Thiếu Nhi Thánh Thể Giáo xứ Phú Bổn :“ĐẾN VỚI THẦY”(Mt 19,14)
______________________________
SƠ LƯỢC TIỂU SỬ
TRUNG TÂM TRUYỀN GIÁO CHEOREO.
Lời nói đầu:
Từ ngày Đức Cha Phaolô Kim (Paul Seitz), Giám mục giáo phận sai cha Jacques Dournes (Giacôbê Đức) đến sống giữa anh em dân tộc Jrais tại Cheoreo (từ ngày 1-8-1955) đến nay (năm 2005) đã trọn 50 năm. Trong tâm tình hiệp thông, chúng tôi xin chia sẻ những lần tiếp xúc với anh chị em, những hiểu biết có phần hạn chế của chúng tôi khi ghi nhận về tiểu sử thăng trầm của Trung Tâm. Anh chị em đã viết nên lịch sử của mình trong nửa thế kỷ cũng là quãng thời gian dài đầy kỷ niệm. Những người thuộc thế hệ đầu tiên, có những vị đã khuất bóng, có những người đang nằm trên giường bệnh, và cũng có người vẫn còn sống. Anh chị em còn tiếp tục làm nên lịch sử cho Trung Tâm Truyền Giáo Cheoreo của anh chị em để Trung Tâm truyền giáo được biến đổi nơi người dân tộc Jrais
Trong tâm tình ấy, chúng tôi xin ghi lại những dòng lịch sử rất sinh động và tốt đẹp của Trung Tâm Truyền giáo Cheoreo của anh chị em. Chúng tôi xin anh chị em bổ túc vào những điều còn sai sót của chúng tôi cho đầy đủ và tròn ý nghĩa của cuộc sống sinh động, vì chỉ anh chị em, những con người trong cuộc mới viết nên dòng chảy lịch sử của mình với tất cả chiều sâu mà thôi. Tập tiểu sử nầy cũng là phần bổ túc cho chuyên đề khác đã được chúng tôi trình bày và phổ biến dưới tiêu đề :
Phương Thức Truyền Giáo
Cho Người Dân Tộc Jrai.
Theo Linh Mục Jacques Dournes
(Cha Giacôbê Đức).
Trong phần trình bày, xin phân ra những giai đoạn như sau:
Giao đoạn I : khởi đầu truyền giáo cho người Jrais.
( cuối thế kỳ XIX - đến năm 1960)
Giai đoạn II : Giáo Hội Việt-Nam hoá mục vụ
(từ năm 1960 đến năm 1975) .
Giai đoạn III : Thanh Luyện và tiến bước
( từ năm 1975 đến năm 2005).
GIAI ĐOẠN I
KHỞI ĐẦU TRUYỀN GIÁO CHO NGƯỜI JRAIS.
I – LẦN THEO BƯỚC CHÂN TRUYỀN GIÁO.
Khi đọc chương nhất quyển sách “Dieu aime les paiens” của cha Jacques Dournes, chúng ta biết được thời gian cha đến Cheoreo. Ngài viết:
“Hôm ấy là ngày mồng một tháng 8 năm 1955 vào lúc 6 giờ chiều. Màu xám xịt của khung trời ngột ngạt tạo cảnh não lòng cho làng CHEOREO, lúc chiếc xe của Đức Giám Mục tới, đem một vị thừa sai đến nhiệm sở mới. Ở đây không ai chờ đợi ngài. Hơn nữa, không ai muốn dung nạp ngài. Cho đến thời ấy, cư dân vùng nầy chưa bao giờ nghe giảng Tin Mừng, vì họ từ chối. Nhưng Đức Giám Mục lại muốn rao giảng Tin Mừng cho họ. Ngài để vị thừa sai và rương hòm trên mảnh đất khô cằn trước những chiếc nhà sàn đóng kín,
Chiều lại, những người thượng Indiêmg-Jơrai từ nương rẫy về nhìn thoáng qua cách lãnh đạm những con người xa lạ ấy; màu da sậm đen như màu áo, họ chui vào túp nhà sàn tranh tối tăm. Qua một người thông ngôn, hai vị giáo sĩ xin một chỗ tạm trú trong làng.
- Các ông không biết sao ?! Không một người ngoại quốc nào có thể sống ở đây. Trời rất nóng nực.
- Đầy muỗi và chuộc chạy khắp nơi !.
- Và đàng khác, chúng tôi không có gì để ăn !.
( . . . ) Bà lớn tuổi trong làng trung thành với truyền thống hiếu khách của dân tộc trước kia vốn dân du canh du cư :
- Kìa đã tối, không thể để người ngoại quốc nầy ở ngoài nhà, vì như vậy là bỏ họ cho cọp rình rập.
- Cho ông ấy vào đây, nội đêm nay !
. . . . . .
Và ở đây, họ cho ngài ở tạm một đêm!
Vào 7 giờ , vị Giám Mục đã ra đi, để lại người đại diện của mình vun trồng Giáo hội tại Cheoreo[1]”.
A – Công cuộc truyền giáo cho người Jrais.
Trong đêm hôm đó, trước khi về lại Kontum, Đức Giám mục Giáo phận có nhắc cho vị thừa sai những công cuộc truyền giáo cho người Jrais trong cuối thế kỷ XIX với giọng thân thương, nhưng cũng hàm chứa cương quyết, dứt khoát và định đoạt ơn gọi trọn cuộc đời của vị thừa sai cho người dân tộc Jrais. Cha luôn ám ảnh câu nói như lời tiên tri của vị chủ chăn giáo phận và được ngài ghi lại trong nguyên tác vừa trưng dẫn như sau:
“Vị thừa sai nhớ lại lời của Vị Đức Giám Mục : cuối thế kỷ qua các linh mục đã thử đi vào bộ tộc Jrai, nhưng chỉ đạt tới ngoài viền và chỉ ở lại đó có mười hay mười một tháng:
“ Cha phải cố gắng ở đó lâu hơn. Nếu không, tôi không cần cha nữa “ !.” [2].
1 – Thật vậy, cuối thế kỷ XIX, Cha Bề Trên Guerlach Cảnh chuyển hướng truyền giáo theo kiểu khác: không trụ một nơi, nhưng lên đường bài trừ mê tín, Ngài viết trong quyển ” L’Oeuvre néfaste”, như sau:
“Trong lúc Cha Bề Trên (Cha Dourisboure) dạy cho các cư dân hương vị tiếng bản địa và bố trí cho họ một quyển sách tiếng Bahnar, thì tôi lại ra đi truyền giáo. Vì nghĩ đến lợi ích vật chất của người bản xứ, nên tôi quan tâm nhất là đến lợi ích thiêng liêng, đến huấn đạo luân lý và phần rỗi của họ. Khi làm như vậy, tôi ý thức phục vụ rất nhiều và lâu dài kể cả phương diện vật chất, bằng cách bài trừ các thực hành mê tín là những nguyên nhân làm cho họ tổn hại rất nhiều“.
Vì thế, sau khi cha Guerlach Cảnh và ông Quới đến Bon Uin vào đầu năm 1898, vì gặp nhiều khó khăn không thể vượt qua, ở được 3, 4 tháng, các ngài rời khỏi nơi nầy trở về Rơhai (nay là Tân Hương, thị xã Kontum) vào ngày 27 tháng 3 cùng năm. Sau khi dưỡng bệnh một năm, từ năm 1899 đến năm 1902, cha Guerlach phụ trách Rơhai. Trong thời gian đó, ngài có dịp đến truyền giáo tại Plei Pơnuk (huyện Đức Cơ ngày nay) và cũng gặp những khó khăn như ở Bon Uin. Sau đây là vài dòng tóm tắt công tác truyền giáo của cha trong thời gian này như sau :
“ Thực tế, sứ vụ mới nầy ( đến Bon Uin ) đã trao cho ngài, nhưng vì những khó khăn quá phức tạp, việc thiết lập cộng đoàn hứa hẹn nhiều đã không mang lại kết quả. Cha Guerlach phải trở về vùng Bahnar. Ngài ở cũng gần như vậy tại một điểm khác mà ngài đã thiết lập sau đó, tại Plei Klub. Giữa dân tộc Jrai” [3]
Linh mục thừa sai Kemlin Văn tiếp tục truyền giáo. Vào năm 1923, cha Kemlin tiếp tục truyền giáo cho vùng người dân tộc Jrais tại Aiun (vùng Ayun thượng, nay thuộc huyện Mang-Giang): ngài thiết lập một nhiệm sở mới là Mang-Giang, và tích cực đi sâu vào miền thung lũng AIUN và bộ lạc người Jơrai.
Linh mục thừa sai Nicôlas Cận
Lên vùng truyền giáo Bahnar, phụ trách trung tâm truyền giáo Rơhai từ năm 1902 đến năm 1905, thay cha Guerlach Cảnh đang dưỡng bệnh.
Năm 1905, Cha bề trên Vialleton Truyền đã thuyên chuyển cha Nicolas đến người dân tộc Jrai Habâu (1905 – 1908 ). Cơ hội cha Nicolas Cận đến vơi anh em Jrai vùng Habâu như sau:
Vào năm 1905, một cơn dịch bệnh đậu mùa đã hoành hành dữ dội trong những buôn làng của bộ tộc Jrai trọng yếu. Cha Jannin, – sau này sẽ trở thành vị Giám Mục Đại Diện Tông toà thứ nhất của miền truyền giáo Kontum – đã vội vã đến cứu giúp những con người xấu số mà những thầy phù thuỷ lẫn các yang của họ không thể nào cứu nổi. Tới nơi được mấy ngày, Cha đã viết cho Cha Bề Trên “Đây là cánh cửa rộng mở vào bộ lạc Jrai khá quan trọng, đông người, mà cũng có khá nhiều cuộc phá rối và ương ngạnh như những miền chưa được khai hoá ở quê hương chúng ta. Những cố gắng loan báo Tin mừng trước đây nơi miền đất mênh mông này đã hoàn toàn thất bại. Lần này, có phải chúng ta sẽ may mắn hơn không?. Chắc hẳn như thế, miễn là, chúng ta mau chóng gửi cho đàn chiên non trẻ này một vị mục tử biết nuôi dưỡng và bảo vệ họ. Như vậy, việc gửi ngay một nhà truyền giáo giàu kinh nghiệm đến với người Jrai là điều cần thiết. Hạnh phúc thay cho người Tông đồ ra đi gieo trong nước mắt, nhưng ít lâu sau, ông lại bội thu”.
Thực thế, năm 1905, cha Nicolas đã đảm nhận công việc cực kỳ khó khăn vùng này, như lời vị Bề trên nói với các đồng nghiệp. “Nếu chỉ cần một kg kiên nhẫn là đủ cho những bổn đạo Bahnars, thì phải cần đến một tạ kiên nhẫn mới đủ cho những tân tòng Jrai”. Ngài đã đến vùng Habâu từ năm 1905 cho đến năm 1908.
Đúng thế, nỗi thất vọng đã ập đến nhanh chóng. Sau khi Cha đã tận tuỵ dạy dỗ những người Thượng đáng thương này, một số đông tòng giáo đã không sống đạo như họ đã đoan hứa. Thế là, Cha Nicolas thành lập một họ mới gồm những người mà trước đây là nô lệ. Ngài định cư họ trong một góc rừng, chung quanh được bao bọc bởi những ngọn núi. Ngài sống giữa họ trong một chòi tranh, cùng họ khai phá đường xá, giúp họ tiếp thu văn hoá mới, và cùng chung chia sẻ đời sống cơ cực với họ.
Công việc đang tiến triển tốt đẹp thì vào năm 1908, Cha Nicolas lại nhường nhiệm sở mình cho một thừa sai trẻ (cha Corompt) vừa lên miền người Bahnars đến trông coi. Còn ngài khăn gói lên đường, cách xa 70 km, để xây dựng một họ đạo mới ở làng Plei-Rơngol.
Nhờ biết cách xử lý và can đảm, xứ đạo của Cha luôn được yên lành, và tới lúc phải trao cho vị thừa sai khác là Cha Gioan Baotixita Décrouille (Cha Tôn) trông coi. Còn Cha Nicôlas lại hăng hái ra đi xây dựng một họ mới ở Plei Me, như Cha nói: Mục đích là cắm những cột mốc nhằm tiến xa hơn nữa cho công cuộc loan báo Tin Mừng nơi những miền đất người Jrai.
Kế tiếp những năm sau, cha Nicôlas xây dựng vùng điểm truyền giáo tại Pơ-O (La-Sơn sau nầy).
Trong thời gian truyền giáo vùng tây tây nam Pleiku nầy, cũng có nhiều lần các vị thừa sai đã thoáng qua vùng Cheoreo và gặp gỡ một số người dân bản địa vùng nầy, nhưng công cuộc truyền giáo mới khai mở hay nói đúng hơn như Đức Cha Giáo phận đã nói với cha Jacques Dournes:
“Cuối thế kỷ qua các linh mục đã thử đi vào bộ tộc Jrai, nhưng chỉ đạt tới ngoài viền và chỉ ở lại đó có mười hay mười một tháng” [4].
2 - Cha Jacques Dournes miêu tả từ bên trong tâm tư người dân tộc Jrais, những thao thức, cũng như vùng đất mà ngài dấn thân truyền giáo. Ngài viết tiếp trong sách vừa trưng dẫn như sau:
“Cho ông ấy vào đây, nội đêm nay “!.
Năm 1962, tôi vẫn còn ở đó.
Xin đừng lầm tưởng: chẳng có những cuộc trở lại phép lạ; không có vô số tháp chuông; dân chúng tiếp tục các nghi lễ ngoại giáo. Cũng vì lẽ đó mà tôi có giờ viết sách !. Tôi chỉ muốn nói lên những gì tôi đã làm trong một hoàn cảnh đối đầu như thế, miêu tả từ bên trong tâm tư của người Jrai cũng như của vị thừa sai. Có thể hữu ích, cho dầu kết quả của công cuộc được thực hiện có thành công hay không. Dù người Galata không trở lại Kitô hữu, người Berbères của thành phố Carthage cũng không hơn gì, điều đó không làm mất giá trị chứng từ của các vị thừa sai đã sống với họ và đã viết :
“ Tôi trồng … người trồng không là gì …Chúng tôi là những cộng tác viên của Thiên Chúa (1Cor 3,8-9 ).
“ Chúng tôi làm việc bên ngoài như người thôn quê làm việc trên cánh đồng … Chúng tôi là những con vật cày, cấy “ (Augustinô bài giảng 152, 356).
Lúc đầu đến miền truyền giáo, tôi cũng chả biết sự có mặt những dân tộc tôi phải rao giảng Tin Mừng.(. . . )
Lúc đầu tôi được gởi đến bộ tộc SRÉ để thức tỉnh hy vọng của họ. Sau 8 năm, tôi không gặt hái một kết quả nào, nhưng tôi đã được hiểu biết và quí mến những người ngoại giáo thật dễ thương. Như vậy họ giúp nhiều vào việc chuẩn bị cho việc rao giảng Tin Mừng cho người anh em Jrai của họ. Việc nghiên cứu tâm hồn tôn giáo của họ cũng như những biểu hiện của lời nói đã cho tôi một chìa khóa để mở các cánh cửa khác.
Về phía Bắc, cách đây hàng trăm cây số, bộ tộc Bana đã được rao giảng về Tin Mừng. Có khoảng 35.000 Kitô hữu trên 700.000 người thượng In-điêng thuộc nhiều bộ tộc. Đức Giám Mục nghĩ đến những người nầy và cách riêng 120.000 người Jơrai, không tiếp thu ảnh hưởng nào, có lẽ vì họ có nhiều giá trị tự nhiên. Đã hẳn, ở phía Bắc, nhiều làng còn xin trở lại và miền truyền giáo thiếu linh mục, nhưng nếu chúng tôi không đi đến với những người Jrai, thì làm thế nào họ trở lại ?. Lẽ nào lại lạnh lùng để một phần nhân loại ngoài Giáo Hội, cho dù họ không tỏ ra một ước muốn vào đó ?.
Phải chăng những người Jrai không được “ƠN GỌI” ? Theo hình ảnh Thiên Chúa là Đấng đã đến với ta trước, Giáo Hội sẵn sàng cho họ một TÊN mới, và đến với những kẻ không đáp lại, chỉ vì họ đã không nghe tiếng gọi.
Một lưu vực khô cằn vì đất dễ thấm nước và gió thổi mau khô, những bão cát nóng bỏng, mạng lưới những con đường buồn tẻ (…), xa xa một vành cung núi phơn phớt xanh đủ loại thảo mộc, loài chim, đã thú, loài bò sát (…), đó là xứ người Jrai CHEOREO, ở phía dưới Cao nguyên – khoãng 100 làng với chừng ba đến bốn trăm người mỗi làng, ở rãi rác, dọc theo những con sông ngòi bất thường khi có nước, khi không, dưới trời nóng bức gay gắt ngay cho người bản xứ. Ở đó, bắp dễ trồng hơn lúa. Họ dùng bột bắp để làm rượu. Rượu cũng như – thuốc lá được xử dụng nhiều – chỉ tạo ảo tưởng quên “đói” cho một dân thiếu dinh dưỡng mà thành phần khá giả bù đắp bằng cách bán sản phẩm chăn nuôi và dệt vải, dây nịt của đàn ông và váy của đàn bà” [5].
B – Vùng dất, cư dân nơi truyền giáo, các địa danh.
1 - Lệnh lên đường.
Năm 1955, thời điểm cha Jacques Dournes (Cha Đức) đến điểm truyền giáo cho người Jrais tại Bon Madjơng, nằm trong khu vực hành chánh phía đông đông nam tỉnh, Cheoreo là quận lỵ của tỉnh Pleiku ranh giới tương đương 3 huyện ngày nay là Auynpa, Krong-Pa, Ia Ba và một phần vùng đất quận Thuần Mẫn nay cắt nhập vào Dak-Lak. Cha Jacques Dournes ghi nhanh như lệnh lên đường của Đức Giám mục giáo phận cho một chiến sĩ phải tiến về phía trước như sau:
“Trên bản đồ, Vị Giám mục đã chấm điểm Cheoreo, quận lỵ Jơrai. Phải đi đến đó, như một chờ mong trước một chờ mong khác; phải đến đó và phải ở lại đó, cho dẫu một phong trào trở lại đang ló ra ở chỗ khác. Như chúng ta, những người ấy có quyền được yêu thương”. [6]
2 – Nguồn gốc địa danh Cheoreo.
Xưa kia, khi nghe nói đến Cheoreo, người ta thường hiểu ngay quang cảnh của nó là một mãnh đất biệt lập, đóng kín, đày ải, nhưng hôm nay sau năm mươi năm, nó mang tính mờ ảo, xa xôi, nằm trong địa hạt thị trấn Ayunpa, huyện Ayunpa, tỉnh Gialai, ít ai biết xuất xứ ra nó. Cheoreo là địa danh, tên của hai anh em là Chu và Chreo từ vùng núi Chư Ju đến vùng Bon Som (bắc Dak-Lak), và vào tiền bán thế kỷ XIX đã đến lập cư tại thị trấn Ayunpa ngày nay. Lúc đầu, hai anh em ông lập làng tại Rơngol-por-klang (hạ lưu sông Ia Hiao, nay là vùng đất san bằng, gần đập tràn Ia Hiao thị trấn Ayunpa). Sau đó cả làng di chuyển dần về vùng đất nay thuộc vùng đất từ Bến Mộng sông Ayunpa đến quốc lộ 25, trước năm 1900 có tên là Bon Chư (và được người kinh gọi là Cheoreo) (x. sđd, trang 72 và 77. Đọc thêm : Guerlach, “L ‘ Ouvre néfast”, 1907). Đầu thế kỷ XX, địa danh Cheoreo được người Pháp dùng để chỉ vùng đất nầy theo địa danh người kinh quen dùng. Ngày 12/07/1907 Pháp chia đại lý Cheoreo thuộc Sông Cầu. Ngày 01/09/1962, chính quyền Sàigòn lập tỉnh Phú Bổn, đặt tỉnh lỵ tại Cheoreo mang tên mới là thị xã Hậu Bổn. Sau năm 1975, một phần tỉnh Phú Bổn thành huyện Ayunpa, thuộc tỉnh Gialai và Hậu Bổn thành thị trấn Ayunpa. Điểm truyền giáo của linh mục Jacques Dournes tại Bon Madjơng vẫn giữ tên Trung Tâm Dự Tòng Cheoreo.[7]
3 – Bon Madjơng là con cháu của hai ông Chu và Chreo[8]. Cụ bà đã “Cho ông ấy vào đây, nội đêm nay “! Cách đây đúng 50 năm, cũng chính là nữ tộc thuộc dòng máu của hai vị thiết lập vùng Cheoreo này. Cụ bà vừa lãnh bí tích Thánh tẩy năm 2005 trong tình yêu thương của con cháu và lòng kính trọng biết ơn của cộng đoàn tín hữu Bon Madjơng, vì tấm lòng đại độ của bà được Chúa trả công, đã soi sáng bà đón nhận Chúa vào cuộc đời của cụ bà :
« Ở thềm bậc cấp sàn nhà, một cụ bà lớn tuổi mở miệng chỉ để nhả khói thuốc từ ống điếu của bà, một làn khói bay lên cao không nổi vì không khí quá nặng nề. Thời tiết nóng nực càng làm nổi bật sự lạnh lùng của cuộc tiếp đón. Bà lớn tuổi trong làng trung thành với truyền thống hiếu khách của dân tộc trước kia vốn dân du canh du cư :
- Kìa đã tối, không thể để người ngoại quốc nầy ở ngoài nhà, vì như vậy là bỏ họ cho cọp rình rập.”[9]
4 – Hảo Đức.
Vào thập niên 40 – 50 của thế kỷ XX vừa qua, vùng Cheoreo không phải là không có người kinh lên lập nghiệp. Vì nhiều lý do khác nhau, một số ngưòi kinh dần dần qui tụ sinh sống khá ổn định như buôn bán, làm nghề chài lưới đã qui tụ tại Hảo đức; một số công viên chức, những người đi lính sinh sống tại khu vực buôn bán, nay thuộc thị trấn Auynpa, và vào năm 1960-1961 một số người đi dinh điền tại Tín Lập xã Ertô (dân số 700 người, giáo dân: 200 người) vì lụt lội hầu như tất cả phải bỏ điểm dinh điền Tín Lập (gần đèo Tôna)[10] chạy về lập nghiệp tại thị xã Hậu Bổn, nay là thị trấn Ayunpa. Số người công giáo nầy qui tụ thành một xóm toàn tòng, gọi là khu một, kỳ cựu của giáo xứ Phú Bổn, và dân thường gọi là dân dinh điền. Năm 1962, Cheoreo trở thành thị xã đổi tên là Hậu bổn của tỉnh Phú Bổn cho đến năm 1975. Sau năm 1975, tỉnh Phú Bổn chia phần đất Thuần Mẫn cho tỉnh Dak-Lak, và thành lập ra 2 huyện là Ayunpa và huyện Krong Pa, nằm về phía đông giáp giới với Tịnh Sơn tỉnh Phú Yên. Trong năm 2004, huyện Ayunpa được chia một phần đất cộng phần đất Kon Chro tạo nên một huyện mới tên là Ia-Pa. Trung Tâm Truyền Giáo Cheoreo vẫn nằm trong thị trấn Ayunpa.
5 – AYUNPA.
Chúng tôi viết địa danh nầy chữ hoa có ý nói nó có lâu đời và gắn liền, và hàm chứa những tính đặc thù của cộng đoàn sắc tộc người Jrais mà dân bên ngoài không có, đó là hệ thống chính trị tôn giáo đạt tới đỉnh cao ở Pơtao. Có nhiều tài liệu nghiên cứu về vấn đề nầy như tài liệu của cha Jacques Dournes, người không xa lạ đối với chúng ta, vì đã sống giữa cộng đoàn tín hữu Cheoreo và cũng nhờ sự tham gia tích cực và trực tiếp một số anh chị em chúng ta – có người đang sống – đã giúp ngài hoàn thành tài liệu nghiên cứu độc đáo và lừng danh, với tựa đề “ Pơtao, une théorie du pouvoir chez les Indochinois Jơrai”, nhà xuất bản Flammarion năm 1977.
Địa danh AYUNPA có rất lâu đời hình thành do hai con sông : sông Ayun gồm hai nhánh từ triền núi huyện Chư Se chảy xuống hướng đông được gọi là Ayun Hạ, và nhánh bên kia bắt nguồn từ xã H’ra, huyện Mang-Giang được gọi là là Ayun Thượng. Hai nhánh sông này nhập lại trên vùng đất Chư Athai để rồi chảy xuôi về thị trấn Ayun-Pa, cùng hoà chung với sông Pa (người kinh gọi là sông Ba) một con sông bắt nguồn từ Kon Plong chảy qua thị trấn An Khê, qua huyên Kon Chro và Ia Pa. Huyện Ia Pa vừa thành lập là bình nguyên do sông Pa cùng một vài con sông nhỏ khác tạo nên.
Một trong những bản văn nầy là một chỉ dụ của nhà vua, đề năm 1525 SaKa (1601 theo công nguyên) nói về việc lên ngôi của những Sdach Tu’k và Sdach Phlơng, Sadet Nước, và Lửa, về những tặng phẩm và những lời chúc mừng đối với họ:
“… Đức Vua Long-Vek, thủ đô Campuchia, truyền lệnh ( . . .) mang sắc chỉ và tặng phẩm của nhà Vua này tới xứ Ayun-Apar chúc mừng hạnh phúc và thịnh vượng tới các Vua Nước và Lửa để giữ được Preah - Khan trên đỉnh núi quí và làm chủ được các xứ Roder, Chréay và Pnong (. . . ) để giữ được các đường sá và rừng rú”.
Xứ Ayun – Apar không phải là nơi nào khác, như Odend’ hal đã thấy rõ, ngoài các thung lũng Ayun – Apa (Sông Ba) hợp lại tại Cheoreo, trung tâm của xứ Jrais. “Núi Quí” ở cao nguyên Jrais nằm trên đường phân thuỷ (sườn Đông đổ ra biển Annam, sườn Tây đổ sang Mêkông của Lào và Campuchia), vùng đất đến ngày nay các Pơtao vẫn còn trú tại. Qua các tên Roder, Chréay và Pnong, người ta nhận ra đó là Ede, Jrais (tên Khơme là Cvhréa) và Bunong (Mnong). Preah-Khan là thanh gươm thiêng, bảo vật của vương quốc, được các Pơtao Jrais cất giữ, nó là chủ đề huyền thoại, một vật thờ cúng, một biểu tượng quyền lực, vừa là một thứ vũ khí lịch sử “ [11].
Ba vùng lãnh địa khác biệt về môi trường sinh thái như khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng, thú rừng . . . Mỗi Pơtao chiếm cứ một vùng đất khác nhau. Đường phân thuỷ đi dọc theo quốc lộ 14 từ Pleiku đến Dak-Lak: phía tây mưa nhiều, các dòng sông chảy về triền phía Campuchia, có vị PƠTAO IA (Vua Nước); thung lũng nằm về phía đông đến dãy núi chắn qua đèo Tôna, trời oi bức, nắng nhiều, mưa ít, nạn cháy rừng trong mùa hè gây nạn đói, hạn hán mất mùa là nơi cư trú và lãnh địa của Pơtao Apui (Vua Lửa), và từ đèo Tona đến phía giáp ranh tỉnh Phú Yên, gió thổi mịt mù, thuộc lãnh địa của Pơtao Angin (Vua Gió).
Theo tâm thức tôn giáo “vạn vật hữu linh”, các Pơtao cũng như các cư dân nói chung theo tôn giáo Yang, nên họ thờ cúng các yang trong thiên nhiên như yang núi, yang sông, yang đá, yang cây cổ thụ. . . . Nhưng trong một vùng có những khác biệt to lớn trong thiên nhiên cũng có một lực lượng thiêng linh cao cả thống lĩnh, nên cần có nghi thưc thờ cúng, có người đại diện cho Yang lửa, Yang nứơc, Yang gió đang thống trị biến chuyển cả vùng. Theo tâm thức tôn giáo yang, mỗi vùng cần có một Pơtao điều tiết lực lượng yang vừa là nói cho dân biết cần làm gì để Yang của vùng được nguôi cơn giận và vừa làm cho vừa lòng Yang. Vì thế, theo niềm tin của người Jrais, Pơtao là vị vua tuyệt đối và linh thiêng. Nếu thiếu một trong hai tư cách đó, thì họ chỉ là lãnh tụ: KHOA. Người lãnh đạo hành chánh là KHOA; người lãnh đạo tôn giáo là KHOA, như nữ hoàng Elizabet là vua nước Anh. Họ vừa là KHOA (lãnh tụ) vừa là PƠTAO (Vua) theo nghĩa điều hợp yếu tố thiên nhiên với lòng con người. Mỗi Vị Pơtao mang tên theo chức năng tương quan hiện tượng sinh thái từng vùng. Ong vua có đặc sủng tiên tri và đúng với chức phận, ông nói tiên tri cách gây ấn tượng mạnh hơn, đối với cư dân bản địa họ đã trở nên Yang Pơtao, đáng kính, đáng tin. Có nên cho rằng hay chăng các Pơtao là giữ vai trò gần giống Vị Quan An trong cơ chế Cựu Ước của dân Dothái xưa kia, họ thấy và là những vị chuyển lệnh của Yahvê Thiên Chúa cho người dân, vừa chuyển lời cầu của người dân lên Ơi Adei, bằng nghi thức cúng bái. Nhưng xuyên qua nghi thức tôn giáo đa thần đó, sâu thẩm hơn nói lên người Jrais tin vào ƠI ADEI, chính vị Pơtao đã trở thành Yang Apui thực hiện lời chuyển cầu thay mặt cho toàn dân xin Ơi Adei, hài hoà các yếu tố nhiên nhiên sinh thái trong vùng, vừa đòi hỏi người cư dân phải sống theo lệnh của Ơi Adei, là Đấng công bằng, yêu thương hết mọi người, nhất là những người nghèo để người dân được hạnh phúc.
Như vậy, địa danh AYUN-PA gắn liền với con người và quyền lực tôn giáo của Pơtao Apui (Vua Lửa). Dù vùng đất Ayun-Pa có đổi thay chia cắt ra từng mảnh, nhưng nghi thức thờ cúng của Vị Vua Lửa thực hiện vẫn là khung trụ bảo lưu tâm thức tôn giáo về Vị Yang Cao Cả (Ơi Adei) trong nếp sống của cả một dân tộc, và một khi có những yếu tố thời cuộc làm nát rữa các nghi thức thờ cúng bản địa, thì lúc đó niềm tin tôn giáo về Đấng Ơi Adei dần dần được rõ nét và trở nên một phong trào tòng giáo trong những gần đây.
Tâm tình xốn xao lo âu và sau đó trở về niềm tin sâu thắm vào tình Chúa yêu thương, thể hiện nơi cha Jacques Dournes. Vào hôm đó là ngày “Pơtao Apui vào ngày 06 tháng 10 năm 1959, gần Cheoreo, cha Jacques Dournes cũng bứt xúc khi đối diện với quang cảnh tôn phong xác nhận ông vua được quí mến. Trong 7 ngày 7 đêm, đại hội uống rượu và đánh chiêng trống inh ỏi: Plak ding dong plak, phải thốt lên:
“ Lạy Chúa, sao Chúa để người chiếm quyền nầy thành công giữa những kẻ xu nịnh hắn, vì họ tin rằng mưa là ân huệ của vua ?. Chúa biết rõ sự gắn bó nầy là cản trở chính không cho người Jơrai trở lại đạo, kể cả những người thiện chí nầy. Họ không dám đến với Chúa, vì “tên“ ấy. Thế sao Chúa lại không xô ngã lực lượng sai lầm thù địch nầy?”.
Nhưng bài học của Chúa Giêsu thế nầy là nếu người Jơrai không có nhân vật nầy để tập hợp các tín ngưỡng của họ, nếu họ đột nhiên lại bỏ ông ta, mất hết tin tưởng. thì họ sẽ trở thành kẻ duy vật nhất của những người vô thần, vì họ chưa có gì để thay thế. Nếu Chúa quan phòng giữ lại ông vua nầy, thay vì dùng lửa bỡi trời đốt cháy ông ta, chính là để giữ một tí lửa trong những con tim kính sợ các thần, chờ đợi ngày dạy dỗ họ, để nhẹ nhàng hướng họ đến ánh sáng”. [12]
Nên chăng có thể nói cơ chế Pơtao như là giai đoạn Cựu Ước đã dẫn đưa người Jrais đến gặp Chúa trong thời điểm Chúa muốn ? Nhìn lại thực tế, Trung Tâm Truyền Giáo Cheoreo tại Ayunpa được xây dựng và phát triển mãnh mẽ trong những thập niên vừa qua dưới khía cạnh số lượng cũng như chất lượng người tòng giáo theo KHOA-PƠTAO GIÊSU.
II – DỮ KIỆN.
1 – Năm 1955: Vào ngày 01 tháng 08 năm 1955: Linh mục Jacques Dournes (Cha Đức) thuộc Hội Thừa sai Hải ngoại Paris được sai về điểm truyền giáo Bon Madjơng, quận Cheoreo.
- Cha Jacques Dournes tạm trú tại gia đình của người người dân tộc trong 04 tháng,
- Trong năm đầu, ngài qui tụ trên dưới 100 trẻ em Jrais , những em tò mò đến xem ông ngoại quốc.
2 - Năm 1956 : sau 04 tháng tạm trú gia đình một gia đình người Jrais, ngài dựng 01 nhà sàn lúc đầu chia 2 căn: một để dâng lễ, và một gian nửa để làm việc, ngủ nghỉ và sau đó dân làng làm thêm 01 nhà nguyện loại nhà sàn (nay là Nhà thờ Trung Tâm Truyền giáo Cheo-reo vá víu nhiều lần).
Các Dòng đến thăm đất truyền giáo, hợp lực xây dựng và phát triển cộng đoàn tin hữu tại Cheoreo .
- Ngày 14 tháng 02 : Dòng Tiểu Đệ Charles Jésus đến thăm đất.
- Ngày 18 tháng 02 năm 1956, cha khai giảng một trường làng đầu tiên cho các em Jrai với 24 em học sinh, do ba giáo viên phụ trách, được cha đài thọ. Một trong ba giáo viên đó là con của vị đạo trưởng trong vùng [13], tận tình hướng dẫn đàn trẻ học văn hoá và những khía cạnh nhân bản khác. Nói là ngôi trường, nhưng thật sự là một phòng nhỏ đủ cho các em tạm ngồi học chữ, được chính cha tổ chức.
- Ngày 18 tháng 02 năm 1956 : cha gởi 06 em đầu tiên lên học tại trường Cuênot ở Kontum.
- Ngày 26 tháng 03 năm 1956 : Mẹ Bề Trên Dòng Nữ Phaolô ở Sàgòn lên thăm đất; quyết định các nữ tu sẽ đến vào tháng 08, nhưng tháng 09 mới cho người lên chuẩn bị và tháng 12 sẽ ở luôn.
- Rửa tội 07 em người kinh và 02 em bé người Jrais sắp chết vào ngày 09 tháng 11 năm 1956, tên thánh là Gioan và Phaolô, con ông Yiit và bà H’ Beo.
- Năm 1957 : vào ngày 13 tháng 03, các chị Tiểu Muội Chúa Jésus đến thăm đất.
- Tháng 06, cha cho phát hành tập giáo lý sơ yếu và tờ nguyệt san bằng tiếng Jrais lấy tên là Kơtrâu (Chim Câu).
– Thành lập presidium Mariae gồm người dân tộc và người kinh. Rửa tội 04 em kinh và 03 em dân tộc sắp chết.
- Năm 1958 : Ngài cho phát hành một tờ giáo lý (khổ nhỏ, in rônéô) cho anh em người kinh dùng.
Các nữ tu Phaolô tỉnh dòng Đànẵng lên thay các chị nữ tu tỉnh Dòng Sàigòn giúp nhà thương, văn hoá và giáo lý.
- Rửa tội 07 em kinh.
- Năm 1960: Rửa tội cho người người Jrais tiên khởi, sau 5 năm dự tòng tên là Siu Nge vào Chúa nhật 05 tháng 06 năm 1960.
GIAI ĐOẠN II:
CHUYỂN BIẾN : GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG HOÁ
VÀ THĂNG TIẾN TOÀN DIỆN.
(từ năm 1960 đến 1975).
1 - Năm 1960: Chuyển biến và thăng tiến con người.
Từ năm 1958, Đức Giám mục đã viết một lá thư mục vụ để đưa ra một phương hướng cũng như trách nhiệm chứng nhân Tin Mừng của người tín hữu nói chung, nhất là người kinh trước tình thế mới: mỗi ngày số người kinh lên vùng Tây nguyên trong chính sách dinh điền của Nhà Nước. Đức Giám mục giáo phận nhận thấy vùng quận Cheoreo sẽ trở nên trung tâm hành chánh tỉnh trong tương lai gần, nên tăng cường linh mục đảm nhận công tác mục vụ cho số giáo dân kinh và đó cũng là cách thức hỗ trợ và thăng tiến người dân tộc trong mọi phương diện. Mặt khác vào ngày 24 tháng 11 năm 1960, Toà Thánh thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt nam, vì thế Giám mục cũng tiên liệu những điều kiện cần thiết cho việc chuyển giao quyền điều hành trong công tác mục vụ cho hàng giáo sĩ Việt nam vào thời điểm đòi hỏi.
a./ Trứơc những chuyển biến mặt xã hội cũng như Giáo hội, Đức Giám mục phân định 02 cộng đoàn tại vùng Cheoreo: 01 cho người kinh và 01 cho người dân tộc. Dù trong công tác mục vụ riêng cho từng cộng đoàn, nhưng có những sinh hoạt mục vụ chung, và có một phối hợp hỗ trợ chặt chẽ trong việc thăng tiến mọi mặt cho anh em dân tộc nhờ phát triển kinh tế, xã hội , y tế và giáo dục. Chính vì vậy, khi trình bày về sức sống của Trung Tâm Truyền giáo Cheoreo không thể không nói đến những sinh hoạt trong giáo xứ Phú Bổn.
Thật vậy, giai đoạn từ 1955 – 1960, Cha Jacques Dournes (Đức) đảm nhận toàn bộ mục vụ trong khu vực cho người kinh cũng như dân tộc, ban Bí tích rửa tội, các bí tích và trách nhiệm huấn giáo. Trong khi đó, cha vẫn hiện diện giữa cộng đồng cư dân bản xứ, và không biết mệt mỏi tìm hiểu phong tục tập quán, nghiên cứu nền tảng niềm tin của người Jrais, liên tục tiếp xúc với những người có uy tín cũng như dân cư trong buôn làng và tổ chức một đội ngũ nhân sự để huấn luyện tích hợp cho công tác truyền giáo lâu dài. Ngài quan tâm đặc biệt phương thức đào tạo đức tin cho người anh em dân tộc thích hợp với nghi lễ địa phương và qua những giai đoạn tiệm tiến, có tính nhân bản, Kinh thánh, phụng vụ trong một tổ chức gọi là Khoá Dự Tòng.
b./ Nhưng người tín hữu kinh trong vùng Cheoreo ngày càng gia tăng: trước năm 1955, có một số người kinh từ miền duyên hải đến lập làng tại Hảo Đức khá đông. Trong năm 1955: có 20 giáo dân kinh làm công chức, đi lính hoặc buôn bán thường qui tụ tại khu vực buôn bán từ đường Trần hưng Đạo, bọc qua đường Lê Hồng Phong lên khu vực thương mãi hiện nay. Nhưng từ năm 1960, một số người kinh ở Bình Định (thuộc giáo xứ Nam Bình, Gò Thị, Nhà Đá) đi lập nghiệp trong 03 dinh điền: tại Phú Thiện, Quí Đức và Rơbal (Tín Lập), số giáo dân toàn bộ trên 60 gia đình. Vì thế, nên Đức Giám mục quyết định tách riêng thành hai: giáo xứ cho người kinh do cha Henri Radelet (Cha Gia) đảm nhận chánh xứ lúc đầu tại Rơbal (Tin Lập), bổn mạng là KITÔ VUA, có 2 thầy giúp xứ là thầy Cương và thầy Hiệp (nay đã thụ phong linh mục). Trong chiều hướng phát triển xã hội, Cheoreo trở thành trung tâm hình chánh tỉnh, thị xã Hậu Bổn của tỉnh Phú Bổn thành lập năm 1962. Giáo xứ Phú Bổn cần thiết lập những cơ sở và những tổ chức nhân sự tương xứng với phát triển xã hội của vùng. Điểm truyền giáo cho người dân tộc do cha Jacques Dournes (Đức) tiếp tục đường hướng của ngài tại Bon Madjơng, nhưng trong tương quan với xã hội đang thay đổi mà một người không thể đảm nhận mọi mặt.
2 - Biến cố:
1961: Rửa tội cho 2 em và 3 dự tòng dân tộc vào đêm Phục sinh 2/4/1961
Các chị nữ tu Hội Dòng Phaolô tỉnh dòng Đànẵng mở trường và vườn trẻ, ký túc xá nữ cho học sinh dân tộc. Trong những năm kế tiếp mở lớp dạy may, gia chánh, phát thuốc, đi thăm dân làng dân tộc với các bà các chị trong bon Madjơng. Các chị nữ tu dạy giáo lý, làm những dịch vụ khác cho Trung Tâm dưới sự điều động cha Jacques Dournes hay với các cha phụ trách Trung Tâm sau nầy.
1962: Nhà thờ Phú Bổn khởi công xây dựng.
Rửa tội 99 người kinh và 12 dân tộc.
+ Công Đồng Vat. II trong giai đoạn (1962-1965): Cha Jacques Dournes được Đức Giám mục Giáo phận mời đi như biên tập viên trong 02 năm.
1963: Linh mục Giuse Bùi đức Vượng được bài sai coi sóc giáo xứ Phú Bổn (từ ngày 01 tháng 12). Số giáo dân 800 người kinh, chia 04 khu. Cha Radelet (Gia) đổi lên Quận Thuần Mẫn xây dựng điểm truyền giáo cho người dân tộc trong vùng cực nam của Giáo phận, đồng thời trong coi mục vụ một số người đi dinh diền đến ở đây.
1965: Cha Nguyễn văn Tri, phó xứ.
1966: tháng 9 : Cha Đaminh Đinh hữu Lộc về làm phó xứ.
1967 : Linh mục Vũ văn Thiện (giai đoạn mới tới ở tại nhà xứ Phú Bổn, sau điều đến thường trú tại Trung Tâm)
1968: Giai đoạn Giáo hội Việt-Nam hoá về điều hành mục vụ, tự đóng vai trò tổ chức, toàn bộ sứ vụ truyền giáo ở miền cao nguyên. Cha Đaminh Đinh hữu Lộc phụ tá Trung Tâm Truyền giáo, xây dựng dãy nhà sàn và xây một dãy nhà xây dùng trong việc dạy giáo lý cùng công sức của giáo dân Phú Bổn [14]. Cha Đinh Văn Thám làm phó xứ Phú Bổn thay cha Đinh hữu Lộc 01 năm từ tháng 09 năm 1968. Cha Nguyễn hoa Viên phó xứ Phú Bổn. Cha Giuse Bùi đức Vượng tạm thời xử lý quyền điều hành Trung tâm Truyền giáo khi Đức Cha chưa cắt cử linh mục phụ trách Trung Tâm Truyền giáo [15].
1969: Giai đoạn Giáo hội Việt Nam hoá tại Trung Tâm Truyền Giáo Cheoreo. Ngày 20 tháng 02, cha Jacques Dournes lên đường đi Singapore. Vào chiều ngày 10 tháng 10 , Đức Giám mục Giáo phận trao sứ vụ truyền giáo tại Pleikly cho một số linh mục tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế Việt-nam gồm cha Antôn Vương đình Tài, thầy Giuse Tín, Thầy Phêrô Mầu và tu sĩ Lêônarđô. Cuối năm 1969, nhất là đầu năm 1970, vì chiến cuộc ác liệt tại Plei-Kly, cơ sở mới gầy dựng bị đốt cháy, các ngài phải “rời” khỏi Plei-Kly, rút về thị xã lập trung tâm Maranatha gần Plei-Ku Roh, sau chuyển xuống Pleichuet và một số tu sĩ Dòng tạm tá túc tại Trung Tâm Truyền giáo Cheoreo, và dùng thời gian để dịch Cựu Ước tiếng Jrais.
Trong thời gian nầy có 03 chị Phú Xuân học tiếng Jrais tại Trung Tâm và đi thực tế tại Plei Pa..
1970: Ngày 28 tháng 10: từ Kontum, cha trở về tới Pháp để nối tiếp công việc khảo cứu.
Mở Trung Tâm Thăng Tiến (gồm trường cấp II, thư viện) Cha Viên phụ trách. Học sinh dân tộc tiểu học học tại trường của nữ tu Phaolô, khi lên cấp II học tại Trung Tâm Thăng tiến. Một tu hội nhà Chúa đến dạy học và dạy giáo lý . 03 thầy Tu hội Tận Hiến dạy giáo lý và văn hoá.
- Cha Phaolô Vũ văn Thiện
và Đaminh Đinh hữu Lộc phụ trách.
- Số giáo dân dân tộc: 85 và 120 dự tòng [16].
1972: Cha Phêrô Nguyễn đức Mầu tiếp tục phụ trách Trung Tâm cho đến ngày di tản (19 tháng 3 năm 1975).
Cha Gioan Baotixita Nguyễn văn Phán, cha Phêrô Mầu, thầy Tín, thầy Tường đến Cheoreo dịch Tân ước ra tiếng Jrais.
Truyền chức cho thầy Tín (DCCT) tại Trung Tâm
Linh mục Nguyễn hoà Viên về Sàigòn.
1973: Cha Phêrô Mầu bắt đầu xây dựng một nhà nguyện trên vùng đất quận Thuần Mẫn, phía nam Cheoreo.
Cha Giuse Bùi đức Vượng đi tu nghiệp ở Bỉ (21-3-1973).
Cha Giuse Phạm Thiên Trường thay thế chánh xứ Phú Bổn.
Cha Gioakim Nguyễn hoàng Sơn phó xứ, hiệu trưởng Trung tâm thăng Tiến và ký túc xá. Niên khoá 1973-1974: có 50 học sinh dân tộc Jrais và 50 học sinh Sơđăng lưu trú trong Trung Tâm Thăng Tiến. Số học sinh dân tộc chiếm 1/3 học sinh toàn trường.
1974: 02 thầy Tiểu đệ Charles de Faucauld là thầy Guido người Ý và thầy Therry người quốc tịch Nam Phi (học tiếng Jrais) và sau ngày giải phóng mới ra khỏi Trung Tâm về nước mình.
- Cha Phêrô Nguyễn đức Mầu ;
- Số giáo dân dân tộc 122 [17].
1975: Tháng 03, cha Gioan Baotixita Nguyễn văn Phán đến phụ trách Trung Tâm .
Chúng ta có thể tóm lược: Trong giai đoạn
Chuyển biến : Giáo hội địa phương hoá
Và thăng tiến toàn diện.
(từ năm 1960 đến 1975).
1 - Phân định 02 cộng đoàn tín hữu: một là giáo xứ Phú Bổn (kinh) và Trung Tâm Truyền giáo Cheoreo.
2 – Phương pháp truyền giáo của Trung Tâm: cha Jacques Dournes đào sâu, đúc kết những sưu tầm về phong tục tập quán và những dữ kiện liên quan đến tâm thức và tài nguyên : văn hoá vật chất cũng như tinh thần, để hình thành bằng văn bản. Ngoài ra, cha xây dựng Khoá Dự Tòng và mong Trung Tâm Truyền giáo nầy thành Trung Tâm dự tòng cho cả nước. Cha Jacques Dournes đã xây dựng 2 nhà nguyện: một ở Bon Madjơng và ; 01 ở Plei Pa , số giáo dân dân tộc thống kê trong năm 1970 : 85 người đã rửa tội và 120 dự tòng. Năm 1964 cha Radelet xây dựng 01 nhà nguyện tại quận Thuần Mẫn và 01 do cha Nguyễn đức Mầu xây dựng (năm 1973) : số giáo dân thuộc 02 nhà thờ nầy chưa kiểm kê được, nhưng số người dự tòng khá đông.
3 – Môi trường xã hội ngày phong phú góp phần thăng tiến toàn diện cho anh em Jrais, với những đóng góp tích cực của Hội Dòng Phaolô cũng như giáo xứ Phú Bổn, mà có lần Đức Giám mục muốn tạo một đội ngũ linh mục tu sĩ Việt-nam cùng truyền giáo cho toàn vùng, nhất là giai đoạn kế tiếp khi cha Jacques Dournes rời khỏi Cheoreo (1969).
4 - Từ năm 1969 – 1970, khi hoàn cảnh tập thể linh mục tu sĩ Dòng Chúa Chúa Thế đóng chốt tại Plei Kly vì hoàn cảnh an ninh dần dần về tá túc tại Cheoreo, dịch Kinh Thánh và đồng thời trong chiều hướng Giáo Hội Việt-Nam hoá công tác mục vụ vùng Tây Nguyên, Đức Giám mục đặt cha Phêrô Nguyễn văn Mầu (năm 1972) phụ trách Trung Tâm Truyền giáo Cheoreo, khởi đầu cụ thể trong phương kế Giáo Hội Việt-Nam hoá Trung tâm Truyền giáo Cheoreo sau nầy. Trong kế hoạch toàn diện của Hàng Giáo phẩm Việt Nam và món quà Chúa ban cho địa phận, một giai đoạn truyền giáo được khởi sắc, mạnh mẽ tiến bước, tuy cũng có những bóng tối từ bên ngoài, cũng như từ bên trong, nhưng lịch sử cứu độ tuỳ thuộc sức mạnh Chúa Thánh Thần hướng con thuyền giáo đoàn người Jrais tại vùng trũng Cheoreo vẫn tiến bước, nhất là khi chuyển qua giai đoạn từ năm 1975 đến năm 2005.
GIAI ĐOẠN III
THANH LUYỆN VÀ TIẾN BƯỚC
( Từ năm 1975 đến năm 2005).
.
I – TÌNH THẾ BIẾN THAY.
Từ chiều ngày 17/03/1975 có 01, rồi 02, 03 và nhiều lắm, nhiều xe jeep vội vã về thị xã Hậu Bổn, tỉnh Phú Bổn vào sân nhà xứ.
Tôi ra hỏi:
- Ở đâu mà đem xe vào nhà xứ nhiều như thế nầy ?
- Ở quân đoàn !
- Sao xe lại xuống đây, chẳng thấy sĩ quan nào cả?.
- Lấy xe và chở gia đình đi.
Tôi cũng chẳng hiểu sự thể như thế nào. Nhưng ngày càng đông thêm, đoàn người hối hả, bồng bế con cái, gồng gánh trên vai, chen lẫn với đoàn xe đủ loại, vội vã hổn hển trên liên tỉnh lộ 7. Ngày 19/ 03: trên xe đủ loại: dân sự cũng có, quân sự cũng có . . . đầy người, đủ sắc áo, dân thường, nhà binh, chỗ nào ngồi được, nơi nào bám được, chồng chất lên nhau. Chung quanh nhà thờ Phú Bổn, trường các Sơ, Trung Tâm Cheoreo đủ loại xe, đầy người, đa tập, hỗn độn. Tôi lặng lẽ đi bộ ra trục lộ, lên phía cánh đồng: đầy người trên xe, từng tốp người nghỉ bên vệ đường, núp dưới vài bóng cây trốn cái nắng mùa hè. Cái nắng nóng bốc khói của tháng 03, thung lũng Cheoreo, tại Phú Bổn có tiếng !. Tôi vội quay về, định đi tiếp con đường lộ đến Trung Tâm. Không đi được. Người, đồ đạc, xe cộ càng nhiều, chật cứng, có người bị xe cán, nằm trước cỗng trường các xơ, người ta nói thế. Quay về nhà xứ, tôi ra cỗng sau nhà xứ.
Một chị dân tộc Bon Madjơng như chờ đó đã lâu, nói với tôi: “Ma, ma ở lại với chúng con. Đừng đi”. Tôi thinh lặng và nặng nề đến Trung Tâm: quang cảnh buồn thảm, giày xéo, lấn lướt xuôi ngược tìm phương tiện di tản: bằng xe, bằng máy bay, bất chấp miễn sao đi được. Tiếng gầm của đoàn xe ngoài trục lộ, tiếng máy bay thét trên bầu trời, tiếng hét la trong ngõ xóm. Trong cơn lốc chạy trốn, tôi buông thả, đưa mắt nhìn những nét mặt lo âu, không định tâm được gì. Tôi đứng đó, tại Trung Tâm, phía sau lưng có tiếng nói như thì thầm:”Ma, ở lại với chúng con”. Tôi nhìn. Người quen biết đó nói lần nữa: “ Ma, ở lại với chúng con”. Tôi buộc miệng nói như mất hồn: “chiến tranh, nhà cháy, bôm đạn đang nổ chung quanh mà !”. – “ Ma, con sẽ đưa ma tạm lánh qua Plei Pa và sẽ đưa ma về lại khi ổn định”.
Có những sự thật không diễn tả trọn vẹn bằng lời được, nhưng có một điều chắc chắn là anh chị em Trung Tâm Truyền Giáo không bao giờ nghĩ phải bỏ nhà cửa di tản đến nơi khác. Tất cả mọi người đón nhận cuộc sống với tâm hồn phó thác, an bình vì mảnh đất này, buôn làng này đã bao đời in dấu của tổ tiên, nhất là tình thế mới cũng là hồng ân Chúa ban mà anh em dân tộc khả dĩ để vươn lên.
II – LÊN THUYỀN RA KHƠI.
1 – Chủ chăn:
Năm 1975: . Từ Chúa nhật ngày lễ lá năm ấy (1975), tiếng chuông nhà thờ Phú Bổn vang lên lần đầu tiên trong hoàn cảnh mới như báo hiệu cho mọi người khắp nơi di tản đang tá túc tại Phú Bổn biết sự hiện diện của một linh mục, bình thường sinh hoạt tôn giáo, nhất là những ngày trong tuần thánh. Anh em Trung Tâm an tâm vẫn còn linh mục trụ lại giữa vùng trũng Cheoreo nầy.
Cuối tháng 03, đầu tháng 04, cha Gioan Baotixita Nguyễn văn Phán có mặt đúng lúc nơi mà ngài đã từng sống làm việc. Chúa ban cho Trung Tâm Truyền Giáo Cheoreo một trưởng lão vững tay chèo cho con thuyền đang vượt qua các ghềnh thác. Ngài đã nhập cuộc, xoắn tay áo, hướng tầm nhìn về phía trước, lạc quan, hăng say, tin tưởng cùng với tập thể đáp ứng nhiều mặt của cộng đoàn trong tình thế biến thay. Tạ ơn Chúa.
2 –Giai đoạn thanh luyện (1975 – 1988):
1/ Tấm lòng của chủ chăn và con chiên.
Hoà nhập vào đất nước: làm ăn tập thể, san bằng đồi cao thành ruộng nước, phân chia đất đai, tăng vụ, vần công, chấm công, làm thuỷ lợi, giống ngô lai, hợp tác xã buôn bán, . . . Trước không quen, sau lại quen, thấy cuộc sống có phần thay đổi theo hướng tích cực. Qua sự hiện diện, tấm lòng của chủ chăn trãi rộng ra cho người tín hữu và cho hết mọi người trong khi lao động tập thể: tấm lòng phục vụ cho người nghèo, cho những con người thấp cổ bé miệng, bị thiệt thòi. Vì thế mà cha phụ trách Trung Tâm đang phải đối mặt do con đường mình đã vạch và dễ rơi vào sự hiểu lầm kép:“cấp tiến, tả khuynh” hoặc ngờ vực: “hãy coi chừng”. Đau khổ vì sự xâu xé từ hai bên : từ cộng đoàn tín hữu và từ xã hội đang rình rập nhiều năm tháng.
2/ Đầu năm 1975: có 302 người dân tộc trong danh sách, kể cả dự tòng.
Giáo dân người dân tộc cũng như dự tòng qui tụ lại nhà thờ Trung Tâm ngày càng nhiều thêm hơn. Một số người có tuổi, hay có dính dấp với chế độ trước, hay dễ bị mang nhãn hiệu Fulgrô, sợ chụp mũ, ngại ngùng tiếp xúc các cha, hoặc ít đến nhà thờ. Nhưng phần đông giới các bà, và đội ngũ thanh niên nam nữ, vừa xuất thân từ ghế nhà trường nay trở thành những con người tiên phong trong công tác xã hội cũng như giáo hội: sinh hoạt tôn giáo bình thường, nhất là nâng đỡ trong công ăn việc làm, thúc đẩy con cái tiến bộ trong việc học hành và lao động. Hai làng công giáo: Bon Madjong và Plei- Pa là những làng điểm trong sản xuất và an ninh trật tự.
Có thể nói, giai đoạn 1975 – 1988 : là giai đoạn thanh luyện nhiều mặt và cho nhiều người khi hội nhập vào một tiến trình cải cách kinh tế và xã hội còn quá mới mẻ. Nhưng sức sống lòng tin dựa vào Thánh Lễ, Lời Chúa và sống tin tưởng của cộng đoàn với nhau và với chủ chăn: hiệp nhất, bác ái, chia sẻ. Nhiều thời giờ tĩnh tâm, san sẻ Lời Chúa, đào tạo tâm linh, đi thăm viếng nhiểu người trong các buôn làng nơi xa tại huyện Krong Pa hoặc Thuần Mẫn. Cha phụ trách đi thăm và ban các Bí tích trong các điểm truyền giáo dù nắng mưa, thuận tiện hay không.
3 – Từ năm 1988 – 2005: Giai đoạn phát triển.
Thời kỳ đất nước mở cửa, bắt đầu một giai đoạn mới cho đất nước [18]. Nhưng đời sống đức tin, sự phát triển của Giáo phận Kontum nói chung, của Trung tâm Truyền Giáo Cheoreo nói riêng chủ yếu là do yếu tố thiêng linh, đó là Chúa Thánh Thần. Một điều có thể kiểm tra được là sau khi Giáo hội tôn vinh 117 vị tử đạo tại Việt-nam (19-06-1988), thì hầu hết các họ đạo dân tộc hạt Kontum cũng như Pleiku có đà phát triển về số lương và chất lượng cách mạnh mẽ và đáng ngạc nhiên (trước 1988 vài năm và sau thời điểm nầy). Trung Tâm Truyền Giáo Cheoreo đã tổ chức nhiều đợt học hỏi, cầu nguyện tỉnh tâm, chuẩn bị nhiều khoá cho anh chị dự tòng, mỗi khoá kéo dài hơn nửa tháng: có những người mẹ gùi con theo, hoặc người chồng giữ con thay vợ để bà an tâm dự khoá giáo lý từ khắp nơi xa xôi về Trung Tâm, như từ Krong Pa, từ Thuần Mẫn, Chư Athai . . .
Để chuẩn bị mừng 150 năm kỷ niệm ngày mở đạo thành công tại giáo phận Kontum (1848-1998), Trung Tâm đã thống kê số giáo dân, dự tòng và các nơi có người tòng giáo như sau:
THỐNG KÊ 2 Năm 2002:
- 4559 tín hữu và 94 dự tòng,
được phân bổ trong 02 huyện: Ayunpa và Krong Pa
và 16 xã, và 97 làng :
I – Huyện Ayunpa:
1/ Thị trấn Ayunpa gồm 6 làng, huyện Ayunpa :
2/ CĐ Ia Kê gồm 8 làng, huyện Ayunpa
3/ CĐ Ia Sol gồm 7 làng, huyện Ayunpa.
4/ CĐ Pơtó : 1 làng, huyện Ayunpa.
5/ CĐ Ia Piar I gồm 6 làng, huyện Ayunpa.
6/ CĐ Ia Piar II : 6 làng , huyện Ayunpa.
7/ CĐ Ia Hiao gồm 8 làng, huyện Ayunpa.
8/ CĐ Ia Trok gồm 4 làng, huyện Ayunpa.
9/ CĐ Amarơn gồm 7 làng. huyện Ayunpa.
10/ CĐ Ia Yeng gồm 5 làng. huyện Ayunpa.
11/ CĐ Chư Mô gồm 8 làng, huyện Ayunpa.
12/ CĐ Ia Tul gồm 3 làng, huyện Ayunpa.
13/ CĐ Ia Rtô gồm 6 làng. huyện Ayunpa.
II – HUYỆN KRONG PA
1/ CĐ Ia Siơm gồm 5 làng thuộc huyện Krong Pa.
2/ CĐ Ia Rsi, gồm 7 làng, thuộc huyện Ayunpa.
3/ CĐ Ia Uôr, gồm 6 làng, huyện Ayunpa.
4/ CĐ Cư Ngok, gồm 4 làng , huyện Ayunpa.
Năm 2003, Cha Marcô Bùi duy Chiến đảm trách Trung tâm thay cha Gioan Baotixita Nguyễn văn Phán. Năm 2005, Cha Antôn Lê ngọc Thanh thay cha Marcô Bùi duy Chiến.
THỐNG KÊ 3 : Năm 2005:
6217 giáo dân (tính đến tháng 06)
và 5148 dự tòng (tính cuối năm 2004).
Thay lời kết.
.
Chúng tôi xin ghi lại đây lời của cha Jacques Dournes viết trong tác phẩm “Dieu aime les paiens” trong chương 7, trang 146 –147 để từ thực trạng hôm nay, chúng ta – những người có trách nhiệm và cả cộng đoàn tín hữu - thử nghĩ cần phải làm gì cho thế hệ con cháu mai sau của chúng ta, hướng mở với đất nước và với Giáo hội hoàn vũ như thế nào, hầu đáp ứng nhu cầu tôn giáo của họ.
“Nhưng, những người dự tòng không phải là những người cô đơn. Trước khi hoàn toàn trở nên người con, họ được cả xứ đạo chấp nhận. Việc người Việt-nam đến Cheoreo ào ạt, dù số người công giáo không bao nhiêu đã thay đổi bộ mặt công giáo của quận nầy. Một xứ đạo đã được thiết lập, như tôi đã nói, không phân biệt kinh hay Jơrai. Vẫn biết đó là nguồn gốc của nhiều khó khăn vì khác ngôn ngữ và việc đào tạo tôn giáo – vì thế, trên khắp Cao nguyên, chúng tôi ở đây là người độc nhất liều lĩnh một việc như vậy, trong kích thước Giáo hội không phân biệt ai.
Người Jơrai Kitô hữu chống mạnh mẽ việc thiết lập một xứ đạo riêng. Họ không bao giờ thích những nơi dành riêng – họ cần thấy tương lai của họ về vật chất nằm trong nước Việt-nam và về thiêng liêng nằm trong Giáo hội không phân biệt dân tộc. Đàng khác, họ tỏ ra điều đó cách tự nhiên : khi di chuyển, người Thượng Kitô hữu, dù họ từ đâu tới, họ đến các gia đình và nhà thờ Việt-nam thay vì đến những nơi dành riêng cho “anh em” họ thuộc dân tộc gần đó. Chúng tôi thấy rằng, dù có những lợi ích mục vụ trước mắt, việc phân chia sắc tộc cho mỗi họ đạo sẽ đi ngược lại dòng lịch sử và ý nghĩa Giáo Hội. Việc người Thượng nhập vào người Việt-nam là điều không thể tránh – trừ một số nhỏ không khoan nhượng có thể chôn mình trong núi rừng – chúng tôi thấy nên đi bước trước để dẫn dắt họ tốt hơn.
Có một nhà thờ xứ và một lễ ngày Chúa nhật cho hết mọi người. Giảng dạy, kinh nguyện và ca hát trong hai ngôn ngữ, giống như nơi thánh Augustinô, người ta đã dùng tiếng latinh và tiếng Berbère; nơi thánh Chrysostome có tiếng Hylạp và Syria ; ở Giêrusalem, Ethéria cũng cho thấy hai ngôn ngữ. Đúng là trong lối sống của Giáo Hội mà người ta đã giữ lại dấu vết phụng vụ trong thứ sáu tuần thánh.
Nhưng việc đào tạo giáo dân sẽ được đáp ứng tùy ngôn ngữ của họ; đó là điều quan trọng đối với người Jrai, không chỉ vì họ còn ít hiểu tiếng Việt-nam, nhất là tự mình quan niệm tôn giáo cổ truyền của họ, họ có thể trở lại cách sâu xa, chứ không cách nào khác.
Nhưng dưới con mắt người dự tòng Jrai nhỏ nhất xứ đạo có đó, nó là môi trường mới của họ. Chúng tôi đào tạo họ ở nơi họ, cách vững chắc nhất theo khả năng và đến lúc, chúng tôi trao họ cho xứ đạo, xứ đạo đón nhận họ và đồng thời, khi đón nhận họ, xứ đạo được phong phú thêm nhờ những giá trị riêng mà người ta không được tước đi”.
Kontum, năm 2005
Lm. NGUYỄN HOÀNG SƠN
[1] Jacques Dournes, “Dieu aime les paiens “, Aubier 1963, trang 11
[2] xem sách đã trưng dẫn.
[3] Xem Annales, MEP năm 1912 số 89 tr. 298; Echos de la Mission tháng 3 và 4 năm 1949. Plei Klub cũng được gọi là Pơnuk.
.
[4] xem Jacques Dournes, Sđd.
[5] Jacques Dournes , sđd, trang 12-14.
[6] Jacques Dournes , sđd, trang 12-14.
[7] x. Jacques Dournes, sđd, trang 72 và 77. Đọc thêm “L’ Ouvre néfast”, 1907 của Cha Guerlach,
[8] Xem Jacques Dournes, “Structures Familiales et sociales”,
[9] Jacques Dournes, sđd
[10] Vào năm 1930-1935, khi in bản đồ, địa danh Tona là cụm từ thu gọn do người Pháp phiên âm địa danh Tong ă. Người dân tộc gọi vũng nước gần đèo nầy là “Tong Ă”, có nghĩa “vũng nước quạ”, nơi loài quạ sinh sống từng đàn, nhờ xác chết loài thú gom lại rất nhiều nơi đây, làm thức ăn hợp khẩu vị cho loài quạ.
[11] Jacques Dournes, “ Pơtao, une théorie du pouvoir chez les Indochinois Jơrai”, nhà xuất bản Flammarion năm 1977, trang 12.
[12] Jacques Dournes, “Dieu aime les paiens”, chương IV trang 71-72
[13] Xem Mémorial 1993, của MEP
[14] Tập san Mémorial 1993 của MEP có ghi : “Tháng ba năm 1968, tình hình chuyển thành tồi tệ một cách nhanh chóng tại Việt Nam. Trong khi đó, người ta đưa tin rằng ở Kontum, tất cả các cha đều bình yên vô sự. Tuy nhiên, một trong số các cha ở đó đang gặp phải bất trắc: đó là cha Dournes vốn dĩ ngay từ tháng trước đã thông báo cho tập san “Echos” về tâm trạng hoang mang cha phải gánh chịu vì đã bị buộc rời bỏ Chéo-Réo vào tháng giêng, không do ý riêng nhưng dựa theo những chỉ thị được ban hành: một cách vô vọng, cha đụng phải một bức tường bất cảm thông”
[15] Cha Giuse Bùi đức Vượng nguyên chánh xứ Phú Bổn cho biết: khi cha Jacques Dournes rời khỏi nhiệm sở Trung Tâm Truyền giáo Cheoreo ngài được Đức Giáo Mục giáo phận trao quyền quản trị Trung Tâm, nhất là quyền theo giáo luật liên quan hôn phối cho đến khi có cha phụ trách chính thức.
[16] Xem lịch địa phận năm 1970
[17] Xem lịch địa phận năm 1974
[18] Cũng tự nhận rằng trong thời gian từ ngày thống nhất đất nước có những sai sót trong chính sách, như lời thú nhận của Đảng Uy (xem bài báo cáo của Đảng Uỷ tinh Kontum trong Kỷ niện Đảng vừa qua)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét