930 phụ trách địa sở DAK-CHÔ này, gồm 13 họ đạo, có 4 họ cũ và 9 họ mới, với 1.108 tín hữu và 894 dự tòng.
2. Một địa sở còn lại ở phía tây, ngã sông PƠKÔ, có làng DAK-MÔT quan trọng là trung tâm. Cha CRÉTIN nhận địa sở này gồm trung tâm cũ là Dak-Kơna và 8 họ đạo hoàn toàn mới với 917 giáo hữu và 952 dự tòng.
1. KHỞI ĐẦU ĐỊA SỞ DAK-MÔT
Trung tâm địa sở phía tây – một địa điểm đẹp, tại một làng lớn nhất cả vùng và hầu như nằm ở trung tâm địa sở. Làng này nằm trên những sườn đồi gần sông Pơkô xinh đẹp.
Cha Crétin thiết lập trước tiên nơi đây một túp lều dân tộc nghèo nàn, nhưng rộng rãi để ở và có thể bắt đầu dạy giáo lý cho những người mới trở lại. Trước nhất, cần làm một nhà nguyện khang trang sạch sẽ hết sức có thể, để Chúa hiện diện giữa cộng đoàn. Sau đó, ngài xây cho các chú giúp việc một mái nhà đơn sơ, nhưng vững chắc. Đối với ngài, ngài luôn ở trong lều cũ. Chỉ 2 năm sau, ngài mới tính đến việc xây dựng một ngôi nhà không xa lạ với chúng ta, nhưng xếp đặt thuận lợi.
Trước đó 5 năm, không có một tín hữu. Nhưng năm 1936 đã gần 1.000 tín hữu. 
2. PHÁT TRIỂN ĐỊA SỞ
Năm 1939, địa sở còn tăng thêm 3 làng mới: DAK-RAO, DAK-TANG và DAK PHUN. Như vậy địa sở có 12 họ đạo bên hữu ngạn sông Pơkô và 3 họ đạo bên tả ngạn sông, với 1.328 tín hữu và dự tòng, tổng số lên tới 2.256 người. Số rước lễ trong năm là 5.336 lần, đó là bằng chứng thăng tiến trong họ đạo.
Cuối tháng 3-1939, Đức cha JANNIN đã chính thức đi thăm địa sở mới này và ban Bí tích Thêm Sức cho 410 người. Như thế, công trình của Thiên Chúa tích cực tiếp nối trên vùng người Sơđang. 
3. CÁC VỊ THỪA SAI KẾ TIẾP NHAU
Năm 1941, Cha Rơmeuf đến học tiếng tại nhà xứ Cha Crétin. Nhưng năm sau, người đổi đi nơi khác vùng cư dân Rađê. Cha Antôn NGÔ ĐÌNH THẬN lên đảm nhận địa sở vùng này vào năm 1942. Một năm sau, Cha NGỌC (1943). Đến năm 1946, Cha THỌ đến đảm nhận địa sở này trong hoàn cảnh chiến tranh gay gắt và nguy hiểm. Sau đó, Cha BEYSSELANCE đến phụ trách địa sở cho đến năm 1975. Trong hoàn cảnh chiến tranh phức tạp và nguy hiểm, ngài đã giữ vững lòng tin cho tín hữu, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi trong thời gian biến động. Năm 1970, quận Dak-Tô chiến tranh leo thang, nhưng địa sở DAK-MÔT tương đối yên tĩnh hơn so với những vùng chung quanh. Tuy nhiên, sinh hoạt tôn giáo không mấy được khích lệ. Theo Compte rendu 1970, tr. 108:
“Rượu mạnh làm cho con tim và thân xác thích thú hơn các nghi thức phụng vụ”.
Mùa hè năm 1972, chiến cuộc ác liệt, toàn vùng Dak-Tô ngập trong khói lửa chiến tranh. Giáo dân Dak-Môt phải lìa nơi chôn nhau cắt rốn, di tản về thị xã Kontum, để rồi sau đó phải tha hương cầu thực tại tỉnh Dak-Lắk, sống vất vưởng đến ngày nay. 

THONG KE 8
                Trong năm 1936, địa sở DAK-KƠNA được chia làm hai:

                1/ Địa sở DAK-MÔT. 2/ Địa sở DAK-CHÔ.
                              8- BẢNG THỐNG KÊ VIII: ĐỊA SỞ DAK-MÔT năm 1947-1975.[82]
THONG KE 9
         IV- KHỞI ĐẦU ĐỊA SỞ DAK-CHÔ
 DAK-CHÔ là một làng gần 250 dân, nằm ở phía tây bắc thị xã Kontum 60 cây số, ven quốc lộ 14 – con đường giao thông quan trọng đến vùng Tây Nguyên và đến cực bắc Tây Nguyên.
Cư dân trong địa sở này gồm những người Sơđang.
Địa sở mới này được đâm chồi nảy lộc nhờ sự trở lại của một số làng: DAK HRÂP, DAK BREI gồm những xóm DAK KƠXA, DAK RƠMO và DAK RƠTA IE. Vậy năm 1939, dân số lên tới 2313 người gồm 1324 tín hữu và 909 dự tòng. Tất cả những làng còn bên lương tự ý họ xin tòng giáo. Nếu chúng ta có nhân lực và vật lực như ý muốn, còn có thể thành lập một địa sở tốt đẹp tại nguồn sông DAK-TƠKAN.
Linh mục thừa sai RENAUD đến DAK-CHÔ vào mùa phục sinh 1936, ở trong một túp lều tranh do bàn tay các tín hữu họ sở tương lai của ngài làm nên. Túp lều rất đơn giản, gồm hai phòng nhỏ: một dành cho cha sở, một dành cho các người giúp việc. Cách đó một 100 mét là một nhà nguyện nhỏ, đơn sơ như trong bao nhiêu họ sở nhánh khác. Cha sống chật vật và chật chội, nhưng ngài vui vẻ trong cuộc sống bổn phận của ngài. Dầu vậy, cơ sở này không hợp và không đủ cho một trung tâm của một địa sở lớn. Cần làm khá hơn nữa.
Cha hăng say và đủ khả năng bắt tay vào việc một cách dứt khoát. Cây gỗ đủ để xây cất các cơ sở tôn giáo: nhà thờ, nhà xứ…
Thứ 4 Phục Sinh năm 1939, Đức cha JANNIN với các linh mục khác đến để làm phép trọng thể ngôi Thánh đường này. Hai ngày sau, Đức Cha ban Bí tích Thêm Sức cho 314 người. Đây là dịp vui chưa hề nghe thấy cho xứ này.
Năm 1947, sau thế chiến thứ II, Cha CURIEN đến đảm trách địa sở này một thời gian. Vào nắm đó, số giáo dân là 1.465, dự tòng 694.
Năm 1956, Cha RENAUD một lần nữa đảm nhận địa sở này với 18 họ đạo và 2.093 tín hữu, với 23 giáo phu giúp cách đắc lực. Ngài sống chết với cộng đoàn cho đến năm 1969 tại vùng Sơđang thân yêu này. Cha ARNOULD thay đổi địa sở. Sau mùa hè đỏ lửa 1972, vùng Dak-Tô mất an ninh, cộng đoàn sơ tán đến PLEI MANĂNG thuộc tỉnh PHÚ BỔN, cách thị xã HẬU BỔN 12 cây số về phía bắc. Cuối năm 1974, số giáo dân là 3.457. Năm 1975 số giáo dân 3.427 người.
Sau biến cố 1975, thống nhất đất nước, hầu hết tất cả tín hữu hồi cư về làng cũ sinh sống. Thiếu linh mục cho đến nay (1997), nhưng lòng tin vẫn kiên vững vào ĐỨC KITÔ và anh em tín hữu côi cút này luôn tìm dịp về Nhà thờ Chính toà KONTUM dự Thánh lễ, nhất là LỄ DẦU, LỄ PHỤC SINH và GIÁNG SINH cũng như lãnh nhận các Bí tích cần thiết. Đức Giám mục Địa phận cố gắng xin nhà nước nhiều lần cho một linh mục đảm trách toàn vùng này nhưng chưa được giải quyết. 
                    9- BẢNG THỐNG KÊ IX: ĐỊA SỞ DAK-CHÔ 
   
                10- BẢNG THỐNG KÊ X: ĐỊA SỞ DAK-CHÔ từ 1947-1975
Năm 1975, hầu hết giáo dân hồi cư, trừ một số nhỏ ở lại Thị xã HẬU BỔN (nay là thị trấn AYUNPA, tỉnh GIALAI).  

             V- MỘT SỐ HỌ ĐẠO NGƯỜI KINH TẠI VÙNG SƠĐANG 
 Năm 1885, một số tín hữu Trung Châu trốn thoát nạn Văn Thân đến tá túc tại KONTRANG – họ đạo của DOURISBOURE thành lập năm 1854. Với thời gian, một số người giúp việc người kinh của các thừa sai cũng như một số người Kinh bị người dân tộc bắt bán làm nô lệ, sau được các cha chuộc về lo gia đình cho họ. Họ đạo này gọi là NGÔ TRANG. Ngoài ra, cũng có một số người đến buôn bán tại vùng KONTRANG MƠNEI vào thập niên 20, dưới thời cha Louison, đặc biệt thời Cha THIỆT, quy tụ thành họ Đức Bà. Tên làng mới này gọi là VÕ ĐỊNH. Nhưng con số người Kinh lên vùng Tây Nguyên nói chung, vùng Sơđang nói riêng bị chính sách thuộc địa Pháp hạn chế.
Thật vậy, vào thập niên 1920-30, chính sách thuộc địa Pháp tại Tây Nguyên, nhất  là vùng Sơđang là hạn chế tối đa người kinh lên lập nghiệp. Trong khi đó, đường lối truyền giáo của các thừa sai là cần để cho người Kinh lên Tây Nguyên lập cư, nhờ vậy các cư dân bản địa mới có khả năng và điều kiện thăng tiến xã hội và dần dần văn minh, cũng như tránh được  ách thực dân của Pháp theo kiểu Nam Mỹ hoặc Nam Phi: biến người bản địa thành “sức kéo, lao động cung ứng vật tư cho mẫu quốc”. Cha JANNIN PHƯỚC (khi chưa làm giám mục), Cha Corompt HIỂN, nhất là Cha KEMLIN VĂN viết nhiều bài về đề tài “đưa người Kinh lên lập nghiệp trên vùng dân tộc “để nói lên lập trường chung của Giáo Hội địa phương về khía cạnh khai hoá người dân tộc như thế nào[85]. Chính vì vậy, nhà cầm quyền Pháp tìm cách khó dễ và làm giảm uy tín các vị thừa sai.
Vào thập niên 1950, nhất là đầu thập niên 1960 vừa qua, chính sách lúc đó đưa dân lên lập nghiệp tạo những điểm dinh điền, cũng như một số tín hữu di cư làm ăn buốn bán và thuộc gia đình công việc binh lính có đạo ngày càng nhiều vùng bắc thị xã Kontum. Giám mục địa phận đáp ứng nhu cầu tôn giáo giáo, đã bổ nhiệm một số linh mục phụ trách những vùng người Kinh có đạo này. Chúng tôi xin sơ lược một số họ đạo người Kinh tại vùng bắc Tây Nguyên, mới hình thành sau này. Sau đó chúng tôi sẽ ghi lại toàn bộ các địa sở người dân tộc cũng như người kinh theo dạng thống kê vào năm 1972. 

                    A- HÌNH THÀNH VÀI HỌ ĐẠO NGƯỜI KINH TRÊN VÙNG SƠĐANG
 1. TÂN CẢNH
Vào năm 1904, các làng trong thung lũng sông DAK-TƠKAN muốn tòng giáo, nhưng vì thiếu nhân sự, nên cần chuẩn bị từ từ (xin xem về địa sở DAK-KƠNA, chương V mục III).
Vào cuối thập niên 50, một số gia đình binh sĩ công chức có đạo cũng như vài ba gia đình Công giáo đã tổ chức buôn bán tại vùng gần làng TƠKAN này. Đức cha Địa phận Phaolô KIM cắt đặt một linh mục Việt Nam đảm trách số giáo dân người kinh. Tháng 6-1957, Cha PHÊRÔ TRẦN THANH CHUNG đến làng TƠKAN: không nhà ở, không cơ sở tôn giáo. Ngài tự lo liệu nơi ăn chốn ở lấy, dần dần ngài quy tụ giáo dân người Kinh và tiếp xúc với người dân tộc.
Ngài đặt tên cho nơi này là TÂN CẢNH, phần nào giữ được âm sắc địa danh dân tộc TƠKAN, đồng thời nói lên phong cảnh đẹp, hùng vĩ của sông núi, đặc biệt với chiếc cầu treo bằng dây – vật liệu của rừng núi độc đáo dài trên 20-30 mét. Địa danh TÂN CẢNH tồn tại và đi vào lịch sử, trở nên một địa điểm hành chính quan trọng, là nơi quy tụ buôn bán sầm uất toàn vùng ngày nay.
Năm 1968, số giáo dân Kinh là 350 tín hữu, 25 dự tòng và hai làng Công giáo. Mùa Phục Sinh 1958, Cha sở rời khỏi họ đạo Tân Cảnh mới xây dựng đến đảm nhận địa sở PLEI KƠBEI. Cha J.B. Nguyễn Quang Huy thay thế. Năm 1960, số giáo dân tăng lên 1.122, dự tòng 230 người. Năm 1963, gồm 3 họ đạo với số giáo dân 1.740 và 400 dự tòng.
Năm 1969, Cha Giuse Nguyễn Trung Hưng phụ trách Tân Cảnh, Dak-Tô trong hoàn cảnh mất an ninh. Số giáo dân là 2.566 người Kinh và 38 dự tòng.
Năm 1971-1972, có hai họ đạo với 1.144 giáo hữu và 12 dự tòng.
Mùa hè đỏ lửa 1972, giáo dân vùng này di tản về thị xã Kontum cũng như nơi khác, chờ ngày hồi cư. Sau biến cố 1975, một số ít giáo dân về trở lại vùng này. Nhưng bù lại, chính sách kinh tế mới, một số tín hữu người Bắc dần dần vào lập cư tại đây, nhưng thiếu linh mục tại chỗ. Anh em tín hữu này tự tìm lấy phương thức sống đạo nơi giáo xứ tiện lợi nhất, có dịp đặc biệt thì về thị xã Kontum xin lãnh Bí tích. 
 2. HỌ TRI ĐẠO
Họ TRI ĐẠO là điểm dinh điền gồm những người miền Trung đến khai phá rừng và lập cư vào năm 1957-1959. Cha Gioakim NGUYỄN THÚC NÊN phụ trách năm 1958-1959.
Giữa năm 1960, Cha Antôn Nguyễn Đình Nghĩa lên thay thế. Số giáo dân là 125 người, dự tòng 885.
Năm 1962, Cha Raymond Wolff thay thế Cha Nghĩa. Số giáo dân cuối năm 1963, đầu năm 1964 là 308, dự tòng 520 người.
Năm 1964, Cha Marcel Landrade Lãng đến đảm trách TRI ĐẠO, gồm hai họ đạo, 800 giáo dân, 77 dự tòng.
Năm 1969, Cha Iréné Nguyễn Bình Tĩnh phụ trách vùng VÕ ĐỊNH, DAK-WƠT và TRI ĐẠO, số giáo dân TRI ĐẠO trong thời điểm này có 155 giáo dân, 22 dự tòng và chỉ có một họ đạo.
Năm 1971-1972, TRI ĐẠO gồm 3 họ đạo, 70 giáo dân Kinh; 847 tín hữu dân tộc.
Năm 1972, mùa hè đỏ lửa, chiến tranh ác liệt, giáo dân TRI ĐẠO một phần di tản về thị xã KONTUM. Sau biến cố 1975, họ hồi cư về làng cũ sinh sống và lao động, thiếu bóng linh mục. 
 3. HỌ DIÊN BÌNH
Họ DIÊN BÌNH gồm những người dinh điền vào năm 1957-1958, gốc người Trung.
Năm 1959, Cha J.B. Nguyễn Quang HUY phụ trách họ đạo DIÊN BÌNH, TÂN CẢNH. Năm 1960, số giáo dân 300 người; dự tòng 810 người.
Năm 1962, Cha Phaolô CARAT đến thay Cha HUY. Năm 1964, số giáo dân 849; dự tòng 350 người. Năm 1965: số giáo dân 957, dự tòng: 250 người. Năm 1971-1972, số giáo dân tăng: 1.006 người; dự tòng 59 người.
Trong thời gian phụ trách sở họ này, Cha CARAT phát triển mặt tinh thần, đời sống đạo bằng đoàn thể. Ngài sửa chữa trường học hoãn xây cất từ nhiều năm. Ngài phục vụ không biết mỏi mệt và luôn tươi vui.[86] 
 4. HỌ VÕ ĐỊNH
Họ VÕ ĐỊNH đã hình thành từ lâu, vào năm 1923 dưới thời kỳ Cha Louison làm cha sở địa sở KONTRANG MƠNEI, dưới tên là họ ĐỨC BÀ. Đến thời kỳ Cha THIỆT (1930), họ đạo này có tên là làng VÕ ĐỊNH do công sức ngài xây dựng.
Năm 1956, họ VÕ ĐỊNH trực thuộc địa sở KONTRANG MƠNEI do Cha CHATANET đảm trách.
Đến năm 1957, họ VÕ ĐỊNH được Cha Gioakim NGUYỄN THÚC NÊN phụ trách cho đến năm 1966. Số giáo dân năm 1966: 2.220 người gồm 12 họ đạo.
Năm 1969, Cha Iréné Nguyễn Bình Tĩnh trông coi DAK-WƠT và VÕ ĐỊNH.
Năm 1972, toàn vùng cực bắc tỉnh Kontum mất an ninh. Giáo dân VÕ ĐỊNH di tản về thị xã Kontum. Số giáo dân kinh là 1.114; số giáo dân người dân tộc 230 người. Sau biến cố năm 1975, anh em tín hữu một số ở lại Kontum, số khác trở về lại quê cũ.
Qua những biến cố thời cuộc, các họ đạo người Kinh cũng như dân tộc gặp những khó khăn mặt tôn giáo, trong việc điều hành họ đạo và phân bổ nhân lực đảm trách. Nhiều khi, một linh mục phải kiêm nhiệm nhiều họ đạo khác nhau trong những hoàn cảnh cụ thể. Hiện nay, tại vùng bắc thị xã Kontum, các họ đạo không có linh mục trực tiếp đảm nhận. Anh em tín hữu phải về thị xã Kontum để nhận lãnh các Bí tích. Cha mẹ ý thức trách nhiệm là người đầu tiên và trực tiếp nuôi dưỡng con cái trong lòng tin. 
 THONG KE 12
CHƯƠNG VI
THỜI KỲ QUÁ ĐỘ

Sau biến cố 1975, cả nước thống nhất đi vào một giai đoạn mới. Hầu hết các giáo dân vùng Sơđang di tản năm 1972-1973 dần dần hồi cư, hoà nhập vào bản làng cũ với nương rẫy hay phải định cư một nơi khác theo chính sách quy hoạch chung của Nhà nước.
Anh em tín hữu chuyển mình dần dần vào nếp sống vốn còn xa lạ với họ. Họ đã cố gắng hoà nhập với nhiều trăn trở. Chúng tôi xin ghi lại những đặc thù chính yếu thời quá độ của đất nước, sau đó cũng hoạ lại phần nào trang lịch sử anh hùng của số giáo dân người Sơđang tin vào Đức Kitô. 

           I- NHỮNG ĐẶC THÙ CỦA THỜI QUÁ ĐỘ CỦA ĐẤT NƯỚC
 1. Mặt an ninh
Sau ngày thống nhất đất nước, tình trạng an ninh chưa được vãn hồi hoàn toàn. Quân quản nắm mọi quyền hành tại địa phương, một mặt trấn áp những thế lực chống đối, mặt khác tổ chức chính quyền địa phương.
Toàn vùng Tây Nguyên có những bất ổn, do Mặt trận thống nhất tranh đấu của người dân tộc bị áp bức gọi là FULGRÔ gây ra. Do đó, sinh hoạt tôn giáo trong giáo phận cũng bị hạn chế.
Vai trò của Tây Nguyên về mặt an ninh rất quan trọng:
“Làm chủ Tây Nguyên sẽ có thể làm chủ cả vùng Đông Dương”
Do đó, chúng ta hiểu được giai đoạn đầu việc quản lý đối với tôn giáo nói chung, với công giáo nói riêng như thế nào.
2. Giai đoạn cách mạng đánh đổ tư bản
Song song với đường lối quân quản, cách mạng đánh đổ “bọn tư sản ngoại bản”, cũng như cải cách công thương nghiệp vào cuối thập niên 70 và 80. Nói chung, cách mạng này không ảnh hưởng nhiều với đời sống của anh em dân tộc. Nhưng lối quản lý, cơ chế tổ chức mà ngày nay được cái tiếng “BAO CẤP” có ảnh hưởng rất tai hại cho đời sống của dân nghèo, nhất là đối với anh em dân tộc.
Một hố cách biệt giữa sản phẩm kỹ nghệ và lao động chân tay cũng như nạn quản lý tồi trong việc khai thác rừng làm tổn hại trực tiếp đến môi trường sống của người dân tộc: rừng là kho lương thực vô tận của anh em dân tộc, nay không còn nữa!
3. Chính sách định canh định cư, xây dựng kinh tế mới nhằm mục đích giải quyết vấn đề lương thực và quốc phòng. Đây là chính sách lớn và lâu dài của Nhà nước. Do đó, Nhà nước cố gắng nhiều để ổn định nơi ăn chốn ở cho người dân tộc qua chính sách định canh định cư các buôn làng. Tuy nhiên, chính quyền chưa thấy rõ những tập tục xây dựng buôn làng theo cấu trúc xã hội của người dân tộc. Đặc biệt các nông trường va chạm nhiều về mặt tâm lý của cư dân bản địa, khi khoanh vùng.
“Những cư dân bản địa ở Tây Nguyên sẽ bị dồn lên vùng xa xôi hẻo lánh, khó làm ăn do sự mở rộng các nông lâm trường một cách không có tính toán đến quan hệ xã hội vốn có ở đây[87].
4. Vấn đề học vấn
Học vấn của con em ngày càng sa sút[88].
5. Chính sách tôn giáo
Chính sách tôn giáo “tự do theo đạo và không theo đạo”. Có nghị quyết 297/CP ngày 11-11-1977 của Hội đồng Bộ trưởng hạn định việc thực thi “quyền tự do” theo đạo hay không theo đạo và hành xử việc do tôn giáo.
Nghi định số 69/HĐBT ban hành ngày 21-3-1991, cơ bản không khác với nghị quyết trên, hoặc sau đó có những văn bản chỉ dẫn việc thực thi nghị định 69 trên của Ban Tôn giáo Trung ương, nhưng thực chất là dựa trên quyền lực, quan điểm.
Nhưng tất cả những nghị quyết, nghị định lệ thuộc vào nghị quyết 24 của Bộ Chính trị. Trong hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết 24 của Bộ Chính trị được Uỷ ban tỉnh Gialai-Kontum vạch ra trong năm 1991 chi phối mọi sinh hoạt tôn giáo trong toàn tỉnh, cụ thể rõ nét tại vùng xa xôi cực bắc tỉnh Kontum. 

                  II- TÌNH TRẠNG SINH HOẠT TÔN GIÁO VÙNG SƠĐANG
 Anh em tín hữu dân tộc cũng như người kinh dần dần ổn định công ăn việc làm với những trăn trở và phấn đấu, nhưng họ không quên cần phải có thức ăn khác, đó là Lời Chúa và Thánh Thể.
1. Sau gần 150 năm truyền giáo trong vùng, nếp sống đức tin phần nào đã đi vào truyền thống của người tín hữu dân tộc Sơđang. Từ năm 1972 đến năm 1992, 20 năm loạn ly, xào xáo, cuộc đời họ, đời sống tôn giáo của họ trôi nổi như chiếc võng nan bé bỏng trôi dạt giữa ghềnh thác: Họ thiếu linh mục đến ở giữa họ, phục vụ đời sống tôn giáo như một nhu cầu thiết yếu của họ. Thỉnh thoảng, vài linh mục thoáng qua như ánh chớp trong đêm mưa bão, như sao băng giữa trời đêm đen.
Còn một số giáo phu cũng chật vật với đời sống vật chất, gặp khó khăn mọi mặt và bị hạn chế nhiều phương diện.
2. Nhiều biện pháp cấm cản các sinh hoạt tôn giáo
Nhiều người bị bắt và đi cải tạo vì lý do thuần tuý tôn giáo. Ngoài những người bị xử lý hành chánh tại địa phương, còn có một số anh em dân tộc bị bắt và có án đi cải tạo lao động[89].
Nhiều nơi anh em cũng bị bắt phạt tiền hoặc phạt bằng lao động. Đức Giám mục cũng như linh mục đoàn đã phản ánh tình trạng này cho chính quyền địa phương, nhưng vẫn chưa được giả quyết thỏa đáng. Đức Giám mục Giáo phận cũng nhiều lần tiếp xúc và làm đơn lên Chính quyền địa phương xin giải quyết, cho trùng tu lại một số nhà thờ nhà nguyện bị chiến tranh tàn phá hoặc đang hư hại nặng, nhưng cũng không được đáp ứng. 

                    III- TRANG LỊCH SỰ KIÊN CƯỜNG
 Anh em tín hữu vùng Sơđang can đảm giữ vững lòng tin, thể hiện qua việc đọc kinh trong gia đình, giáo dục lòng tin cho con cái, vượt qua mọi khó khăn để lãnh nhận các Bí tích cần thiết tại các giáo xứ có linh mục đặc biệt tại Nhà thờ Chính toà Kontum. Lòng kiên vững nơi một dân tộc vốn tâm tính kiên cường, được tôi luyện trong thử thách giữa cảnh thiên nhiên khắt nghiệt, không chịu lùi bước trước những áp bức bất công.
1. Bảng đức kết năm 1972
+ 14 giáo xứ
+ 128 họ đạo
+ 2.572 giáo dân kinh
+ 21.502 giáo dân dân tộc
+ 6.660 dự tòng
+ và 9 linh mục phụ trách
Hầu hết mọi họ đạo đều có nhà thờ hoặc nhà nguyện, chưa kể một số cơ sở tôn giáo như nhà xứ, trường học, tu viện của Dòng Phaolô hoặc Ảnh Phép Lạ…
2. Tình trạng các họ đạo vùng bắc thị xã Kontum ngày nay
Sau hơn 20 năm vùng bắc thị xã Kontum các họ đạo không có linh mục trực tiếp trông coi: không thể dâng thánh lễ, ban các bí tích, đi thăm mục vụ, dạy giáo lý tại từng giáo xứ, hoặc họ đạo được. Ngoài ra, không có một nhà nguyện nào, nếu có chẳng qua là nhà giáo dân tìm một nơi nào đó để qui tụ đọc kinh, nhất là khi có tang chế. Tuy nhiên, cả vùng được phân ra làm 3 khu vực:
1. Khu vực kinh tế mới người Kinh: họ thường đến lãnh các bí tích tại Giáo xứ Võ Lâm hay nơi thuận tiện khác.
2. Khu vực địa sở DAK-KÂM của Linh mục Giuse Nguyễn Đức Chương, nay bao gồm trên 20 họ đạo vùng KONTRANG MƠNEI: đa số các cư dân này nói tiếng Rơngao hoặc biết nói tiếng Rơngao, trực thuộc Giáo xứ Kon Rơbang.
+  Tên các họ đạo:
1. Kontrang Kơla                       2. Kontrang Mơnei
3. Kontrang Kep                        4. Kontrang Long Loi
5. Dak Wơk                              6. Dak Mut (Bahnar)
7. Dak Yo                                8. Dak Kơdem
9. Dak Rơteng Klah                   10. Dak RơtengCho (gọi D. Rơteng Kơtu)
11. Dak Rơchat                        12. Kon Brong
13. Kon Tơngang                      14. Kon Tây
15. Kon Mriang                         16. Kon Mơnhô
17. Kon Rơhai                           18. Hamong Pleitol
19. Hamong Pleitu                     20. Kon Gung…
+ Hầu hết các làng này toàn tòng, có các chú giáo phu phục vụ với đời sống kinh nguyện thường nhật. Mỗi họ đạo có một nơi quy tụ, nhưng nay đã rách nát, xin chính quyền địa phương, nhưng cũng không được giải quyết thoả đáng.
+ Số giáo dân: Trên 5000–6000 tín hữu và vài trăm dự tòng. Thực tế số giáo dân còn cao hơn nhiều.
3. Khu vực tiếng nói Sơđang: thuộc địa sở Kon Hơring và các địa sở phía bắc khác.
+ Trên dưới 150 làng (có làng cũ nay chia ra 2, 3 nơi ở khác nhau, hoặc vài ba làng dồn lại một).
+ Hầu như toàn tòng (trừ vài ba làng).
+ Số giáo dân phỏng chừng trên 20 đến 25.000 người.
+ Hầu hết các làng Công giáo này không có nhà nguyện hoặc nơi quy tụ nhất định. Tuy nhiên, lòng đạo họ vẫn trung kiên và đạo đức.
+ Thường xuyên đến thị xã để lãnh các bí tích cần thiết.
Anh em tín hữu vùng Sơđang, bắc thị xã Kontum dù gặp nhiều khó khăn, nhưng lòng tin đã đâm rễ sâu trong tâm hồn và nơi hành động. Lòng tin được ươm trong ngôi đền thờ sống động là gia đình. Vai trò của cha mẹ rất quan trọng. Tuy nhiên, lòng đạo cũng được nuôi dưỡng qua đời sống cộng đoàn: nhờ các linh mục, các chú giáo phu… Ngày nay số giáo dân gia tăng. Cấp bách là cần đào tạo nhân sự khả dĩ để phục vụ có hiệu năng cho cộng đoàn, nhất là giáo lý cho trẻ em nơi buôn làng xa là nỗi lo âu của các cha hữu trách. 
MỘT TRĂM NĂM MƯƠI NĂM (1852-2002) truyền giáo tại vùng Sơđang, trong suốt những năm tháng thăng trầm do những hoàn cảnh thời cuộc phức tạp, có những lúc thiếu vắng linh mục; nhà thờ, nhà nguyện bị tan nát hoặc bị doạ nạt bắt bớ, nhưng anh em tín hữu Sơđang vẫn trung kiên tin vào Đức Kitô. Cho nên, việc trở lại đạo không phải đơn thuần là công trình của loài người, mà là HỒNG ÂN của Thiên Chúa mời gọi con người đáp lại tình thương của Người. Điều đó nói lên công cuộc truyền giáo không phải là áp đặt một nền văn hoá xa lạ vào một nền văn hoá khác hay một thể chế chính trị vào một dân tộc nào đó. Truyền giáo cần được khai mở một phương thức HỘI NHẬP NIỀM TIN KITÔ GIÁO vào một nền văn hoá riêng biệt của dân tộc đó.
Để kết thúc phần trình bày TRUNG TÂN TRUYỀN GIÁO KONTRANG cho người Sơđang, chúng tôi xin ghi lại đây số 52 Tông huấn “Sứ vụ Đấng Cứu Độ” của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II để chúng ta suy tư và hướng công cuộc truyền giáo về năm 2000 cho anh em dân tộc vùng bắc Kontum, trong tâm tình TẠ ƠN và PHẤN KHỞI.
“Khi thi hành hoạt động truyền giáo của mình giữa các dân tộc, Giáo Hội tiếp xúc với những nền văn hoá khác nhau và thực hiện tiến trình hội nhập văn hoá. Đây là một đòi hỏi đậm nét trong quá trình lịch sử của Giáo Hội và ngày nay đòi hỏi này trở nên đặc biệt rõ nét và cấp bách.
“Quá trình Giáo Hội hội nhập vào nền văn hoá của các dân tộc đòi hỏi nhiều thời gian: đó không phải chỉ là thích ứng bên ngoài, vì hội nhập văn hoá “có nghĩa là biến đổi thâm sâu những giá trị văn hoá chân thật bằng cách hội nhập vào Kitô giáo và có nghĩa là làm cho Kitô giáo ăn rễ sâu vào trong các nền văn hoá khác nhau của con người”.
“Qua việc hội nhập văn hoá, Giáo Hội làm cho Tin Mừng nhập thể vào các nền văn hoá khác nhau và đồng thời Giáo Hội dẫn đưa các dân tộc cũng như các nền văn hoá riêng của họ vào trong chính cộng đoàn Giáo Hội; Giáo Hội truyền thông cho các nền văn hoá ấy những giá trị của mình, bằng cách đón nhận những gì là tốt đẹp trong các nền văn hóa đó và đổi mới các nền văn hoá đó tự bên trong. Về phần mình, qua việc hội nhập văn hoá, Giáo Hội trở thành dấu chỉ rõ rệt hơn về bản chất của mình và trở thành khí cụ thích hợp cho sứ vụ của mình (…).
“Hội nhập văn hoá là một tiến trình chậm chạp bao gồm toàn bộ phạm vi sinh hoạt truyền giáo và có liên hệ đến những tác nhân khác trong sứ vụ đến với muôn dân: các cộng đoàn Kitô giáo trên đà phát triển, các vị chủ chăn có trách nhiệm phân định và khích lệ việc tiến hành hội nhập văn hoá”.

———————————

[58] x. Hlabar Tơbang, Địa phận Kontum năm 1911, số 5, tr. 27.
[59] Id., số 8, tr. 59.
[60] x. Id., năm 1913, số 27, tr. 35.
ĐỊA DANH: KONTRANG: KONTRANG IOP tòng giáo 1.853, nơi cư trú đầu tiên của Cha Dourisboure tại nhà  ông LAM, bên tay phải đường quốc lộ 14, khoảng 13 cây số, nằm sâu trong rừng một ít. Năm 1.854, dân làng bỏ nơi này chuyển về vùng Ngô Trang bây giờ  (KONTRANG HO hoặc KONTRANG KEP) cây số 1; KONTRANG MƠNEI tòng giáo năm 1896, trở nên họ chính vào năm 1923 thời Cha Louison.
[61] x. Compte rendu năm 1914, tr. 14.
[62] x. “R. Père Kemlin”, sđd, tr. 9.
[63] x. Tài liệu “Lễ phong chức Đức cha JANNIN…”, lưu tại TGM. KONTUM.
[64] Chúng tôi trong khi trích tài liệu có thay đổi vài từ  như từ “mọi” thành  từ “dân tộc” hoặc từ “thượng”, từ “annam” thành “Việt Nam” hay “người Kinh”. Ngoài ra còn có một số câu in mờ, chúng tôi tóm lược ý chính. Theo văn mạch Cha T trong bài này cũng như tác giả bài viết này Chương Đài cũng chính là Cha THÍCH, linh mục chánh xứ địa sở KONTRANG MƠNEI vào năm 1930.
[65] x. Missio Kontum, “Bôl de Iao Phu”, ad tơm sơnam 1956, tr. 17.
Theo tài liệu này cũng như Echos tháng 11-1944 một họ đạo người Kinh thành lập năm 1923 là họ Đức Bà. Trong khi đó, theo tác giả Chương Đài trong tờ nguyệt san “Chức việc thư tín” số 70, tháng 2-1939, họ người kinh này có tên VÕ DINH. Do đó, chúng ta có thể hiểu “Võ Định” cũng là họ đạo “Đức Bà” đã có từ năm 1923. Nhưng vì bệnh tật có một số người bỏ đi nơi khác sau đó trở lại lập nghiệp khi đã có đường quan lộ như tác giả Chương Đài đã nói trên.
[66] Echos tháng 7-1948.
Xem thêm nguyệt san “Chức dịch thư tín” 1939, tr. 949, và Echos tháng 11-1944.
[67] x. “Bôl de Iao phu” năm 1956 và các lịch Công giáo Kontum.
[68] KON-HƠRING đông dân (800) ở 30 cây số phía bắc KONTRANG một làng công giáo cũ lúc đó thuộc Cha Irigoyen Hương, trở lại đạo năm 1891. Năm 1904, nhiều làng lân cận khác trở lại đạo. Kon-Hơring thánh một Trung tâm của địa sở mới. Cha Bonnal trẻ tuổi được chỉ định ở chỗ đó ngày 4-4-1904. Nhưng tháng 10-1905, vì vùng bắc Kon-Hơring nhiều làng xin tòng giáo, nên Cha Bề trên chỉ định Cha Bonnal đến Dak-Kơna,còn cha Irigoyen ở Kon-Horing.
[69] x. Compte rendu 1914, tr. 80.
[70] x. Hlabar Tơbang năm 1914, số 42, tr. 50-51.
[71] x. Nguyệt san “Chức dịch thư tín”, số 25, tháng 5-1935, tr. 298.
[72] x. “Lễ phong chức Giám mục Jannin”, sđd, tr. 48.
[73] x. Compte rendu năm 1937, tr. 171.
[74] x. Compte rendu 1970, tr. 108.
[75] x. Echos tháng 8-1948.
[76] x. “Bôl de ia phu” năm 1956 và lịch Công giáo Địa phận Kontum.
[77] x. Echos tháng 8-1948.
[78] x. “Bôl de iao phu”, id., và lịch Công giáo Địa phận Kontum.
[79] Tài liệu này có đầu đề tạm dịch: “Làm sao một địa sở nơi xứ truyền giáo được thiết lập và phát triển” (lược sử địa sở Dak-Kơna) có lời Đức cha Jannin nhận xét cuối bài. Bản dịch ra tiếng Việt được lưu trữ tại Toà Giám mục Kontum.
[80] Dựa vào tài liệu về địa sở Dak-Kơna đã trưng dẫn ở trên
[81] x. Echos tháng 9-1948.
[82] Theo “Bôl de iao phu”, 1956 và lịch Công giáo Kontum.
[83] x. Echos tháng 9-1948.
[84] x. “Bôl de iao phu”, sđd, và các lịch Công giáo Kontum.
[85] x. Kemlin, “Immigration annamite en pays moi”, Imprimerie de Quinhơn, 1923.
Các bài khảo luận của Cha Jannin, Cha Corompt và Cha Kemlin bằng tiếng Pháp bảng đánh máy chữ về đề tài này, lưu tại TGM. Kontum.
[86] x. Compte rendu năm 1970 tr. 108.
[87] x. Tạp chí “Dân tộc học”, Viện Dân tộc học tháng 4-1990, tr. 8.
Xin đọc thêm những bài viết trong tạp chí này tháng 3 và 4-1990.
[88] x. Tạp chí “Dân tộc học”, sđd, tháng 4-1990, tr. 16, cột 2.
[89]
1. Lao đông cưỡng bức 2 năm:
+ A NHUM ở thôn Long Jon, xã Dak Ang, bị bắt ngày 26-5-1990.
+ A GLEP ở thôn Dak Blai, xã Dak Ang bị bắt ngày 26-5-1990.
+ A HEANG ở thôn 5, xã Dak Pơxi, Dak-Tô, tinh Kontum bị bắt ngày 25-5-1990.
2. Tập trung cải tạo 3 năm:
+ A LIM ở Long Jon, xã Dak Ang, bị bắt ngày 13-7-1990.
+ A PHAN ở Long Jon, xã Dak Ang, bị bắt ngày 13-7-1990.
+ A KHUN ở Dak Gia, xã Dak Ang, bị bắt ngày 13-7-1990.
+ A KMÂU trú quán thôn 9/1 Dak Pơxi, Dak Hring, bị bắt ngày 14-7-1990, chết rũ tù ngày 15 tháng 10 năm 1990.
3. Tại huyện Krongpa, tỉnh Gialai.
+ Ama HIẾU cũng bị bắt và cải tạo tập trung.
Tất cả những người này bị bắt ghép vào tội: “Tổ chức truyền đạo trái phép” hoặc “Hoạt động mê tín dị đoan” tuyên truyền kinh sấm).
Lm. Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét