Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ ĐỊA SỞ HAMÒNG



SƠ LƯỢC TIỂU SỬ ĐỊA SỞ HAMÒNG

Trong những thế kỷ trước, nhất là do chế độ buôn bán nô lệ như một trao đổi hàng hóa thông thường tồn tại trong sinh hoạt xã hội thời các Chúa Nguyễn[1] và coi  Tây nguyên là nơi cung cấp hàng nô lệ, mà trung tâm buôn bán trao đổi cho cả Đông Dương là Kon Trang, nên việc đánh nhau, bắt người, cướp của giữa các sắc tộc là lẽ đương nhiên xảy ra. Trong cơn lốc đó, vào tiền bán thế kỷ XIX, một số  làng thuộc cư  dân Rơngao phải ngược sông Sêsan chuyển từ phía nam (nay thuộc xã Ia Chim) về phía Bắc theo dòng sông Pơkô, cư trú hữu ngạn sông Krong Pơkô (nay thuộc huyện Sa-Thầy) bên suối Hamong trong một thời gian khá lâu dài. Các cư dân này được gọi là làng Hamòng từ đó.  Họ cư trú làm nương rẫy tại hữu ngạn sông Pơkô, bên suối Dak  Hamong một thời gian, tương đối sống sung túc nhờ có sông Pơkô, suối Hamong cung cấp cá cho gia đình họ, nhất là họ đãi vàng bên sông Pơkô nổi tiếng có những hạt vàng to bằng hạt bắp để trao đổi tại chợ trời Kontrang cùng với các sắc tộc khác buôn bán nô lệ hay súc vật khác, đặc biệt loài trâu dùng trong việc cúng tế và các thổ sản khác. Các làng như Hamòng Kơtu, Hamòng Kơtol, Dak Io, Dak Wơk . . . thập niên 30-40 thế kỷ trước  mặt hành chánh thuộc tổng Hamòng. Nhưng, vào thập niên  50 – 60 cũng trong thế kỷ trước vì an ninh trọn bộ tổng Hamòng phải di chuyển qua tả ngạn sông Pơkô (nay huyện Đak- Hà) đối diện với nơi cư trú cũ. Mới đây (từ năm 2004-2005), một lần nữa vì mực nước sông Pơkô nâng cao do đắp đập thủy điện, họ đã được chính quyền địa phương di dời các làng về nơi cũ trước kia (nay huyện Sa-Thầy) phía hữu ngạn sông Pơkô tuy nằm sâu vào trong nội địa hơn lần trước vài cây số.
Vì các làng thuộc tổng Hamòng  di chuyển nhiều nơi và cộng thêm dưới khía cạnh quản lý mặt Giáo hội lệ thuộc vào nhiều địa sở do chiến cuộc và thiếu linh mục, nên rất phức tạp để viết lại tiểu sử dù sơ lược những nét chính  của địa sở Hamòng.
Dù gặp nhiều khó khăn và biết sẽ thiếu sót, chúng tôi xin sơ lược tiểu sử địa sở  Hamòng qua dòng thời gian với những thăng trầm lòng tin của các  tín hữu, xuyên qua đó để thấy được địa sở Hamòng mang sứ mạng loan báo Tin mừng trước nhất cho dân tộc mình và sau đó cho các làng chung quanh như thế nào.
Chúng tôi xin chia sơ lược tiểu sử  địa sở Hamòng qua các giai đoạn như sau:
I -  Giai đoạn xây dựng  các cộng đoàn tín hữu cho cư dân Hamòng.
II – Những giai đoạn  thăng trầm của địa sở Hamòng.
III- Những biến cố thử thách lòng tin trong giai đoạn xã hội mới từ 1973.

I -  GIAI ĐOẠN XÂY DỰNG  CÁC CỘNG ĐOÀN TÍN HỮU CHO CƯ DÂN HAMÒNG.
Trước nhất, chúng tôi xin tìm hiểu địa danh cũng như tiền sử của HAMÒNG như thế nào trong thời gian trước khi cư dân xin tòng giáo vào ngày 29 tháng 07 năm  1897 dưới thời kỳ vị thừa sai truyền giáo cho vùng cư dân bản địa Rơngao.
1 – ĐỊA DANH HAMONG.
Theo cách phát âm người trung châu “Hamong”[2], có lúc phát âm Hamòng[3], có khi Hàmòng, người dân tộc đọc nhanh Hơmong. Ý nghĩa của từ HAMONG  là gì, đến nay chúng tôi chưa tìm ra. Tuy nhiên, dân tộc thường đặt tên làng dựa vào sông, núi hay thổ sản, hoặc tên chủ làng. Có ngừơi cho rằng Hamong, hay đúng hơn Hơmong nơi cư trú gần suối có tên Dak Hamong, bên hữu ngạn  Krong Pơkô. Tuy nhiên, tại xã Ia Chim ngày nay, nơi xuất phát nhóm cư dân Hamòng, theo tài liệu  về hình thành địa sở Plei Jơdrâp (Rơngao – Jrai –Halang) có ghi nội dung:  P. Jơdrâp tòng giáo 1903, Trung Tâm người Hamòng tòng giáo năm 1905 (và cột bên kia ghi thời kỳ các linh mục thừa sai đến truyền giáo: cha Kemlin : phụ trách năm: 1903-1912)[4]. Như vậy, hình như danh xưng Hamòng đã có từ lâu để chỉ một số cư dân Rơngao (cư trú tại xã Ia Chim ngày nay) trước khi họ bị ép di chuyển lên cực bắc phía hữu ngạn sông Pơkô?.
2 -  TIỀN SỬ:
  a/ Giai đoạn làng Hamòng chưa tòng giáo. Họ sống rất hài hòa với các làng chung quanh đặc biệt với cha Dourisboure khi ngài mới lên tạm trú tại Kon Trang năm 1852. Cha Dourisboure, tập sách “Les sauvages Bahnars”, chương X  có viết như sau [5]:
“ Năm đó (1852), Kon Trang mất mùa lúa trầm trọng, cho nên khi tôi đến ở được ít lâu thì dân làng không còn gạo ăn. Ở Pháp, việc thất thu lúa mì sẽ làm cho dân chúng lo âu vì chắc chắn sẽ xảy ra nạn đói khủng khiếp. Nhưng ở xứ này, mất mùa không làm cho ngừơi dân tộc sợ hãi bao nhiêu vì rừng núi sẽ cứu họ. ( . . . .) Kon Trang hầu như hết gạo. Nhưng cách đó không xa, trên bờ sông Pơkô, có một làng tên Ha moong, năm đó lại được mùa. Làng này trở nên kho thóc dồi dào cho tôi. Thỉnh thoảng tôi đến đó mua gạo đã giã sẵn, chỉ việc nấu thôi. Tôi gùi gạo trên lưng mang về”.
Tuy nhiên, trong không khí và não trạng của người dân tộc một mặt đời sống tập thể lấy làng làm gốc, là đơn vị dân cư  cơ bản luôn đùm bọc, họ sống vui vẻ và giao hảo nhiều sắc tộc khác, nhất là làng Hamòng sống gần bên làng Kon Trang nơi gặp gỡ, trao đổi giữa nhiều dân tộc khác: Lào, Bahnar, Xơđang, ngay cả những con buôn kinh nữa. Do đó, họ rất cởi mở.
b/ Tuy nhiên, họ vẫn vừa chở che cho nhau, vừa cảnh báo những thù nghịch chung quanh, một nhà rông giữa làng, qui tụ thanh niên cừơng tráng giữ an ninh cho dân làng. Khi  có biến động, hoặc  bị khích động rủ rê của những già làng khác, họ cũng dễ ngã theo với những làng đó mà gây những việc bất ổn đáng tiếc trong vùng. Chúng tôi xin ghi lại đây tài liệu “Mở đạo Kontum”  của  cha P. Ban và cha S. Thiệt, nhà xuất bản Quinhơn,  năm 1933, trang  159-162. Lối viết dùng từ của hai tác giả đã  76 năm, nhiều chỗ không còn hợp thời, nhưng cốt lõi cho chúng ta vừa thái độ chân chất và cũng luôn hiếu hòa của dân làng Hamòng. Nguyên sự việc như sau:
Chú Hộ, người giúp việc trông nom nhà cửa và rẫy ruộng của  cha Do đang ở nông trừơng Dak Kấm, vui vẻ và được tiếng giỏi, nên ngừơi dân tộc thích.  Có một bửa chú  rủ 7 thanh niên dân tộc thuộc ngừơi nhà cha Do đi qua làng  Hamòng chơi. Ban đầu mấy thanh niên này ngăn cản lý do đưa ra là người Hamòng còn tức giận các cha “vì rằng tại người đem con dịch trái lên thả cho nó đi phá hại chúng, nên hằng kiếm dịp báo thù cho bỏ. Nhưng chú Hộ có tính bạo dạn lắm, không cứ, một hai rủ đi cho được đặng kiếm heo về ăn, vì nghe phía đó heo rẻ. Bảy người mọi nhà nghe rủ già cũng đi theo; nhưng khi đến gần sông Pơkô 6 đứa sợ không dám qua làng Hamòng, lũi thẳng xuống Hamòng Kotal ngủ nhà bà con; còn có mình chú Hộ và một đứa mọi trai tên là Bôi bơi sõng qua làng Hamòng Kơtu, lên nhà tên Huê là cha tên Glêm đang làm chủ làng bây giờ”.
Câu chuyện tiếp tục nói đến bắt chú Hộ, đòi phạt đến 100 con trâu, có người dân tộc bên làng Dak Rơting tên là Hôk can thiệp mãi mà không được. Chú Hộ nghe dân làng khăn khắng đòi 100 trâu, thì dọa rằng : “ Nếu bay đòi hiều quá như vậy, ắt bên tao không có của đâu mà chuộc; vã lại chúng ta cũng không có lỗi lầm đụng chạm gì  đến chúng bay, mà bay bắt cuộc cùng đòi nặng như vậy, tao tức quá, âu là ta cắn lưỡi chết cho rồi, chẳng những bay không được trâu nào, mà lại thúi cả làng bay coi”.
Nghe lời dọa như vậy, dân làng hạ xuống còn 15 trâu. Trong vụ này, chú Hộ bị cầm tại làng một tháng rưỡi. Trong thời gian đó, còn một em bé trong làng bị bịnh nặng, chú chữa và rửa tội, bé khá trở lại, cha mẹ bé  cho chú con gà . “Song cách ít bữa nó phát lại và chết về thiên đàng”.
c/ Khi cha Do từ Trung Châu lên nghe làng Hamòng bắt chú Hộ và đòi phạt nặng, còn nhốt chú lâu ngày, nên có ý thị uy, nhưng sau cùng với lòng tốt lành và uy tín, ngài dùng trung gian, nhờ ngừơi làm môi giới nói cho dân làng Hamong biết cần giải hòa với cha Do. Cuối cùng “Hai bên đập heo ăn huyết thệ làm hòa với nhau. Từ ấy về sau Hamòng hằng giữ lời hứa và ăn ở thuận hòa với các cha luôn cho đến rày, lại rày cũng được nhìn biết đạo thánh nữa”.

3 – HAMONG KƠTU TÒNG GIÁO VÀO NGÀY 29/07/1897.
a/ Theo nhiều tiểu sử của các cha thừa sai, chúng ta nhận thấy việc truyền giáo vùng cư dân Rơngao phía tây Trung Tâm Truyền giáo Rơhai dày công và lâu dài. Qua tiểu sử của cha Poyet, chúng ta biết công cuộc rao giảng Tin Mừng vùng phía tây Trung tâm Truyền giáo này đã tiến triển mạnh mẽ từ đời cha Poyet khi ngài coi cộng đoàn tín hữu Kon Hngo Kơtu: “Tháng 4 năm 1896, cha Poyet được chỉ định coi làng Kon Kơtu bao gồm cả phía tây miền truyền giáo. Ngài đã dành hết sức lực và tâm huyết cho công việc mục vụ[6]”.
Trong thời gian này, dù ngài vất vả về mọi mặt, nhưng đã không ngại đến hữu ngạn sông Pơkô khuyến dụ số làng cư dân Rơngao tòng giáo, và vào ngày 29/07/1897, làng Hamòng Kơtu đã  “păi yang” xin tòng giáo, Dak Tô tòng giáo 27/07/1897, Hamòng Kơtol ngày 25/08/1897.  Nhưng đến năm 1898, Đức cha cho cha Poyet sang Hong Kong nghỉ ngơi tại nhà Bethanie.
Sau khi cho Poyet nghỉ tại Hong Kong, vào năm 1897-1899 cha Bề trên chỉ định cha Jary đang phụ trách Kon Hngo trực tiếp củng cố niềm tin và đời sống Tin Mừng cho làng Hamòng mới xin tòng giáo nói riêng, cho vùng cư dân Rơngao nói chung.
 b/ Cha Charles Kemlin, phụ trách  địa sở mới cư dân Hamong.

    1) Địa sở Hamong gồm nhiều làng như Hamong Kơtu, Hamong Kơtol, Dak Io, Dak Uơk.
Cha Poyet khi phụ trách Kon Hngo (thuộc địa sở Phương Quý ngày nay) đã đến “păi yang” Hamong cùng với cha Guerlach. Sau đó, thuận đường cũng như cùng gốc cư dân Hamòng tại Plei Jơdrâp, cha Kemlin cũng như các cha kế tiếp ở Plei Jơdrâp phụ trách luôn tuyến đường sông Pơkô, nghĩa là từ Plei Jơdrâp đến Dak Tô, sau đó khoanh vùng lại đến Dak Mut, khi địa bàn Kon Hơring truyền giáo đến Dak Kơna, Dak Tô phía cực Bắc Giáo phận. Dù có biến động về nhiều mặt, các linh mục phụ trách cũng thay đổi, nhưng vào thời giai đoạn sau cùng, cha Phaolô Ban lên cư trú tại địa bàn Hamòng và xây dựng địa sở riêng cho cả tổng Hamòng gồm nhiều làng. Sau đây xin ghi lại thực trạng địa sở Hamòng qua 2 tiểu sử cha Kemlin và cha Phaolô Ban,  linh mục tiêu biểu và cuộc kinh lý của ĐGM. Đại Diện Tông Tòa Đông Đàng Trong trên Vùng Truyền Giáo Tây Nguyên trong đó  có cư dân Rơngao Hamòng.
         2) Sơ lược tiểu sử cha Charles Kemlin – Vị Đại Diện  Giám Mục QUI NHƠN, Bề Trên Miền Truyền Giáo Bahnar -.
Cha Maria Joseph Emile Kemlin, thụ phong linh mục vào ngày 26 tháng 07 năm 1898  và nhận giấy bổ nhiệm làm Vị Đại Diện Tông Toà của Địa Phận Qui Nhơn. Ngài lên đường truyền giáo ngày 03 tháng 08 năm 1898.
 Năm 1899, cha Vialleton, Bề Trên Miền Truyền Giáo Bahnar, xin được cha Kemlin lên trên đó. Đối với cha Kemlin, đó là một cuộc hy tế thật sự, nhưng ngài đã ra đi đến nhiệm sở mới, mặc dù Cha Jeanningros đề nghị xin đi thay cho ngài.
Dưới sự hướng dẫn của cha Irigoyen, ngài học Tiếng Dân tộc Rơngao. Dân tộc Rơngao là một nhánh của dân Bahnar; chẳng mấy chốc ngài thông thạo tiếng Rơngao. Năm sau, ngài trở thành người đầu tiên phụ trách một địa sở mới dân Hamong. Đây là một địa sở nằm sâu  giữa vùng dân Halăng và dân Xêđang.
Năm 1902, hoà bình được lập lại nơi người Xêđăng, Cha Kemlin tiếp tục việc Loan Báo Tin Mừng cho dân Rơngao. Các làng Kon-Gong, Dak-Kan, Polei-Arang, Ia-Klau theo đạo; ngài thành lập làng công giáo Pơlei-Jơdrâp. Cha Kemlin đi khắp địa sở của ngài để chỉ dẫn việc xây dựng các nhà thờ, để thăm viếng, để dạy dỗ các bổn đạo và trải qua hàng giờ thâu đêm nói chuyện với họ.
Chính vì vậy mà ngài đã có được sự thấu hiểu ngôn ngữ, phong tục, tập quán và tâm  hồn người Rơngao.
Vào năm 1905, mệt nhọc vì bao công việc, nên ngài phải đến Hồng Kông để dưỡng sức. Năm 1906, trở về, ngài thành lập làng Pơlei-Jơrâp. Đây là một làng công giáo do ngài  đặt nền móng và xây nên một ngôi nhà thờ, đó là một trong những ngôi nhà thờ đẹp nhất của Miền Truyền Giáo này, và đó cũng là trung tâm của địa sở mới.
Ngày 29 tháng Giêng năm 1912, cha Guerlach, vị Đại  Diện Giám mục, Bề Trên Miền Truyền Giáo Bahnar, đã qua đời. Cha Kemlin được chọn kế vị. Công việc của người kế vị nặng nề và là thời gian khó khăn. Ngài về Kontum cư ngụ.
Trong thời gian ở KonTrang, ngài cho công bố việc nghiên cứu chủng tộc học của ngài về dân Rơngao, mà ngài đã chung sống giữa họ hơn 12 năm. Sau khi nghiên cứu “những nghi lễ thuộc về nương rẫy” của họ, ngài đã cho ra 2 bài nghiên cứu có nền tảng để tiếp cận đến tâm linh của thế giới người Thượng : bài thứ nhất về “Những bài ca và những diễn xuất của họ” ; bài thứ  2 về “Những Giao ước nơi dân Rơngao”, trong đó có hai loại giao ước khiến ngài chú ý tới, đó là những giao ước giữa người sống với nhau (kết nghĩa anh em, giao ước Cha-Con, giao ước máu. Giao ước sữa), và những giao ước với các thần linh (thần đồ vật, thần con vật, thần cây cối).
Giám đốc của Trường Viễn Đông đã có lời khen ngợi cha Kemlin : “Chúng tôi tự  hào  đánh giá cao tinh thần này, là đã phân tích thấu đáo não trạng mơ hồ và phức tạp của các dân cư người Thượng mà khi sống giữa họ, ngài đã chu toàn tác vụ của mình. Việc nghiên cứu của ngài về dân Rơngao có thể được trình bày như một kiểu mẫu cho những ai trong tương lai muốn thực hiện nghiên cứu về chủng loại này.”
Năm 1918, tỉnh Kontum khi đó gồm có 5 quận thị , 38 phường xã, 1 phó tỉnh trưởng, 978 làng Thượng, 210.000 dân cư, trong đó khoảng 15.000 người Công Giáo, 153 cộng đoàn Kitô hữu được phân thành 19 Địa sở, 1 Trường đào tạo Giáo lý Viên, 1 Dòng Nữ với 11 tu sĩ, và 1 Nhà In. Cha Kemlin luôn ưu tư làm sao cho Miền Truyền Giáo trở nên thịnh vượng, có được đời sống vật chất cũng như sự phát triển của Miền ổn định. Với lòng hăng say quên mình và nghị lực, Ngài đã chuyên tâm vào nhiệm vụ đó.
 Sau khi mừng lễ Kim Khánh, ngài rời Kontum vào tháng 09 năm 1924 để lên Đà Lạt dưỡng sức nghỉ ngơi. Sức khỏe của ngài gần như chẳng được hồi phục, các bác sĩ ra lệnh phải chuyển ngài về Pháp. Ngày 13 tháng 09 năm 1924, ngài đến Marseille, kiệt sức. Kể từ ngày 7 tháng giêng năm 1925, ngài bị tê liệt hoàn toàn và được chuyển đến Bệnh Viện Thánh Giuse. Chính tại đây, ngài đã qua đời, đó là ngày mồng 6 tháng 4 năm 1925.
 c/ Năm 1912, ĐGM, Đại Diện Tông Tòa  Đông Đàng Trong kinh lý và ban bí tích Thêm sức  cho vùng dân tộc Tây Nguyên. Trong Hlabar Tơbang, năm 1913,  số 27 trang 36 có ghi lại cuộc hành trình đầy gian khổ thăm Hamòng Kơtu sau khi thăm Dak Kơna như sau :
«  Đức Giám mục trở về theo đừơng Kon Hơring vào ngày thứ hai ; ngày thứ ba,  dùng thuyền của dân Dak Kang xuôi dòng sông Pơkô đến Hamong Kơtu. Dòng nước chảy xiết phải xuống thuyền hai ba lần. Dân làng Dak Mút đón ngài tại bến sông, nên ngài phải nghỉ ngơi đôi chút tại làng của họ và làm phép nhà thờ họ mới làm trong năm vừa qua. Làng Hamong Kơtu hiện nay thật là buồn thảm; họ đã bỏ bê tất cả việc đạo Thánh Chúa. Chỉ có một số dân làng Dak Io và Hamòng Kơtol đón ngài và đưa về nhà cha Minh. Nhờ vậy, ngài vui đôi chút và dân làng đánh chinh trống theo thường lệ. Vì thế, ngài không ban bí tích thêm sức cho ai cả, không bằng lòng đức tin của địa sở này sa sút »
 d/ Cha Phao lồ Ban thuộc họ Suối-Nổ  địa  sở  Nhà – Đá, tỉnh Bình –định, giáo phận Quinhơn.
 Chúng tôi xin trích nguyên văn  một phần tiểu sử của cha Phaolô Ban chánh xứ địa sở Hamòng và về việc xây dựng cơ sở cũng như  tâm tính, lòng đạo và đức tin của tín hữu người dân tộc Rơngao Hamòng. Cách hành văn, từ ngữ  tuy mộc mạc, nhiều từ ngữ ít dùng ngày nay, nhưng hàm chứa được con tim thương mến và lo lắng của ngài cho tín hữu Hamòng như thế nào [7].
 « Trẻ Phaolồ này từ thưở mới có trí khôn, đã tỏ ra lòng ngoan đạo và có trí ý, nên cha sở đã bàn với cha mẹ người và gởi vào Chủng viện Làng–Sông.  Ngài chịu linh mục vào năm 1911 và vào Phú yên, làm phó coi sở Hoa châu gần 3 năm. Cuối năm 1914, cha Bề trên Văn  ( Père Provicaire Kemlin ) hằng nài xin Đức Cha cho thêm kẻ chăn.
    « Lúc bấy giờ ai cũng sợ đi Kon tum,  vì từ Qui nhơn đến Kon tum chưa có đường giao thông bằng xe cộ mau chóng như bây giờ. Đức cha biết hai cha là cha Gioan Baotixita Phan và cha Phao lô Ban có đức tính vâng lời, có lòng can đảm hay chịu khó và ái mộ việc Tông đồ, nên đã chọn người làm bạn đồng hành với cha Phan lên giúp địa phận Kon tum. Người được thơ Đức Cha dạy lên Kon tum, liền cuối đầu vâng lệnh chẳng hề năn nỉ từ chối và chẳng chút chi tỏ dạ buồn phiền. Đến Kon tum, bề trên để người ở Rơhai học tiếng Mọi, bởi lúc bấy giờ thiếu các cha, nên người phải đi coi nơi nọ, nơi kia không an chỗ. Đoạn lên Kon Xơmluh chưa đủ một năm lại phải dời qua địa phận Jơdrâp, thế cha Bề trên Văn, ở đó chẳng bao lâu, người lập được một họ An nam gọi là Ngô Thạnh.
« Cuối năm 1916, cha bề trên lại giao địa phận Hamòng cho người, địa phận nầy lúc ấy chẳng khác chi kẻ liệt gần chết: các làng bỏ đạo gần hết, chỉ còn là Dak lo và vài làng khác còn hoi hóp ở chút đức tin. Nhà Thờ và phòng ở tại sở chính (Hamong kơtu) đều hiu quạnh lạnh tanh, tranh rách vách xiêu vì đã lâu không có cha sở, rất đáng buồn thay! song người có đức vâng lời và lòng can đảm, vững bền, nên vui lòng nhận lãnh. Chẳng bao lâu vì lòng sốt sắng và công lao khó nhọc đã làm đã chịu vì đức mến Chúa yêu người, nên Chúa đã an ủi người, mở lòng cho các làng ăn năn trở lại hết thảy. Thật là đáng mừng và đáng ghi công đức người đã sửa lại các nhà thiêng liêng cho Chúa đoạn, thì người kiếm chỗ cao ráo mà dựng nhà thờ, nhà vuông lợp ngói rộng rãi như ta thấy bây giờ.
« Thật người hết lòng sốt sắng thương yêu và lo lắng cho con chiên, nên chẳng nệ khó nhọc ngày đêm, chăm lo cho chúng cả hồn xác; lẽ thì chúng phải đem lòng kính phục thương yêu lo đền ơn đáp nghĩa. Nhưng vì tính tình người Rơ ngao hay thay đổi, vui đâu chúc đó, nên ghe phen đã làm cho người phải phiền dạ lo âu, nhưng người chẳng hề hờn giận lẫy bỏ, một lấy lòng nhơn từ ủi an răn bảo, làm cho chúng phải mủi dạ ăn năn.
« Bởi người thấy người Mọi có tính trễ tràng biếng nhác và hay chạy làng, sợ nhà thờ phải hiu quạnh, nên lo lập họ An nam, cho có người kinh lễ hôm mai và lo tập làm ăn có ý cho Mọi bắt chước.
 « Người thấy nhà chung phải túng thiếu và tổn hao nhiều bề, nên người xin  Bề trên trưng đất và lo giúp lập sở Cafê chỗ rừng già gần Hamong »[8].
Ngài có ý thành lập cộng đoàn tín hữu kinh và vào năm 1934 cộng đoàn tín hữu thành họ đạo Hamòng kinh.
 e/ Chúng tôi ghi lại đây tình hình địa sở Hamòng năm 1937 .
Theo báo cáo của địa phận Kontum trong năm 1937 [9],  địa sở Hamòng được giao cho linh mục bản xứ là cha Andrê Xuân, gồm 8 cộng đoàn tín hữu lên tới 1418 giáo dân, đa phần là người Rơngao trừ 59 là tín hữu người kinh. Từ Đak-Kang, nếu dùng thuyền độc mộc xuôi theo dòng sông Pơkô khoảng 15 cây số, chúng ta sẽ tới vùng cư dân Hamòng cư trú. Cũng xin lưu ý, cuộc hành trình bằng thuyền độc mộc nhiều nguy hiểm, có những khúc ghềnh thác dài 3 cây số; nếu quí vị muốn tìm cảm giác mạnh, tôi đoan chắc qúi vị sẽ được toại nguyện.
Hamòng kơtu làm trung tâm của địa sở. Ở đó, quí vị sẽ thấy được một ngôi nhà thờ rất thích hợp, một nhà xứ và các cơ sở phụ thuộc được xây dựng chắc chắn.
Địa sở này gồm 1400 tín hữu, 8 họ đạo không có xa nhau, điều hành mục vụ tương đối dễ dàng; cái khó khăn lớn nhất phát xuất từ  tính khí  hay thay đổi của người Rơngao. Bên cạnh đó, linh mục  trẻ người bản xứ với sức khỏe khá suy yếu đảm nhận địa sở này cũng không đạt được những thành quả như lòng mong ước. Trừ  có  2  trong các họ đạo của ngài khá hăng hái và sốt sắng, còn các họ đạo khác chưa đạt được đời sống tốt lành ».
 4-  SỔ RỬA TỘI ĐỊA SỞ  HAMÒNG CÒN LƯU TẠI GIÁO XỨ  KON RƠBÀNG
Sổ rửa tội địa sở Hamòng phần nào cho biết những giai đoạn do các cha phụ trách qua việc ký tên trong sổ Bí tích như sau[10] :
+ Thời kỳ cha P. Ban : ngày 10/09/1916 đến 06/05/1923.
+ Thời kỳ cha Anrê Xuân : ngày16/06/1933 đến 13/07/1951.
+ Thời kỳ cha G.Baot. Huy : ngày 15/10/1951 đến 11/04/1958.
+ Thời kỳ cha Antôn Thận : ngày 26/01/1958 đến 23/10/1967.
+ Thời kỳ cha Irénê Tĩnh : ngày 10/07/1968 đến 30/12/1971.
5 – BẢNG TÓM LƯỢC ĐỊA SỞ HAMÒNG – DANH SÁCH CÁC LÀNG TÒNG GIÁO & CÁC LINH MỤC PHỤ TRÁCH [11].
            ĐỊA SỞ  HÀMONG ( Rơngao)
TÊN HỌ ĐẠO
Năm tòng giáo
LM. phụ trách
năm phụ trách
HAMONG KƠTU
29/07/1897
Cha Jary1897 -
DAK-TÔ
27/07/1897
Cha Kemlin1899 – 1912
HAMONG KƠTOL
25/08/1897
Cha Priou1912 – 1915
KON GUNG Cha Jamet1913 – 1915
DAK MUT           1901Cha Ban1914
DAK DREL           1896Cha Thiệt1920
DAK UÂK           1924Cha Xuân1931
HÀMONG  kinh           1934Cha Thiệt1941
  Cha Đáng1942
  Cha Xuân1944
  Cha Ánh phó xứ1949

6-     CÁC CHÚ YAO PHU XUẤT THÂN TỪ ĐỊA SỞ HAMÒNG.
Một địa sở vững chắc còn xây dựng trên những cột trụ giáo dân, những nhân sự cùng với cha sở xây dựng và giữ vững lòng tin cũng như đời sống hiệp nhất trong cộng đòan tín hữu. Ở đây chúng tôi muốn đề cập tới các chú yao phu xuất thân từ địa sở Hamòng.
 Dựa vào tài liệu đúc kết danh sách yao phu năm 1956 và cấp bậc cũng lấy mốc 1956. Sau đây là danh sách yao phu địa sở Hamòng:
1/ Bok thầy  Yuxe Nêng, thuộc Hamòng Kơtol, khóa 1923, phục vụ tại P. Krong.
2/ Chú J. Bapt. Hnhôn, bậc nhất, thuộc Hamòng Kơtu, khóa 1928, phục vụ tại  Hamòng Kơtu.
3/  Chú  Pôlê Hiơt, bậc nhất, thuộc Dak Uơk, khóa 1831, phục vụ tại Dak Uơk.
4/ Chú Yuxe Nhao, bậc nhất, thuộc Dak Io, khóa 1932, phục vụ tại Dak Io.
5/ Chú Phederik Cher, bậc nhất, xuất thân Dak Mut, khóa 1935, phục vụ tại Dak Mut;
6/ Chú Petrô Dim, bậc nhất, xuất thân  Dak Mut, khóa 1935, phục vụ tại Dak Mut.
7/ Chú  Yuxe Dơn, bậc nhất, xuất thân Dak Io, khóa 1935, phục vụ tại Dak Io.
8/ Chú Phansua Hling, bậc nhất, xuất thân Dak Io, khóa 1935, phục vụ D. Rao Iôp.
9/ Chú  J.Bapt. Mleng, bậc nhất, xuất thân Dak Io, khóa 1935, phục vụ Da. Kơbei.
10/ Chú Phansua Ơn, bậc nhất, xuất thân Dak Io khóa 1935, phục vụ P. Dôr.
11/ Chú Phansua Ot, bậc nhất, xuất thân Dak Io, khóa 1937, phục vụ tại Dak Io.
12/ Chú Mikel Ah, bậc nhất, xuất thân Dak Io, khóa 1938, phục vụ Dak  Rao Iop.
13. Chú Pêtrô Nơl, bậc nhì, xuất thân Dak Mut, khóa 1940, phục vụ P. Long Loi.
14/ Chú Paul Lông, thực tập, xâut thân Dak Io, khóa 1954, phục vụ Cheoreo.
Và một số chú yao phu khác nữa như chú Petrô Mơno, thuộc Hamong kơtu, chú Petrô Chut, thuộc Hamong kơtol, chú Petrô Par, Hamong kơtu . . .
Năm 1935: Hamong làng người kinh:  Dưới thời cha  Anrê Lê Xuân có các ông biện: Biện Tòng, Biện Đài, biện Thử.[12]
                                                                                       
             II – CÁC  GIAI ĐOẠN THĂNG TRẦM CỦA ĐỊA SỞ HÀMÒNG [13]
Trong phần  II này, chúng tôi xin trình bày các họ đạo thuộc địa sở Hamòng vì chiến cuộc, mất an ninh đã di dời làng từ hữu ngạn sông Pơkô qua bên tả ngạn sông vào thập niên 50-60 thế kỷ trước.
1 – Phải kể từ chiến tranh thứ II, sau khi Nhật trở lại trên đất Việtnam, và ngày 13 tháng 03 năm 1945 đã lên Tây Nguyên lùng bắt các quân đội viễn chinh Pháp, bắt luôn các linh mục thừa sai. Trong giai đoạn đó, các linh mục thừa sai bị dồn về Nha-Trang cho đến quân đội Pháp trở lại. Kế tiếp đến cuộc chiến chống ngoại xâm Pháp, người dân rơi vào tình trạng tranh tối tranh sáng cho đến hiệp định Génève năm 1954. Một cuộc di dân từ Miền bắc vào miền Nam, lên Tây nguyên làm xáo trộn nếp sống, từ kinh tế đến tập tục của ngừơi dân bản địa. Đức Cha Paul Seitz (Kim) được thụ phong Giám mục ngày 03 tháng 10 năm 1952 và sau đó (2-11-1952) về Komtum nhậm chức giám mục lo cho địa phận đang rơi vào tình trạng chiến cuộc, xáo trộn xã hội và tôn giáo cực kỳ sâu rộng. 
Trong cơn biến động thế sự như vậy, Đức Giám mục trước tiên bố trí lại các địa sở sao  cho có chủ chăn và vạch ra phương hướng cũng như phương thức loan báo Tin Mừng cho anh em ngừơi dân tộc, trong đó đặt lên hàng  đầu vai trò làm chứng nhân của tín hữu người kinh. Họ đem Tin Mừng, tôn trọng và nâng cao phẩm giá con ngừơi nói chung, anh em người dân tộc nói riêng, để chính anh em dân tộc và qua anh em ngừơi dân tộc lo cho người dân tộc được thăng tiến trong mọi chiều kích.
Năm 1956  dứơi thời cha  J. B. Nguyễn quang Huy, địa sở Hamòng còn bên hữu ngạn sông,  gồm 1292 tín hữu dân tộc, có các chú phục vụ trong địa sở  như sau:
1/ Chú Nhôn, Hamong kơtu;
2/ Chú Mơno, chú Chú,  Hamong kơtol;
3/ Chú Hiơt, chú Hiêu, Dak Uơk;
4/ Chú Dơn,  chú Ot, chú Nhao, Dak Io;
5/ Chú Hier, chú Dech, Kon Gung.
Các câu biện : Thầy Đại, ông câu Tòng, ông câu Thử đã phục vụ từ năm 1935 thời cha Antôn Xuân v.v.. . [14]
2 –  Năm 1958, Cha Gioan Baotixita Nguyễn quang Huy vẫn chánh xứ địa sở Hamòng, với 6 làng, 10 yao phu, tổng số tín hữu là 1258 gồm 1194 dân tộc, 74 tín hữu kinh.[15]
3 – Đầu năm 1959. Trong tình trạng biến động nhiều mặt, chiến tranh, bom đạn, chiếm đất, dành dân, giữ dân của những thế lực đối nghịch, người dân thuộc địa sở Hamòng dần dần phải lui về phía  tả ngạn bên sông Pơkô (nay thuộc huyện Dak Hà) để gần huyện và tỉnh mong tìm cuộc sống ổn định dù mong manh. Cha Gioan Baotixita Nguyễn quang Huy chánh xứ địa sở Hamòng theo con chiên mình phải bỏ những nơi cư trú bên hữu ngạn Pơkô cùng đi với dân chuyển qua hữu ngạn sông bắt đầu xây dựng những cơ sở cần thiết cho nhu cầu sinh hoạt tôn giáo: có nhà thờ tương đối rộng đủ giáo dân dự lễ ngày chúa nhật, có nhà xứ thích hợp tiếp đón các tín hữu cũng lo việc giáo lý và các bí tích cho người tín hữu, chưa kể lo việc dân sinh đang gặp khó khăn.
4-  Họ đạo ngừơi kinh gọi là họ Hamòng kinh. Sau khi ổn định nơi cư trú mới và tổ chức mặt hành chính, cư dân Hamong kinh tổ chức thành làng Tân Thành, lệ thuộc xã Ngô Trang. Năm 1962-1963, vì đường giao thông đến xã Ngô Trang khó khăn và khi số dân kinh tương đối cao, đã thành lập xã Tân Thành  tại địa phương. 
5 – Chiến cuộc ngày càng leo thang, khói lửa chiến tranh bao trùm rừng núi Tây nguyên, nhiều làng bị o ép lại, sống trong  2 làng bom đạn, nguy hiểm đến sinh mạng. Đến năm 1964 dần dần các làng Hamòng phân tán nhiều nơi, nhất là họ đạo Tân Thành chạy khỏi vùng Hamòng, có gia đình về Phương Quý gần quận Kontum, kẻ thì chạy tạm tá túc tại Ngô Trang, hay chạy về Pleiku . . . Đến năm 1972, mùa hè đỏ lửa, Tây Nguyên bị xáo trộn tòan diện, dân chúng lũ lượt tay bế tay bồng bằng mọi cách  di tản về thị xã Kontum. Các địa sở vùng cực bắc Kontum trong quận Dak Tô chạy về  Kontum và sau đó năm 1973 một số địa sở Sơđang chạy đến định cư ở Plei Manăng quận Phú Thiện cũ (tỉnh Phú Bổn) và cha Arnould coi sóc trên 3456 tín hữu dân tộc Sơđang tại Plei Manăng II. Còn các làng thuộc địa sở Hamòng một số làng chạy về Dak Kâm hoặc một số khác chạy về các điểm tiếp cư ven thị xã Kontum.
            BẢNG KÊ  :           HAMONG  từ  năm 1956 – 1958[16]

Năm
LM. phụ tráchsố họ đạogiáo dângiáo phu
1951Cha JB. Ng- quang – Huy
1956
nt
6
            1292
9
1957
nt
6
dt.       1194kinh:        64

Năm 1959, Hamòng được di chuyển qua tả ngạn sông Pơkô (nay thuộc huyện Đak-Hà) và lấy tên Hamòng –Dak Uơk (gọi địa sở Dak Uơk)
Ngày 1/1/1968, cha Irênê Nguyễn Bình Tĩnh về đảm nhận địa sở Võ Định thay cha Gioakim Nguyễn thúc Nên, và sau khi cả địa sở Hamòng không có linh mục tại chỗ, cha đã kiêm nhiệm Dak Uơc. Theo lịch địa phận năm 1970 số họ đạo và giáo dân như sau:

1958
Antôn Ngô đình Thận



1965
nt
5
dt.       1416
Dự tòng: 2
1968
Irênê Nguyễn bình Tĩnh



1970
nt
5
Dt.      1150
Dự tòng: 52
1971
nt
3
Dt.      1114
Kinh:    230

                                                                       
            
           III – NHỮNG BIẾN CỐ THỬ THÁCH LÒNG TIN TRONG GIAI ĐOẠN  1973- 2009.
A – THUỘC ĐỊA SỞ DAK KÂM (1973 –1995).
Nhìn tổng quát: Về mặt giáo phận, 1972, vì thiếu các linh mục nên nhiều lúc một linh mục phải kiêm nhiệm hay quản lý một số địa sở di tản về địa bàn gần thị xã như cha Giuse Nguyễn đức Chương phụ trách Dak Kâm kiêm các địa sở lớn như Kon Trang Mơnei, Hamòng-Dak Uơk . . .
1 – Sau biến cố mùa hè đỏ lửa năm 1972, tất cả các địa sở  trong tỉnh phải di tản về tạm trú quanh thị xã Kontum. Khi thành lập địa sở Dak Kấm vào ngày 23/10/1973, chánh xứ cha Giuse Chương, có  19 làng trong đó có 4 làng Hamòng.
2 – Địa sở Hamòng gồm làng Hamòng Dak Uơk (tòng giáo năm 1924), Hamòng Dak-Yo (tòng giáo 1899), Hamòng Kơtu (tòng giáo 29/07/1897), Hamòng Kơtol (tòng giáo 25/08/1897). Có gốc từ Jrai pơlei Sar (xã Ia Chim ngày nay) đến ở suối Dak Hmòng như đã trình bày trên. Họ nói tiếng Rơngao, nói hơi khác với dân Kontrang. Ngoài 4 làng gốc Hamòng còn có Dak Mut, làng này nói tiếng Bahnar tòng giáo 1901, làng Kon Gung tòng giáo năm 1898 có một thời kỳ thuộc địa sở Hamòng. Hai làng sau  này cũng trực thuộc địa sở Dak Kấm trong giai đoạn nói trên.
3 –Sau biến cố 1975, một số làng không về quê cũ, như Kontrang Mơnei không được về vùng Võ Định, nơi sẽ lập thị trấn Dak Hà mà phải định cư tại xã Dak La (gần Ngô Trang). Các làng Hamòng về nơi cũ. An ninh dần dần ổn định, công ăn việc làm dù khó khăn nhưng cũng có chiều hướng rõ nét là tự cung tự cấp lấy sức lao động “đổ mồ hôi xót con mắt” làm ra cơm bánh mà ăn. Giáo dân dân tộc các làng thuộc địa sở Hamòng về làng cũ phía bên tả ngạn sông Pơkô trực thuộc cha Giuse Nguyễn đức Chương chánh xứ (khi ngài về Kon Rơbang coi sóc 3 địa sở Dak Kấm và Kon Rơbang và Hamòng) cho đến năm 2004 số giáo dân lên trên 15.000 tín hữu. Về sau, cha Giuse được thuyên chuyển về Plei Rơhai và cha sở Plei Rơhai Micae Võ Sự về Kon Rơbang.  Cha sở mới Micae Võ Sự (từ 2004-2005) phụ trách 3 địa sở với số giáo dân 15.000 người. Kế tiếp cha Simon Phan văn Bình (từ năm 2005 đến nay) trực tiếp chánh xứ địa sở Hamòng khi các làng này được chánh quyền địa phương di dời về phía hữu ngạn sông Pơkô nơi cư trú hiện nay (thuộc huyện Sa-Thầy).
  Các làng Hamòng đã di tản dần dần hầu như trở về nơi lập cư trước kia bên  tả ngạn sông Pơkô thuộc địa bàn huyện Đak Hà. Mặc dù, linh mục chánh xứ Giuse Chương trong suốt thời gian gần 30 năm (1975 – 2005) không thể dâng lễ tại địa sở Hamòng của ngài được. Nhưng mỗi làng cố gắng làm một nhà nguyện bằng tranh để đọc kinh hôm sớm dứơi sự điều động của các Yao phu và các bà mẹ gia đình. Nhờ đó địa sở Hamòng nói chung tương đối đứng vững trong lòng tin. Tuy nhiên, vắng bóng chủ chăn tại chỗ lâu năm, nên “nước đắng” dần dần xâm nhập vào cánh đồng lúa nên một số giáo phu  như một số gia đình bị chao đảo trong sự hiệp nhất và trong phụng tự.


                        

  


 4 – Theo nơi cư trú năm 1999, các làng dọc bờ sông Pơkô từ bắc xuống phía nam giáp sông Dak Bla thứ tự như sau:
a/  Từ bắc: hữu ngạn sông Pơkô có Dak Mốt, đến  Dak Rao II gần suối Dak Tơkan.
b/ Hạ lưu suối Dak Tơkan, bên tả ngạn Pơkô, có  nhà thờ Dak Rao I.
                                             Bên hữu ngạn Pơkô có Kon Rơtu II,
                                             dịch xuống phía nam một tí có Kon Rơtu I (giáp Krong Psi)
c/ Hạ lưu  Krong Psi, bên tả ngạn sông Pơkô có 3 làng từ trên xuống:
                                 - Dak Kung;
                                 – Kon Gung;
                                 – Dak Mut.
d/  Hạ lưu  Dak Ui có 4 làng thuộc địa sở Hamòng xưa kia:
                  – Dak Uơk;
                  – Dak Yo;
                  – Hamòng;
                  - Plei Tôl.
Theo kiểm tra số giáo dân vào năm 1998, nhân kỷ niệm 150 năm (1848 -1998) truyền giáo Kontum,  số giáo dân 4 làng Hamòng như sau:
Hamòng Dak Uơk có 730 tín hữu;
Hamòng Dak Yo có 520 tín hữu;
Hamòng kơtu có: 310 tín hữu;
HAMÒNG KƠTOL CÓ  553 TÍN HỮU;

B – DI CHUYỂN MỘT SỐ LÀNG THUỘC ĐỊA SỞ HAMÒNG VỀ PHÍA HỮU NGẠN SÔNG PƠKÔ, VÀO SÂU NỘI ĐỊA.
1 – Để xây dựng thủy điện trên dòng sông Pơkô, chính quyền địa phương buộc lòng phải di dời một số làng nằm vùng trũng, nguy cơ bị ngập trong lòng hồ thủy điện, trong số đó có Hamòng Kơtu, Dak Uơk, Dak Yo và Dak Kơtol. Nhiều tháng vận động dân chúng, và có giải tích của các linh mục về lợi ích khi làm thủy điện, nhất là Đức Giám mục cũng như các linh mục yêu cầu chính quyền địa phương phải đền bù thỏa đáng cũng như giữ được bản sắc dân tộc như làm nhà rông, nghĩa địa, nơi sinh hoạt công cộng. Đây là các làng là người công giáo từ xa xưa, cần có linh mục cũng như nữ tu để giúp cho dân làng ổn định mặt tôn giáo và bảo đảm môi trừơng sinh thái cũng như sinh sống của các làng sắp di dời.
 - Chính quyền địa phương dần dần thực hiện những cam kết, như xây dựng các nhà thờ hầu như giống nhau, cho phép linh mục Simon Phan văn Bình cũng như các nữ tu đến để phục vụ người dân tại chỗ. Tuy nhiên, nhiều nhu cầu còn bất cập, như thổ cư còn hẹp, đền bù bằng tiền mặt, họ không biết xử dụng tiền làm lợi mà tiêu xài trong những việc vô bổ như mua xe honda, ăn chơi, đáng lý ra đền bù bằng tạo cánh đồng nước, nương rẫy rộng đủ đáp ứng nhu cầu sinh sống, có một nghành nghề tương xứng, chính vì vậy nhiều tệ đoan xã hội trong giới thanh nhiên nổi cộm lên.
3 – Hiện nay (2009): hai cha phụ trách  5 họ đạo: cha Simon Phan văn Bình và cha phó là Giuse Hà văn Hường, với số giáo dân: 4700.
Dak Uơk: số giáo dân trên 1000 người, trên 250 hộ; có 2 Yă giúp: đó là Yă Mélanie Brinh, thuộc địa sở Kon Jơdreh, làng Kon Mơnei Kơtu, khấn lần đầu năm 1981 và Yă Phanxica Y Guanh, thuộc địa sở Kon Rơbang, khấn lần đầu vào ngày 27/11/2008;
      Có 3 chú yao phu: Chú Lăih (hưu); chú Wâu và chú Jut.
Hamòng Kơtu lên định cư tháng 5/ 2005. Có yă Christian Nia, thuộc địa sở Dak Kơdro, xã Psi, khấn lần đầu 1969 lên phục vụ từ  tháng 11 năm 2005, và yă    Y Khăn, thuộc Dak Kơdem.
         Có chú Nher phục vụ.
Dak Yo : Không có nữ tu giúp, có  4 chú yao phu: Chú Leng, Chú Triu, chú Hyưn và chú Dơuh.
Plei Tol : Không có yă giúp. Có 2 yao phu : Chú Tưn và chú Kiu.
Plei Kơbei: có các yă : Dòng MTG Xuân Lộc; Yă Ngọt; yă Anh và yă Nga.
          Có 2 chú yao phu: Chú Hyưnh và chú Ngiu.
  
Nhà thờ Hamòng Kơtu  Nhà thờ  Dak Wơk     Nhà thờ Plei Kơbei
C – MỘT SỐ NGƯỜI PHẢN ĐỐI  TỪ ĐẤT ĐAI ĐẾN LÒNG TIN

Chính quyền địa phương di đời một số làng ngập trong lòng hồ thủy điện Pơkô và đền bù thỏa đáng, thì có một số gia đình không nhận tiền đền bù, không di đời nhà, không nhận nhà xây dựng dành cho các gia đình bên hữu ngạn, nói cách khác người không hợp tác, tẩy chay. Khi lực lượng an ninh đến, các gia đình trốn chạy vào rừng bất chấp thời tiết gió mưa, mặc kệ cho con cái nheo nhóc, bất chấp con cái bệnh tật, thất học. . .

Từ khía cạnh phản đối về việc nhà nước thu hồi đất đai, chuyển dần qua đồn thổi về hiện tượng  “phép lạ Đức Mẹ hiện ra với bà Ghin và mạc khải cho bà bằng thị kiến”,  bằng nghe Đức Mẹ nói và bà nhờ ngừơi đánh vi tính phổ biến nội dung đó, lôi kéo một số tín hữu người kinh, ngừơi dân tộc những làng chung quanh lên vùng tượng Đức Mẹ Hamòng, được mệnh danh là Đức Mẹ Hamòng, đạo Hamòng. Nội dung được gọi là mạc khải của Đức Mẹ có khá nhiều điều cần nghiên cứu, xem xét lại vì trái với nội dung đức tin truyền thống của Giáo Hội. Mới đây, một số người dân tộc tại Kon Hngo Kơtu, xã Vinh Quang thành phố Kontum đi thăm bà con gần tại Hà-mòng, cho biết:  trong nhóm “hiện tượng Hamòng” đã ảnh hưởng đến lối sống hôn nhân lành mạnh của người dân tộc Tây Nguyên, làm suy thoái đến đời sống luân lý. Một số theo Hà-mòng cho rằng bỏ chồng bỏ vợ để sống chung với người khác trong nhóm được kể là không tội lệ gì ! Đây là hiện tượng ly khai tôn giáo thường xảy ra trước đây, do nhiều động lực nằm phía sau hiện tượng lèo lái, nhưng chưa thấy lối sống vô luân như trong một số trường hợp này. Chúng tôi sẽ trình bày những chuyển biến hiện tượng Hamòng trong một chuyên đề đặc biệt khác.

PHẦN KẾT:
Người dân tộc một mặt hay thay đổi, không kiên trì, nhút nhát, nhưng mặt khác trong diện niềm tin họ rất kín đáo và kiên vững, không gì lay chuyển được chỉ vì họ sợ gặp tai họa khổ đau do bất trung với thần yang đã được giao kết. Rất có thể một số người lợi dụng tuyên truyền bằng ghép lợi ích vật chất cộng thêm áp lực tinh thần nếu không tuân thủ. Tuyên truyền đại loại trên mạng thư điện tử, các loại tờ bướm rơi hoặc chuyền tay nhau, viết thư cho nhau phổ biến khá nhiều trong những năm qua tại vùng dân tộc như Kon Hngo Kơtu, Plei Tơngia, Kon Rơbang, Phương Quý . . . . nơi tôi  phụ trách và nhiều nơi khác nữa. Họ chỉ là nạn nhân, muốn sống yên ổn. Chính vì thế, các linh mục không kết án, không xua đuổi họ và giáo dục anh em dân tộc tín hữu cầu nguyện cho họ và liên hệ với  nhau trong giờ cầu nguyện chung, giúp đỡ nhau. Hiện nay, tình thế tạm ổn, một số anh em giáo dân từ từ vui vẻ và quan hệ buôn làng trong vấn đề làm ăn, giao hảo nhiều mặt ngày càng tốt hơn. Cha sở một mặt qui tụ số tín hữu trong họ đạo đọc kinh, giảng giải kinh thánh, dạy giáo lý, nhất là có những khóa linh thao cho các giới, và đạt những thành quả không ngờ. Ơn Chúa luôn dư đầy cho chúng ta. Chỗ nào có tội lỗi nhiều, chỗ đó ơn Chúa dồi dào, nếu chúng ta biết nương tựa vào Người.


Phương Quý, ngày  01 tháng 03 năm 2010
LM. GIOAKIM NGUYỄN HOÀNG SƠN


[1] Xin xem  “Xứ Đàng Trong”, Lịch sử Kinh Tế – Xã hội Việt nam thế kỷ 17 và 18, NXB Trẻ năm 1999, trang 180tt. X. Poivre, Journal, trang 439 ; Biên Phủ quyển 6, trang 243 ; quyển 4, trang 5a – 5b ; xem Hickey, « son of Moutains » trang 210.
[2] Xin xem  Echos “La Mission des Pays Mois” en 1937,  Vicariat Apostolique de Kontum (Annam)
[3] Xin xem “Mở đạo Kon-Tum », nhà in Quinhơn, năm 1933 trang 159 tt
[4]   Xin xem  Echos  tháng 5-6-7 năm 1949.
[5] Xin xem  chương X, bản dịch “Dân Làng Hồ”, Nhà xuất bản Đànẵng, năm 2008, trang 96.
[6]   Xin xem Echos tháng 6 năm 1948. Xin xem thêm về tiểu sử của cha Poyet lưu trữ tại văn khố MEP và tiểu sử Đức Cha Jannin trong  văn khố của MEP, số [1924].
[7]  Trích trong  « Echos de la Mission »  tháng 02 năm 1847, trang 6-8
[8]  Xin xem  « Echos tháng  6 năm 1948
[9]  Xin xem « La Mission des Pays Mois » en 1937,  Viacariat Apostolique de Kontum (Annam).
[10]  Tuy nhiên còn những phần sổ rửa tội địa sở Hamòng thất lạc.
[11]  Xem Echos tháng 06 năm 1948.
[12]    Xem chức dịch thư tín, năm 1935, trang 481.
[13]   Xin xem  « Echos  của  vùng truyền giáo Kontum », tháng 6 năm 1948.
[14]   Xin xem « Chức dịch thư tín » năm 1937.
[15]  Xem lịch địa phận  năm 1958
[16]  Theo « Bôl De Iao Phu » năm 1956 và lịch của địa phận năm 1958.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét